Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

TẰM LÊN NÉ

XUÂN TÙNG

              
Lâu nay khi nói đến Bách Thuận, một số người thường nghĩ đó là một vùng đất sa bồi dọc ven sông Hồng có một thế mạnh về kinh tế vườn. Bởi vườn nhà nào của Bách Thuận cũng trĩu cành cam, quít, táo, hồng...Nếu kể đến nguồn lợi hoa ngâu, các loại rau đỗ và cây thuốc thì càng phong phú hơn nhiều. Do đó người ta có thể chưa thấy đến một thế mạnh nữa của Bách Thuận, trong đó nghề trồng dâu nuôi tằm là chủ yếu.
          Danh từ Bách Thuận có phần lạ lẫm đối với một số người đã từng quen thuộc vùng đất này. Bách Thuận chính là Thuận Vi trước đây đã nổi tiếng một thời về những vườn cây ăn quả và nuôi tằm ươm tơ với hợp tác xã Trung Hoà, năm1964 được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động và là lá cờ đầu trồng dâu nuôi tằm toàn miền Bắc. Thuận Vi giờ sáp nhập với Bách Tỉnh, Thuận Nghiệp tạo ra thế chân kiềng một Bách Thuận đẹp giàu với nền kinh tế vườn và "nông tang vi bản", năm 1976 xã Bách Thuận lại được tặng thưởng Huân chương Lao động lại là lá cờ đầu phong trào trồng dâu nuôi tằm trong toàn quốc.
          Xã Bách Thuận được hình thành cách đây hai trăm năm: Làng hình thành từ lớp lớp bùn nâu/ Cho cây táo mời chim về hót trái/ Cho tiếng hát óng vàng tơ lụa/ Cho dọc ngang đường lớn đón xe về.
         
 Ấy thế mà nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây đã có khá lâu đời, từ cái làng Gòi xa xưa nằm bên kia sông Hồng đã di địa sang bên này sau ngày Nam Định đảo con sông Vị Hoàng, vốn có tên chữ là Thuận Vi và có nghề tằm tơ truyền thống. Điều này càng được xác nhận khi tình cờ tôi được đọc cuốn thần phả trong ngôi miếu của xã có câu "Hiểu cao thần dân đốc chi nông tang".
          Cũng như nhiều vùng quê khác, Bách Thuận trước đây trồng dâu nuôi tằm nhằm tự cung tự cấp cái ăn, cái mặc trong địa phương. Dưới chế độ của ta, mọi người cũng đã thấy tầm quan trọng của cây dâu và con tằm trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng thực tế cũng chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức. Gần đây do nhiều yếu tó chủ quan và khách quan, nhà nước mới có chỉ thị 408 đề cập đến sự phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong cả nước. Chúng tôi về thăm Bách Thuận vào độ cuối xuân. Cả xã đang rộn ràng vào lứa tằm đầu mùa. Trong hai mươi bốn đội sản xuất, đội nào cũng có buồng nuôi tằm. Đội ít nhất cũng có mười buồng, đội nhiều nhất tới năm chục buồng. Toàn xã có trên một ngàn buồng nuôi tằm, con số không hề nhỏ so với nhiều xã khác. Khi nói chuyện với bà con, chúng tôi được biết trước đây giá thu mua sự khuyến khích sản xuất như cung cấp vật tư, giúp đỡ kỹ thuật của nhà nước cũng có nhiều hạn chế nên bà con không hồ hởi trồng dâu nuôi tằm. Hơn nữa, trước đây hợp tác xã quản lý mọi khâu nên cây dâu chết dần. Xã viên lo chăm trồng những cây khác có lợi hơn. Nhưng nhờ khâu tháo gỡ chung trong nền kinh tế hiện nay, từ năm 1981, hợp tác xã Bách Thuận thực hiện khâu khoán sản phẩm trong việc trồng dâu nuôi tằm. Chính sách mới có thưởng, có phạt nên bước đầu đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng tơ kén. Bà con phấn khởi nên xu thế trồng dâu nuôi tằm trong toàn xã lại phục hồi phát triển.

          Gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương, chúng tôi hỏi kinh nghiêm trong công tác vận động bà con trồng dâu nuôi tằm. Các đồng chí cười và phân trần:
          - Buổi đầu cũng cực lắm các anh ạ. Làm cho toàn cấp uỷ nhất trí trong công tác trồng dâu nuôi tằm đã khó khăn. Ra đến xã viên càng khó khăn hơn. Tính toán làm sao khi trồng dâu chăn tằm mà không ảnh hưởng đến rau, đến thời vụ các loại cây khác của nhân dân. Được cái khi bà con đã thông và nhất trí thì họ làm hết sức mình. Nói chung năm 1981 có gặp  nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được sản lượng non tám chục tấn kén, trong số đó có gần bốn tấn kén trắng giá trị gấp đôi kén vàng là điều đáng khích lệ.
          Chúng ta thường quen nói tơ vàng. Kén trắng sẽ cho tơ trắng. Khi nghe chúng tôi thế nào là tơ trắng, tơ vàng, các đồng chí cho biết:
          - Tằm nội của ta là giống nguyên cổ truyền, đa hệ nên chỉ kén màu vàng, mỏng tơ, độ dài sợi tơ ngắn nên khó ươm tơ bằng máy. Còn giống tằm lai, tằm lưỡng hệ cho kén màu trắng, kén to, độ dài của sợi tơ ba bốn mét rất thuận tiện cho việc ươm tơ bằng máy. Hiện nay, thị trường thế giới chuộng tơ màu trắng, nên tơ vàng muốn xuất khẩu cũng phải tẩy cho trắng. Hợp tác xã Bách Thuận đang dần dần nâng tỷ lệ tơ trắng lên. Thắng được thói quen không dễ gì các đồng chí ạ.

          Chúng tôi đi thăm đồng bãi. ánh nắng ban mai dịu nhẹ trong màu xanh của cây cối. Bờ bãi Bách Thuận nhô ra phía sông Hồng như cái lườn của một chú gà béo ngậy. Đang độ xuân, bãi dâu tơ ngút ngát mầu xanh. Và đúng như câu ca: "ngàn dâu xanh ngát một màu". Có màu xanh của lúa, của ngô, rau, khoai, đỗ... Nhưng màu xanh của dâu áp đảo bãi bờ để cho ngày mai "tằm lên tuổi kén". Táo có màu xanh sáng. Ngâu có màu xanh thẫm. Ngô có màu xanh mơ.. còn dâu có màu xanh non mượt như một loại rau có thể thái xào ăn được ngay. So với dâu Phù Lưu Tế của Hà Sơn Bình hay một số nơi khác, thì dâu của Bách Thuận không tốt bằng vì có xen cây ăn quả. Theo cụ Thành cho biết, trước đây Bách Thuận trồng nhiều loại dâu. Kém nhất là loại dâu gỗ mình đây, lá nhỏ lại mỏng còn gọi là dâu chân vịt vì lá nó chẻ ra như cái chân vịt vậy. Dâu gỗ cho năng xuất kém, lá bé nên không hái mà phải tuốt rát cả tay. Các loại dâu cũ năng xuất nói chung thấp. Nếu nuôi mười nong tằm, thì phải mười ba người hái lá mới đủ cho tằm ăn. Nếu trồng giống dâu mới, thì mười nong tằm chỉ cần bốn người hái lá là đủ. Một sào dâu cũ chăm bón tốt, được khoảng bốn mươi kg lá. Trong khi đó, một sào dâu mới cho tới chín mươi kg lá. Đem so sánh hai loại dâu thì dâu mới có nhiều cái lợi khác như độ dày của lá dâu, nguồn chất đốt... Cụ Thành đáp lại câu hỏi của tôi:
          - Dâu này không mới lắm đâu. Nó đã có trên bốn mươi năm rồi. Đó là loại dâu bầu trắng. Còn có dâu bầu đen và dâu bầu đá nữa. Dâu bầu trắng lá to hơn và chịu lụt chịu úng tốt  hơn. Vừa nói, cụ vừa kéo chúng tôi ra vườn để thhạp mục sơ thị, nói có sách, mách có chứng. Nhìn vào cây dâu và lá dâu bầu trắng cụ Thành chỉ, tôi không tin vào mắt mình nữa. Lá dâu to đến kỳ lạ. Một đồng chí trong chúng tôi nói đùa: "trông lá dâu ngỡ chiếc quạt của nữ sỹ Hồ Xuan Hương thuở nào". Chúng tôi tò mò đo thử. Bề rộng lá dâu hơn một gang tay, bề dài ngót nghét một gang rưỡi. Tôi nói với  cụ Thành là vùng sông Thu Bồn quê tôi cũng trồng dâu nuôi tằm nhưng tôi chưa thấy loại dâu nào như thế này. Cụ Thành cho biết là Bách Thuận vừa đã bán cho Quảng Nam Đà Nẵng trên một trăm tấn hom dâu giống bầu trắng này.
          Bách Thuận có nhiều cụ giỏi trồng và thâm canh dâu, như cụ Xô, cụ Kính, cụ Bảo, cụ Thành... Một số cụ bà đã mất. Lớp trẻ bây giờ tiếp thu kinh nghiệm cũ của các cụ kết hợp với khoa học kỹ thuật mới, nên tiến bộ nhanh trong việc dâu tằm. Chúng tôi cứ tưởng việc trồng dâu đơn giản. Nhưng qua cụ Thành, chúng tôi thấy việc đưa cây dâu ra bãi cũng khá phức tạp. Đất bãi phải dùng mai đào sâu ba mươi phân, phơi ải bốn năm nắng, đập đất cho nhỏ, đảo lại cho đều, phơi vài nắng nữa, lại đập nhỏ. Sau đó giăng dây, đánh hàng, đào rãnh cho thẳng. Mỗi hàng rãnh cách nhau một mét tám. Mặt rãnh rộng bốn mươi phân, đáy ba mươi phân và sâu hai mươi phân. Khi trồng, dưới đáy rãnh đặt từ sáu đến bảy hàng hom dâu. Nếu đồng đất hơi chua thì đặt hon dâu chếch nghiêng hai mươi lăm độ, cho thò đầu lên mặt đất một chút. Nếu đất chưa làm nhỏ, khi làm xong phải dẫm lên cho chặt để tránh nắng, hom khô. Còn giống hom thì phải chọn cây dâu to bằng xe điếu hoặc ngón tay út. Lớn quá dâu không mọc mần. Hom dâu giống cũng không nên chặt dài. Hơn kém một gang tay là vừa. Trên vồng thì trồng xen hai hàng đỗ hoặc xu hào... Trồng dâu nhất thiết phải trồng trước đông chí, để lập xuân là dâu mọc. Trồng sau đông chí dâu sẽ chết. Phải bón phân tằm, phân chuồng, tuới nước pha loãng thì cứ sau mười lăm ngày hái được một lứa lá. Sau khi hái phải bón phân để thúc mần cho lá nở khoẻ. Muốn lấy lá dâu khum cuối năm, phải chăm bón tiếp rồi mới khum thì năng xuất mới cao.
          Chúng tôi kể cho cụ Thành nghe chuyện phụ nữ Lạc Sơn của Hà Sơn Bình, mỗi gia đình đã trồng từ hai đến ba chục gốc dâu phân tán quanh vườn. Năm đầu mỗi gốc cho từ hai đến ba kg lá. Từ năm thứ hai mỗi gốc cho từ 10 – 15 kg lá, đủ nuôi tằm thu từ 10 đến 15 kg kén, kéo được non 2kg tơ để dệt được từ 7 đến 10 mét lụa. Cụ Thành bảo đúng là nghề trồng dâu nuôi tằm phải tiến hành cả ba khu vực quốc doanh, tập thể và gia đình. Đối với gia đình, nó là nghề phụ ít vốn, ít vật tư mà lại thu nhiều lợi. Cho nên việc trồng dâu phân tán là đáng khuyến khích. Dâu bầu trồng ngoài bờ vườn hái lá quanh năm. Về Bách Thuận vào mùa này chỉ thấy trên trời dưới dâu. Dâu xanh bãi vườn. Đất sa bồi Bách Thuận lại rất hợp với cây dâu. Nói đến dâu là nói đến tằm. Trồng dâu nuôi tằm là hai việc đi đôi với nhau như bóng với hình. Không thể trồng dâu chỉ để lấy lá đi bán, và cũng không thể nuôi tằm mà chỉ đi mua lá dâu. Tục ngữ có câu “trăm dâu đổ đầu tằm” trong đó có ngụ ý nói đến cái lợi ích tương hỗ giữa dâu và tằm. Bách Thuận từ khi hợp nhất xã, qua sáu năm trồng dâu nuôi tằm, đạt sản lượng gần 80 tấn kén một năm. Với gần 100 ha trồng dâu và hơn 1000 buồng tằm mỗi vụ sản lượng cũng như năng xuất tơ tằm của Bách Thuận đang còn nhiều hứa hẹn.
          Tôi đến thăm cụ Phó Lương. Nghe cụ kể chuyện tơ tằm, biết cụ là người nuôi tằm nhiều kinh nghiệm. Các đồng chí lãnh đạo xã cho biết cụ Phó Lương là một trong những người có tay nghề nuôi tằm có năng xuất cao trong toàn xã Gia đình cụ có nghề nuôi tằm cổ truyền nên cụ biết nuôi tằm thừ thuở nhỏ. Cụ đã kể cho chúng tôi nghe về vòng đời của con tằm là từ 50 đến 60 ngày tuỳ theo thời tiết và từng loại tằm. Loại tằm đa hệ cổ truyền của ta trước đây một năm nuôi được tám đến chín lứa, nhưng thường hỏng mất một nửa do bệnh gai, bệnh bủng, bệnh trong... Giống lưỡng hệ có năng xuất cao, nhưng chỉ nuôi được hai lứa trong vụ đông xuân, vì chúng không chịu được nóng. Nhưng giống tằm lai do trại giống tằm Trung ương phân phối thì mùa nào cũng nuôi tốt. Cụ Phó Lương đưa chúng tôi xuống thăm buồng tằm:
          -Các bác thấy đó, nuôi tằm vất vả và phức tạp như nuôi con mọn. Tục ngữ có câu “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”, là nói lên cái vất vả và phức tạp đó. Nuôi tằm thời gian vất vả nhất từ 25 đến 27 ngày. Đó là từ khi tằm nở đến khi tằm chín lên né và cho kén. Cụ bảo, bây giờ trồng dâu nuôi tằm đều có sách, tiếp thu khoa học mới đã đành, nhưng kinh nghiệm gia truyền cũng rất cần thiết. Đại khái, ai cũng biết từ khi tằm nở đến khi tằm chín, tằm phải qua 5 tuổi và bốn lần lột xác. Nhưng cách nuôi và phòng bệnh mỗi người có một cách riêng. Thông thường tằm kiến thì cho ăn lá dâu bánh tẻ thái chỉ. Tằm lớn dần cho đến khi ăn rỗi thì thái một lá làm ba. Lúc tằm ăn rỗi nghe rào rào như mưa, thích lắm. Giai đoạn tằm ăn rỗi cần chú ý thay phân luôn và không được để tằm đói. Nếu lúc này tằm thiếu ăn một bữa sẽ yếu và ảnh hưởng đến năng xuất tơ. Và khi tằm chưa đủ độ chín mà đã cho nên né thì chúng sẽ cho kén bé và mảnh tơ. Nhìn những con tằm đang kéo kén trên né, bất chợt tôi nhớ dến một bài hát thuở nhỏ ở vùng quê Thu Bồn tơ tằm của tôi: Làm tằm làm lãm/ Để lứa đầu năm/ Để tằm tươi tốt/ Tằm từ ăn một/ Cho chí thức lên/ Vận khá làm nên/ Tràn nong tràn đũi/ Con tằm chắc nụi/ Cái kén vàng hườm/ Cái bán cái ươm/ Tơ tơ lụa lụa..
          Ấy thế mà con tằm tạo ra một loại tơ bền đẹp, chưa có một loại sợi thiên nhiên hay nhân tạo nào sánh kịp. Một con tằm cho một lượng tơ  bằng 1% trọng lượng bản thân. Con tằm đúng là một bộ máy sinh hoá lý tưởng sản xuất ra protêin có hiệu quả nhất. Nuôi tằm ngoài lợi chính là lấy tơ, còn có các nguồn lợi phụ cũng không kém phần quan trọng như: nhộng, nước ươm tơ... Từ ba đến bốn chục con nhộng có lượng trị giá protêin bằng một quả trứng. Nước ươm tơ có thể chế ra nước chấm nhiều chất đạm, chế cả thuốc bổ và nhiều loại thuốc chữa bệnh khác... mà nhà máy ươm tơ Thái Bình và nhà máy ươm tơ Sông Ninh đã làm. Một anh cán bộ dâu tằm nói với tôi là, cứ một tấn kén ươm được khoảng 100 kg tơ các loại và được trên 500 kg nhộng. Tôi nhẩm tính, Bách Thuân mỗi năm có từ 80 đến 100 tấn kén thì sẽ có tới 50 tấn nhộng. Nếu bán rẻ với 20 đồng/kg thì cũng đã thu 1.000 đồng.
          Chúng tôi đi thăm chợ Bách Thuận, dâu lá bán la liệt. Một đồng chí trong đoàn chúng tôi đùa với một cô gái đang mua dâu: “Thương tằm cởi áo bọc dâu/ tưởng tằm có nghĩa hay đâu bạc tình”. Cô gái ngẩng lên nhìn chúng tôi cười và nhanh nhảu chữa lại vế sau: “Thương người ngả nón bắc cầu mới sang”. Rồi cô nói với chúng tôi, khi bị hỏi vì sao nuôi tằm mà không trồng dâu:
          -Lứa tằm nhà em vụ này được quá, mấy dâu cũng không đủ. Tằm sắp lên né mà thiếu ít lá dâu nên phải mang tiền chạy ra chợ các anh ạ. Dâu chợ mỗi ngày một giá. Hôm qua 6 đồng/kg, hôm nay xuống 5 đồng/kg. Biết đâu ngày mai lại lên 7 đồng, đúng là thị trường tự do.
          Chúng tôi tình cờ gặp một cán bộ quen. Anh rủ chúng tôi đến thăm cụ Toán. Đó là một gia đình nuôi tằm giỏi. Cụ vừa qua đời. Mùa này cụ bà vẫn tiếp tục nuôi tằm như cụ ông còn sống. Đất vườn nhà cụ Toán trước đây xấu lắm, cây dâu không lên. Cả nhà phải đi khuân đất thịt ở bãi sông về cải tạo để trồng dâu nuôi tằm. Một gương lao động và yêu tằm dâu đáng kính nể. Cụ bà kể chuyện nuôi tằm. Theo cụ nghề này cũng cần vật tư như than để sưởi, vôi để chống ẩm cho tằm, thuốc trừ nhặng... Cái anh nhặng là nguy hiểm cho tằm lắm. Trứng nhặng lẫn trong tằm khi vào kén thì tơ kéo không thành sợi. Cho nên nhà nuôi tằm chẳng những phải diệt cóc, kiến mà còn phải che chắn anh ruồi nhặng. Trước kia phải dùng mành, gần đây có loại thuốc ngoại BI.58 chống nhặng tốt lắm. Cụ nói chuyện rành rẽ như một nhà khoa học thực thụ. Ngoài sân nhà cụ, chúng tôi thấy tằm đã lên né đang hong nắng ở sân. Tôi chú ý, ngoài các né hom dâu, né rơm kiểu lồng gà, cụ còn dùng loại né có hai mái như hầm chữ A, ở giữa đan dích dắc những chiếc nan, thoạt trông như cái cầu ong. Bà cụ cho biết, đây là loại né cải tiến. Dùng loại né này khi tằm chín đều, treo lên được thoáng gió, vì thiếu không khí thì tằm cho tơ kém. Nhưng loại né này có cái bất tiện là hao tơ vì tơ dính nhiều vào né.
          Hợp tác xã Bách Thuận có nhiều cơ ngơi sản xuất nghề tiểu thủ công. Nhưng cơ ngơi lớn nhất là xưởng ươm tơ. Đó là cơ sở cũ của nhà máy tơ tằm tỉnh sơ tán  trước đây, để lại. Xưởng ươm tơ có trên 230 người và mỗi người một ngày được hợp tác xã trả trên 6 đồng tiền công, kể cả tiền năng xuất. ở đây cũng có nhiều tổ sản xuất tiên tiến, như tổ ươm tơ cải tiến của cô Định, tổ ươm tơ gốc của cô Bính, rồi tổ cô Mùi, tổ ươm thủ công của bà Tuấn... cơ ngơi xưởng ươm đã lớn, thế mà cấp uỷ ở đay đang dự định mở rộng. Các đồng chí lãnh đạo của Bách Thuận nói:
          -Trụ sở uỷ ban, trụ sở của ban quản trị có thể chật một chút cũng chưa sao, nhưng nhà trẻ và những cơ sở dành cho sản xuát thì phải bề thế và được đầu tư đày đủ, ưu tiên xây dựng. Trước mắt chúng tôi lo cái nhà nuôi tằm và ươm tơ. Cây dâu và con tằm đối với nhân dân Bách Thuận hôn nay là nguồn sống. Cái khó khăn ban đầu chúng tôi đã vượt qua. Công việc trồng dâu nuôi tằm hiện nay là kế quốc dân sinh.
         
          Sự vất vả của Bách Thuận, bước đầu đã vượt qua. Từ cái bất đồng hôm nào đến cái nhất trí hôm nay trong cấp uỷ ra ngoài nhân dân phải qua một quá trình đấu tranh và cái lợi thực tiễn của trồng dâu nuôi tằm đã giải đáp mọi mắc mứu. Cũng như trong quá trình chăn tằm, ở giai đoạn đầu nhiều khó khăn vất vả. Đến khi tằm rộ chín và  lên né là nắm chắc chín mươi phần trăm thắng lợi. Hơn nữa Bách Thuận có nhiều thế mạnh, trong đó số một là nghề dâu tằm. Đất sa bồi với cây dâu, lại có nghề nuôi tằm cổ truyền, Bách Thuận sẽ mở ra một hướng mạnh về  tơ tằm. Sắp đến, Bách Thuận không phải chỉ có sản lượng 80 hay 100 tấn kén năm, mà phải gấp nhiều lần con số đó. Bách Thuận còn nhiều tiềm năng để tơ tằm phát triển, vì Bách Thuận có một đội ngũ cán bộ đoàn kết nhất trí và một lực lượng quần chúng biết biến không thành có.


                                                                             Bách Thuận, 1982

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét