Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

LÀNG THUẬN VY

NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT



         
Thuận Vy thuộc xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, làng nằm ngoài đê sông Hồng, đối diện với thành phố Nam Định, sát đầu cầu Tân Đệ. Thái Bình như một hòn đảo, lại là hòn cù lao giữa vùng đảo ấy. Làng  là quần thể các ốc đảo nhỏ màu xanh, giữa mênh mông nước phù sa nâu đỏ. Làng tách biệt với xung quanh, mỗi nhà lại tách biệt với làng bằng những con đường nhỏ tí ngoằn ngoèo, nước lút đầu. Mọi di chuyển của dân làng đều trông vào chiếc thuyền thúng bồng bềnh, nổi lênh, ngang dọc.
          Làng Thuận Vy có tên chừng hai trăm năm. Tương truyền rằng dải đất ấy trước kia nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, thuộc Nam Định (khi chưa lập tỉnh Thái Bình). Thiên tai đổi dời, sông Hồng năm tháng xối bao làm sạt lở đất đai bãi bờ hữu ngạn, mang sang bồi tụ bên tả ngạn. Người đầu tiên có công tìm ra vùng đất ấy là một người trong dòng họ Nguyễn Đình. Ông đưa dân sang bãi bồi phía tả ngạn hoang hoá đầy lau lách khai phá lập làng và đặt tên nôm là làng Gòi, sau đổi thành Thuận Vi.
  Hơn hai trăm năm qua, bao thế hệ người Thuận Vi cày xới, vun đắp để sống với vườn, những mảnh vườn xanh ngát, mênh mông trước, sau nhà. Nào chanh, cam, táo, roi, ổi, đu đủ, ngâu hoè, dâu tằm, vải, nhãn... Những cây roi đỏ hồng, trắng mỡ, những vườn ngâu hoa vàng rực rỡ thơm nức, những cây quýt trĩu trịt quả đỏ ối dọc bên những con đường, ngõ vào làng. Những bãi dâu xanh ngút, những nong tằm ăn một, ăn hai... kén vàng, kén trắng, tơ óng ả, nuôi sống và làm giàu cho mấy mươi thế hệ người Thuận Vi. Không một tấc đất nào ở đây không được trồng cấy với tầng tầng lớp lớp cây và rau quả. Đất Thuận Vi được nước phù sa sông Hồng nâu đỏ bồi đắp cho mỡ màu để hoa thêm rực rỡ vàng, quả thêm lịm ngọt.
          Làm vườn ở Thuận Vy từ xa xưa không chỉ là nhu cầu sinh nhai mà đã được người làng vườn kết hợp giữa cuộc mưu sinh với thú tao nhã, biến vườn đất và cảnh quan làng thành những bức tranh say lòng khách. Những năm gần đây ở Thuận Vy nhiều hộ chuyển hướng làm cây cảnh, uốn cây thề. Những cây sung, sanh, si, lộc vừng, với thế huyền, thế trực, thế hoành. Những vườn vạn tuế, tùng, cúc, trúc, mai... được uốn tỉa cầu kỳ trong cái nhìn của người biết thưởng lãm cái tinh tế, sang trọng trong mỗi dáng, mỗi thế đã đem về những khoản thu nhập không chỉ năm mươi triệu như mong muốn và cố gắng của nhiều nơi khác trong tỉnh, mà con số này là hàng trăm, vài trăm triệu/ha. Những mảnh vườn với cây cảnh, cây thế đã và đang làm giàu đẹp và tạo nên một dáng vẻ riêng trong cốt cách người làng vườn. Ngày trước vì nằm ngoài đê nên mùa lũ về, làng thường chìm trong nước lũ đỏ ngầu, mọi nhu cầu sinh nhai đều trông vào những mảnh vườn trước, sau nhà. Mỗi năm vườn lại ngập trong nước lũ vài tháng, những tháng còn lại người Thuận Vi phải đánh vật với đất, đào ao, xẻ rãnh, vượt đất lập vườn. Vườn mỗi ngày một cao. Ao, mương máng sông rạch mỗi ngày một sâu. Cứ thế họ biến dần nơi gia đình mình sinh sống, vườn tược của mình thành những ốc đảo, tách biệt với bên ngoài mỗi khi mùa lũ dâng, với mong muốn tránh được những con lũ lớn, bắt đất quay vòng, cho hoa, cho trái.
          Với bản chất cần cù của dân làng bãi, quanh năm lặn lội thồ, đội hoa trái vườn nhà đến những miền xa xôi bán mua mà không qua thương lái. Cứ thế truyền từ đời này qua đời khác. Mẹ truyền cho con, bà dạy cho cháu. Những đôi chân dẻo dai, những cái đầu quen dần với việc đội nặng. Táo, ổi, roi, đu đủ, ngâu, tơ kén từ làng vườn, từ chợ Thuận Vi, những phiên chợ làng họp từ khi còn tối đất đến rạng ngày thì thưa vãn ấy la liệt là quả, hoa và đầy ắp hương thơm. Tất cả được ấp iu trong những chiếc thúng nhất, chồng ba, chồng năm trên đầu các chị, các mẹ, theo những bước chân tần tảo ấy mà qua phà Tân Đệ sang Nam Định, đi Hà Nội, Hải Phòng... mang hương thơm trái ngọt của làng vườn Thuận Vi đến mọi miền.
          Hàng ngày ở chuyến phà đầu tiên rời bến Tân Đệ sang Nam Định, gần như tất cả là người Thuận Vi. Đàn bà đội thúng chồng ba, chồng năm, đàn ông cũng đội nặng không kém. Họ cứ đứng với những chồng thúng ngất ngư, nặng trĩu trên đầu mà trò chuyện về giá cả ở chợ này chợ khác, về hành trình của mình trong ngày và chuyện của con cái, gia đình. Chuyến phà giống như một phiên chợ chớp nhoáng, khi phà cập bến thì dòng người cần mẫn ấy toả đi khắp các ngả đường mà bán mua, trao đổi, để làm nên một vẻ riêng của Thuận Vi. Nhiều du khách, nhà văn nhà thơ vì yêu mến say mê cảnh quan làng vườn có một không hai này, đã tìm về với Thuận Vi để được bồng bềnh trên những chiếc thuyền thúng, mà tận hưởng không khí trong lành mát rượi khi sương chiều vừa buông. Và bóng những chiếc thuyền nan nhỏ xíu, thấp thoáng, ẩn hiện giữa tán lá xanh sẫm. Một mái tóc đen huyền của cô gái làng vườn đong đưa trên tấm lưng ong mềm mại. Một ánh mắt trong veo, thân thiện, ấm áp. Đêm đêm nghe cá đớp mồi và vật mình ùm ũm dưới những tán ổi tán roi dập dềnh trên mặt nước phù sa nâu đỏ. Ngắm trẻ trâu nô đùa, chao cá thòng đong, lặn ngụp đến nhợt nhạt tay chân. Rồi cảnh bán mua vội vã ở chợ làng mỗi sớm mai lên, cảnh các chị, các mẹ đội trên đầu mình cả núi hoa quả của làng đi như trẩy hội từ tinh sương mờ đất. Đã có rất nhiều bài thơ, văn hay về mảnh đất và người nơi đây được đăng tải trên các báo chí khắp cả nước. Du khách đã đến Thuận Vi chắc chắn không thể quên được mảnh đất này.
          Những năm gần đây, làng Thuận Vi không còn cảnh nước ngập nữa bởi con đê ngăn được bồi đắp bằng công sức của những con người cần mẫn. Từ thượng nguồn của các con sông đã có những con đập giữ nước làm thuỷ điện. Sông Hồng hiền hoà hơn, không hung hãn phá phách như xưa, người Thuận Vi cũng vì thế mà bớt đi những nỗi lo mỗi đận lũ về. Cũng không còn cảnh những chiếc thuyền thúng bồng bềnh, lao vút giữa làn nước đỏ ngầu và vùng cây trái trĩu quả ngày nào. Nhưng Thuận Vi vẫn đẹp và thơ mộng bởi dáng vẻ riêng của mình. Chính vì cái vẻ riêng biệt ấy mà một dự án nhiều tỷ đồng vừa được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ và biến nơi đây thành làng Du lịch - Sinh thái - Văn hoá của tỉnh.
          Làng Thuận Vi không chỉ đẹp bởi cây trái vườn ao mà còn nổi tiếng bởi có những dòng họ hiển hách, khoa bảng như Nguyễn Đình, Nguyễn Kim, Phạm Văn...
          Dòng họ Nguyễn Đình nổi tiếng khoa bảng, trong khoảng gần một trăm năm, dòng họ có một tiến sĩ, năm cử nhân và mười hai tú tài. Tất cả đều là những vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Người mà dân làng đang thờ tự tại sảnh chính của ngôi từ đường là người có công tìm đất lập làng. Cụ là Nguyễn Đình Lan, cụ đỗ cử nhân từ khi còn rất trẻ và được bổ làm tri phủ huyện Vĩnh Lại. Làm quan được hơn chục năm, đất làng cứ lở dần rồi mất hết, dân không đất sinh nhai, đời sống vất vả, cơ cực. Cụ xin từ quan về quê, giả làm người chăn vịt, thả diều để thăm dò vùng bãi bồi bên tả ngạn, thấy đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng cấy, tằm tang. Cụ bí mật dùng dây diều đo đất rồi đưa dân sang khai phá lập làng. Đến cuối thời vua Cảnh Thịnh (Quang Toản/1792-1801), nước loạn lạc, vua chúa quan nha mải tranh giành quyền binh, đất đai. Dân hai làng cũ, mới tranh giành, ẩu đả rồi kiện cáo về mảnh đất bồi ngoài dải sông Hồng, cạnh làng Bổng Điền. Việc kiện được đưa đến quan tuần phủ rồi quan tổng đốc. Nhờ con số xác đáng về chiều dài, chiều rộng mà cụ đã đo được khi thả diều ấy nên người làng Gòi thắng kiện.
          Trước cụ Nguyễn Đình Lan có cụ Nguyễn Đình Mai, cụ Mai đỗ cử nhân thời Lê Trung hưng, được bổ làm tri huyện, và sau cụ Nguyễn Huy Chiếu, cử nhân triều Minh Mạng, làm Viên ngoại lang Bộ công, quan ngũ phẩm, được cấp hương ấp. Cụ Nguyễn Văn Diệm, cử nhân thời Minh Mệnh, quan tứ phẩm, Đề hình, được bổ làm Án sát Sơn Tây. Cụ Nguyễn Thế Trạch đỗ cử nhân thời Thiệu Trị, không ra làm quan. Cụ Nguyễn Đình Kỷ, cử nhân thời Thiệu Trị, được bổ làm tri huyện Bình Giang. Ngoài ra còn có mười hai vị đỗ tú tài trong nửa cuối thế kỷ 18 và 19.
          Ngôi từ đường họ Nguyễn Đình (nằm cạnh trụ sở uỷ ban xã Bách Thuận) được xây cất từ thế kỷ XVIII, khi đón vị tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, tiến sĩ bút thiếp Nguyễn Đình Quang. Người được vua Gia Long sùng ái và phong Thái Tử Thiếu Bảo, ban tước Đại học sĩ, quan nhất phẩm rồi bổ làm Tổng đốc Hưng Hóa. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang là chắt của cụ Nguyễn Đình Lan. Từ nhỏ đã nổi tiếng về tài viết chữ đẹp. Dân hai làng Thuận Vi và Bổng Điền kiện cáo, tranh giành đất. Quan tuần phủ về tận nơi tra xét. Vì là học trò nhỏ tuổi, Nguyễn Đình Quang chạy đến xem xét xử. Thấy viên lục sự viết biên bản, Quang liền chê chữ viết xấu. Tuần phủ thấy cậu bé đã không biết sợ mà còn dám chê nhà chức trách, liền gọi hỏi rồi bắt viết thử. Nguyễn Đình Quang viết lại tờ biên bản trên bằng văn phong của mình. Tuần phủ cho thấy văn hay và chữ Quang viết đẹp trình lên Tổng đốc. Việc ấy đến vua, vua cho mời vào cung, được yêu mến và phong tiến sĩ, rồi nhận làm con nuôi. Cụ thân sinh ra tiến sĩ Nguyễn Đình Quang là Nguyễn Đình Cự được vua Gia Long phong Đô sát viện Đại học sĩ.
          Sau cách mạng, mười hai người trong dòng họ đỗ tiến sĩ ở mọi lĩnh vực. Ba người được phong hàm Giáo sư, là các vị Nguyễn Đình Toản, giáo sư, (Trường Đại học Giao thông). Nguyễn Đình Kiệm, tiến sĩ, giáo sư, (Trường Đại học Tài chính). Nguyễn Đình Huân, tiến sĩ, giáo sư kinh tế học, hiện giảng dạy tại Ca-na-đa. Các vị Nguyễn Đình Dũng, Nguyễn Đình Đỗ, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Đình Thế, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đình Sa, Nguyễn Đình Hãn và Nguyễn Đình Doãn, tiến sĩ, công trình sư, người thiết kế và trực tiếp chỉ huy thi công cầu Hàm Rồng trong khói lửa bom đạn của giặc Mỹ. Ông Nguyễn Đình Doãn là cháu gọi tiến sĩ Nguyễn Đình Quang là ông nội. Ngoài ra dòng họ Nguyễn Đình còn hai người được bổ nhiệm làm thứ trưởng các bộ là ông Nguyễn Nhạc, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT. Ông Nguyễn Đình Triện, Thứ trưởng, Bộ Nội vụ (đã nghỉ hưu) và nhiều người được giao giữ các trọng trách cao như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Điện lực Việt Nam. Nguyễn Đình Huy (nhà thơ Quang Huy) Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá... và hàng trăm người là bác sĩ, kỹ sư, thạc sĩ đang công tác ở mọi miền của Tổ quốc.
          Dòng họ Nguyễn Kim có nhiều người được phong hầu, phong tướng từ thời Lê, Nguyễn. Nguyễn Lễ là người có học vấn uyên bác, được vua Lê phong sắc: Giảng dụ quân triều đình (dạy các vương tử, công chúa). Sáu vị được vua Quang Trung phong tướng bởi có công phò vua, dẹp loạn là: Nguyễn Kim Trân (thượng tướng), Nguyễn Kim Phẩm (thượng tướng), Nguyễn Kim An (thượng tướng), Nguyễn Kim Hồng (thượng tướng), Nguyễn Kim Thắng (thượng tướng), Nguyễn Kim Nho (đại tướng). Dòng họ hiện có nhiều người có học vị cao. Trong đó có hai người là tiến sĩ. Ông Nguyễn Kim Phong, tiến sĩ, kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, người đã hơn bốn mươi năm gắn bó với những thăng trầm của ngành Chè. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Kim Trọng, Tổng giám đốc Tổng công ti Chè Việt Nam. Khi tôi đang viết những dòng này thì được tin ông Nguyễn Kim Trọng vừa tử nạn trong chuyến đi công tác ở các nước Trung Đông, khi mới bốn mươi tư tuổi.
          Dòng họ Phạm Văn có nhiều đóng góp với sự phát triển của làng xã, ông Phạm Văn Thưởng, người đã giữ chức chủ tịch xã Bách Thuận trong suốt hai mươi năm liên tục (1977 - 1998). Người kế nhiệm ông từ đó đến nay là ông Phạm Văn Thành. Trong dòng họ có nhiều người thành đạt như trung tướng Phạm Lợi, Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc Phòng. Đồng chí Phạm Hoàng Be, Phó chủ tịch tỉnh Lai Châu và lão thành cách mạng Phạm Hồng Thấm  cũng là người của dòng họ có truyền thống cách mạng này.

          Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng nghìn lượt người trong các dòng họ ấy đã lên đường đánh giặc cứu nước, nhiều người đã nằm lại chiến trường. Nhiều người trở về với cấp bậc đại tá, trung tá quân đội và an ninh. Có nhiều bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều người đi học tập, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc, rất tự hào về dòng họ mình. Họ đang cố gắng cùng với những người ở lại quê hương làm giàu đẹp và rạng danh dòng họ, rạng danh mảnh đất Thuận Vi văn hiến, hiền hoà và giàu đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét