Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

GỐC ĐA QUÊ

Đã lâu rồi anh có về thăm quê không, có còn nhớ cây đa làng đã từng chở che tuổi thơ chúng mình bao năm tháng?
Ngày ấy, khi em và anh đã biết khắc tên mình lên thân đa thì gốc đa quê đã xum xuê tán lá như một vuông trời xanh dịu mát. Thân đa lồi lõm bao vết sẹo chìm nổi theo thời gian, hết lớp này lặng thầm phủ dày lên lớp khác. Tên của em và anh giờ đây đã chìm sâu vào từng thớ gỗ. Cây đa tựa như linh hồn của làng mãi mãi gìn giữ những kỷ niệm đẹp thời hoa niên của chúng ta.




Nhớ ngày ấy làng mình còn nghèo lắm, gốc đa là nơi nghỉ chân của dân làng sau mỗi buổi làm đồng vất vả. Sau mỗi buổi cày bừa, cha dong trâu về ghé vào gốc đa uống bát nước chè xanh, hút điếu thuốc lào mơ màng phả khói lên tán lá. Mẹ tất bật đi chợ xa về, mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt vẫn không quên tạt vào gốc đa bỏ chiếc nón trên đầu xuống, bốc nắm bỏng ngô chia cho lũ trẻ con. Tuổi thơ chúng mình hồn nhiên gắn với gốc đa làng, với những buổi sáng tha thẩn bày trò chơi đợi mẹ, với những buổi chiều dong trâu ra sông tắm mát, ánh mắt khao khát thả lên trời theo vi vút cánh diều bay.

Nhớ nhất là những buổi trưa hè dân làng mình tụ hội dưới gốc đa. Cây đa hiền từ như ông Bụt dang rộng vòng tay che mát cho mọi người, tán lá xanh dày ríu rít tiếng chim kêu. Chim cu gáy gù cúc cù…cu…cu gọi nhau tha thiết, lũ chim sâu rúc rích chuyền cành, bọn chào mào, sáo sậu đánh nhau chí chóe. Lũ chim là nguyên nhân tạo ra những trận mưa quả đa chín rụng ào ào xuống đất. Quả đa chín mọng to hơn ngón tay màu đỏ sậm, ăn chát ngọt tím hết cả môi lũ trẻ. Các cụ bà trầm ngâm ngồi nhai trầu bỏm bẻm, tay xoa xoa lưng đứa cháu nhỏ đang ngủ ngon lành trong lòng. Các cụ ông liên tục truyền tay nhau chiếc điếu cày mù mịt khói. Mẹ mang nồi nước vối ra, một mùi thơm ngát dịu nhẹ lan tỏa ngọt ngào. Ngoài kia con sông Hồng dào dạt chảy, gửi theo cơn gió nồm nam làn hơi nước lành mát ào tới vòm đa xanh. Hương lúa, hương sen thơm nồng nàn bao quanh, không gian dưới gốc đa thật yên ả, thanh bình. Mọi người cùng nâng bát nước vối thơm đậm đà lên nhấp từng ngụm nhỏ, tận hưởng chút hương vị mộc mạc, dân dã của làng quê, cảm giác thời gian như dừng lại, bao lo toan vất vả chợt tan biến theo mây khói. Những câu chuyện về mùa màng, về mưa nắng lại râm ran.

Mỗi khi nhớ về quê hương bao yêu thương lắng lại trong lòng là hình ảnh gốc đa già cổ kính. Cây đa bao nhiêu năm tuổi làng ta chẳng có ai nhớ nữa, chỉ biết rằng khi mình sinh ra nó đã sừng sững xanh tốt cả một góc làng, hồn hậu chở che những người dân quê mùa hiền lành, chân thật. Cây đa là chứng nhân bao cảnh đổi thay thăng trầm của lịch sử, của quê hương, đã tiễn biệt bao người con của dân làng đi giữ nước. Cây đa này cũng đã chứng kiến những buổi hẹn hò, những giọt nước mắt chia ly, những cái nắm tay lưu luyến, những ánh mắt tha thiết trao nhau của gái trai làng trong những buổi giao quân. Em và anh cũng thế, những người con của quê hương trong lòng ăm ắp bao kỷ niệm, mãi mãi mắc hẹn với gốc đa làng.

Trưa nay em lại về đây, bần thần đứng mãi dưới gốc đa cổ thụ nhớ tới anh với những tháng ngày tươi đẹp xa xưa. Cây đa làng mình trải qua bao nắng mưa giông tố, bão gió quăng quật gãy mất nhiều cành nhưng cành này gãy cành khác lại vươn lên xanh tươi bình thản, vô ưu an thái một góc làng. Tán lá xanh đậm màu sương gió, những chùm rễ ngày xưa buông xuống giờ đã cắm chặt vào đất làng trở thành những gốc đa con bao quanh thân mẹ hiên ngang vững chãi. Em đưa tay chạm vào chỗ khắc tên anh ngày xưa chỉ còn thấy vỏ cội xù xì, mốc thếch nhưng lạ kỳ không một chút rêu phong. Trên vòm đa cao có tiếng chim lảnh lót đánh rơi những quả đa chín mọng, ngọt chát tuổi thơ nghèo. Ngoài kia, sông Hồng thao thiết chảy gửi theo ngọn gió trời làn hơi mát nhẹ nhàng vào tán đa xanh biếc. Đôi chiếc lá vàng tươi liệng nghiêng nghiêng theo gió rơi xuống rồi khẽ khàng đậu lại vai em.
Đã bao tháng ngày mưu sinh giữa dòng đời mê mải, trưa nay được trở về đứng dưới gốc đa làng, đôi mắt em chợt nhạt nhòa hạnh phúc.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

HỒI ỨC NOEL

 Mỗi mùa Noel đến trong tâm tưởng mình dòng hồi ức những tháng ngày ở xứ đạo Bùi Chu lại hiện về lấp lánh.
Năm đó, năm 2010 mình là một trong 77 sinh viên lớp Y sĩ Đa khoa K1G về thực tập 3 tháng ở bệnh viện huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định làm đề án tốt nghiệp. Ngày đầu tiên đến nơi đây mình không khỏi buồn bã và ngán ngẩm trước một thị trấn bé nhỏ, vắng lặng hàng tiếng đồng hồ mới có một chiếc xe khách chạy qua. Cầm tập bệnh án Nhi trên tay thấy ghi tên mẹ toàn gắn liền với tôn giáo Thiên chúa mà cảm thấy lo lắng thực sự. Nhưng chỉ qua nửa ngày tiếp xúc với các y bác sĩ và bệnh nhân trong lòng mình đã cảm thấy vô cùng yên tâm và ấm áp. 
Giáo phận Bùi Chu nằm tại xã Xuân Ngọc cạnh bệnh viện Xuân Trường. Nơi đây là thủ phủ của đồng bào theo đạo Thiên chúa với những nóc nhà thờ cao vút lặng lẽ trầm mặc in vào nền trời xanh thẳm tạo nên vẻ đẹp uy nghi lộng lẫy không kém gì những thánh đường cổ kính ở Châu Âu. Điều đặc biệt nhất khiến mình trân trọng và ngưỡng mộ là tình cảm của người dân Xuân Ngọc. Mình đã từng đi nhiều nơi, trọ học nhiều chỗ nhưng tình cảm của bà con giáo dân nơi đây làm mình thật sự ngỡ ngàng. Họ sống trong trẻo, hồn hậu, chất phác đối xử với nhau yêu thương ân cần chưa từng có và đặc biệt là cực kỳ nhiệt tình nếu như bạn có điều gì cần họ giúp đỡ. Sự ồn ào náo nhiệt của lũ sinh viên tứ xứ hết năm này qua năm khác thay nhau đến thực tập ở bệnh viện Xuân Trường cũng không hề ảnh hưởng đến cách sống của họ. Từ già đến trẻ đều một lòng yêu nước kính Chúa, sống tốt đời đẹp đạo.
Nhà trọ mình cách nhà thờ Bùi Chu chừng 500m, đêm đêm nghe tiếng kinh cầu, tiếng chuông gióng giả ngân vang trong lòng lại nao nao nhớ nhà và bâng khuâng hoài niệm về một thời xa vắng. Chuông nhà thờ kéo vào lúc 5 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều và 12 giờ đêm, tiếng chuông như một lời nhắn nhủ các môn đồ luôn thức tỉnh lòng mình hướng về với Chúa. Nhà thờ Bùi Chu nằm trong khuôn viên rộng đẹp với quần thể kiến trúc phong phú. Bước vào cổng bắt gặp ngay Thánh đài Đức mẹ Mafila uy nghiêm bên trường Giáo Lý sừng sững nguy nga soi bóng bên hồ nước đắp núi đẹp lung linh. Cung Nữ Vương Hòa Bình với những đường cong vút thanh thoát có bàn tay Đức mẹ nâng cánh bồ câu bay. Đến nơi đây du khách không thể bỏ qua được nhà Dục anh nơi nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ mồ côi, tật nguyền. Mình đã vào thăm các cháu rất nhiều lần với những món quà nho nhỏ và tấm lòng yêu quý bởi lũ trẻ rất ngoan ngoãn, đáng yêu trong sự chăm nom dạy dỗ của các xơ (masou). Sân nhà thờ rộng là thế, khách thập phương đông là vậy nhưng tuyệt nhiên không một bóng trẻ lai vãng ra sảnh đường.
Bước vào vườn VeA Maria ta có cảm giác như lạc vào chốn địa đàng. Thảm cỏ xanh mướt phủ dày bên lối đi, hoa trăm màu sắc ngát hương. Những cụm tre đằng ngà rì rào trong gió bao quanh khu vườn tạo nên một khung cảnh tĩnh mịch êm đềm lạ. Trong vườn kinh có tràng hạt khổng lồ nặng 2,2 tấn, đàn Lina và chiếc chuông gió bằng đồng vĩ đại vậy mà chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua đã reo lên lanh canh hân hoan như lời chào mừng du khách. Ấn tượng nhất là chiếc kèn đồng to nhất Việt Nam với chiều dài hơn 5m, cao 1,6 m và chiếc chuông đồng. Khách tham quan đến đây không ai là không tò mò ghé miệng thổi kèn. Kèn dài gần gấp 3 lần người nhưng khi thổi không tốn sức vì chiếc lưỡi gà bé tý được gắn ở chuôi kèn đã tạo nên tiếng vang réo rắt. Chiếc chuông đồng hình người phụ nữ (Nữ nhân chuông) là công trình độc đáo có một không hai trên thế giới. Chiếc chuông tựa như người phụ nữ mặc váy thò hai chân ra ngoài tạo nên cảm giác ngộ nghĩnh vui vẻ. Sự tích của Nữ Nhân chuông là khi Đức Chúa Giê Su tái sinh Người đã giao trách nhiệm cho bà Maria Madelena đi công bố tin mừng cho toàn thế giới được biết, bà được ví như một cái chuông vang. Trong vườn kinh có tượng Đức mẹ Lavang và 150 bản kinh khổng lồ kính mừng Maria bằng đá cẩm thạch được viết bằng 75 thứ tiếng trên thế giới. Sau tượng Đức mẹ có 7 cây nến cao 10m, tượng Thánh Fracis với chó sói và một số tượng Thánh khác. Cuối vườn là nhà Chế, Phán xét, Thiên Đường và Hỏa ngục với chiếc Cân công tội phúc của Chúa. Đây là nơi Chúa quyết định cho con người được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục khi họ đang vào phút lâm chung. Bên cạnh có tượng Thiên Thần thổi loa, dưới chân tượng Thiên Thần thổi loa báo hiệu cho người chết sống lại là chiếc đồng hồ chạy ngược bởi khi chết người ta hết thời giờ lập công mà Thiên chúa chỉ xét xử những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nếu người ăn ở tốt lành sẽ được đi lên tháp Thăng thiên có 11 cánh hạc đang bay lên trời, kẻ dữ sẽ bị đẩy vào Hỏa ngục trong chiếc giếng sâu thăm thẳm có 4 tên quỷ dữ mắt đỏ, tóc xanh, đầu mọc sừng răng nhe trắng ởn tay lăm lăm cầm chùy, cầm búa lôi người chết vào hỏa dầu. Nhìn cảnh tượng này không ai không khỏi rùng mình khiếp sợ và tự dặn lòng sống sao cho tốt để khi thác đi không phải sa vào cái giếng sâu rung rợn này. Bên cạnh tháp Thăng thiên có biểu tượng hai bàn tay khổng lồ hướng về nhau, đó là bàn tay của Chúa đang kéo con người lên thiên đàng.
Noel năm đó tuy đã hết thời gian thực tập nhưng phòng mình mấy chị em rủ nhau ở lại để được hưởng trọn một đêm Giáng sinh anh lành vui vẻ của xứ đạo, một đêm Noel tráng lệ, lộng lẫy ấn tượng nhất trong đời.
Bởi Bùi Chu là Chính tòa giáo phận có chức phận tương đương như một vùng miền nên các đoàn khách từ các nhà thờ khác của các tỉnh lân cận đều được cử về đây tiến hành Giáo lễ chúc mừng Chánh xứ và đóng góp công sức để tạo nên một không khí lễ hội Noel hoành tráng nhất nhì miền Bắc. Núi cao, hang động, suối nước, cây cối được tạo cảnh kỳ vĩ như thật. Hàng thông hai bên nhà thờ phủ tuyết bông trắng xóa, đèn màu nhấp nháy kỳ ảo lung linh. Ông già Tuyết mũi đỏ má hồng ngồi trên chiếc xe Tuần lộc luôn tươi cười vẫy vẫy lũ trẻ con đang tò mò hếch mũi, dán mắt vào túi quà khổng lồ ông đeo trên vai. Đêm Giáng sinh, lắng lòng mình trong giai điệu ngọt ngào du dương của dàn Thánh ca, đắm chìm vào không khí vui tươi hân hoan, những lời cầu nguyện thành kính, ngắm nhìn những khuôn mặt rạng rỡ thánh thiện mình cũng như được tan vào dòng sông Hạnh phúc của bà con Thiên chúa. Cảm giác ngọt ngào ấm áp đó còn mãi dư âm tới tận bây giờ.
Noel năm nay xin được kính chúc bà con Thiên chúa, giáo phận Bùi Chu cũng như toàn thể các anh chị em và bạn bè đón một Giáng sinh ấm áp, an lành, vui vẻ và Hạnh phúc.
                           

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

MÙA CHÍN

 Hình như từ trên xanh thẳm
Vẫn còn rung tiếng ve ngân
Đất nồng ấm hương nắng gió
Chuốt nên hạt gạo trắng ngần.

Hình như từ mênh mông lắm
Vẫn còn ngan ngát hương sen
Hoa cau rụng vào miền nhớ
Cốm xanh thơm dịu đêm rằm.

Heo may uốn cong ngọn lúa
Nụ cười sáng tựa vầng trăng
Sức người trở trăn với đất
Dâng lên lớp lớp sóng vàng.

Trải bao thiên tai bão tố
Làng quê vẫn rộn tiếng cười
Mồ hôi chín vào hạt thóc
Rực lên hương sắc tháng mười.

THÁNG MƯỜI

Tháng mười ngổn ngang mùa gặt hái
Em dấu nụ cười sau vồng lúa ngát hương
bờ sông đã chớm vàng hoa cải
Hẹn những đêm trăng rời rợi gió vờn.

Em nồng nàn bước ra từ rơm rạ
Vẫn tinh khôi như sương đọng đầu cành
Tháng mười ơi có yêu thương thì khẽ
ru dịu dàng để em được lung linh.