Bút
ký của NGUYÊN LONG
![]() |
Nhà báo Nguyễn Long |

Khách về thăm Bách Thuận nhiều như vậy
không phải bởi sự mến khách và phóng khoáng của chủ nhà mà Bách Thuận thực sự
là một xã làm ăn giỏi, là một vùng quê giàu có, sầm uất. Khu trung tâm xã thời
ấy đã mang dáng dấp một khu thị trấn nhỏ. Tuy không phải là một hợp tác xã được
trung ương và địa phương đầu tư, dốc vốn cho để xây dựng trọng điểm. Lá cờ đầu
ở Thái Bình thời ấy đầu tiên là HTX Tân Phong rồi đến Vũ Thắng. Bách Thuận ngày
ấy đã có hai cơ sở trường học hai tầng, khu vực bể bơi đạt tiêu chuẩn cấp quốc
gia, Khu trạm xá xã, công trình thuỷ lợi đào mới hai con sông Lắng Sa, những xưởng
kén, xưởng ươm tơ và chế biến nông sản đồ sộ... hầu hết đều do dân đóng góp
kinh phí và công sức mà làm nên. Đời sống và thu nhập của người dân Bách Thuận
thủa ấy đã cao hơn mặt bằng cuộc sống dân toàn tỉnh một bậc. Kể cả với những
HTX lá cờ đầu, và với dân những xã ngoài bãi sông Hồng sông Trà có lợi thế
giống như Bách Thuận. Các xã bấy giờ còn đang phấn đấu cho dân làm sao đủ ăn đủ
mặc, không bị đói vào những kỳ giáp hạt, những vụ mất mùa. Thời điểm năm 1982
khi cả nước đang lao đao vì cơ chế giá - lương - tiền, cố nhà thơ Trinh Đường
về Bách Thuận ông đã thật sự kinh ngạc đến khó tin trước một làng quê trù phú,
ông viết: “... tôi mang về đây những lo lắng trong lòng, qua những biến động,
những vật giá leo thang ở nhiều nơi trong nước. Tôi hỏi đi hỏi lại đến kinh
ngạc khi thấy người dân Bách Thuận vẫn có một đời sống ổn định... Tôi vào chợ
Thuận Vy, gạo đầu mùa, nếp, rau, thịt, cá, trứng... ê hề. Bánh nếp, bánh chưng,
bánh khoai, bánh bèo, phở, mỳ... vẫn đông đảo khách xúm vào mua và ăn tại chỗ.
Cái chợ là hình ảnh tập trung nhất của nền kinh tế, văn hoá của một địa phương.
Chợ Bách Thuận thu hút về mình sản vật và kẻ bán người mua hàng của hai mươi xã
xung quanh, kể cả những xã ở bên kia sông Hồng. Tôi vào chơi một số nhà. Nhà
gạch hầu hết cả xã. Giường hộp, tủ đứng, tủ chè, bàn ghế cổ bóng loáng vecny.
Nhà nào cũng phong quang. Cách tiếp khách lịch sự. Tranh tứ bình mai, lan,
trúc, cúc nhắc cho khách nhớ lại thiên nhiên mà khách đã quên trong lúc quá lo
cơm áo gạo tiền...”.
Cái giầu sang của Bách Thuận thời ấy
nhờ vào sự giỏi ăn làm của dân, của cán bộ xã. Nằm trên vùng đồng bãi sông
Hồng, đất làng Bách Thuận cũng như mọi làng bãi khác trong tỉnh, trong cả nước.
Nhưng tới Bách Thuận du khách gần xa đều choáng ngợp trước một vùng bốn mùa hoa
thơm quả ngọt và sững sờ thốt lên: Thật là một làng bãi hiếm có. Trong bài ký Hương một vùng phù sa viết trong một lần
về thăm Bách Thuận, nhà thơ Võ Văn Trực đã tả nơi đây như chồn bồng lai: “Cũng
là làng bãi hiền từ thế thôi. Màu lá chuối ở đây xanh đặc hơn màu lá chuối
trong đồng. Mần măng bậm bạp hơn mần măng trong đồng. Con gà chân vàng hơn con
gà trong đồng... Nhưng khác tất cả các làng bãi, thuận Vy, Bách Thuận bốn mùa
dậy hương cây. Thời gian ở đây trôi trong sắc màu của lá, trong hương thơm của
hoa quả và trong âm thanh của ông bướm, chim muông...”. Thế mạnh của Bách Thuận
ngày ấy là dâu tằm. Mấy chục năm liền sản lượng kén của xã cao nhất miền Bắc và
hai lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động là lá cờ đầu phong trào
trồng dâu nuôi tằm trong cả nước. Một thế mạnh nữa là kinh tế vườn. Vườn nhà
nào của Bách Thuận cũng trĩu cành cam, ổi, táo, khế... và ngâu, hoè, rau, đỗ,
hoa các loại. Người ta đã thống kê được cả xã có bảy mươi ngàn cây táo và trên
năm mươi ngàn cây ngâu loại đã cao to. Hoa quả Bách Thuận hàng năm bày bán la
liệt từ bến đò Tân Đệ đến thị xã Thái Bình, sang thành phố Nam Định, theo xe
khách lên Hà Nội và tới nhiều thành phố lớn trong cả nước.
Người dân Bách Thuận do giàu có về
kinh tế đã biết sống sang hơn dân nhiều nơi khác. Sang ở cách ở cách ăn làm.
Dân Bách Thuận đã đưa nghề làm vườn nên thành nghệ thuật. Mỗi khuôn viên ở từng
gia đình đều được trồng trọt hợp lý đẹp
mắt lại vừa đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong nhà dân nhiều đồ quý hơn. Cũng
là chợ nhà quê nhưng hoa quả, bánh trái ở chợ Thuận Vy vừa nhiều, vừa rẻ lại
ngon hơn đẹp hơn ở nơi khác. Người Bách Thuận tiếp khách sang hơn, cỗ bàn cũng
ngon hơn, sang hơn các vùng quê. Lao động tất bật suốt ngày nhưng con gái Bách
Thuận xinh đẹp hơn, ăn diện và hoạt bát hơn con gái các nơi khác. Thành tích
học tập của con em Bách Thuận cũng cao hơn các nơi. Các phong trào văn hoá, xã
hội cũng phát triển hơn nơi khác...
Cho tới bây giờ có lẽ chưa có cấp nào,
ngành nào đặt vấn đề: vì sao trong thời bao cấp kinh tế của Bách Thuận phát
triển mạnh mẽ, vững chắc, đời sống của người dân được no ấm như vậy. Trong khi đó
đây không phải là cơ sở được đầu tư, rót vốn để xây dựng lá cờ đầu về phát
triển sản xuất như Tân Phong (xã Việt Hùng, Vũ Thư) ngày đầu xây dựng HTX hay
xã Vũ Thắng (Vũ Thư) thời chống Mỹ sau này. Và hình như cũng chưa người nào đặt
câu hỏi: Vì sao những đơn vị lá cờ đầu nói trên, một thời được ca ngợi như là
một biểu tượng, một mô hình kinh tế lý tưởng, nhưng khi hết phong trào và không
được cấp trên đầu tư kinh phí thì các HTX đó lại xẹp đi như bong bóng xà phòng,
cuộc sống của người dân nơi đó lại trở về khốn khó như bao làng quê khác, còn
Bách Thuận từ bấy đến nay vẫn là một xã giầu có. Đọc lại những bài ký, bài báo đã
viết về Bách Thuận từ xa xưa đến giờ thấy hầu như mọi người viết đều có chung
một lý giải: Bách Thuận trù phú là do đất tốt và dân giỏi làm ăn. Nhưng điều đó
chưa phải đủ sức thuyết phục. Người dân làm ruộng vườn trong cả nước nói chung
và quê lúa Thái Bình nói chung ở đâu cũng giống nhau là cần cù chịu khó, xoay
xoả ăn làm. Còn về đất đai, dọc triền sông Hồng trên đất Thái Bình có khoảng mươi
xã như Hồng Xuân, Tam Tỉnh, Việt Hùng, Hồng Phong, Vũ Vân... cũng là dân làng
bãi, cũng trồng dâu và rau màu như Bách Thuận, nhưng chỉ vùng đất này mới một
cuộc sống khác hẳn. Trăn trở mãi về vấn đề trên, khi bắt gặp trong cuốn Lịch sử xã Bách Thuận (tập II) thấy có
một đôi dòng viết: Trong những năm 1959, 1960 xã đã cử một số cán bộ đi tham
quan, học hỏi về chế độ khoán cây trồng của các địa phương trong và ngoài tỉnh để
áp dụng. Và trong bài ký Màu xanh Bách
Thuận của cố nhà thơ Trinh Đường nói rõ hơn: Trong phong trào hợp tác hoá năm
1960, Bách Thuận với một loại hình làng đặc biệt không thể cùng chung một chủ
chương với các xã khác trong huyện. Các đồng chí lãnh đạo xã xin nghiên cứu đề
ra chính sách thích hợp là giao đất, khoán quản và được huyện tỉnh thông qua.
Một chừng mực nào đó, Bách Thuận đã thực hiện khoán sản phẩm như sau: rau, táo,
cam, ổi... tính gốc cây đóng góp bằng tiền, các sản phẩm khác như ngâu, tơ
tằm... giao nộp bằng sản phẩm. Chính sách này Bách Thuận đã áp dụng hơn chục năm,
sau đó tới năm 1980 cả nước mới công khai thực hiện. Và ông đánh giá: Chính
sách khoán sản phẩm là cái đòn bẩy nâng phong trào nông nghiệp cả nước lên một
bước khả quan và chính cái đòn bẩy này đã làm cho Bách Thuận trở lên một làng
quê trù phú.
Sau ngày hoà bình năm 1954, Bách Thuận
cũng như bao làng quê khác cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn chìm trong đói
nghèo và sản xuất còn trì trệ. Có nhiều lý do làm cho Bách Thuận nhanh chóng đi
xào sản xuất ổn định, thu nhập của người dân ngày một tăng trưởng, và nơi đây
thành một làng quê trù phú hơn các làng quê khác. Nhưng theo chúng tôi cái lý
do chủ yếu là Bách Thuận đã đi trước cả nước gần hai chục năm thực hiện chính
sách khoán sản phẩm cho dân. Ruộng đất của Bách Thuận phần lớn là đất vườn, người
dân nơi đây được làm chủ ruộng đất của mình, làm chủ thực sự chứ không phải làm
chủ trên danh từ hay giấy tờ gán ép như những xã viên HTX khác thời bấy giờ.
Gỉa sử ngay từ buổi đầu phong trào HTX, mà Bách Thuận làm theo chính sách công
hữu hoá ruộng vườn. Những mảnh vườn rộng hàng hecta của mỗi gia đình cũng trở
thành vườn của HTX, mọi người dân cứ đi làm theo kẻng và tính công ăn điểm thì
có lẽ tới năm 1980 khu làng vườn nơi đây đã trở thành xơ xác và cái nghề chăn
tằm cũng chỉ bình bình, èo ọp như các làng bãi khác.
Cũng từ cái nếp ăn làm tự mình làm chủ
ruộng vườn lâu năm ấy mà người dân Bách Thuận có tác phong hoạt bát, nhanh nhạy
với thời cuộc. Bước sang cơ chế thị trường nghề trồng dâu chăn tằm và một số
loại cây quả trở thành lỗi thời, người
dân nơi đây đã sớm nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, chủ động chuyển hướng
sang trồng hoa, làm cây cảnh và chăn nuôi. Kinh tế hộ gia đình ở đây ngày càng
phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người của xã Bách Thuận bao giờ cũng
cao và số người giầu bao giờ cũng nhiều hơn, giầu hơn hơn các xã sản xuất chăn
nuôi trong vùng, trong tỉnh. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng số hộ làm
cây cảnh ở Bách Thuận thu nhập mỗi năm vài trăm triệu và có tổng giả trị tài
sản vài chục tỷ đồng không thể kể hết trên đầu ngón tay. Mới đây, có hộ khách
tới đòi mùa toàn bộ khuôn viên nhà ở và cây cảnh với giá trên sáu chục tỷ nhưng
gia chủ không bán. Vài năm nay đân Bách Thuận nhiều hộ dân được mùa cây cảnh và
chăn nuôi. Đường làng ngõ xóm Bách Thuận bây giờ phong quang, đẹp đẽ hơn nhiều
năm trước. Đời sống văn hoá, giáo dục và các hoạt động xã hội ở đây cũng ít nơi
theo kịp. Chỉ kể riêng mỗi ngày có từ một đến hai xe khách hợp đồng đưa đón các
em học sinh của xã lên học trường THPT Nguyễn Trãi và THCS chuyên trên huyện đủ
thấy người dân Bách Thuận có khả năng đầu tư chu đáo cho con em ăn học...
Khi có phong trào xây dựng nông thôn
mới, thầm nghĩ nơi đây là một điểm sáng trong lối ăn làm của tỉnh chúng tôi về
Bách Thuận. Nhưng nhiều người dân đều bảo: Xã chúng tôi không những không được
chọn là xã điểm mà phấn đấu từ nay đến hết năm 2015 cũng rất khó đạt tiêu chuẩn
trở thành xã nông thôn mới vì đối chiếu với 19 chỉ tiêu trong đó quan trọng
nhất là các chỉ tiêu quy hoạch đồng ruộng thì xã không thực hiện được. Cũng
giống như trước đây mặc dù giầu đẹp, dân giỏi làm ăn và có lẽ là xã được tặng
nhiều huân chương các loại nhất trong tỉnh, nhưng Bách Thuận vẫn địa phương đứng
sau các HTX hàng đầu của tỉnh là Tân Phong, Vũ Thắng...
Đó có lẽ bởi lý do vì Bách Thuận đi
riêng một lối ăn làm.
(Bài
do tác giả gửi cho bachthuan.vanhoa)
NGUYỄN LONG
(Tạp
chí Văn nghệ Thái BìnhSố 26, Quang Trung, TP Thái Bình)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét