Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

LƯU NIỆM MƯỜI NĂM

 

Một cái lá thường xanh

Bên đóa hoa thường nở

Một quả luôn trĩu cành

Phù sa màu chín đỏ

Tằm thương người nhả tơ

Lúa nhớ màu chín rộ

Con ong theo đến trường

Đậu trên vai em nhỏ

Gió xuân về bâng khuâng

Mưa xuân về màu mỡ

Loài chim nào đến đây

Cũng đẹp đôi đủ lứa

Một làng nhỏ ven sông

Bốn phuương về thăm thú

Cổng làng nhớ khách xa

Tin nhau thường bỏ ngỏ.

 

Tình cờ cùng trú mưa

Còn nên duyên nên nợ

Huống tình nghĩa mười năm

Ta về thương đi nhớ

Cả lúc tay cầm tay

Còn ngỡ đương cách trở

Ba vạn sáu nghìn ngày

Vẫn ấm nồng ngọn lửa

Bách Thuận của ta ơi

Người đã thành xứ sở.

 

TRINH ĐƯỜNG

28/01/1991

 

 


 

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

 


BÁCH THUẬN VỚI MÙA THU LỊCH SỬ

 

Bách Thuận, một địa danh của cửa ngõ tỉnh Thái Bình, nơi nổi tiếng với những vườn hoa cây cảnh, với không khí trong lành thoáng đãng dịu mát tựa như lá phổi xanh nằm cạnh con sông Hồng quanh năm đỏ hồng phù sa màu mỡ. Bách Thuận, nơi đây là đất lành quả ngọt và bình yên nhưng để có được điều đó Bách Thuận đã phải trải qua bao gian khổ hy sinh của nhiều thế hệ dựng xây và bảo vệ. Trong những ngày mùa thu lịch sử này Bách Thuận như được tiếp thêm sức sống mới với không khí sôi nổi náo nức chào đón Quốc khánh 02/9 và đặc biệt là lễ kỷ niệm 70 năm thành lập chi bộ đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã Bách Thuận ngày nay (06/9/1947 - 06/9/2017).

Nhớ mùa thu đầu tiên, mùa thu của đất nước, mùa thu của Cánh mạng tháng Tám như một thiên hùng ca sáng ngời trong lịch sử. Nhân dân khắp nơi nô nức vùng dậy giành chính quyền với những vũ khí thô sơ nhưng kết lại đồng lòng thành một làn sóng như triều dâng, bão nổi. Con thuyền cách mạng dưới sự chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vượt qua sóng gió hiên ngang đứng trụ vững với một nhà nước non trẻ. Cũng vào những ngày mùa thu lịch sử đó do yêu cầu cần thành lập chính quyền để lãnh đạo nhân dân, ngày 06 tháng 9 năm 1945 Ủy ban nhân dân Cách mạng xã Bách Thuận đã ra mắt nhân dân Bách Thuận. Phong trào Cách mạng của Bách Thuận ra đời đã nhanh chóng khắc phục những hậu quả do chế độ cũ để lại, từng bước củng cố Chính quyền dân chủ nhân dân, tiếp tục đưa phong trào Cách mạng tiến lên. Và đến mùa thu năm 1947 cùng với sự   lớn mạnh cả về phong trào cách mạng và trưởng thành về tổ chức, dưới sự chỉ đạo của huyện ủy Thư Trì, ngày 06 tháng 9 năm 1947 chi bộ Đảng đầu tiên của Bách Thuận đã được thành lập gồm 05 đồng chí và đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Uyên làm Bí thư chi bộ. Chi bộ Bách Thuận được thành lập là kết quả cả một quá trình vận động của phong trào Cách mạng, là một sự kiện lịch sử lớn đánh dấu mốc phát triển mới của Cách mạng Bách Thuận. Chi bộ Bách Thuận ra đời là một trong những nhân tố quyết định giúp phong trào Cách mạng Bách Thuận liên tiếp thu được những thắng lợi vẻ vang trong thời kỳ xây dựng và giữ nước.

Đã trải qua bao mùa thu cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, Bách Thuận đã từng bước đi lên, từng ngày đổi mới thay da thắm thịt. Cách đây hơn 30 năm khi đất nước còn trong cảnh khó khăn về phục hồi kinh tế sau chiến tranh nhưng khi nói về Bách Thuận mọi người đều nghĩ đến một vùng quê nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén, một làng vườn xanh mướt với hoa thơm quả ngọt quanh năm. Bách Thuận, một làng quê êm đềm bình dị nhưng có sức lôi cuốn lớn đối với khách thập phương bởi vẻ đẹp hữu tình nên thơ của miệt vườn hoa trái, bởi tình đất tình người luôn nồng hậu thảo thơm.  

 Và hôm nay trong những ngày mùa thu lịch sử này, về Bách Thuận ta như được cuốn vào niềm vui hân hoan của các phong trào chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập chi bộ đầu tiên của của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Bách Thuận. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc đỏ thắm phấp phới tung bay trên mọi nẻo đường, trên những mái nhà cổ, những ngôi biệt thự thấp thoáng giữa vườn cây cảnh xanh mướt. Cán bộ và nhân dân Bách Thuận cùng ra quân vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm quang sạch đẹp. Không khí trong lành mát mẻ, không gian thấm đẫm mùi hương, quả trên cành cứ ngọt dần trong nắng thu vàng óng ả.Các vườn hoa đã thi nhau đưa hương khoe sắc, Đường hoa, Bồn hoa Phụ nữ đã tưng bừng nở rộ. Đoàn Thanh niên, học sinh các nhà trường và cán bộ Công Đoàn Ủy ban nhân dân chung tay thu dọn tổng vệ sinh nơi công sở, các trường học, trạm Y tế và Đài tưởng niệm liệt sỹ thêm đẹp đẽ khang trang. Mùa thu Bách Thuận với gió nhẹ nắng vàng, với đất rộng trời cao mênh mang rộng mở khiến cho lòng người háo hức, xốn xang. Những bản tin thời sự, những bài tuyên truyền và lời ca tiếng hát luôn rộn ràng trên hệ thống truyền thanh của xã.

Mùa thu năm nay đến với Bách Thuận trong không khí rộn ràng, phấn khởi, tung bừng, lộng lẫy hơn, dường như để chúng ta tưởng nhớ lại Mùa thu cách đây 70 năm chi bộ Đảng ra đời, đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc giữ làng, tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương. Trải qua tiến trình của lịch sử, có thời điểm gian nan vất vả, sống chết kề bên, nhưng người dân Bách Thuận đã vững bước đứng lên tin vào Đảng, một lòng đi theo Đảng, đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang vững chắc, môi trường thiên nhiên trong lành, đời sống nhân dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới, khu du lịch “ Làng vườn sinh thái” ngày càng khởi sắc, thực sự xứng tầm là miền quê Cách mạng thân thương, giàu đẹp. Mỗi người dân Bách Thuận thật tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên miền quê phù sa, tràn đầy hương sắc, chúng ta cần phải biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ, viết tiếp những trang sử sáng ngời để muôn đời lưu truyền về con người, mảnh đất Bách Thuận. Để mỗi mùa thu tới trong lòng người dân Bách Thuận lại trào dâng niềm vui khi nhớ về những mùa thu lịch sử hào hùng của đất nước, của dân tộc, của quê hương.

                                                           Bách Thuận ngày 28/8/2017

                                                                  Nguyễn Thúy Hằng

 

 

 

 

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

CHIỀU THUẬN VY



Một chiều qua đất Thuận Vy
Lá hoa níu bước chân đi không đành

Em như quả chín đầu cành
Xôn xao sóng lá đất lành dậy hương

Thầm thì gió nói lời thương
Bao nhiêu tươi thắm xin nhường Thuận Vy

Người quê vẫn nết nhu mì
Chắt chiu mưa nắng từ khi có làng


Chiều nay thương nhớ muộn màng
Thuận Vy
               lẻ bước
                          vội vàng...
Lại xa
01/9/2019
(HÀ CỪ - Nguyên TBT báo Hải Dương)

SỰ TÍCH HOA NGÂU


Ngày xưa ở một bãi nhỏ heo hút mom sông Hồng cuối tỉnh Nam có hai cha con một lão nông sinh sống. Người cha tên là Trung Đình, thời trẻ đã đỗ đạt thăng quan nhưng do vợ mất sớm ông cáo vua về quê để làm tròn bổn phận với cha mẹ tổ tiên và chăm sóc cô con gái bé nhỏ. Thật lạ con gái ông, cô bé Ngân Sa có tiếng cười trong vắt như sương mai, mỗi khi bé cười cả không gian như có những chùm nắng li ti tỏa sáng.  Ngôi nhà của hai cha con nằm đối diện với ngã ba sông mang tên Tuần Vường. Dòng sông Hồng chảy êm đềm từ thượng nguồn xuống đến nơi đây tự dưng hiếu động vùng vẫy tìm hướng đổi dòng, ban ngày  hiền hòa nhưng cứ đêm đêm lại vật vã trở mình lăn sang tả ngạn. Đêm, nghe tiếng đất lở xuống sông ầm ầm, tiếng vạc kêu khắc khoải như tiếng kêu mất tổ ông Trung và dân làng thao thức không sao ngủ được. Những vườn ngô non mướt, bãi mía xanh rờn cứ lần lượt bị nhấn chìm xuống nước kéo theo nhà cửa và cây cối. Người ta đồn rằng chàng hoàng tử nghịch ngợm của Vua Thủy tề hay cưỡi tuấn mã phi dọc bờ sông, vó ngựa của chàng đặt đến đâu đất của bãi sông chìm tới đó. Dân làng lo lắng mổ ngựa, mổ bò lập đàn cúng tế nhưng dòng sông vẫn hung hãn nuốt hết vườn tược, nhà cửa một cách vô tri.
Trước cảnh bà con đang dần mất nơi sinh sống ông Trung Đình luôn trở trăn trong lòng ước mong đi kiếm tìm vùng đất mới. Phía bên kia sông có một doi đất mọc lên mỗi ngày rộng thêm ra, cỏ dại mọc um tùm. Ông chặt chuối kết bè và làm một cái túp nhỏ bên trên, ông đặt cô bé Ngân Sa lên bè kéo sang bên bãi nổi. Một vùng lau lách hoang vu đầy chim muông, rắn rết, bùn lầy ngang bụng, những con mòng mòng, ken két thấy người lạ thảng thốt vụt bay lên để lại tiếng kêu chát chúa trong không gian hoang lạnh. Cò trắng, vịt trời bay kín cả không gian. Thích thú trước cảnh đó bé Ngân Sa ngây thơ khanh khách cất tiếng cười, lạ thay tự nhiên cả một vùng đầm lầy bừng sáng. Lau sậy cúi rạp mình tạo thành lối đi cho cha con họ, chiếc bè đi tới đâu bùn đất tự rẽ ra tạo thành một con sông nhỏ tới đó, sa bồi nổi lên thành những doi đất mỡ màu. Người cha vô cùng ngạc nhiên trước phép lạ tiếng cười của con gái, ông sung sướng như được tiếp thêm sức mạnh trong công cuộc tìm ra nơi sinh sống mới cho dân làng.
Hàng ngày hai cha con họ cần mẫn đi khai phá những vùng bùn lầy lau sậy, những dải đất màu mỡ hồng đỏ phù sa ngày càng rộng thêm ra. Chim muông đã thân thiện hơn với người, chúng thi nhau tha ngũ cốc và quả chín về cho hai cha con Ngân Sa dùng qua ngày tháng. Rắn rết vốn thích nơi lạnh lẽo giờ đây gặp những ánh nắng lấp lánh tỏa từ nụ cười của cô bé rủ nhau trốn biệt. Bãi nổi hoang lạnh ngày nào đã bén hơi người, trở mình mỗi ngày mỗi khác. Hàng ngày người cha thả diều để căng dây đo đất, con gái cần mẫn gieo lên phù sa những hạt cây do lũ chim chóc tha về. 
Một thời gian sau bãi lầy bên tả ngạn sông Hồng đã trở thành một bãi nổi mướt xanh, cây cối bắt đầu bén rễ đâm chồi, hai cha con Ngân Sa vượt sông về chốn cũ đón dân làng sang sinh cơ lập nghiệp. Và làng Gòi có tên từ đó.
Khỏi phải nói dân làng Gòi phấn khởi biết bao nhiêu. Ngày ngày họ cùng nhau đào ao vượt thổ, đội đất đắp nền quật lập nên đường xá, mương máng, sông hồ. Mỗi nhà một ao, bao nhiêu vườn là bấy nhiêu ao, vườn rộng thì ao to, vườn cao thì ao sâu và tiếp tục cùng ông Trung Đình khai phá thêm những vùng bãi hoang sơ. Đêm đêm họ đã được bình yên ngả mình vào giấc ngủ ngon lành, mơ những giấc mơ đẹp về vùng đất mới. Người dân làng Gòi không còn phải sống trong cảm giác thấp thỏm khi đêm về nghe tiếng vó ngựa của Hoàng tử con Vua Thuỷ tề dọc bờ sông. Những vườn cây và hoa trái đã mâng mẩng chuẩn bị vào mùa, dâu đã mướt xanh trên vùng đất bãi, các nong tằm đã xôn xao tiếng tằm bén lá như tiếng mưa đêm. 
Nhưng kén chưa kịp vàng trên né, quả chưa kịp ngọt trên cây, hoa chưa kịp toả hương trên tay người vun xới thì xóm làng đã xôn xao trước cảnh dân làng bên tràn sang gây hấn. Họ cho rằng đất nơi này là đất của ông cha họ từ đời xưa để lại nhưng dân làng Gòi đã tự ý sang lấn chiếm, và …các cuộc đổ máu xảy ra.
Cô bé Ngân Sa giờ đã thành thiếu nữ má thắm môi hồng, tóc dài như mây như nước. Cô bé theo cha dẫn đầu đoàn quân giữ đất, giữ làng. Trong cuộc hiếu chiến nảy lửa giữa hai bên bất chợt Ngân Sa cất tiếng cười trong vắt, từ cái miệng nhỏ xinh từng chùm nắng cứ bay lên, bay lên. Nghe tiếng cười lảnh lót của Ngân Sa quân làng bên dừng tay ngơ ngác, trong không gian xanh mướt lóng lánh những chùm hoa nắng li ti, một cảm giác bối rối nhưng thân thiện chợt dâng lên trong lòng họ, cuốc cày, liềm búa đã buông xuống nhường cho những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình. Dân làng hai bên vui vẻ rót nước mời nhau bên con sông Đồn trong vắt, con sông được tạo nên bởi những ngày đầu tiên cha con Ngân Sa đã kéo bè chuối đi qua. Và tình nghĩa giữa dân làng Gòi với bà con các nơi được bắt đầu từ đó.
Đất làng đã yên bình trở lại, quả đã ngọt lịm trên cành, hoa đã bung sắc thắm trên vườn   trên bãi, những lứa kén đầu đã vàng óng lấp loá trong nắng thu. Đất đã dậy hương cây, thời gian như trôi đi trong sắc màu của hoa của lá, trong hương thơm của hoa của quả, trong âm thanh của ong bướm chim muông và Ngân Sa đã trở thành cô gái xinh đẹp hồn hậu nức tiếng của vùng bãi châu thổ sông Hồng. Dân làng Gòi thường hay gọi là nàng Ngâu bởi Ngân Sa sinh ra vào tháng Bảy. Hình ảnh nàng Ngâu với nụ cười tỏa nắng trở thành niềm ấp ủ, nhung nhớ trong trái tim bao chàng trai. Nghe đồn nàng Ngâu hay một mình chèo thuyền ra ngã ba Tuần Vường của sông Hồng lấy nước về tắm. Nước ngã ba sông là khí thiêng của đất trời, núi sông tụ lại nên nàng ngày càng trở nên xinh đẹp diễm kiều. Nụ cười của nàng luôn dịu dàng tỏa hương thơm và những chùm nắng li ti ngày càng lấp lánh bay cao bay xa hơn nữa.
Một đêm nọ trời bổng đổ mưa nguồn chớp bể, sông Hồng trở mình cuộn chảy, sóng nước xô ầm ầm vào làng, vó ngựa của con vua Thủy tề đã phi sang vùng bãi mới. Cả làng Gòi vùng dậy chong mắt lo sợ hướng ra sông khấn vái. Cảnh mất đất, mất làng lại hiện về trong tâm trí họ, bao công sức khai hoang lập ấp có nguy cơ theo dòng nước đổ xuống sông xuống biển. Chợt có tiếng ngựa hí vang trời tiếp theo là giọng một chàng trai sang sảng giữa đêm khuya: “ Ta đã phải lòng cô gái đẹp nhất làng có nụ cười tỏa nắng. Nàng dám ra ngã ba sông lấy nước chỗ ta ngự trị nên đã làm kinh động đến Thuỷ cung. Nếu nàng bằng lòng về làm vợ ta, ta sẽ giúp cho dân làng được giàu có bình yên. Bằng không dân làng Gòi sẽ mãi phải di cư đi tìm nơi ở mới. Rạng sáng ngày mai ta sẽ đến đón nàng”. 
Ông Trung Đình chết điếng trong lòng, dân làng Gòi choáng váng nghẹt thở trước lời sấm truyền, đêm bãi nổi tự dưng chìm vào tăm tối. Nàng Ngâu nước mắt lưng tròng bước từ trong buồng ra quỳ xuống trước mặt cha xin được hiến mình cho sông dữ. Người cha nghẹn ngào ôm con vào lòng không thể nói thành lời, ông đã quá hiểu tính nết của Ngân Sa. Với ông những tháng ngày chìm nổi sóng gió bên con tưởng chừng đã hết, giờ đây là cả tương lai tươi sáng mở ra, vậy mà… trời đất quá phũ phàng.
Bình minh chưa thức giấc dân làng Gòi đã kéo đến chật ních nhà nàng Ngâu, họ xin nguyện cùng hai cha con đi cuối đất cùng trời để tìm ra nơi lập nghiệp mới. Nàng Ngâu đôi mắt còn mọng nước vội vàng bước ra mỉm cười trấn an mọi người. Nàng một mực xin dân làng cho nàng làm tròn nghĩa vụ với quê hương.
Ngoài sông, từ ngã ba Tuần Vường trở vào bến đã rực rỡ thuyền hoa giăng đèn kết lụa, Hoàng tử Thuỷ cung khôi ngô tuấn tú mắt ngời sáng quắc cưỡi tuấn mã dẫn theo đoàn tuỳ tùng mang sính lễ tới cầu hôn. Ngân Sa cúi lạy cha già, bái biệt quê hương rồi quay mình nhẹ bước, nàng một mực không lên ngựa mà đi bằng đôi chân trần lần cuối trên nền đất phù sa mát rượi. Dân làng oà khóc trước sự quả quyết của Ngân Sa, nước mắt họ rơi đẫm theo bước chân người con gái đã quên mình ….Thật kỳ lạ, mỗi dấu chân nàng để lại mọc lên một cái cây xinh xắn có vô số tán lá màu xanh hơi óng vàng, lá cây nhỏ xíu hình giọt nước mắt kết 4,5 cái vào nhau như chiếc lông chim. Trước nỗi tiếc thương ngậm ngùi ấy Ngân Sa bỗng vui vẻ cất tiếng cười trong trẻo, vô số những chùm nắng lại bay lên, bay lên và kết lại thành hàng nghìn, hàng nghìn nụ hoa li ti vàng óng đậu thành từng chùm, từng chùm trên tán lá của những cái cây kỳ lạ.
Ngân Sa đi rồi dân làng xin cụ Trung Đình được bứng những cái cây đó về trồng trước cửa để luôn được ngắm và nhớ tới nụ cười lấp lánh của nàng Ngâu. Họ đặt tên cho cây  đó là cây Ngâu, từ đó trở đi làng Gòi xanh ngợp màu xanh của loài cây quý. 
Tương truyền vào những ngày rằm và mồng một nàng Ngâu thường cùng chồng trở về thăm nhà. Nàng hái những bông Ngâu nhỏ xinh đặt lên bàn thờ và ướp trà dâng cha, cùng cha trò chuyện thâu đêm tới sáng. Nhưng tháng ba năm sau trong một đêm mưa đầu mùa sấm chớp đầy trời cụ Trung Đình đã hoá theo mây khói. Bên cạnh ngôi nhà của cụ mọc lên một cây gạo sừng sững hiên ngang, gốc bám chặt vào đất làng, ngọn hướng ra sông Cả. Những bông hoa đỏ thắm nở rực trời.
Từ đó trở đi nàng Ngâu chỉ trở về trong những ngày tháng ba, tháng bảy. Mỗi khi Ngâu về các cô gái làng tôi lại tíu tít gọi nhau đi hái những chùm hoa nắng ngọt ngào, thơm dịu từ nụ cười của nàng vương lại đậu chi chít trên những tán lá xanh. Những hạt ngâu nhỏ xíu xinh xinh có hương thơm dịu mát được các cô gái làng sao khô dùng để ướp trà dâng cha mẹ và đãi khách gần xa.
Đã gần ba trăm năm trải qua bao thăng trầm biến đổi dân làng hai bên bờ sông Hồng từ ngày đó đến nay đã được an cư lạc nghiệp. Đất bãi bồi ngày một mở thêm ra thành một vùng quê rộng lớn quanh năm mướt xanh sắc cây, ngào ngạt hương thơm hoa trái. Làng Gòi năm xưa đổi tên thành làng Thuận Vy với ước mơ khiêm tốn là mong cho thiên thời địa lợi nhân hòa để làm ăn sau đổi thành xã Bách Thuận ngày nay, nghĩa là trăm họ thuận hoà. Cây Ngâu đã trở thành cây có bản sắc riêng của làng vườn. Mỗi khi chạm vào đất làng vườn ta lại bắt gặp mùi thơm dịu dàng quyến rũ của hoa ngâu nhẹ nhàng đưa lối và cứ nhắc tới Thuận Vy, Bách Thuận ai ai cũng đều vương vấn với nụ cười dịu dàng tươi thắm và ngọt ngào thơm thảo của các cô gái làng Ngâu.



Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

GỬI THUẬN VY

    
Quê em mãi cuối sông hồng,
Mới nghe thôi đã say lòng Thuận Vy
Bồi hồi từng bước chân đi
Phù sa làm mật xanh rì bãi dâu.  
Đưa đường hương táo hương ngâu
Kén vàng kéo nắng bắc cầu  ngang sông 
Vòm trời cây đến vô cùng                    
Bất ngờ gặp một nét rừng ở đây       
Nhà em núp dưới lùm cây                  
Như hòn đảo nhỏ hương vây quanh nhà
Chợ làng đầy ắp hương hoa              
Một trời riêng,môt sắc hoa, một trời ...
Bao yêu thương ,nói thành lời         
Vẫn không đi hết tình người Thuận Vy
Em ơi trách tôi làm chi                       
Lòng quê dan  díu có gì lạ đâu           
Bước đi nào dám bước mau              
Bởi chân cứ vướng hương ngâu dọc đường
Nắng lên, cái nắng xanh rờn            
Xanh thăm thẳm mắt cho hồn tôi say
Bao lần về với đất này                          
Vẫn nguyên vẹn vẫn ngất ngây tình đời
Thuận Vy ơi! Thuận  vi ơi!                    
Gọi em hay chính lòng tôi gọi mình!
HẢI ĐĂNG

SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN

SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN
Ngày xưa, bên một ngã ba sông có một làng bãi nổi quanh năm cây trái xanh
tươi trên nền đất phù xa mát ngọt. Cư dân làng bãi nổi tuy nghèo nhưng sống thân
thiện, đầm ấm tình nghĩa xóm làng.
Bên kia sông, cụ đồ họ Nguyễn mở lớp dậy chữ thánh hiền. Làng bãi nổi có người học
trò họ Trịnh sang sông học chữ thầy. Người trò ấy giỏi giang, tuấn tú lại có lễ có nghĩa
nên gia đình thầy đã yêu mến trò mà gả cho trò cô con gái đầu lòng xinh đẹp, rất yêu
chiều, trân quý.
Người học trò theo nghiệp thầy mở lớp dậy chữ, dậy lễ nghĩa cho lũ trẻ làng.
Khi sinh hạ người con trai đầu lòng, cũng vì muộn màng nên vợ chồng thầy đồ họ
Trịnh đặt tên con là Ngọc. Ngày ngày cô đồ quẩy cái chõng tre với nồi nước chè tươi,
Ngọc xách vài nải chuối với mấy tấm bánh tẻ ra bến đò bán cho khách qua sông.
Khách đợi đò hay ghé quán nói đôi câu chuyện xóm chuyện làng và uống nước chè
tươi cô đồ xinh đẹp múc bằng cái gáo dừa rót ra bát sứ.
Ngọc nhanh nhẹn, hoạt bát và sáng dạ. Mỗi buổi tối khi không còn phải phụ
giúp mẹ nữa cậu mới tranh thủ học cha mà 13 tuổi đã thông kinh rành sử, viết chữ
thánh hiền đẹp nhất hàng tổng. Em của Ngọc là hai người con gái tên là Huệ và
Nguyệt. Hai cô gái đều tóc dài, da trắng và thừa hưởng những nét đẹp của mẹ. Các
con thầy đồ theo nếp nhà gia giáo, sống lễ phép, thân thiện, hòa đồng với xóm làng
nên ai cũng yêu quý. Làng bãi nổi vốn trọng chữ nghĩa nên tuy thầy còn trẻ nhưng dân
làng vẫn gọi cặp trai tài giá sắc là ông đồ bà đồ, gọi các con ông bà đồ là cô, là kậu.
Nhưng năm tháng không mãi bình yên, làng quê êm đềm bỗng hỗn loạn bởi
thay đổi chính quyền và chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Lớp thanh niên háo hức tham
gia các đoàn thể mới. Ngọc là Ủy viên kháng chiến hành chính, Trưởng ban thông tin.
Huệ phụ trách hội nhi đồng… Làng bãi nổi sôi động trong cuộc sống mới nhiều đổi
thay cùng những lo toan chuẩn bị chống giặc.
Giặc đánh về làng, mở đầu là trận càn mười tư tháng ba. Ông đồ và hơn ba
chục người làng đã mất trong ngày giỗ trận ấy. Bà đồ khăn trắng trên đầu ngược xuôi
bươn trải buôn bán đò dọc đò ngang nuôi con nhỏ và tiếp tế cho các con lớn cùng
đồng đội của con đánh giặc.
Năm sau, cuối mùa nước lớn, kậu Ngọc hy sinh khi giặc vây ráp một cuộc họp
của lãnh đạo kháng chiến. Hai người trụ cột trong nhà nằm xuống, ba người phụ nữ
nén chặt thương đau nương tựa vào nhau trong ngôi nhà tranh trống chếnh giữa
mảnh vườn có hai ngôi mộ, một ngôi còn chưa xanh cỏ. Một chiều đông giặc trói bà đồ
vào gốc cau dọa bắn để bắt bà khai ra căn hầm bí mật nuôi dấu du kích. Không uy
hiếp được bà giặc đốt ngôi nhà. Dân làng và học trò giúp mẹ góa con côi dựng lại hai

gian nhà. Bà đồ trải chiếc ổ rơm lên những bó hom dâu, ba mẹ con nương tựa nhau
kiên cường sống tiếp.
Một năm sau cô Huệ ra đi giữa mùa nước lớn. Hôm ấy tổ phụ nữ của cô bị đắm
đò khi đi tiếp tế cho đội du kích sơ tán ngoài bãi sậy giữa sông. Cô thôn nữ xinh đẹp
ông đồ đặt tên theo loài hoa trắng tinh, thơm ngát ông bà đồ trồng hai bên ngõ làm đẹp
cho căn nhà gianh đơn sơ ra đi khi mới tròn đôi tám. Bà đồ và cô út ôm chặt nhau
trong nỗi đau tột cùng, chết lặng. Bà quay về bến đò, ngày ngày thẫn thờ ngồi trước
cái chõng tre bán nước chè tươi. Cô út Nguyệt là nơi nương tựa cuối cùng neo bà lại
với đời tha thẩn bên cạnh. Gương mặt cô gái đang lớn sáng như trăng, thêm nữa tên
cô là Nguyệt nên bà đồ và xóm làng có ý gọi chệch tên con đi là Trăng với hy vọng
những điều may mắn sẽ đến, chấm dứt những tai họa đã ba năm liền giáng xuống.
Những sẻ chia, động viên của xóm làng, của học trò, của khách qua sông cũng góp
phần giúp bà đồ gắng gượng lên để vượt qua nghiệt ngã.
Nhưng “họa vô đơn chí”, ngày tết đoan ngọ năm sau, căn nhà bị tầu giặc ngoài
sông bắn cháy. Cô út Trăng hôm ấy đau bụng nằm nhà đã ra đi trong ngọn lửa ngút
trời. Mái tóc dài chấm kheo chân, gương mặt hài hòa sáng như trăng của cô gái 11
tuổi không ai còn nhận ra được nữa.
Còn lại một mình trên cõi đời, bà đồ hoàn toàn suy sụp. Đầu tóc rối bời, vành
khăn trắng và tấm áo the nâu đều lấm lem bùn đất, bà thẫn thờ phủ phục giữa bốn
nấm mồ. Hai mắt bà khóc hết nước, mờ dần rồi không nhìn thấy nữa. Hai tay bà run
rẩy quờ quạng những ngọn cỏ ướt sương buổi sáng, queo quoắt buổi chiều trên
những nấm mồ.
Một chiều đông gió mùa vần vũ, đôi tay run rẩy ấy dừng lại. Mái tóc rối, vành
khăn và tấm áo the lấm đất bất động giữa bốn nấm mồ. Đêm hôm ấy một tổ mối đùn
lên thành một nấm mồ cho người mẹ cô đơn, sáng hôm sau cỏ đã mọc xanh.
Mùa xuân trên ngôi mộ ấy mọc một khóm cây. Những thân cây nâu, thô và
mềm tựa vào nhau. Ở ngọn cành có lá xanh đối xứng là chùm hoa đỏ thắm. Mỗi nhánh
trong chùm hoa có bốn cánh đơn sơ, đỏ thắm và trong thân đọng một giọt sương ngọt
lịm.
Dân làng bãi nổi bảo từng nhánh hoa trong chùm hoa là hình ảnh gia đình của
bà Đồ. Thân của nhánh hoa chứa mật ngọt là hình ảnh bà Đồ, người mẹ cô đơn. Bốn
cánh hoa trên nhánh hoa là hình ảnh chồng con của bà Đồ. Liên tưởng rộng ra thấy
hình ảnh chùm hoa có nhiều nhánh ấy như tập hợp của nhiều thân phận người phụ nữ
làng bãi nổi với những khổ đau, dù ít hay nhiều, dù giống hay khác với bà Đồ thì cũng
vẫn là những thân phận của người phụ nữ trên mảnh đất bao đời nay liên miên chinh
chiến.
Chiến tranh qua, mùa xuân dân làng bãi nổi nhân nhiều cây hoa ấy ra trồng
trong vườn, ngoài ngõ và gọi tên là hoa Mẫu Đơn - Người Mẹ Cô Đơn.
Cũng có người gọi tên cây hoa ấy theo tên "Bà Cô" xinh đẹp của Trịnh tộc làng
bãi nổi là hoa Trăng, rồi qua thời gian lâu ngày gọi chệch thành Trang…

Quê nhà, tiết Đông chí năm Đinh Dậu (2017)

TRẦN HỮU TUẤN

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

MÊNH MÔNG HƯƠNG BƯỞI


Đi dọc chiều tháng Ba trong một không gian mênh mông hương Bưởi thấy lòng nhẹ nhõm vô ưu biết nhường nào. Đắm mình vào màu xanh đậm ngút ngát nồng nàn hương thơm, say mê lắng nghe tiếng chim hót, nâng niu chùm hoa Bưởi tinh khôi trắng muốt trong tay chợt nghe xốn xang một nỗi niềm diệu vợi. Ôi ngọt ngào thân thương quá hoa Bưởi của quê hương...
Hầu như trong các loại cây truyền thống của làng quê cây Bưởi là loại cây dễ thích nghi nhất với các loại đất trên các vùng lãnh thổ. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược khi được đặt bầu xuống đất Bưởi đã nhanh chóng bén rễ, nảy cành xanh tốt và lặng lẽ bung những nụ hoa thơm nồng nàn. Có lẽ Bưởi cũng giống như những người phụ nữ nông thôn Việt Nam luôn có sức chịu đựng dẻo dai bền bỉ, cần cù bám đất vươn sức sống và thảo thơm nhân hậu dâng hoa thơm quả ngọt cho đời.
Ngày xưa ấy khi còn bé tý mình đã cảm nhận được mùi hương Bưởi, hương Chanh qua mái tóc của mẹ, qua lời ru của bà. Giấc ngủ trẻ thơ luôn thấm đẫm mùi hương của làng vườn thân thuộc. Quê mình ven sông Hồng vốn được thiên nhiên ưu đãi nên cây cối quanh năm xanh tốt bởi đất phù sa, quanh năm ăm ắp hương thơm và trái ngọt. Mùa xuân đến khi hoa Cúc, Hồng, Thược dược, Lay ơn rực rỡ khoe sắc bên những chùm quả Nhót đỏ mọng, Hồng xiêm nâu sậm xù xì, Khế la đà khoe trái vàng óng, Dành dành bung cánh chấp chới trong gió ấm thì Bưởi khiêm nhường bình dị đơm hoa. Hè về, hoa Gạo đỏ tươi, hoa Xoan tím nhạt rơi những cánh cuối cùng Bưởi đã có ríu rít một đàn con xinh xinh nho nhỏ. Qua gần hai mùa mưa nắng, đằm trong gió sương giông bão những quả Bưởi  lớn dần mọng nước chờ đón cỗ trông trăng trong đêm rằm tháng Tám. Mâm cỗ là sản phẩm hoa quả được lấy từ vườn nhà. Những trái Roi hồng tươi, những quả ổi nõn nà, quả Hồng đỏ mọng, quả Na trắng xanh mắt nhắm mắt mở quây quần quanh trái Bưởi tròn căng nằm giữa nải Chuối tiêu trứng cuốc vàng rộm. Dường như nắng gió mùa hè, mùa thu đã được chắt chiu đọng lại nơi đây ngọt ngào thơm lựng…
Làng vườn mình trồng rất nhiều thứ quả và  nhà nào cũng có một vài gốc Bưởi đầu sân, góc vườn, cầu ao phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình như lấy lá gội đầu, lấy hoa thắp hương, ướp trà, ướp bột sắn, nấu chè và…thú vị nhất Bưởi luôn là thông điệp tình yêu của gái trai làng vườn khi những mùa xuân tới. Vậy đó Bưởi cứ hồn nhiên bình dị gắn với cuộc sống dân dã của người quê như thế.
Những năm gần đây do thị hiếu của người tiêu dùng Bưởi đã dần lên ngôi đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Hoa Bưởi nhẹ nhàng theo những gánh hàng quê vào phố lặng lẽ góp hương thơm làm đẹp cho đời. Những làng bưởi nổi tiếng như Bưởi Đoan hùng, Bưởi Diễn, Bưởi Da xanh, Bưởi Tân lạc… đã nhân giống mở rộng khắp các vùng quê trên cả nước. Màu xanh đậm khỏe khoắn của Bưởi đã lan phủ làng vườn Bách Thuận. Cứ đến mùa hoa Bưởi, những mảnh vườn, ngõ xóm luôn ướp đẫm hương thơm. Cảm tưởng từng giọt nắng, từng ngọn gió nơi đây cũng như được kết tinh từ nồng nàn hương bưởi.
Và chiều nay đi bên em trong vườn Bưởi mình hạnh phúc khi bắt gặp ánh mắt nụ cười tươi thắm của em cứ sóng sánh ngây ngất hương thơm, cảm tưởng như lạc vào miền cổ tích. Em vui sướng dõi theo những cánh ong mật dính đầy phấn bưởi, rù rì bay từ bông này sang bông khác, lắng nghe tiếng chim lảnh lót xao xuyến rót vào không gian trong vắt, đưa tay nâng nhẹ những chùm hoa hít hà mùi hương thanh tao như cố tận hưởng khoảnh khắc hiếm hoi em có được. Qua trận mưa rào nhẹ đầu tháng  hoa Bưởi đã rụng già nửa trắng xoá dưới gốc cây mà hương thơm cứ dâng đầy ngọt ngào, quyến rũ. Trên cành nhiều bông Bưởi cánh đã chuyển màu trắng ngà cuộn ngược về phía cuống phô ra những nhuỵ hoa vàng thẫm tung phấn theo gió xuân. Em ngân nga khe khẽ: “ Anh không dám xin cô gái chẳng dám trao, chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao, không giấu được cứ bay dịu nhẹ. Cô gái như chùm hoa lặng lẽ, nhờ hương thơm nói hộ tình yêu. Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi, chỉ hương thầm vương vấn mãi người đi …”
      Bất chợt cảm xúc xưa cũ ùa về, mình lặng đi trong ngạt ngào hương Bưởi!