Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

GỬI THUẬN VY

    
Quê em mãi cuối sông hồng,
Mới nghe thôi đã say lòng Thuận Vy
Bồi hồi từng bước chân đi
Phù sa làm mật xanh rì bãi dâu.  
Đưa đường hương táo hương ngâu
Kén vàng kéo nắng bắc cầu  ngang sông 
Vòm trời cây đến vô cùng                    
Bất ngờ gặp một nét rừng ở đây       
Nhà em núp dưới lùm cây                  
Như hòn đảo nhỏ hương vây quanh nhà
Chợ làng đầy ắp hương hoa              
Một trời riêng,môt sắc hoa, một trời ...
Bao yêu thương ,nói thành lời         
Vẫn không đi hết tình người Thuận Vy
Em ơi trách tôi làm chi                       
Lòng quê dan  díu có gì lạ đâu           
Bước đi nào dám bước mau              
Bởi chân cứ vướng hương ngâu dọc đường
Nắng lên, cái nắng xanh rờn            
Xanh thăm thẳm mắt cho hồn tôi say
Bao lần về với đất này                          
Vẫn nguyên vẹn vẫn ngất ngây tình đời
Thuận Vy ơi! Thuận  vi ơi!                    
Gọi em hay chính lòng tôi gọi mình!
HẢI ĐĂNG

SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN

SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN
Ngày xưa, bên một ngã ba sông có một làng bãi nổi quanh năm cây trái xanh
tươi trên nền đất phù xa mát ngọt. Cư dân làng bãi nổi tuy nghèo nhưng sống thân
thiện, đầm ấm tình nghĩa xóm làng.
Bên kia sông, cụ đồ họ Nguyễn mở lớp dậy chữ thánh hiền. Làng bãi nổi có người học
trò họ Trịnh sang sông học chữ thầy. Người trò ấy giỏi giang, tuấn tú lại có lễ có nghĩa
nên gia đình thầy đã yêu mến trò mà gả cho trò cô con gái đầu lòng xinh đẹp, rất yêu
chiều, trân quý.
Người học trò theo nghiệp thầy mở lớp dậy chữ, dậy lễ nghĩa cho lũ trẻ làng.
Khi sinh hạ người con trai đầu lòng, cũng vì muộn màng nên vợ chồng thầy đồ họ
Trịnh đặt tên con là Ngọc. Ngày ngày cô đồ quẩy cái chõng tre với nồi nước chè tươi,
Ngọc xách vài nải chuối với mấy tấm bánh tẻ ra bến đò bán cho khách qua sông.
Khách đợi đò hay ghé quán nói đôi câu chuyện xóm chuyện làng và uống nước chè
tươi cô đồ xinh đẹp múc bằng cái gáo dừa rót ra bát sứ.
Ngọc nhanh nhẹn, hoạt bát và sáng dạ. Mỗi buổi tối khi không còn phải phụ
giúp mẹ nữa cậu mới tranh thủ học cha mà 13 tuổi đã thông kinh rành sử, viết chữ
thánh hiền đẹp nhất hàng tổng. Em của Ngọc là hai người con gái tên là Huệ và
Nguyệt. Hai cô gái đều tóc dài, da trắng và thừa hưởng những nét đẹp của mẹ. Các
con thầy đồ theo nếp nhà gia giáo, sống lễ phép, thân thiện, hòa đồng với xóm làng
nên ai cũng yêu quý. Làng bãi nổi vốn trọng chữ nghĩa nên tuy thầy còn trẻ nhưng dân
làng vẫn gọi cặp trai tài giá sắc là ông đồ bà đồ, gọi các con ông bà đồ là cô, là kậu.
Nhưng năm tháng không mãi bình yên, làng quê êm đềm bỗng hỗn loạn bởi
thay đổi chính quyền và chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Lớp thanh niên háo hức tham
gia các đoàn thể mới. Ngọc là Ủy viên kháng chiến hành chính, Trưởng ban thông tin.
Huệ phụ trách hội nhi đồng… Làng bãi nổi sôi động trong cuộc sống mới nhiều đổi
thay cùng những lo toan chuẩn bị chống giặc.
Giặc đánh về làng, mở đầu là trận càn mười tư tháng ba. Ông đồ và hơn ba
chục người làng đã mất trong ngày giỗ trận ấy. Bà đồ khăn trắng trên đầu ngược xuôi
bươn trải buôn bán đò dọc đò ngang nuôi con nhỏ và tiếp tế cho các con lớn cùng
đồng đội của con đánh giặc.
Năm sau, cuối mùa nước lớn, kậu Ngọc hy sinh khi giặc vây ráp một cuộc họp
của lãnh đạo kháng chiến. Hai người trụ cột trong nhà nằm xuống, ba người phụ nữ
nén chặt thương đau nương tựa vào nhau trong ngôi nhà tranh trống chếnh giữa
mảnh vườn có hai ngôi mộ, một ngôi còn chưa xanh cỏ. Một chiều đông giặc trói bà đồ
vào gốc cau dọa bắn để bắt bà khai ra căn hầm bí mật nuôi dấu du kích. Không uy
hiếp được bà giặc đốt ngôi nhà. Dân làng và học trò giúp mẹ góa con côi dựng lại hai

gian nhà. Bà đồ trải chiếc ổ rơm lên những bó hom dâu, ba mẹ con nương tựa nhau
kiên cường sống tiếp.
Một năm sau cô Huệ ra đi giữa mùa nước lớn. Hôm ấy tổ phụ nữ của cô bị đắm
đò khi đi tiếp tế cho đội du kích sơ tán ngoài bãi sậy giữa sông. Cô thôn nữ xinh đẹp
ông đồ đặt tên theo loài hoa trắng tinh, thơm ngát ông bà đồ trồng hai bên ngõ làm đẹp
cho căn nhà gianh đơn sơ ra đi khi mới tròn đôi tám. Bà đồ và cô út ôm chặt nhau
trong nỗi đau tột cùng, chết lặng. Bà quay về bến đò, ngày ngày thẫn thờ ngồi trước
cái chõng tre bán nước chè tươi. Cô út Nguyệt là nơi nương tựa cuối cùng neo bà lại
với đời tha thẩn bên cạnh. Gương mặt cô gái đang lớn sáng như trăng, thêm nữa tên
cô là Nguyệt nên bà đồ và xóm làng có ý gọi chệch tên con đi là Trăng với hy vọng
những điều may mắn sẽ đến, chấm dứt những tai họa đã ba năm liền giáng xuống.
Những sẻ chia, động viên của xóm làng, của học trò, của khách qua sông cũng góp
phần giúp bà đồ gắng gượng lên để vượt qua nghiệt ngã.
Nhưng “họa vô đơn chí”, ngày tết đoan ngọ năm sau, căn nhà bị tầu giặc ngoài
sông bắn cháy. Cô út Trăng hôm ấy đau bụng nằm nhà đã ra đi trong ngọn lửa ngút
trời. Mái tóc dài chấm kheo chân, gương mặt hài hòa sáng như trăng của cô gái 11
tuổi không ai còn nhận ra được nữa.
Còn lại một mình trên cõi đời, bà đồ hoàn toàn suy sụp. Đầu tóc rối bời, vành
khăn trắng và tấm áo the nâu đều lấm lem bùn đất, bà thẫn thờ phủ phục giữa bốn
nấm mồ. Hai mắt bà khóc hết nước, mờ dần rồi không nhìn thấy nữa. Hai tay bà run
rẩy quờ quạng những ngọn cỏ ướt sương buổi sáng, queo quoắt buổi chiều trên
những nấm mồ.
Một chiều đông gió mùa vần vũ, đôi tay run rẩy ấy dừng lại. Mái tóc rối, vành
khăn và tấm áo the lấm đất bất động giữa bốn nấm mồ. Đêm hôm ấy một tổ mối đùn
lên thành một nấm mồ cho người mẹ cô đơn, sáng hôm sau cỏ đã mọc xanh.
Mùa xuân trên ngôi mộ ấy mọc một khóm cây. Những thân cây nâu, thô và
mềm tựa vào nhau. Ở ngọn cành có lá xanh đối xứng là chùm hoa đỏ thắm. Mỗi nhánh
trong chùm hoa có bốn cánh đơn sơ, đỏ thắm và trong thân đọng một giọt sương ngọt
lịm.
Dân làng bãi nổi bảo từng nhánh hoa trong chùm hoa là hình ảnh gia đình của
bà Đồ. Thân của nhánh hoa chứa mật ngọt là hình ảnh bà Đồ, người mẹ cô đơn. Bốn
cánh hoa trên nhánh hoa là hình ảnh chồng con của bà Đồ. Liên tưởng rộng ra thấy
hình ảnh chùm hoa có nhiều nhánh ấy như tập hợp của nhiều thân phận người phụ nữ
làng bãi nổi với những khổ đau, dù ít hay nhiều, dù giống hay khác với bà Đồ thì cũng
vẫn là những thân phận của người phụ nữ trên mảnh đất bao đời nay liên miên chinh
chiến.
Chiến tranh qua, mùa xuân dân làng bãi nổi nhân nhiều cây hoa ấy ra trồng
trong vườn, ngoài ngõ và gọi tên là hoa Mẫu Đơn - Người Mẹ Cô Đơn.
Cũng có người gọi tên cây hoa ấy theo tên "Bà Cô" xinh đẹp của Trịnh tộc làng
bãi nổi là hoa Trăng, rồi qua thời gian lâu ngày gọi chệch thành Trang…

Quê nhà, tiết Đông chí năm Đinh Dậu (2017)

TRẦN HỮU TUẤN