Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

TẰM LÊN NÉ

XUÂN TÙNG

              
Lâu nay khi nói đến Bách Thuận, một số người thường nghĩ đó là một vùng đất sa bồi dọc ven sông Hồng có một thế mạnh về kinh tế vườn. Bởi vườn nhà nào của Bách Thuận cũng trĩu cành cam, quít, táo, hồng...Nếu kể đến nguồn lợi hoa ngâu, các loại rau đỗ và cây thuốc thì càng phong phú hơn nhiều. Do đó người ta có thể chưa thấy đến một thế mạnh nữa của Bách Thuận, trong đó nghề trồng dâu nuôi tằm là chủ yếu.
          Danh từ Bách Thuận có phần lạ lẫm đối với một số người đã từng quen thuộc vùng đất này. Bách Thuận chính là Thuận Vi trước đây đã nổi tiếng một thời về những vườn cây ăn quả và nuôi tằm ươm tơ với hợp tác xã Trung Hoà, năm1964 được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động và là lá cờ đầu trồng dâu nuôi tằm toàn miền Bắc. Thuận Vi giờ sáp nhập với Bách Tỉnh, Thuận Nghiệp tạo ra thế chân kiềng một Bách Thuận đẹp giàu với nền kinh tế vườn và "nông tang vi bản", năm 1976 xã Bách Thuận lại được tặng thưởng Huân chương Lao động lại là lá cờ đầu phong trào trồng dâu nuôi tằm trong toàn quốc.
          Xã Bách Thuận được hình thành cách đây hai trăm năm: Làng hình thành từ lớp lớp bùn nâu/ Cho cây táo mời chim về hót trái/ Cho tiếng hát óng vàng tơ lụa/ Cho dọc ngang đường lớn đón xe về.
         
 Ấy thế mà nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây đã có khá lâu đời, từ cái làng Gòi xa xưa nằm bên kia sông Hồng đã di địa sang bên này sau ngày Nam Định đảo con sông Vị Hoàng, vốn có tên chữ là Thuận Vi và có nghề tằm tơ truyền thống. Điều này càng được xác nhận khi tình cờ tôi được đọc cuốn thần phả trong ngôi miếu của xã có câu "Hiểu cao thần dân đốc chi nông tang".
          Cũng như nhiều vùng quê khác, Bách Thuận trước đây trồng dâu nuôi tằm nhằm tự cung tự cấp cái ăn, cái mặc trong địa phương. Dưới chế độ của ta, mọi người cũng đã thấy tầm quan trọng của cây dâu và con tằm trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng thực tế cũng chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức. Gần đây do nhiều yếu tó chủ quan và khách quan, nhà nước mới có chỉ thị 408 đề cập đến sự phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong cả nước. Chúng tôi về thăm Bách Thuận vào độ cuối xuân. Cả xã đang rộn ràng vào lứa tằm đầu mùa. Trong hai mươi bốn đội sản xuất, đội nào cũng có buồng nuôi tằm. Đội ít nhất cũng có mười buồng, đội nhiều nhất tới năm chục buồng. Toàn xã có trên một ngàn buồng nuôi tằm, con số không hề nhỏ so với nhiều xã khác. Khi nói chuyện với bà con, chúng tôi được biết trước đây giá thu mua sự khuyến khích sản xuất như cung cấp vật tư, giúp đỡ kỹ thuật của nhà nước cũng có nhiều hạn chế nên bà con không hồ hởi trồng dâu nuôi tằm. Hơn nữa, trước đây hợp tác xã quản lý mọi khâu nên cây dâu chết dần. Xã viên lo chăm trồng những cây khác có lợi hơn. Nhưng nhờ khâu tháo gỡ chung trong nền kinh tế hiện nay, từ năm 1981, hợp tác xã Bách Thuận thực hiện khâu khoán sản phẩm trong việc trồng dâu nuôi tằm. Chính sách mới có thưởng, có phạt nên bước đầu đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng tơ kén. Bà con phấn khởi nên xu thế trồng dâu nuôi tằm trong toàn xã lại phục hồi phát triển.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

LƯU TRỌNG LƯ

Ngâu

NT Lưu Trọng Lư
Ta đi giữa những đường ngâu
lòng ta thở hương ngâu vàng thơm ngát
hương ngâu ủ những cánh chè tươi mát
hương sẽ bay trên những đồng tuyết trắng phau

Ta đi giữa những đường ngâu
nhớ bóng con chim rừng Tây Bắc
lông đẹp, mỏ xinh, giòn tiếng hát
giữa trời xuôi, phần phật cánh chim bay

Theo chồng chị Viễn về đây
làm bí thư phụ nữ
vì không nghe giặc dữ
hạ ngọn cờ sao
giặc bắn giữa cành ngâu
con chim đẹp quê hương ta đó

Ôi, hoa ngâu vàng lặng toả
hương người con gái hái ngâu.

                                      1965



XUÂN TÙNG

Sông Lắng Sa

Quê em có dòng Lắng Sa
tạo nên vùng đất bao la đẹp giầu
ngọt thơm vườn quả đồng màu
đôi bờ hoa táo hoa ngâu soi mình

Bốn mùa cây trái lung linh
cho chim cùng với dập dình hương bay
mật hoa lảo đảo ong say
những ai đã tới vùng này cũng mê

Phù sa theo nước đi về
ngàn dâu chảy dọc theo đê sông Hồng
Lắng Sa có những hai dòng
đắp bồi đã tạo nên đồng hôm nay

Lắng Sa dòng trước dòng sau
giữa làng như dải lụa màu thiết tha
sông Lắng Sa lắng phù sa
còn anh, lòng lắng lời ca quê mình

Thoáng đà nặng nghĩa nặng tình
với em anh cũng hoá thành Lắng Sa

                                                          2/1982



Bách Thuận

Xưa nơi đây đâu đã có làng dâu
bạn với sậy lau là chim muông hoang thú
lều chăn vịt ai về tạm trú
đã nghĩ ngày mai sầm uất xóm làng

Dọc triền sông ngọn gió cứ lang thang
lạc lõng sớm trưa tiếng cò tiếng vạc
một túp lều giữa sa bồi bát ngát
chưa đủ bình yên cho đất ấm hơi người

Trên sông Hồng bao nhiêu bận ngược xuôi
làng hiện lên từ nước duyềnh đìa nổi
lầy ngập bụng đẩy con thuyền khai lối
cho hôm nay thành Bách Thuận đẹp giầu

Làng hình thành từ lớp lớp bùn nâu
cho cây táo mời chim về hót trái
cho ngôi nhà giữ tình người ở lại
cho dọc ngang đường lớn đón xe về

Gái trai cười đùa vượt đất đắp đê
ao hợp tác nghe đàn cá quẫy
câu hát cũ vót lên từ ruộng cấy
có lúc ngỡ quên, bỗng sực tỉnh bàng hoàng

Dòng sông Lắng Sa cầu bắc ngang
líu ríu đôi bờ đàn vịt lội
ngâu soi bóng cùng xum xuê táo ổi
và mênh mang dâu bãi xanh bờ

Bóng áo ai lẫn mầu vàng tơ
đón mặt trời lên mắt cười lúng liếng
suối tóc mượt ướp  hương vườn gió quyện
nghe bâng khuâng ai hát ngỡ em mình

Quê của em bỗng chốc hoá quê anh
sông cứ chảy cho phù sa bịn rịn
để Bách Thuận một lần anh đến
nửa trái tim gửi lại nơi này          
                                                2/1982



SINH THÀNH

Qua quê tằm

Anh qua biết mấy nơi rồi
mỗi quê riêng một khoảng trời anh yêu
quê tằm, nơi vẫn yêu nhiều
bởi con tằm cứ nói điều tơ vương

Bởi người dệt ãi nhớ thương
cái nong, cái né cứ ươm mùa vàng
tiếng thoi chạy khắp đường làng
để chân anh cứ vội vàng đuổi theo

Tim mình nói vạn lần yêu
đến đây thật mới gặp điều đầu tiên
nắng vàng từ đất nắng lên
bốn mùa cái kén giữ nguyên nắng vàng

Xa quay làm nhịp thời gian
đường vui cho phút ngỡ ngàng dài thêm
ước gì ở lại cho quen
để anh nghe kể chuyện em chăn tằm

                                                          Thuận Vy, 1971






PHAN THỊ THANH NHÀN

NT Phan Thị Thanh Nhàn
Chợ Tết Thuận Vy

Chợ họp ngay trong sân nhà uỷ ban
người bán, người mua đều là phụ nữ
gió nói gì mà má em hây đỏ
mẹ ăn trầu môi cắn chỉ thêm tươi

Chợ có gì đâu, sản vật của làng thôi
táo Thuận Vy chỉ nhìn đã ngọt
ngâu Thuận Vy chưa hái càng thơm
tôi từ xa nghe nức tiếng đồn
trăm cây số đạp về thăm làng nhỏ

Trái cam kề bên hạt lúa
gà mái tơ nằm cạnh ổ trứng tròn
hàng kẹo vừng ríu rít trẻ con
tiếng pháo nổ râm ran xóm chợ

Tết chưa đến mà lòng nao nức quá
chẳng mua gì chân cứ bước quanh co
một mình đi lạc giữa vùng thơ
trái chín hương thơm miệng cười cởi mở

Tôi bối rối bỗng thấy mình mắc nợ
bao đêm sương dày ngày nắng Thuận Vy
mưa bay mưa bay xao động trời quê
cái thôn lạ tưng bừng phiên chợ Tết
người bán người mua quanh năm tất bật
cho tôi về hưởng trọn niềm vui

Má hồng em, tươi nhánh miệng mẹ cười
tôi đứng trước tấm lòng hồn hậu quá
đâu những mưa nắng lo toan những tháng ngày đạn lửa
không gian đầy hoa trái sắc thơm

                                                          02/1971



VŨ ĐÌNH MINH

Tôi người xứ bãi về quê bãi
NT Vũ Đình Minh

Làng tôi cũng ở bãi sông Hồng
cũng bồi, cũng lở, cũng lũ giông
cũng mênh mông nước mùa tháng sáu
vườn hoá cồn xanh, ngô hoá sông

Vai nhô vực đất lên vườn tược
áo bợt theo mùa, áo đổi thân
gia tài truyền lại đôi sọt đất
cây cối lên xanh, tóc bạc dần

Tôi về Bách Thuận thăm nhà bạn
chân chạm phù sa đã thấy thương
cây xanh như thể thời thơ ấu
áo chạm vào cây phảng phất thơm

Đất chật nên cây xích lại nhau
táo, cam, hồng, bưởi tiếp hàng ngâu
dâu gài nên dậu, dâu xanh bãi
mát mẻ phù sa bát ngát dâu...

Chuyện đời giông lũ thành tri kỷ
biết đổ mồ hôi mới quý vườn
bàn tay vun đất chăm vun xới
bổ quả ra chừng mọng nước hơn

Chỉ chuyện gieo trồng mà mê mải
mới dăm chầu thuốc đãi tàn canh
nghe mưa thầm thĩ giăng qua bãi
ngỡ thể tóc mình cũng trở xanh...

Có cây bưởi đỏ đem về tặng
làm vườn, quả chỉ giống cây thôi
Tết thêm hương sắc trên mân quả
để nhớ người xưa vã bãi bồi

                                                02/1982




TRẦN LÊ VĂN

Hoa quả Thuận Vy
NT Trần Lê Văn

Về Thuận Vy anh mê gì nhất?
mê nhất dòng sông đi bên nương dâu?
- Không phải đâu!
sông với dâu tôi thương được gặp

Nếu vậy, về đây anh mê gì nhất?
mê nhất cây táo già đứng với cây ngâu?
- Không phải đâu!
cây táo cây ngâu tôi vẫn thường được gặp

Nếu vậy về đây anh mê gì nhất?
mê nhất xóm thôn mái ngói tươi màu?
- Không phải đâu!
mái ngói mới tôi vẫn thường được gặp

Nếu vậy về đây anh mê gì nhất?
- Tôi mê nhất dáng người vững gốc như cây
thuận nắng thuận mưa trên nét mặt nét mày
lòng ngỏ cửa như nhà ngỏ cửa

Hoa và quả, ở đây ở đó
thường gặp trên đường đời
nhưng Thuận Vy sao bỗng thổi vào tôi
luồng gió mạnh thơm lành hoa quả

                                                Tháng 6/1983




MAI HỒNG NIÊN

NT Mai Hồng Niên
Từ một bãi bồi

Người chủ nhiệm nói về quê bằng truyền thuyết vùng làng
thức dậy câu ca chảy cùng năm tháng
dải đất hong cỏ ngập bờ bến vắng
ngã ba Tuần Vường đêm thuyền chẳng dám xuôi

Người đến tìm làng không chỉ đổ mồ hôi
bao lần giao tranh, kẻ còn người mất
theo gió cánh diều bay ngang bay dọc
vết cây chuối kéo qua thành mương rạch bây giờ

Sống một đời lầm lũi nắng mưa
người chăn vịt làng Gòi ngày ấy
đàn chim bay về mà thiếu cây đậu lại
sóng quanh năm, gió thổi ngập bốn mùa

Từ bãi bồi năm xưa
giờ đầy tiếng chim chuyền mỗi sáng
tiếng chim gọi mùa, tiếng chim gọi bạn
trời cứ xanh giữa màu lá, màu mây

Truyền thuyết xưa và câu chuyện hôm nay
người đến dựng làng, sông thức chưa ngủ
biết đất lành, chim gọi đàn làm tổ
mở lối sang ngày, chuyền trong lá, trong cây...


                                                Thuận Vy – Hà Nội, 12/06/1983

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

TIỂU DẪN VỀ MỘT DÒNG SÔNG

VŨ BÌNH MINH

         
 Làng Gòi. Cái tên gợi sự heo hút ở mom sông cuối tỉnh Nam xưa.
          Đang đêm, tiếng đất nở xuống sông ầm ầm, làm những tấm liếp che rung lên bần bật, dân cả làng Gòi giật mình tỉnh giấc. Lại một khoảnh đất to hàng mẫu nữa trôi theo dòng nước ngàu đỏ kéo theo những nương dâu, những luống mía, luống ngô non. Tiếng vạc kêu khắc khoải ngoài mép nước buồn như tiếng kêu mất tổ. Không ai ngủ lại được nữa. Tiếng sông chảy vật vã xói vào mé bãi xót lòng người. Đêm loãng và nhạt thèo trong ngôi nhà lợp lá mía lụp xụp và rỗng rễnh của người đói. Con sông Hồng như một kẻ hiếu động vùng vẫy giữa hai bờ đê tìm hướng đổi dòng. Người ta dỡ nhà, khiêng giường chõng túm tụm dạt vào phía rìa đê. Đất! Tiếng kêu khẩn thiết, khát khao cha truyền đời con, vợ nói với chồng. Người ta mổ lợn, mổ trâu lập đàn tế thần Hà Bá. Nhưng dòng sông vô trị vẫn táo tợn phăm phăm hắt ngọn nước vào làng. Của cải vườn tược, hài cốt của cha ông bị con nước quái ác cuốn đi mất hút. Khi không còn đất đứng chân nữa, người dân làng Gòi nghèo đói nghĩ đến tìm đất sống.
NGUYỄN THÚY HẰNG

Gửi người trở lại Thuận Vy


Nhớ ngày người đến Thuận Vy
Vườn đang kết nắng lối đi hương rào
Cây tầng thấp cây tầng cao
Ríu ran chim hót, xôn xao ong đùa
Ngọt ngào giọt nắng giọt mưa
Lặn trong chùm quả đong đưa tự tình
Ngàn đời cái gió biếc xanh
Dạt dào sóng lá, long lanh hương vườn.
Tưởng như sóng gió vô thường
Không bao giờ đến được vườn Thuận Vy

Hôm nay ngưòi mới trở về
Với màu xanh mệt xanh mê vui buồn
Người ơi trở lại làng vườn
Cùng tôi ướp lại mùi hương một thời
Thuận Vy giờ khác xưa rồi
Tình người thì vẫn muôn đời cỏ cây
Như là hai đứa mình đây
Lòng còn xanh mãi với ngày xưa xa.


Hương sắc tháng Ba


Có gì đằm sâu trong câu hát em
Làm chín mọng những chùm quả ngọt
Có gì bồi hồi trong tiếng chim đang hót
Tươi mát ngọt ngào hương sắc Thuận Vy

Vườn tiếp vườn anh dắt em đi
Dưới vòm cây xanh tay trong tay bối rói
Ơi cái gió ngàn năm không có tuổi
Thương nhớ dạt dào trong sóng lá lao xao

Tình yêu đầu như nắng mới trên cao
Nắng tựa mật ong trong sắc tơ vàng óng ả
Nắng làm thắm môi em, nắng hồng thêm đôi má
Mắt em ngời những đốm nắng lung linh

Bản nhạc làng vườn xao xuyến mông mênh
Có tiếng ve rang rang gọi mùa hè đến sớm
Tu hú kêu rụng trái hồng xiêm muộn
Trời đất giao mùa ngân khúc hát mêng mang

Tháng ba nồng nàn sâu lắng phải không em
Hoa gạo nở cháy bùng lên sắc đỏ
Dâu mỡ màng non chạm vào là ứa nhựa
Nhịp sống phập phồng, mâng mẩng giữa ngàn cây

Hương đất tình người hoa trái nơi đây
Ru ta lạc giữa vùng huyền thoại
Tháng ba ơi xin tháng ba ở lại

Thắp ngọn lửa hồng cháy sáng mãi trong nhau.

NHỮNG NGƯỜI GIẦU CÓ

NGUYỄN THÁI VẬN


         
Đến Bách Thuận, sau buổi làm việc đầu tiên với các đồng chí lãnh đạo xã, tự nhiên lòng tôi thanh thản lạ thường. Tôi ngắm mãi lá cờ đỏ và tấm bằng khen do chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tặng đơn vị có thành tích xuất sắc chăm sóc thiếu niên nhi đồng. Ngồi trong nhà, tôi nghe mơ hồ như có tiếng êm ái thân thiết đâu đó rủ đi dạo mát. Đấy là tiếng bầy chim ríu rít gọi nhau về ngủ trong một vòm hoa táo? Hay tiếng quẫy ngầu đục phù sa của đàn cá ao nhà? Hay là tiếng màu xanh cây vườn lấp lánh kỳ ảo trong nắng bãi ngả chiều và trong lao xao gió một triền sông? Tôi thẫn thờ bước trên con đường trục. Chân tôi bước đi, hay hai bờ ngâu hương đang chín dắt tôi đi? Tôi bắt đầu lây cái thanh thản hồn nhiên của đất đai và cây trái làng Bách Thuận này. Đất bận rộn bồi tụ phù sa, xới vun, tưới tắm mà lúc nào trông cũng thênh thênh mát mắt nhìn. Rễ cây cặm cụi kiếm ăn trong đất, cành thai nghén nảy chồi đơm hoa kết trái mà cứ suốt ngày soi gương mặt ao và thầm thào hát ru với gió với chim. Người Bách Thuận chạy đua bốn mùa với đất với cây mà phong độ cũng thư thái như đất như cây. Người Bách Thuận biết đào sông đưa phù sa trẻ vào vườn ruộng, biết cách làm cho cây cối luôn sinh sôi những mầm non rồi dào sức sống, người Bách thuận còn biết dành trọn lòng mình cho con em. Phải chăng, vì thế mà họ yên tâm thanh thản?

HƯƠNG MỘT VÙNG PHÙ SA

VÕ VĂN TRỰC


         
Tiếng bà ru cháu đều đều dưới gốc táo: cháu là trái ngọt hoa thơm... Chiếc võng đu đưa. Từng giọt nắng mềm rải lấm tấm xuống đất. Đứa bé ngủ lịm trong lời ru, trong nắng ấm, trong hương cây và trong hơi phù sa rời rợi mát... Lời ru ấy vang vọng đã bao nhiêu thế hệ rồi. Và còn còn bao nhiêu thế hệ ấy đã nối tiếp nhau để tạo dựng lên làng Thuận Vy trù phú trên bãi sông Hồng. Cho tới hôm nay, một Thuận Vy đẹp như tuổi mười lăm, khiến khách nước ngoài vừa bước chân đến đã sững sờ thốt lên: “Thật là một làng bãi hiếm có”.
          Cũng là làng bãi hiền từ thế thôi. Màu lá chuối xanh đặc hơn màu lá chuối trong đồng. Mầm măng bậm bạp hơn mầm măng trong đồng. Con gà chân vàng hơn con gà trong đồng... Nhưng khác tất cả các làng bãi, Thuận Vy bốn mùa dậy hương cây. Thời gian ở đây trôi trong sắc màu của lá, trong hương thơm của hoa của quả và trong âm thanh của ong bướm, chim muông.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

CHÙM THƠ CỦA CÁC CÂY BÚT THIẾU NHI

Vào những năm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước Hội VHNT Thái Bình có tạp chí Búp trên cành để giới thiệu những sáng tác VHNT của những cây bút thiếu niên nhi đồng ở địa phương. Ngoài ra hàng năm vào dịp nghỉ hè, Hội còn mở những trị bồi dưỡng năng khiếu trẻ cho những cây bút trẻ ở các trường học. Trong rất nhiều các trại bồi dưỡng đó, các em được về thăm vùng xanh Bách Thuận. Và cũng như những cây bút đã thành danh, các em đã để lại rất nhiều tác phẩm viết về mảnh đất này. Dưới đây là những bài thơ của các em được chọn in trên tạp chí Búp trên cành thời ấy.


BÙI THỊ THANH HUYỀN
(Nguyên HS lớp 8 trường cấp III Kiến Xương)

Chợ trên sông

Mùa nước lớn
làng Thuận Vy thành biển mênh mông
làng dưới làng trên về họp chợ
tất cả bằng thuyền

Tiếng nói cười ồn ã khúc sông
hương trái chín ngọt đôi bờ cỏ
thuyền to thuyền nhỏ
cứ bay về như những mảnh trăng vui

Lấp lánh trắng hồng là những thuyền roi
trông hiền đẹp như em bé ngủ
em lắng nhìn ở đó
dòng Lắng Sa âu yếm vỗ về

Xanh mơ màng là những thuyền chanh
mới nhìn đã thấy chua đầu lưỡi
xanh tươi giòn là thuyền chở ổi
quả hái rồi còn vương tiếng chim kêu

Cô gái Thuận Vy mặc tấm áo nâu
trông giản dị như màu của đất
bàn tay mền tựa nhành lá biếc
giọng ngọt ngào như vị ngọt trái cây

Em đứng nhìn phiên chợ nơi đây
thấy lòng mình mến yêu kỳ lạ
có phải hương trong từng chùm quả
là hương lòng cô bác Thuận Vy
                                                8/1979


Chiếc cầu tre

Đừng trách tôi khi nói về quê
cứ kể mãi chiếc cầu tre nhỏ
đến Thuận Vy bỗng lòng đầy nhớ
chiếc cầu tre nối những vườn cây

Nhớ vô cùng những năm tháng thơ ngây
mỗi phiên chợ ra cầu đón mẹ
thúng đội trên đầu nặng thế
tay vịn cầu tay mẹ dắt tôi sang

Có bao giờ quên được những đêm trăng
bà trải chiếu giã trầu bên gốc nhãn
câu chuyện cổ nghe bao lần không chán
phút tưởng tượng trong đầu có bóng chiếc cầu tre

Bước lên cầu buổi sáng xa quê
nhớ da diết sáng nào tới lớp
tiếng bạn nhỏ rủ nhau đi học
vui vui vườn cây trái xum xuê

Đừng trách tôi khi nói về quê
cứ kể mãi chiếc cầu tre nhỏ
xa quê rồi lòng tôi vẫn nhớ
nhịp cầu tre nối liền nhịp cuộc đời

                                      02/8/1979


PHẠM THỊ LAN ANH
(Nguyên HS lớp 7A trường THCS Hồng Việt, Đông Hưng)

Buổi sớm ở Thuận Vy

Ôi bầu trời Thuận Vy
sao hôm nay lạ quá
màu trời và màu lá
ai đem hoà vào nhau

Đất phù sa đỏ au
mà sao màu lá biếc
có phải tiếng chim hót
đánh rơi hạt sương tròn

Nắng bừng qua kẽ lá
như những đồng xu con
trên cành chùm táo non
chở vào mùa hái quả

Buổi sớm ở Thuận Vy
sao hôm nay lạ quá
mặt trời và sắc lá
ai đem hoà vào nhau

                                      10/7/1979



LÃ BẮC LÝ
(Nguyên HS lớp 9D trường cấp III Tây Thuỵ Anh)

Hoa ngâu

Hoa ngâu vàng thơm ngát
ẩn dưới vòm lá xinh
như chòm sao lung linh
thêu trên nền trời biếc

Mẹ hái chùm ngâu nhỏ
hái cả ngọn gió thơm
hái cả từng tia nắng
trong bông ngâu vàng ươm

Nhìn sắc hoa tươi non
em gặp điều giản dị
mồ hôi đầm áo mẹ
trẻ lại đất quê hương
                                      Hè 1979


Đường làng

Rặng ổi xanh màu lá
mỡ màng sắc phù sa
vườn ngâu đi khắp ngả
vẫn thơm đầy hương hoa

Mẹ dắt em đi qua
chiếc cầu tre xinh xắn
đặt chân lên mặt đường
hương táo bay ra đón

Đường dọc ngang khắp xóm
viền quanh đảo cây xanh
như người mẹ hiền lành
vòng tay ôm con nhỏ

Bóng người đi qua đó
thúng đội đầy trái thơm
xa quê em vẫn nhớ
con đường làng sớm hôm





PHẠM THỊ HOÀI YẾN
(Nguyên HS lớp 9 trường cấp III Lê Quý Đôn, TX)

Chợ Thuận Vy

Chợ làng họp giữa vòng cây
em đi vai áo quyện đày hương thơm
ổi lê chín nắng trong vườn
để cơn gió cũng lạc đường bay qua.

Táo còn gửi lại chùm hoa
trên cành nghiêng bóng như là soi gương
quả roi trắng trẻo dễ thương
giống như cối nhỏ mẹ thường giã cua
chanh tròn bóng đẹp mà chua
ngày bé vắt bát canh trưa mát lòng.

Quanh em chợ họp vui đông
yên lòng được sống giữa lòng Thuận Vy
                                               
                                      04/8/1979




TRẦN HƯƠNG HUYỀN
(Nguyên HS lớp 9C trường cấp III Lê Quý Đôn, TX Thái Bình)

Nắng Thuận Vy

Mặt trời vừa tỉnh giấc
đã khẽ mỉn miệng cười
mang theo nhiều mảng nắng
rải sắc vàng nơi nơi

Sương đêm hong từng giọt
đậu lung linh trên cành
nắng soi đàn em nhỏ
chơi trong vòm lá xanh

Nắng thơm từng ngõ xóm
trong tiếng hát du dương
nắng thấm vào thớ đất
tươi sắc hoa quê vườn

Ôỉ đang mùa quả chín
nắng vàng lên sắc da
gương mặt của quê ta
nắng về làm gương lớn

                             06/8/1979)


 

NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG
(Nguyên HS lớp 9A2 trường cấp III Lê Quý Đôn, TX Thái Bình)

Chuyện những dòng sông

Bạn có nghe
chuyện những dòng sông đang chảy
sông miệt mài chở nặng phù sa
sông Hồng, sông Luộc, sông Trà
đều lắng trong lòng một truyền thuyết đẹp

Sông Đồn xưa chảy từ lạch hẹp
như chiếc khăn gầy guộc vắt quanh làng
để bóng cụ Trương những ngày tìm đất
như cây đầu mùa một bóng cô đơn

Nhưng hôm nay có thêm dòng sông mới
Lắng Sa ơi cái tên gọi cần cù
bởi bạn chảy từ bàn tay mơ ước
mang hương vườn và cả tiếng mẹ ru.

Những dòng sông bắt đầu từ đâu nhỉ
từ cuộc đời hay mảnh đất phù sa
tôi nhìn những vườn cây bát ngát
muốn hỏi nhiều khi mùa rộ sắc hoa

Thuận Vy ơi đất lên xanh rồi đó
mùa quả ngọt thơm nồng ngọn gió
chắt chiu từ những giọt phù sa

từ những mạch nước ngầm năm tháng chảy sâu xa.

GIỮ NHỮNG MÙA XANH

TRẦN NGUYÊN VẤN



          Hôm mồng 6 tháng giêng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) cách Bách Thuận theo đường chim bay chừng 100 km, chúng tôi được dự lễ tế cờ tại đền thờ Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết, khi đứng lên khởi nghĩa chống bọn thống trị nhà Hán, ngày mồng 6 tháng giêng, Hai Bà làm lễ tế cờ để hôm mồng 7 khao quân trước khi ra trận. Giữa mùi hương trầm ngào ngạt, mười cô gái đầu chít khăn đỏ, mặc áo dài đủ các mầu vàng, đỏ, xanh, lục, người bưng tráp có lồng kính đựng đôi hài, người thành kính dâng hương thơm trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhị, tiếng chuông.
          Hai hôm sau chúng tôi được dự lễ tế ở đền thờ bà Hồ Đề, một nữ tướng của Hai Bà Trưng tại xã Tràng Việt ngoài đê sông Hồng, bên cạnh xã Mê Linh. Không khí trang nghiêm gợi nhớ những năm tháng hào hùng xa xưa của đất nước. Chúng tôi xúc động nổi gai lên khi cúi đầu mặc niệm.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

TRINH ĐƯỜNG

Giữa màu xanh

Lại màu xanh và rừng rực màu xanh
Xanh dàn trải xanh làm nên thôn xóm
Xanh của núi từ ngàn cao mới xuống
Xanh của biển xanh lên ở với người

Táo vây quanh chiếm lĩnh đất trời
Táo che mái táo nghé vào cửa sổ
Táo toả rộng một mùa hoa trắng nở
Đón vào lòng đằm thắm cả thiên nhiên

Những hoa ngâu kín đáo nụ cười duyên
Những dâu bãi hẹn mùa tơ óng ánh
Những gốc quýt chồi cam đang nẩy mạnh
Quả sà trên mặt đất những cành sai

Cả một màu xanh êm dịu lòng người
Xanh lại tóc già xanh vào mắt trẻ
Xanh mặt đất xanh lên không khí
Một màu xanh đầm ấm mênh mông

Tôi bước đi giữa bốn mặt gieo trồng
Giữa bốn bề xuân bốn bề cây cối
Quay bên này thấy hoa, bên kia thấy trái
Nhìn ở đâu cũng thấy mùa màng
Tưởng tìm lâu bỗng gặp được kho tàng
Tưởng hết gạo được ngồi trên đống thóc
Dân ấm dân no suốt một đời mong ước
Bỗng gặp đây làng Bách Thuận thân yêu
Một làng vườn rạo rực đất phì nhiêu
Một làng tằm dâu bao trùm cả xã
Làng ngồn ngộn như một mâm ngũ quả
Bốn mùa trời rộn rã bốn mùa hoa
TôI về đây như về lại quê nhà
Cứ ngỡ mình là người dân Bách Thuận.


VÂN LONG

Dâu tằm Thuận Vy

Nhà thơ Vân Long
Tôi như thuyền – bập bềnh trên sóng lá
Tôi như tằm – mắt ngốn cả triền dâu
Gió lật lá dòng sông dâu cuồn cuộn
Mải miết xanh tới biển của riêng mình...

Điệu múa nghìn đời những ngón tay xinh
Gặp cô gái lần đầu như gặp lại
Có gì mới trên bàn tay em hái
Trong tiếng cười trẻ mãi tự nghìn xưa

Bàn tay em chăn tằm, bàn tay em đào sông
Lắng Sa I, Lắng Sa II, nổi sóng
Cam tiếp táo, mùa tiếp mùa rợp bóng
Bàn tay ai bồi đắp đất cha ông.

Đường nối bãi dâu với nhà tằm
Lá cây nối cây, vườn nối vườn
Đầu trần giữa nắng trưa tháng sáu
Dịu mát lối mòn điệp bóng râm

Tơ ở Thuận Vy được ướp hương
Hoa ngâu thơm, thơm quả chín vườn
Khách xa có lạ mùi hương ấy
Xin ghé về thăm nơi đất vườn.

                             12/6/1983




NGUYỄN TRỌNG THẮNG

Nắng Thuận Vy

Thuận Vy sắc nắng vàng ong
Từ tay em gái đem hong trước nhà
Sợi tơ vàng óng nuột nà
Sợi tơ, tia nắng đã hoà vào nhau
Chắt chiu vạt nắng đồng dâu
Hay từ hạt nắng đỏ màu phù sa
Hai mươi ngày có đâu xa
Đời tằm để lại cho ta tơ bền
Tiếng xa quay nối ngày đêm
Gửi canh em dệt lụa bền tặng nhau
Mặc vào sắc nắng bền lâu
Nhớ đường tơ ở hai đầu se đôi…
Những mùa nắng Thuận Vy ơi
Từ tay em gái hong phơi trước nhà
Trao nhau tấm lụa làm quà
Nhận ra sắc nắng quê nhà Thuận Vy
                                     
                                       Xuân 1983



HOÀNG HỮU

Hái ở vườn Thuận Vy

Bây giờ con mới hái mẹ ơi
Thương mẹ ngày xưa khổ một đời
Lòng riêng cho hết màu dâu ấy
Bể đã lùi xa tận cuối trời.


  (Hoạ sỹ kiêm nhà thơ Hoàng Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Dũng
 quê ở làng Thuận Vy, đã mất ngày 29/12/1981)


ĐỨC HẬU

Hẹn em mùa dâu tới

Anh đi tìm em em ở đâu
la đà vấn vít táo cùng ngâu
bóng em khuất giữa ngàn dâu bãi
đất quê ta xanh ngát một màu

Phải chăng cha mẹ thuở thương nhau
cũng từng gánh nước tưới nương dâu
cũng lo từ buổi tằm ăn rỗi
cũng thức vui bên lứa kén đầu

Quê ta từ thuở biết chăn tằm
sương nắng đong đầy trong lá xanh
để con tằm thức ăn dâu ấy
thấy mặt trời vàng trong kén xinh

Phải chi anh lại hoá con tằm
lớn lên sau giấc ngủ êm đềm
được ăn những lá dâu em hái
kéo sợi tơ vàng dệt áo em

Cha mẹ xưa lo chuyện cưới xin
lụa mền may áo sắc tươi nguyên
yêu em anh hẹn mùa dâu tới
anh về may áo cưới cùng em.


                                      Xuân 1982


THỌ TRÚC

                                Làng bãi

                                      Chỉ vài chục nóc nhà
                                      Men theo bờ sông Cái
                                      Hồn sống dâng một làng
                                      Theo thời gian trẻ mãi

                             Cong cong một mái chùa
                             Mẫu đơn bên hoa đại
                             Cuộc sống đượm ngọt chua
                             Theo dòng đời biến cải.

                                      Nụ cười quê dễ dãi
                                      đón chào khách phương xa
                                      Cho lòng ta ấm lại
                                      Sau một chặng đường qua.

                             Cơ man cây và hoa
                             Hoa trồng bên hoa dại
                             Chim trời cùng chim nhà
                             Chung khúc nhạc hoà ca.

                                      Trời xanh mây lãng đãng
                                      Bướm trắng đùa bướm vàng
                                      Khúc ca chèo mênh mang
                                      Làng Thuận Vy, bến đợi.






                                                                            

                                      CẢNH ĐÀO

                                Chiều Thuận vy


                             Tôi về tìm lại ngày xưa
                   Thuận Vy nồng ấm  như vừa mới xa
                             Nhớ thời "Chạch đẻ ngọn đa"
                   Mẹ bơi thuyền mủng tiễn cha nghẹn lời
                            
                             Gió mưa năm tháng bời bời
                   Mênh mông nước, mênh mông trời. Mênh mông...
                             Cha về lúa đ• sây bông
                   Tằm no đẫy lứa, vườn hồng ngát hương
                            
                             Ngày cầu Tân Đệ thông thương
                   Khách cây cảnh khắp bốn phương tìm về
                             Mời người chén nước nụ hoè
                   Để dịu đi chút nắng hè ngất ngây
                            
                             Hương nhài, hương bưởi, hương cây
                   Hương đời hoà lẫn tóc mây mẹ rồi
                             Con nghe trong dạ bồi hồi
                   Câu chèo gợi nhớ những lời ru xưa
                            
                             Sông Hồng ngọn gió thoảng đưa
                   Vườn ai cu gáy say sưa gọi chiều.
                             Tôi về thăm lại quê yêu.
                   Thêm thương, thêm nhớ những chiều Thuận Vy.