Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

TIỀM NĂNG DU LỊCH LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

    PHÁT TRIỂN DU LỊCH
SINH THÁI CỘNG ĐỒNG TẠI LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

1/ Vài nét giới thiệu về Bách Thuận

Làng vườn Bách Thuận có một vị trí đặc biệt, được hình thành từ một vùng đất bãi bồi ven sông Hồng từ cuối thế kỷ thứ XVII bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi bởi dòng nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên – Địa phận Phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định. Chảy đến đây sông Hồng đổi hướng và lăn dòng tạo ra “Bên lở - Bên bồi” và đã hình thành một vùng đất màu mỡ phì nhiêu, đây chính là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến nơi này quần cư - lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và cái tên Làng Thận Vi - Nam Định xưa -> Nay đã trở thành: Làng Thuận Vy - xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nằm tiếp giáp với cầu Tân Đệ - cửa ngõ của tỉnh Thái Bình. Bách Thuận có rất nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. 
Nơi đây không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi mà còn có nghề làm vườn truyền thống: Trồng cây lưu niên, cây hoa màu, trồng cây hoa quả, cảnh, cây hương dược liệu. Với đặc trưng là vùng đất thổ mô (Tách biệt từng thổ cư, đất canh tác ao vườn theo từng hộ gia đình) đã tạo dựng và hình thành nên một mô hình mang những nét riêng biệt hiếm có đó là: Nhà vườn, nhà cổ + cây cảnh + ao hồ cùng với chợ quê, mái đình, cây đa. Tạo nên một nét đẹp bình dị tiêu biểu cho những làng quê đồng bằng Bắc bộ và nơi đây còn mang nét đẹp độc nhất của một làng ven sông với các ngôi nhà cổ xen giữa những vườn cây – ao cá, tạo thành những điểm nhấn thú vị cho bức tranh không gian của làng vườn, được kết hợp hài hòa xen lẫn với cỏ cây, hoa lá, những hồ ao, các vườn cây cảnh, vườn cây ăn quả đậm chất hồn quê với không gian nghệ thuật kiến trúc sắp đặt, thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống gia đình người Việt.
Với vị trí địa lý nằm ngay bên quốc lộ 10, Làng vườn rất thuận lợi cho giao thoa phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch. Ngay từ thập niên 80 Bách Thuận - Thuận Vi đã nổi tiếng bởi một miền đất có cây cối xanh tươi bát ngát, bốn mùa hoa thơm và trái ngọt, Các đoàn khách từ Trung ương và các tỉnh bạn khi về đây được tận hưởng một cảnh sắc tuyệt vời như một miệt vườn với đủ gam màu, cảnh sinh hoạt mua bán tấp nập với hoa quả và các sản vật địa phương tại mỗi buổi chợ Thuận Vi của người dân Bách Thuận và nhân dân các vùng phụ cận đã phần nào tô điểm thêm nét độc đáo và trù phú của vùng quê này.

 Tôi về Bách thuận một làng xanh
Cây níu chân tôi, quả trĩu cành
Ong bay như dẫn tình yêu đến
Và nụ cười em giữa lá xanh.
(Bùi Công Bính)



... “ Bách Thuận đã vinh dự được đón tiếp nhiều Đoàn tham quan trong nước và ngoài nước, từ Trung ương đến địa phương: Đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Tố Hữu, ủy viên bộ chính trị và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã đến thăm và tỏ lời khen ngợi.
Bách Thuận lại còn hân hạnh đón nhiều văn nghệ sỹ đến tìm hiểu và viết lên những bài văn, bài thơ nói lên một tình cảm nồng hậu, đưa lên báo, đài phát thanh giới thiệu nhiều mặt của Bách Thuận với đồng bào trong nước.
Những bài văn, bài thơ ấy đã cổ vũ động viên nhân dân Bách Thuận rất nhiều, đồng thời cũng thúc giục chúng tôi không ngừng tiến lên đạt dược nhiều thành tích mới hơn, tốt hơn nữa...”

                                           Tập thơ: ” Hương vườn Bách Thuận
 
           
“ Tôi ngỡ như mình lạc giữa cây
Cây che như lợp bóng râm đầy
Tiếng chim nghe thẳm trong vòm lá
Hương quả bay cùng hương gió bay

Tôi lẫn vào cây, cây dẫn tôi
Vườn Thuận Vi xanh khắp bãi bồi
Cây ngâu dẫn lối bằng hương dịu
Cây táo đưa đường, hoa táo rơi...


                                  (Trích: Làng vườn Thuận Vi của tác giả: Vũ Quần Phương )
                               
2/ Hiện tại và định hướng phát triển du lịch làng vườn:
- Bách Thuận hiện đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tiềm năng sẵn có tạo lợi thế riêng cho mình để phát triển du lịch cộng đồng đó là:
(Các di tích lịch sử cấp quốc gia, những nếp nhà cổ mang đặc trưng nhà cổ đồng bằng bắc bộ, nghề làm vườn truyền thống, chợ quê họp vào mỗi buổi sáng, hai triền đê Trung ương và đê bao tạo nên vành đai bao bọc lấy Bách Thuận như một dải lụa mềm bao quanh vùng đất tựa lá dâu xanh bên bờ tả ngạn sông Hồng. Cùng với địa thế nằm sát bến phà Tân Đệ cũ và các bến đò Trung Hòa, Bách Tính nối sang tỉnh Nam Định – Và hơn nữa là con người Bách Thuận luôn luôn năng động, hiếu khách…). Bách Thuận còn lưu giữ khá nhiều những nếp nhà cổ xen lẫn những nhà vườn cây cảnh, cây ăn quả, ao thả cá, và có vùng đất bãi bồi ven sông Hồng

a/ Tour Xe đạp quanh làng vườn:
*) Tân Đệ - Chùa Từ vân -> Đền Ả Lữ Phương Dung - > Vườn đầm Bình Minh -> Nhà cổ Thuận Vi -> Đền Đông Vọng -> Chợ Thuận Vi -> Nhà cổ Chiến Thắng -> Đình làng Thuận Vi -> Bến Trung Hòa -> Bãi sa bồi - Đê bao ngăn lũ -> Vườn hoa Liên Hồng -> Nhà cổ Liên Hồng -> Vườn cây ăn quả, cây cảnh Bách Tính -> Nhà cổ Bách Tính -> Đình làng Bách Tính -> Bến đò; Nhà thờ họ giáo Thuận Nghiệp -> Đình làng Thuận Nghiệp …

b/ Tuyến du lịch đường sông
Xã Bách Thuận – được hình thành từ 4 làng bao gồm: (Thượng Xuân, Bách Tính, Thuận Vi, Thuận Nghiệp) và có vị trí địa lý nằm ven sông Hồng với 3 bến đò ngang đối diện bên bờ nam phía bên kia của dòng sông Hồng là: Nam Phong và Nam Điền tỉnh Nam Định, hơn nữa lại nằm sát với bến phà Tân Đệ cũ. Đồng thời với địa thế nằm dọc theo triền đê Trung ương cùng với các làng bãi ven sông, các xóm chài bên bờ tả ngạn.
 Xét thấy Bách Thuận có một vị thế địa lý thật tuyệt vời như vậy rất thuận lợi cho phát triển tuyến du lịch với các điểm nhấn, điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch nằm dọc theo các triền đê và du lịch trên sông nối các vùng phụ cận nội tỉnh cũng như liên tỉnh.
- Tuyến đường sông thứ nhất: Xuất phát từ Bến đò Bách Tính xuôi theo dòng sông Hồng đến chùa keo Duy Nhất/ có thể sang chùa Keo Hành Thiện/ Chùa Cổ Lễ Nam Định. (Tuyến này áp dụng cho đối tượng khách thích tìm hiểu các di tích lịch sử)
- Tuyến đường sông thứ 2: Xuất phát từ Bến đò ngang Bách Tính vượt ngang sông tham quan vùng cây cảnh Nam Điền, Nam Trực (Tuyến này áp dụng cho du lịch + giao thương và phát triển nghề cây cảnh truyền thống)
- Tuyến đường sông thứ 3: Xuất phát từ Bến đò Trung Hòa đi ngược dòng sông lên Vườn hoa cải Hồng Lý, đi tiếp đến Đầm Dạ Trạch – Nơi tờ Tiên Dung, chử Đồng Tử tại Hưng Yên và tiếp nũa là Làng gốm Bát Tràng và Thăng Long Hà Nội.
(Tuyến này dành cho cho đối tượng khách thích khám phá về sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề … )

c/ Khu du lịch sinh thái làng vườn
(Bao gồm: Các quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia Đình làng Bách Tính, chùa Từ Vân, các đền miếu, Một số từ đường của các dòng họ có công đầu tiên xây dựng từ thủa di dân lập làng, các nếp nhà cổ truyền thống, vùng đê bao ngăn lũ, hai con sông lắng sa và xả lũ do bàn tay người dân đã đào đắp bằng thủ công khi làm thủy lợi trong giai đoạn thập niên 80, + một số nghề truyền thống của làng #…)
 Dựa trên tiềm năng tài nguyên của làng vườn, dựa trên lợi thế cạnh tranh mà ít nơi nào có được như Bách Thuận. Chúng tôi tin tưởng rằng:

Du lịch Sinh thái cộng đồng tại Bách Thuận sẽ cất cánh bởi các sản phẩm du lịch chất lượng cùng với du lịch Thái Bình phát triển bền vững, duy trì nghề truyền thống, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương, làm giảm dòng chảy ly hương của thanh niên nông thôn, giúp họ làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Xây dựng cách thức làm du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh làng quê và đời sống người dân. Tiếp tục đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây cũng chính là cách quảnh bá tốt nhất, chân thực nhất về cuộc sống, văn hóa con người Việt nam nói chung và con người Thái Bình nói riêng với bạn bè quốc tế.
 Hy vọng một ngày không xa, mỗi khi du khách bước chân tới cửa ngõ Thái Bình, vượt qua cầu Tân Đệ sẽ thấy xuất hiện ngay đây một “Mỹ Tho”, hay một “Bến Ninh Kiều” của Thái Bình với Khu du lịch làng vườn xanh mướt, một điểm du lịch, một làng quê trù phú ven sông, hình ảnh trên bến dưới thuyền sầm uất sáng sớm, chiều trưa và mỗi lúc hai đầu thành phố lên đèn thì cả Nam Định và Thái Bình sẽ cùng bừng sáng lung linh tựa Thu Bồn mà lại mang dáng hình của quê lúa.

Có một miền quê tựa bức tranh
Bốn mùa hoa trái bốn mùa mùa xanh
Bốn mùa chim hót hoa đua nở
Ngọt lịm không gian trái trĩu cành”

                                                                      (Quê tôi – Làng Thuận Vy)
                                                                     Tg: NGUYỄN ĐÌNH NHỮ



Nguồn: 
Chương trình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Bách Thuận.
Đơn vị: Công ty TNHH Sinh thái và Văn hóa Du lịch Trường Thuận



Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

HOA GẠO

    Cuối xuân thời tiết ẩm ương quá. Mưa vừa mới lây rây rắc bụi se se lạnh thế mà chỉ lát sau trời đã hưng hửng nắng, hiu hiu gió ấm. Thiên nhiên vừa nồng nàn tinh khôi vừa nhạt nhòa sương khói khiến cho lòng người lúc vật vã suy tư khi lại tĩnh lại trong trẻo ngây thơ như giọt sương mai buổi sớm. Em cũng vậy, trong cái tiết giao mùa trong lòng cứ chung chiêng đến lạ.
Năm nay sấm đã dậy rồi anh ạ, sấm dậy sau bữa cơm tối, dân làng mình vui lắm vì kinh nghiệm các cụ ngày xưa để lại năm nào sấm dậy sau bữa ăn là năm đó dân làng được no ấm cả bốn mùa. Nghe tiếng sấm dậy cây gạo làng mình đã vội bật tung hoa đỏ. Những bông hoa như những ngọn lửa rung rinh giữa màu xanh bát ngát của đất trời, bức họa quê hương đẹp rực rỡ mà trong sáng đến ngọt ngào khiến cho lòng người cứ nôn nao trào lên những nỗi niềm khôn tả. Em đứng lặng ngắm nhìn những bông gạo đỏ rơi xoay xoay trong gió và thầm mong khi nó đáp xuống vẫn còn vẹn nguyên năm cánh hoa mọng nước ấy. Những bông hoa đã rơi vào ký ức tuổi thơ của chúng mình, đỏ  thắm cho đến tận bây giờ.
Nhìn cây gạo vô tư bung hoa trong gió ấm em nhớ về kỷ niệm của những ngày thơ bé. Làm sao quên được những buổi sáng rủ nhau đi học trong mưa phùn gió lạnh, chia nhau nắm ngô thơm phức mẹ vừa rang, chúng mình cười giòn tan, trong trẻo ngước nhìn lên những chùm hoa gạo đỏ đung đưa trong gió. Trong làn mưa bụi giăng mù trời, không gian ẩm ướt ngập tím hoa xoan khiến cho lòng người  mênh mang diệu vợi nhưng khi nhìn thấy những bông hoa gạo đầu tiên bật lửa đỏ giữa làng con người như được tiếp thêm một sức sống mãnh liệt khát khao, một nỗi niềm đam mê cháy bỏng.
Tháng ba năm ấy, trong cái sắc đỏ yêu thương của quê hương em đã nhận được từ anh một ánh mắt đầy trìu mến. Thế rồi cây gạo đã chứng nhân những buổi hẹn hò của chúng mình, đã nghe được những tiếng thì thầm, đã cảm nhận những nụ cười hạnh phúc, đã thầm lặng cất giấu những mẩu giấy nho nhỏ chúng mình gửi cho nhau trong cái hốc bí mật xinh xinh rồi cả một trận đòn của mẹ khi phát hiện ra chuyện hẹn hò của em và anh. Ngày anh lên đường tòng quân cũng là ngày hoa gạo nở, hoa đỏ rực một góc trời như nỗi lòng em cháy bỏng muôn ngàn nỗi nhớ thương anh.
Nhớ tháng ba xưa, những tháng ba làng mình ngâp tràn hoa gạo nở. Những bông hoa căng đầy dâng hết mình khoe sắc đỏ, khi rụng về đất cũng một màu đỏ son ngập lối. Sắc đỏ trên cao, sắc đỏ dưới lòng đường như hòa quyện vào nhau, cứ rực lên giữa một màu xanh bát ngát của đất trời. Nhưng bây giờ những cây gạo là linh hồn của làng đã mai một dần rồi lặng lẽ đi vào ký ức, cái màu đỏ thiêng liêng chỉ còn đọng lại trong thơ ca, trong nỗi nhớ khắc khoải của con người. Em biết rằng ở nơi xa ấy anh vẫn luôn bâng khuâng da diết nhớ về chùm lửa đỏ tháng ba, vẫn không quên tiếng thì thầm của những bông hoa bình dị, mộc mạc khiêm nhường mà cháy đỏ những yêu thương chờ đợi nơi quê nhà.
Anh à!
Vậy mà…hôm nay em đứng đây, lặng buồn ngắm nhìn cây gạo trầm tư thả vào trời xanh những đốm lửa rưng rưng đỏ thì đằng xa kia đang vọng lại tiếng máy ủi ầm ì giải phóng mặt bằng xây dựng con đường liên xã. Địa phương mình đang hồ hởi, náo nức phấn đấu hoàn thành nốt tiêu chí 02 về xây dựng đường giao thông để được sớm về đích Nông thôn mới. Con đường làng đỏ son màu gạch, chứng tích của những người con gái làng đi lấy chồng góp gạch xây nên đang bị cuốn dần vào lưỡi máy. Cây gạo của chúng mình, cây gạo của quê hương đã từ bao đời nay luôn cháy lên sắc đỏ thắm đượm tình làng nghĩa xóm, cái cột mốc của những người con xa quê luôn hướng về làng chỉ ngày một ngày hai thôi sẽ ngã xuống bên cánh đồng xanh mướt màu lúa mới. Rồi đây mỗi tháng ba về em biết tìm cái sắc đỏ thấm đẫm hồn quê này ở nơi đâu. Dẫu biết rằng những đổi thay đã làm nên diện mạo tươi mới của quê hương, đã mang lại cho làng mình cuộc sống ấm no hạnh phúc nhưng sao cứ thấy ngậm ngùi. Nhưng anh ạ, cuộc sống dù cứ luôn cuốn ta về phía trước với những ước mơ, những dự định cho tương lai thì những yêu thương của ký ức vẫn luôn giữ lại trong lòng, đỏ thắm như những bông hoa gạo phải không anh.
Em nhạt nhòa nước mắt, xót xa nâng niu những cánh hoa đỏ rụng tơi bời trên vệ cỏ. Trên cành những bông gạo như vô vàn bàn tay nhỏ cầu cứu hướng về phía trời xanh rồi thất vọng lặng lẽ buông mình. Hôm nay cây gạo trút hoa nhiều quá, hoa như những giọt nước mắt của cây rụng lã chã quanh em. Có phải cây đang nói lên lời tạ từ…Hoa gạo tháng ba ơi!


   

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

MÙA HOA XOAN

Năm nay sắp cạn tháng Giêng mưa phùn mới bắt đầu lây rây rắc bụi. Mưa đậu giọt óng ánh trên giậu cúc tần vàng tơ đầu ngõ, long lanh như những hạt ngọc trời trên cành hồng đỏ thắm, lóng lánh đọng lại giữa chồi non lộc biếc. Cỏ hoa, cây lá thi nhau phơi màu khoe sắc, hồn nhiên hứng những giọt mưa ti li bay bay. Đất trời mang mang như vấn vương sương khói, nhựa sống dào dạt chảy, xuân đang độ nồng nàn.
Đi trong làn mưa bụi cảm nhận cái lạnh ngọt ngào của giêng hai lòng chợt xao xuyến lạ, lại nao nao nhớ về những ngày xưa ấy cũng mùa này hoa xoan bắt đầu bung nụ, những cánh hoa nhỏ xíu mảnh mai rơi rơi trong gió nhẹ, trong mưa bụi phập phồng. Chợt khao khát thèm nhớ cánh hoa xoan tím ngắt dịu dàng vương lên mái tóc, nhẹ nhàng buông trên áo, trên vai.
Ngày xưa ấy quê tôi còn nghèo lắm, cứ đến tháng hai hoa xoan bay tím cả góc trời. Nghe kể rằng các cụ làng tôi ngày trước, mỗi khi sinh được con trai lại ra vườn trồng mười cây xoan đào để sau này con cháu có gỗ làm nhà cưới vợ, vì vậy vườn nhà nào nhà nấy chỉ toàn xoan là xoan. Ngày ấy tôi còn bé tí nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi nhìn hoa xoan ngơ ngác tím ngoài vườn, trong lòng lại trào lên một nỗi buồn mênh mang thầm lặng. Mùa hoa xoan đồng nghĩa với mùa của mưa phùn, gió lạnh dầm dề hết ngày này qua ngày khác. Đường làng lầy lội trơn trượt, lũ trẻ con đi học với cái bụng lép kẹp, manh áo phong phanh nên cái đói cái rét càng thấm vào gan ruột. Người dân quê tôi mỗi khi cái Tết đi qua là cái lo ập tới bởi bao nhiêu cố gắng gom góp đã dồn vào những ngày đầu năm. Tháng hai nhìn ra ngoài đồng lúa bắt đầu leo heo bén rễ, đậu đỗ mới nảy mầm, trong nhà cong gạo đã cạn, thúng khoai đã vơi lòng ai chẳng rối bời lo lắng. Ngoài vườn rặng xoan cứ mặc nhiên trút hoa tím tái một góc trời. Và muỗi, muỗi hoa xoan bay ra nhiều vô kể, tưởng chừng mỗi con muỗi là được nở ra từ một nụ hoa xoan. Bà và mẹ đội mưa dầm, lội trong bùn đất trộn lẫn hoa xoan tất tả ngược xuôi kiếm miếng ăn cho cháu con trong những ngày giáp hạt. Vầng trăng đầu tháng mắc lại cổng đình như chiếc liềm mong mỏi chờ vụ gặt tháng năm.
Rồi mưa cũng ngớt dần, bầu trời hửng nắng, cái nắng mới của mùa xuân mới ấm áp kỳ diệu làm sao, dưới nắng mới hoa xoan đẹp đến không ngờ. Xoan nở rộ một góc trời, cả làng như được phủ những tán mây bềnh bồng tím nhẹ. Hương hoa xoan ngọt ngào man mác gợi cho lòng người một nỗi niềm da diết, xốn xang. Chim chóc vui mừng hót véo von trên rặng xoan trước cửa, gió rì rào ca hát giữa vườn cây. Và tuyệt nhất là được đi dưới những hàng xoan biêng biếc tím, nghe thì thầm những cánh xoan rơi, má chợt ửng hồng cảm nhận những cánh hoa mong manh chạm nhẹ mơn man, mái tóc thề lấm tấm nụ hoa vương để bao năm rồi mà lòng cứ ngẩn ngơ nhớ mãi.
Giờ đây xoan làng tôi đã đi vào kỷ niệm, đi mỏi chân mới gặp một cây xoan đơn côi đứng ở góc vườn âm thầm lặng lẽ buông hoa. Mùa hoa xoan như một lời thầm thì của quê hương luôn hiện về trong tiềm thức. Mỗi khi xuân về nhạt nhòa mưa bụi trong lòng tôi lại rưng rưng nhớ về ngày xưa ấy, nhớ về một thời khó khăn vất vả nhưng ấm áp sâu nặng tình người.
Năm tháng qua đi, dòng thời gian mải miết chảy nhưng những mùa hoa xoan vẫn lắng đọng lại trong tâm tưởng tôi. Cái màu tím dung dị thuần khiết của làng quê ấp ủ bao nỗi nhớ nhung xao xuyến, vấn vương khơi dậy một nỗi niềm. Bao giờ cho đến ngày xưa…

THÁNG BA

Tháng ba
Tinh khôi trời
Nồng nàn đất
Cơn mưa đầu mùa thỏa tràn cơn khát
Cây cối dập dìu vũ điệu sinh sôi.
thang ba 1
Tháng ba
Sông vỡ giấc ngủ vùi
Dào dạt chảy giữa đôi bờ quyến rũ
Tháng ba
Đất và trời
Nồng nàn hơi thở
Khúc nhạc mùa màng
đã tấu giữa mênh mông.
thang ba 2
Tháng ba
Ôm mưa nắng vào lòng
nghe thiên nhiên giao hòa
nở nõn nà lộc biếc
Nghe nhịp sống hồi sinh sau những ngày giá rét
Nghe núi rừng
òa vỡ
một mùa thơ.