Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

VỀ BÁCH THUẬN

Gió bắc chùm gai nhọn
Đường gập ghềnh chốc chốc lại hỏi thăm.

Lạc trong vườn Bách thuận
Trong màu xanh thôn dã yên lành.
Nắng xanh
Gió xanh
Thơ vừa chớm nụ
  Ngâu cuối mùa thả hương vây quanh.

Chim sáo vui mải hót
Ánh nhìn về phía  tôi. em.
  Róc rách em như suối
  Ngỡ như là từ quả em ra.                                                  
                                                   
                                               3-2011
                                     Nguyễn Quang Cự


Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

LÀNG ƯỚP HƯƠNG

Những cô gái đội hoa ngâu mùa xuân
Vàng ngõ chợ trưa nao về đứng bóng
Má em hây hây làn gió mỏng
Sao bâng khuâng thương nhớ một tên làng.
Ta như kẻ mộng du lang thang
Bỗng ngỡ ngàng: một vùng quê hoa trái
Và bắt gặp những mùa xuân con gái
Vương trên mái tóc mình những nhánh hoa ngâu.
Em – mùa xuân, chẳng phải tìm đâu
Làng Thuận Vi bên sông Hồng thắm đỏ
Quê lẫn vào hương – hương hòa với gió
Người ướp trong hương; hương ướp một tên làng!
Hưng Yên – Thái Bình, Xuân 1999

Tác giả : Xuân Quỳ
Tên thật: Đoàn Thị Xuân Quỳ. Sinh ngày 20-08-1937, tại Hải Yến, Tiên Lữ, Hưng Yên. Từng công tác nhiều năm tại Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Hiện ngụ tại 67. Thủ Khoa Huân, Q 1. TP. Hồ Chí Minh.



Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN XE THỒ

Tôi xa quê cũng đã lâu rồi nên những đổi thay của quê hương không được tỏ tường lắm ví như những chiếc xe đạp thồ có còn xuất hiện trên đường làng không ? Tôi nghĩ là không bởi thời nay các phương tiện chuyên chở hàng hoá đã là ô-tô,xe máy chở được nhiều hàng hoá hơn,thuận tiện hơn nhiều.Một điều nữa là dân Bách thuận mình bây giờ giầu có lắm,biệt thự lộng lẫy mọc lên san sát,các cô gái đi chợ đi bán rau bằng xe Cup thì chuyện những chiếc xe thồ chỉ còn là hoài niệm của một thời,thậm chí lớp trẻ ngày nay chưa chắc biết nhiều về nó.Bởi vậy nay tôi viết lại để cho ai đó biết rõ về loại phương tiện này hoặc giúp những người đã làm nghề nhớ về kỷ niệm của một thời đã qua.
Trở lại thập niên 60,70 của thế kỷ trước,thời đất nước còn chiến tranh,bao cấp,quê ta làm nông nghiệp nhưng chỉ trồng dâu nuôi tằm không cấy lúa nên hưởng chế độ như công nhân,được cấp phiếu vải và mua lương thực từ nhà nước.Tuỳ theo đối tượng hay thời điểm mức tiêu chuẩn thường xê dịch từ 13 kg đến 21 kg cho mỗi người trong tháng.Thời đó đất nước còn nghèo lắm,làm gì có ô-tô để chuyên chở lương thực cho hàng vạn con người nên công việc đó giành cho những người làm nghề xe thồ đảm nhận.Ai đó đã từng xem phim về Điện biên thì thấy cảnh từng đoàn xe thồ,thồ hàng hoá vũ khí phục vụ chiến dịch thì có thể hình dung ra hình ảnh ở quê mình năm xưa cũng vậy.Tôi đã từng tận mắt nhìn thấy đoàn xe thồ Bách thuận chở gạo trên đường 10 thời ấy,đẹp và hoành tráng không kém trong phim ảnh.Cả một đoàn xe dài nối tiếp nhau chậm rãi di chuyển như đàn kiến cần mẫn tha mồi mà đến giờ đã qua gần nửa thế kỷ,hình ảnh đó vẫn in trong tâm trí của tôi.
Vậy xe thồ có hình dáng như thế nào nhỉ ?Tôi xin tả lại trước hết về phương tiện.Điều cần đầu tiên là một chiếc xe đạp nam với bộ khung khoẻ và chắc chắn cùng một cái đèo hàng thửa bằng thép to đùng.Các phụ kiện khác như chắn xích,chắn bùn,đèn,phanh đều được tháo bỏ khiến chiếc xe trở nên đơn giản như một người không mặc quần áo.Bộ săm lốp xe cũng là một vấn đề,chúng được làm dầy dặn bền chắc hơn bình thường để chịu được tải trọng hàng hoá.Tiếp theo là bộ bàn thồ,người ta dùng hai cái sạp gỗ nhỏ được treo vào đèo hàng và khung xe,thêm một chiếc ghế đặc chủng có ba chân để định vị xe lúc xếp hàng hoặc nghỉ ngơi.Cuối cùng người ta dùng hai đoạn tre đực già to vừa tầm tay,một được buộc vào ghi-đông dùng để lái,cái còn lại buộc dọc khung sau yên xe dùng để đẩy xe đi.Toàn bộ hình dáng chiếc xe thồ là như vậy.
Những người thợ xe thồ là những người đàn ông,ngoài đức tính chăm chỉ chịu khó họ còn phải có sức khoẻ dẻo dai nữa.Nghề xe thồ nặng nhọc vất vả,ngày tháng dầm mình trong gió bụi nắng mưa, làm việc bất kể sớm tối.Hình ảnh của họ là một người đàn ông với nước da sạm nắng,quần áo giản đơn, đầu đội mũ lá,chân mang đôi dép cao su.Đôi dép này họ còn sử dụng để phanh xe khi di chuyển,chỉ cần đưa chân ấn vào lốp trước là xong,tốt như phanh xe hiện đại.Những phương tiện giản đơn như bản tính của người dân thôn quê,những người lái những chiếc tắc-xi tải ngày ấy chẳng ngại công việc,không nề hà nắng mưa,chuyên chở tất cả những gì có thể phục vụ cuộc sống một vùng quê.
Thời ấu thơ tôi và lũ bạn mỗi khi hiếm hoi có một cái ô-tô về làng là chạy theo reo hò,rồi ngắm nghía với ánh mắt tò mò ngạc nhiên.Tôi lại nghĩ thời nay lớp trẻ cũng có thể có cái nhìn với chiếc xe thồ như vậy.Tôi chỉ mong những ánh mắt đó không coi thường những hình ảnh của quá khứ hoặc như nhìn thấy vật gì đó như trong phim kinh dị.Tôi luôn luôn mong muốn họ hiểu rằng,với những phương tiện đó cùng với sức lực và mồ hôi,các cụ,các ông của họ đã xây dựng nên mảnh đất này và tạo dựng cho họ cuộc sống sung túc ngày hôm nay.
Viết từ cộng hoà SÉC tháng 7 – 2014

NGUYỄN NHƯ THẠNH

CÂU CHUYỆN ẨM THỰC

CÂU CHUYỆN ẨM THỰC.
Có một lần anh Trịnh Viết Khánh nói đùa :"Bác lại hoài cổ rồi" mà lòng tôi cảm thấy vui vì thấy rằng hoài cổ cũng có ích lắm,giúp cho rất nhiều người trẻ tuổi biết được ngày xưa cha ông ta đã làm gì và sống ra sao trên mảnh đất bão lũ hàng năm này và tại sao lại nói nghề trồng dâu nuôi tằm lại vất vả đến thế.Tôi cũng nhận thấy trang Bách Thuận Quê Mình trên Facebook của anh Nguyễn Khánh Toàn (Pho Nhay) thật sự nghiêm túc nên thường lấy đó làm nơi chia sẻ những sự việc của quê hương mà tôi đã biết từ thủa ấu thơ,để cùng mọi người ôn lại,nhớ đến và tự hào về nơi mình đã sinh ra.Nay tôi lại muốn cùng mọi người hoài cổ lại một điều hết sức bình thường trong cuộc sống của cha ông,đó là chuyện ẩm thực khi xưa hay là Câu chuyện mâm cỗ.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đất quê mình không có món ăn nào độc đáo cho lắm,chuyện ẩm thực cũng dân dã như mọi vùng quê Thái bình đất lúa.Nhưng cũng còn một chút tự hào là có vài thứ đáng để khoe ví như người lạ dạo chợ Nhà quê ta thì cũng khối kẻ ngạc nhiên tròn mắt với bánh bèo,bánh hấp hay các loại bánh khác như bách chưng,bánh tẻ,bánh nếp có hình dáng rất đặc trưng không giống ai và không thể thấy ở vùng quê khác.Nói tới các món ăn thì đáng kể nhất là quả nem thính,nó là một trong những món ăn còn lại từ thời cha ông,nhưng chỉ tạm cho là độc đáo vì ta cũng có thể thấy nó ở các vùng xung quanh hoặc đất Nam định bên kia sông.Trở lại chuyện mâm cỗ thời xưa cách đây gần nửa thế kỷ dù đất nước chiến tranh,cuộc sống còn ngèo nhưng không vì thế mà các món ăn của cha ông xoàng xĩnh và kém phần hấp dẫn,các mâm cỗ vẫn đủ đầy với cách chế biến cầu kỳ chỉ nhìn thôi cũng cho ta cảm giác ngon miệng,thèm ăn.Một mâm cỗ tối thiểu phải có hai bát ,bốn đĩa thức ăn cùng phụ mâm như đĩa xôi,cơm tẻ,nước chấm,rượu v.v..,món ăn cũng có thể thêm tuỳ theo gia chủ.Trong bốn đĩa đó không bao giờ thiếu quả nem thính lót lá sung hoặc đinh lăng,những đĩa còn lại có thể là thịt gà luộc,nem (chả) rán,hay các loại giò,hay có thể thêm đĩa xào giá đỗ thịt nạc gọi là giả Bò.Về bát với số lượng chỉ là hai nhưng phong phú về chế biến,nào là giả cầy,giả trâu, giả chim,xáo măng,nấu mọc,ở những thời điểm quá khó khăn có khi chỉ là bát su hào hoặc khoai tây nấu xương...
Để các món ăn không đơn điệu nhàm chán cha ông ta sử dụng hương vị,cách nấu để tạo ra các món khác nhau nên trước tên các món ăn có từ "Giả" là vậy,ta càng xem các cụ làm nhé :
- GIẢ CẦY . Món này thông dụng.Nguyên liệu thường là thịt chân giò nấu với các gia vị riềng,mắm tôm,mẻ...Đặc biệt quê mình dùng thêm gia vị lá sắn thuyền thật độc đáo mà không thể thấy ở bất cứ nơi đâu.
- GIẢ TRÂU. Món này thất truyền. Thịt ba chỉ nhuộm tiết cho đỏ nấu với rau muống và tỏi.
- GIẢ CHIM . Món này thất truyền . Thịt băm nhỏ,gia vị chủ chốt là lá lốt được viên tròn to như quả táo nấu với miến dong,mộc nhĩ và măng khô xé nhỏ.
- MÓN MỌC .Ngày nay ít nấu . Thịt lợn hoặc sườn băm nhỏ mịn,nắm to như quả nem thính nấu nhừ cho vừa bát,trên phủ một lớp miến dong.Món này ở quê mình cũng có khác biệt,trên Thuận vi thường dùng sườn băm,dưới Bách tính dùng thịt nạc giã nhuyễn như làm giò.
Ngoài ra còn một vài món nấu nhưng đơn giản giống như ta vẫn nấu trong bữa ăn ngày nay như thuôn miến,xáo măng v.v...(Giò nạc,chả quế khi xưa còn là món ăn xa xỉ nên ít xuất hiện).
Món ăn trong mâm cỗ xưa của cha ông ta là vậy,nó giản dị chân quê như tính cách người nông dân đất bãi mà không hề kém ngon miệng khi thưởng thức,một điều đáng nói nữa là xưa mâm cỗ chỉ giành cho năm người chứ không ngồi sáu như bây giờ.Những mâm cỗ đó dù thịt còn ít hơn rau nhưng lung linh sắc màu,hương vị độc đáo,nó khác hẳn với những mâm cỗ thiếu đi màu xanh của trời đất,chỉ thấy ê hề rượu thịt,trắng bợt lạnh lẽo ánh lên màu sắc kim tiền thời nay.
Viết từ Blansko - Cộng hoà SÉC tháng 10 - 2014.
NGUYỄN NHƯ THẠNH


CÂU CHUYỆN CÁI CHỢ

Ờ nhỉ,chợ quê ta thì có gì đặc biệt,ngày ngày vẫn họp,ngày nào chả đông hoạt động cả năm chẳng ngày nào ngưng nghỉ,hàng hóa phục vụ cho cuộc sống thì phong phú,người buôn kẻ bán tấp nập.Có thể ai đó nói vậy,nghĩ vậy thì cũng là chuyện bình thường,nhưng nếu họ có mặt ở chợ vào một thời chưa xa lắm thì cũng thấy có nhiều điều thú vị đấy.
Điều đầu tiên là chợ quê ta không có tên, không như chợ ở các vùng xung quanh,chợ nào cũng có danh,ví dụ như chợ Thông,cho Lựa,chợ Huyện hay chợ Viềng.Người nơi khác gọi theo địa danh là chợ Thuận vi,người Nam định bên kia sông thì gọi là chợ Gòi,một cái tên lạ lẫm mà chính trong chúng ta nhiều người cũng không biết.Còn dân ta thì cứ nôm na gọi là chợ Nhà,nào là đi chợ " nhà" ra chợ "nhà" mà tôi cũng không hiểu chữ "nhà " này là tính từ hay danh từ trong ngôn nghữ nữa.Có lẽ chữ chợ Nhà đã là tên riêng của chợ,là cách gọi của ông cha ta từ lâu lắm rồi...
Chẳng ai biết chính xác chợ có từ bao giờ và lại nằm ở vị trí không được trung tâm cho lắm,người dưới Toàn thắng,Tiền phong hoặc khu dưới của Bách tính,Thuận nghiệp đi chợ thì hơi xa.Chợ xưa nhỏ hơn một chút so với bây giờ nhưng thông thoáng hơn ,khu bên dưới còn là thổ cư của một số gia đình,giữa chợ có cái quán không biết được xây từ bao giờ,quán thứ hai xưa là một tòa nhà lớn được dùng để làm cửa hàng bách hóa của xã thời bao cấp.Các bờ tường cạnh đường cũng đã có từ thủa xưa , cửa hàng quán xá không có nhiều như bây giờ .Chợ được họp gọn gàng chứ không tràn ra đường,nơi đó khi xưa để giành cho người thiên hạ đem rơm rạ đến bán.Chợ xưa không họp vào ngày đầu năm tức mồng một Tết Nguyên đán,lúc đó chợ là thiên đường cho lũ trẻ vui chơi,lũ con trai thì đánh đáo bằng những đồng 5 xu,2 xu có lỗ với đồng cái bằng chì tròn và nặng.Rồi những năm chiến tranh ,thời Mĩ ném bom miền Bắc, chợ cũng phải sơ tán,dân ta họp chợ trên đường,khi thì dọc theo đường ra Trung hòa,lúc dọc đường Chiến thắng kéo dài vượt qua khu Chùa- tức khu Ủy ban nhân dân hay Trạm xá bây giờ.Mùa nước lũ chợ vẫn họp,người ta mua bán trên thuyền,hàng hóa vẫn đủ cả, cảnh tượng tựa như vùng sông nước đồng bằng sông Cửu long...
Chợ Thuận vi ta cũng có nhiều thứ độc đáo lắm,ví như một số loại bánh mà khó tìm ra ở bất cứ nơi nào khác như bánh bèo hay bánh hấp chẳng hạn,chúng là những thứ bánh rẻ tiền nhưng ngon đặc trưng rất phù hợp với túi tiền của người lao động.Bánh cuốn Thuận vi thì khỏi nói,chẳng người Bách thuận nào khi sinh sống xa quê mà quên được món này.Tôi đã từng thưởng thức bánh cuốn Thanh trì,bánh cuốn Vân đình đã có tiếng tăm nhưng chẳng nơi đâu sánh được với bánh quê mình .Bánh cuốn những nơi đó được mùi thơm của thịt nướng che lấp đi chứ nếu ăn mỗi bánh chay thì chán ngắt,trong khi đó bánh quê ta chỉ cần thêm bát nước mắm chanh ớt là có thể ăn đến no chẳng cần đến chả thịt.Tôi đi xa quê đã lâu,nhưng mỗi khi có dịp trở lại là luôn yêu cầu người nhà cho ăn những loại bánh của quê hương.Nào là bánh cuốn mềm vá béo ngậy,bánh tẻ thật ngon,khi bóc ra có màu xanh bắt mắt ruột trắng tinh khi ăn có cảm giác cứng dòn chứ không nhão,bánh trưng,bánh nếp có hình dáng như hình chóp nón ngộ ngĩnh mà các cháu tôi từ Hà nội về thấy lạ lắm chúng gọi là bánh chưng Gù.Xưa chợ quê ta còn có loại bánh rất đặc trưng nữa tuy không ngon lắm¨nhưng được cái bình dân,xưa chỉ cần vài hào thôi là cũng lưng lưng cái bụng ,đó là bánh đúc,chúng được làm từ gạo hay ngô khi ăn thì chấm với mắm tôm...
Mải miên man với bánh trái mà tôi xuýt quên điều hay nhất chỉ có ở chợ quê ta ngày ấy,đó là trong khi các vùng quê khác họ dùng cân hoặc đôi khi là cái đấu gỗ để mua bán gạo cám thì dân mình lại dùng cái bơ,gọi là bơ 8 lạng.Tôi chẳng biết một bơ có đủ tám lạng hay thừa thiếu mà chỉ thấy thú vị về cách mua bán bằng bơ này.Khi đong bơ người ta còn lấy tay be xung quanh cho gạo đầy thêm,người bán thì gạt xuống kẻ mua thì cho thêm nhìn tức cười lắm.Rồi cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ hỉ hả,chẳng thấy ai vì đầy vơi mà cãi cọ bao giờ,đấy cũng là nét đẹp văn hóa quê ta.
Chợ Thuận vi,chợ quê ta khi xưa là thế đấy,ai bảo là không có gì đặc biệt,không có gì để nhớ ?

Viết từ cộng hòa SÉC tháng 4 – 2014

NGUYỄN NHƯ THẠNH

CÂU CHUYỆN BẾN PHÀ

Thời tuổi trẻ tôi đi lại nhiều nơi,ngược Bắc xuôi Nam miền ngược miền xuôi đủ cả nên cũng biết được nhiều địa danh,đi trên nhiều chuyến phà qua các con sông lắm.Tôi đã đi hết các bến phà trên quốc lộ 10 từ Thái bình sang Hải phòng tới tận phà Bính ,rồi cả phà Rừng,phà Bãi cháy ngoài Quảng ninh.Ngược lên miền núi miền trung du phía bắc là những bến phà như Âu lâu (Yên bái), Lâm thao (Phú thọ) hay phà Trung hà (Ba vì-Hà nội).v.v...Có những bến phà đơn sơ của miền rừng núi,có bến rộng lớn của đất Cảng nhưng thời đó không nơi nào sánh được về lưu lượng giao thông cũng như vẻ hoành tráng của bến phà Tân đệ.Tôi xin lỗi là nếu có ai thắc mắc về đề tài,sao đang viết về Bách thuận quê mình mà bến phà Tân đệ lại thuộc về địa phương khác.Vâng đúng bến phà Tân đệ thuộc xã Tân lập kế bên ,chỉ ngày nay mới giáp xã nhà do thôn Thượng xuân được chuyển từ Tân lập sang.Nhưng nếu tôi đặt câu hỏi là với những địa phương xung quanh dân nơi nào qua lại bến phà này nhiều nhất ? Tôi khẳng định rằng đó là dân Thuận vi, Bách thuận ta !
Tôi không có ý định tả lại chi tiết,chỉ biết rằng bến phà Tân đệ xưa rất đẹp, ngăn nắp và hoành tráng lắm.Vì nằm trên quốc lộ chính từ Nam định đi Thái bình,Hải phòng nên người đi lại qua phà đông nườm nượp,xe cộ qua lại suốt ngày đêm.Vào lúc cao điểm dù đã ghép phà đôi người ta vẫn phải dùng tới hai phà từ hai bên,đôi khi là ba phà cùng có mặt trên sông.Mùa nước cạn dòng sông trở nên hẹp hơn nên qua một chuyến phà nhanh lắm,chỉ ít phút là ta đã có mặt ở bờ bên kia,nhưng mùa mưa lũ thì lâu hơn nhiều.Lúc đó nước dâng cao mấp mé mặt đường lộ,dòng sông nước chảy xiết làm phà trôi xa tít ngang với đất Liên hồng phía hạ lưu.Nhưng dù ở mùa nào, nắng mưa hay gió bão,những người công nhân vẫn cần mẫn với từng chuyến phà và chẳng thấy giao thông bị ách tắc bao giờ...
Trở lại điều tôi muốn trình bầy khi viết về địa phương khác.Bến phà này đã gắn bó quá nhiều với dân Bách thuận ta,trong ý nghĩ của mỗi người cái tên Tân đệ quá đỗi thân thuộc như thể tên một thôn một xóm trong làng.Như tôi đây khi giới thiệu quê quán với bạn bè thì cũng hay nói là người Bách thuận-Thái bình ngay bên cạnh bến phà Tân đệ ấy cho họ dễ hình dung.Dân quê ta có nhiều người buôn bán,sản phẩm nông nghiệp, rau quả chủ yếu được bán sang Nam định nên việc qua lại bến phà ngày đôi ba lần là bình thường.Những đội hàng nặng trên đầu những phụ nữ,khi qua phà hạ xuống nâng lên làm kinh ngạc người dân tứ xứ,những chiếc xe đạp chằng đầy hàng hóa của các chàng trai cô gái,lên xuống phà phải nhờ người kéo giữ rồi đẩy lên.Đây cũng là lúc dừng chân nghỉ tạm lúc qua sông, bến phà này đã gắn bó với dân ta như lẽ tự nhiên vậy.Cứ mỗi sáng dân Bách thuận lại ào ạt qua sông,đội nắng đội mưa đi sang thành phố ,để trưa chiều về lặng lẽ đứng ngồi trên phà nhìn sông nước trong lòng nặng lo nỗi mưu sinh...
Nơi đây còn là nơi tiêu thụ hoa quả từ đất Bách thuận.Ngày ấy trên bến phà có rất nhiều phụ nữ bất chấp nắng nóng,lạnh hàn,đường đất đầy bụi bặm cắp từng rổ trái cây bán cho khách vãng lai với nỗi vất vả nặng nhọc khắc trên từng khuôn mặt,nhưng mà họ nhận được rất ít sự cảm thông,còn bị mang tiếng là lừa đảo, cân điêu.Tôi đã từng phải thanh minh cho họ với mấy anh bạn cùng quân ngũ người phố Chùa cuối-Nam định rằng họ chỉ là những người phụ nữ, những người mẹ ngày ngày phải bươn trải,phơi mặt trên đoạn đường đầy bụi mong kiếm được cho con trẻ manh áo miếng cơm.Họ chẳng muốn lừa ai để lấy những đồng tiền không lương thiện mà chỉ bán với đúng giá trị với đồng tiền mà người ta trả cho họ.Một cân táo thời đó giá 2 đồng mà khách đi xe chỉ trả họ có một đồng hai thì họ vẫn phải bán nhưng một cân chỉ có sáu bảy lạng thì vẫn đúng với giá trị hàng hoá,tuy việc làm không minh bạch lắm nhưng tôi vẫn thông cảm với họ,vì hoa quả tươi không thể để lâu, cũng chỉ cố bán hết, để kiếm đồng tiền mua bơ gạo,mớ rau...
Trở lại với bến phà thủa xưa ồn ào náo nhiệt nhưng thật bình yên người đi kẻ lại,xe cộ ngược xuôi nhưng trật tự ngăn nắp.Câu viết "Xuống phà xe trước người sau - Lên phà người trước xe sau an toàn" để nhắc nhở an toàn giao thông nghe thật gần gũi và còn in tâm trí bao người.Đứng trên cầu Tân đệ ngày nay nhìn xa xa về phía hạ lưu ,bến xưa vẫn còn đó nhưng đã vắng bóng những con phà...,cái bến đó đã không còn phù hợp với giao thông thời hiện đại nữa,nó chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã qua và vẫn ở trong ký ức bao người.
Viết từ cộng hòa SÉC tháng 4 năm 2014.
NGUYỄN NHƯ THẠNH



BÁCH THUẬN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

CÂU CHUYỆN MÙA LŨ

Các bạn trẻ quê mình ngày nay có thể được nghe thấy những câu đại loại như"sống chung với lũ" phù sa v.v...của người dân Nam bộ thì xin thưa trên mảnh đất này ông bà,cha mẹ các bạn cũng đã từng sống những năm tháng như vậy.Khoảng hơn 30 năm trở về trước ở quê mình chuyện nước lũ là chuyện đương nhiên,dân mình quen tới mức chẳng quan tâm nhiều tới nó,lũ đến rồi lũ đi,nước lên rồi lại rút,có năm đến vài lần như vậy.Họ chỉ lo lắng khi nước lũ với bão kết hợp,lúc đó những khuôn mặt người dân mới nặng trĩu âu lo,họ sợ cái nhà đất có thể bị đổ,sợ vườn cây trái đang ngập nước lại bị gió lay quật liệu có sống nổi sau lũ không ? Rồi một ít người cả đời giành dụm mới xây được cái nhà cấp 4 toàn vôi cát,lỡ nó ngấm nước rồi bão giật đổ thì sao?
Mùa nước lũ thường vào tháng 7,tháng 8 âm lịch,sông Hồng lúc này không hiền hòa nữa mà như con quái vật nước khổng lồ muốn quấn phăng mọi thứ.Thay thế dòng nước trong xanh ở mùa cạn nước trong xanh nhìn thấu đáy, thấy cả đàn cá tung tăng bơi lội là dòng nước đục ngầu hung dữ,những xoáy nước khổng lồ trên dòng nước chảy cuồn cuộn.Dòng sông rộng dần ra,nước cứ dâng lên,nạn nhân đầu tiên là những vườn dâu đất bãi rồi đến những mảnh ruộng hiếm hoi dọc theo chân đê từ chùa Phật bà tới tận Thuận ngiệp.Rồi cứ từ từ,từ từ chúng tiến dần đến từng xóm thôn,nuốt chửng những con đường, rồi lân la đến nền từng ngôi nhà,nơi người ta đang bận rộn với việc đối phó chúng.Những vị khách không mời này nhanh lắm,có khi buổi tối mới thập thò đầu ngõ nửa đêm đã mò vào giường ta đang nằm rồi sáng ra khi thức dậy đã thấy cả vùng quê đã ngập chìm trong biển nước,trong cái màu vàng rộm của phù sa .Ngôi nhà nào nền cũng ngập lưng lửng nước,người đi lại lội bì bõm ,có lẽ chỉ có bọn trẻ con vui vẻ hơn cả,chúng trần truồng từng lũ từng nhóm,tắm bơi cùng reo hò làm om sòm xóm thôn.Và bắt đầu xuất hiện những cái mủng,dân quê mình dùng nó để đi lại mùa mưa lũ,vì chắc chắn nhiều người trẻ không biết nên tôi xin được nói rõ về những cái mủng này.Chúng được đan bằng nứa,kích cỡ đủ loại nhỏ to,thời đó người ta phân biệt bằng thước ta,mỗi thước là hai gang tay( vào khoảng 40 cm),thuyền nào 7,8 thước là lớn lắm, để chống nước ngấm vào thuyền người ta dùng nhựa cây sắn thuyền màu nâu đỏ trát kín các khe đan, thế là xong .Dưới lòng thuyền là một cái sạp để ngồi hoặc để hàng,hai bên gần cuối thuyền được gắn đôi mái chèo,ở những thuyền nhỏ thì đôi mái chèo này được cầm ở tay,đó là phương tiện đi lại của quê mình mùa lũ đấy,thời ấy nhà nào cũng có ít nhất một cái giống như thời nay nhà nào cũng có xe máy vậy .Lứa tuổi tôi hoặc lớn hơn chắc ai cũng nhớ đến mùa lũ năm 1968 và năm 1971,nhưng lũ năm 1971 mới thật kinh hoàng.Cả vùng Bách thuận gần như phẳng băng một biển nước,từ đất ta có thể nhìn thấy cống Ngô xá bên kia sông Hồng đất Nam định.Đó đây trên mặt nước chỉ còn sót lại một vài ngọn cây cao,những mái nhà chỉ còn nhô lên một phần nóc,phong cảnh tiêu điều, chỉ thấy vài chiếc mủng đi lại nhặt nhạnh những ngọn rau muống mùa lũ để làm thức ăn tạm cho bữa cơm chiều... May mắn thay con đê sông Hồng đã cho dân ta nơi trú ngụ .Từ ngã tư Tân đệ đến tận Tăng bổng Trà khê cả làng cả xã tràn lên đê tị nạn.Những cây que,vài tấm nilong,một ít lương thực,củi thì vớt ven đê,thế là có thể sống tạm ít ngày chờ nước rút.Ngày đó lều trại dựng kín mặt đê,cái xanh cái đỏ,cái to cái bé cứ san sát nhau,mỗi buổi trưa chiều lại phủ màu khói xanh từ những cái bếp dã chiến đun bằng củi ướt ,cảnh tượng cứ như các trại tị nạn vùng Trung đông...Điều đặc biệt nữa mà tôi muốn chia sẻ là dù nước trời như vậy nhưng rất hiếm tai nạn xảy ra ở mùa lũ,nói ra thì lớp trẻ ngày nay phải thèm thuồng ghen tị với cha anh.Ngày ấy từ đứa trẻ mới vào lớp một đến những người ở tuổi trung niên đều là những tay bơi lội tài năng,những kình ngư miền sông nước.Họ có thể bơi ngang sông Hồng mùa mưa lũ,dù sông ngày xưa rộng lớn hơn nhiều,chưa kể nước chảy xiết,xoáy nước cuồng điên ...
Sông Hồng giờ đây đã hiền hòa hơn,dòng sông đã nhỏ đi,ít nước hơn vì người ta đã xây những nhà máy thủy điện trữ nước điều tiết lũ trên thượng nguồn.Chuyện lũ lụt chắc chẳng bao giờ thấy nữa,nay xin viết lại để mọi người nhớ hoặc biết đến cuộc sống người dân Bách thuận mình ở một thời chưa xa ...

Viết từ cộng hòa SÉC tháng 4 – 2014
NGUYỄN NHƯ THẠNH


GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CÁC DI TÍCH VĂN HÓA LÀNG BÁCH THUẬN


             Xã Bách Thuận nằm ở phía Tây Nam huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sát bờ Tả ngạn sông Hồng tiếp giáp thành phố Nam định; Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 925,8 ha - có 2.830 hộ gia đình với 11.794 nhân khẩu, địa dư hành chính được chia làm 10 thôn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm khá khang trang đầy đủ. Toàn xã có 2 cụm DTLSVH cấp Quốc gia là Chùa Từ Vân - Từ đường Nguyễn Kim và Đình chùa Bách Tính, 1 DTLSVH cấp tỉnh là Từ đường họ Phạm văn chi 2 thôn Thuận Nghiệp và 1 nhà thờ xứ họ giáo Thuận Nghiệp.
            Trải qua hơn 3 thế kỷ, với những đổi thay thăng trầm của lịch sử, nhân dân xã Bách Thuận luôn đoàn kết một lòng, làng trên - xóm dưới - làng trong - làng ngoài đời đời tiếp nối phát huy truyền thống gìn giữ khí thiêng - dựng xây quê hương đất nước.
            Nhà thơ Trinh Đường đã viết:
                        Ơi Thuận Nghiệp - Thượng Xuân
                        Chắn  ở hai đầu sóng,
                        Quyện như hình với bóng
                        Là Bách Tính - Thuận Vy.
            Bốn làng: Thuận Nghiệp - Thượng Xuân - Bách Tính - Thuận Vy đã hình thành nên xã Bách Thuận ngày nay với 45 dòng họ lớn nhỏ ở khắp mọi nơi về hội tụ, trong đó có 25 dòng họ của làng Thuận vy;
            Uống nước nhớ nguồn - lật lại từng trang sử,nhân dân Bách Thuận luôn cảm phục biết ơn những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc khai khẩn lập ấp, lập làng cũng như các bậc thánh hiền đã độ sinh cho dân làng và giúp đất nước thoát nạn binh đao qua bao thập kỷ.
            Theo Ngọc Phả đang được lưu giữ tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam:
            Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi, ngọn nước từ ngã 3 Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên - Nam Định ( phủ Thiên Trường xưa), tới đây sông Hồng đổi hướng sinh ra bên lở bên bồi tạo nên một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến quần cư lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và làng Gòi, làng Thận Vi xưa - nay là làng Thuận Vy xã Bách Thuận có tên từ đó.
            Hơn 3 thế kỷ qua, làng Thuận Vy được 25 dòng họ về sinh cơ lập nghiệp. Nhờ khí thiêng sông núi, nhờ đất mát, trời trong, hưởng bổng lộc phù sa màu mỡ, bốn mùa cây trái tốt tươi hoa thơm trái ngọt, cùng đoàn kết gắn bó mật thiết nhiều đời với bản chất chịu thương, chịu khó, ham làm ham học hỏi đã tạo nên một bản sắc riêng của con người quê hương đất Thuận. Do đó đã có nhiều công trình dân sinh phúc lợi, nhiều công trình văn hoá tâm linh đã được các thế hệ xây dựng, bảo tồn trở thành dấu vàng son để muôn đời lưu danh tưởng nhớ.
            Bài minh khắc trên quả chuông chùa Bồ Đà, năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797).có ghi: "Làng Thận Vi có chùa Bồ Đà, dòng Tào Khê uốn lượn phía sau, gò Thứu Lĩnh chắn che phía trước, thật là chốn danh lam cổ tích thắng cảnh của đất Nam Châu"; Long cốt của đình Thượng khắc ghi: "Lê Rụ Tông Long canh tý niên, quý thu nguyệt cát nhật thụ trụ thượng hương, trùng tu năm đinh Mão" (tức Đình Thượng được xây dựng vào mùa thu năm 1720).
            Hình thành theo quy luật "Tụ thuỷ ắt quần nhân", một làng quê có tới 25 dòng họ từ nhiều nơi về sinh cơ lập nghiệp. Hình ảnh cây đa giếng nước gắn liền với các công trình tâm linh như: Từ Vân tự, Bồ Đà tự, Thượng đại đình, Phượng minh đình, Trí trung đình, Hồng Thái tự, Đền Đông, Phủ thánh mẫu, Miếu quan tây, Miếu Đa hội ... là những nơi thờ phật thánh, thiên thần, nhân thần, thành hoàng có công bảo vệ giang sơn đất nước, khai hoá xây dựng làng cùng các bệ miếu thần linh chín khu trong làng đã minh chứng về sự trường tồn của một làng quê văn hiến nơi vùng châu thổ Sông Hồng.

            Theo thần sắc để lại, 3 ngôi đình làng xưa được tôn thờ 8 vị là thiên thần là: Trịnh Đô hộ quốc đại vương, Trịnh Đô bảo quốc đại vương, Đông Hải đại vương, Thuỷ Tộc Long Quân đại vương, Thượng Bông đại vương, Đô Phủ đại vương, Bát Vạn hồng huống đại vương và Phù Ký thượng tướng quân đã có công giúp đức Tản viên đánh tan giặc Thục tại Thuận Huy trang, được Các triều vua danh tặng:           
            - "Âm phù Bát vị đại vương thượng đẳng thần"- Đời vua Hùng 
            -  "Phủ tế cương nghị anh linh"- Vua Lê đại hành
            - "Linh ứng anh tôn thần" - Vua Lê thái tổ
            - "Linh ứng anh tôn thần" - Trần thái tông
            - "Hùng liệt đại vương" - Cảnh hưng
            - "Hoàng tai vị nghiệp đại vương" -Cảnh thịnh
            - "Rực bảo trung hưng tôn thần" - Vua Thành thái
            - "Rực bảo trung hưng tôn thần" - Vua Duy hưng
            - Trang túc tôn thần.- Vua Khải định
            Các sắc chỉ đều giao cho Thận Vy trang nay là Làng Thuận Vy phụng tự.

            Thực hiện "ẩm hà tư nguyên" - Tri ân công đức của các bậc thánh hiền và các tiền nhân, đồng thời để góp phần xây dựng và bảo toàn truyền thống văn hoá; Năm 2008, từ ước nguyện của nhân dân 6 thôn và con em của 25 dòng họ trong làng - được Đảng bộ và Chính quyền các cấp cho phép, nhân dân trong làng đã tập trung sức người sức của phục dựng, tôn tạo lại ngôi đình chung của làng lấy tên là Thuận Vy Đình thay cho 3 ngôi đình Thượng - Hạ - Trung bị xuống cấp để thờ 8 vị thiên thần, các vị nhân thần, chân linh Thuỷ tổ các dòng họ để rồi tuần tiết khói nhang tưởng nhớ.
   Thực  là         " Cổ xưa giải đất Thuận Huy trang
                        Đức Tản đưa quân bảo vệ làng
                        Sáu tướng Thiên trao coi bến nước
                        Hai thần thuỷ chỉ giữ đường giang
                        Quần tiên phạt Thục thua cay đắng
                        Phật Thánh phù ta thắng vẻ vang
                        Sắc chỉ vua ban phong thượng đẳng
                        Đình làng tôn tạo phụng lưu quang".

    Với Từ Vân tự (còn gọi là chùa Từ Vân) - di sản được xếp hạng  DTLSVH cấp Quốc gia:
            Chùa có bề dày nhiều thế kỷ, xuất phát từ pho tượng Phật bà với điển tích hiện hữu linh thiêng. Theo truyền lại, khi đó pho tượng theo dòng Tào Khê trụ lại được tiền nhân rước lên lập thờ, sau lưng pho tượng có ghi: "Gia trung họ Khả - Con nhà hậu cả - Tích chi quả thu - Ở huyện Bắc Hà - Tại xã Cẩm giàng - Muốn về Thận Vi trang - Trông lên cửa Tuần Vường - Oanh linh lẫm lẫm".
            Từ đó Chùa Từ Vân đã mang trong mình những dấu ấn lịch sử huyền thoại giữa Phật pháp tâm linh và hiện thực con người. Trong bộ sử Nam Thành ghi chép lại: Nơi đây thờ Nữ sư Phúc Lai (Chính hiệu là Nguyễn Thị Uyển Trà, là con gái út của tú tài Nguyễn Công, triều Cảnh Hưng hậu Lê (thế kỷ 17)). Người nết na thuỳ mị, thông minh, nổi danh tài ngữ; song do sinh ra trong thời loạn lạc Trịnh - Nguyễn phân tranh, bách dân điêu đứng ly tan, mùa màng thất bát. Người đã dứt gánh xuất gia nhưng rất quan tâm chăm lo đến cảnh thanh bình của muôn dân trăm họ- đã nhiều lần tổ chức quyên góp phát chẩn cứu đói cho dân, giáo hoá quan quân làm những điều có nghĩa.
            Đặc biệt; vào năm Canh Mão (Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 - năm 1771) trong lần chiến thuyền của Trịnh Sâm truy quét về vùng Sơn nam hạ đến đất Thận Vy trang, thấy nơi đây cửa nhà hoang tàn, vườn không nhà trống, tịnh không một bóng người, nhưng lại thấy tại một ngôi chùa ngay đầu làng có một nữ sư vận áo cà sa, đeo tràng hạt, đứng rất trang nghiêm trên gác Tam quan, hai mắt sáng quắc, không hơi cử động. Bên dưới có hai sư ni đứng dưới gốc hai cây bồ đề, một người khóc rất thê thảm, một người cười rất giòn giã. Nhân bữa đó có Thái Phi đi cùng chiến thuyền,Thấy cảnh tượng lạ, đã đích thân lại gần thì tiếng khóc tiếng cười im bặt. Rồi không biết Nư sư đã rỉ tai Thái Phi những gì mà ngay lập tức Thái Phi đã lệnh cho Trịnh Sâm ngay sáng hôm sau thiết triều tại làng và ban bố chiếu chỉ cho dân trăm họ ai về nhà nấy làm ăn, những nhà cửa nào bị đốt phá thì được bồi hoàn, trích tiền kho phát chẩn và được miễn thuế 10 năm ... Sau đó Thái Phi cùng Trịnh Sâm về cung sang sửa chùa Nghi Tâm lập đàn chay để tu hành.
            Các triều đại sau này, khi các vương gia tướng lĩnh mỗi khi xuất quân dẹp giặc đều tới nơi đây làm lễ cầu cho muôn dân trăm họ, quốc thái dân an và dành thắng lợi.
            Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại đây đã tiếp tục phát tích lên những điều huyền bí để lại những dấu ấn hào hùng: Nơi treo cờ khởi nghĩa, nơi tiếp tế quân - lương, nơi cắm chốt bảo vệ quê hương; Nơi tiễn con em lên đường  ngăn bước quân thù xâm lược.
            Linh tại ngã - bất linh tại ngã. Tiếng lành đồn xa, từ năm 2008 đến năm 2011, được phép của các cấp lãnh đạo Chính quyền nhà chùa - Trụ trì là sư thày Thích Đàm An đã quy tụ được hàng ngàn phật tử cùng con em quê hương xa gần hoan hỷ đem tâm để tôn tạo ngôi Điện hùng bảo điện, nhà Mẫu và các công trình tâm linh trong quần thể di tích với hàng tỷ đồng tạo nét khang trang, bề thế " Sơn cầm, thuỷ tú"
             Đúng là:
                        Cổ tự Từ Vân Bách Thuận ta
                        Uyên thâm phong cảnh đẹp hài hoà
                        Thiên thanh phật ngự vầng dương chiếu
                        Địa hoá chùa linh ánh nguyệt sa
                        Nhịp mõ tảo sinh lan vọng mãi
                        Tiếng chuông ban tối toả ngân xa
                        Danh lam cổ tích lưu đời mới
                        Muôn ánh hào quang sáng khúc ca.

            Đến Thuận Vy, không thể không kể tới quần thể di tích Hồng Thái tự và Miếu thờ thánh mẫu Ả Lã Phương Dung.
            Theo thần phả Thánh Mẫu Ả lã Phương Dung là người con gái họ Triệu đã có công cùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh Tô Định và Mã Viện vào năm 40 - 42 sau công nguyên. Là Thánh mẫu kiệt xuất trung quân ái quốc, vị nhân thần có công khai hoá nghề trồng dâu nuôi tằm cho làng Thuận Vy được các triều đại tặng phong 15 bản sắc. Vào ngày 25 tháng 11 năm 42 sau công nguyên, ngài hoá thần - nhân dân lập miếu thờ và tặng thơ:
                        "Nam nhi nghĩa sĩ tử vi thường
                        Nữ kiệt như nương kỷ vị nương
                        Tang hải riệc tôn thiên bất cử
                        Vãng lai duy sứ thuỷ lưu hương".
            Cuối thế kỷ thứ 10, vua Lê đại hành cầu thần phù trợ động binh thắng trận trở về phong tặng: Mỹ tự khiết thục phu nhân.
            Trần Thái tôn bao phong: Huệ hoa gia ý đoan trang
            Lê thái tổ gia phong: Trung trinh đoan tiết anh linh
            Hoàng đế Duy Tân ngự phê: " Bồ liễu gội tuyết sương xứng đáng bậc anh hùng hào kiệt, Phù Dung kiêm ngọc chất, thật là bậc hào kiệt nữ nhân...".
            Các sắc chỉ đều giao cho làng Thuận Vy phụng tự. Tuy sắc cổ bị thất lạc hiện còn 11 bản sắc từ đời vua Cảnh Hưng 1783 đến vua Khải định 1924 đang được lưu thờ tại Phủ Mẫu.
            Miếu Quan Tây được gắn liền trong quần thể Từ đường dòng họ Nguyễn Kim được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 18 tôn thờ Thánh mẫu Thanh Bình, cung phi của vua Lê Hiển Tông và được sắc phong là Á Thượng phu nhân. Ngài hoá vào ngày 15/3 năm Canh Thìn, nhà vua vô cùng thương tiếc sắc chỉ tặng phong là: "Hiệp thuận minh khiết tinh uyên Phương Anh phu nhân". Năm 1924 vua Khải Định phong tặng: "Hiệp thuận minh khiết tinh uyên Phương Anh trang huy rực bảo trung hưng thượng đẳng thần", không những Ngài được lưu thờ tại quê hương đất tổ mà còn được nhân dân làng Lai Vy - Lai Thành xã Đình Phùng huyện Kiến xương lập Miếu thờ từ năm Tân Tỵ .... đến nay.
             Tại Từ đường còn tôn thờ 3 vị khâm sai là Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Trân, Nguyễn Kim An có công phò vua giúp nghĩa quân đã được vua Gia Long phong tặng: "Rực vân công thần". Năm 1924 vua Khải định phong: "Đoan túc rực bảo trung hưng tôn thần". Trải qua quá trình lịch sử, quận chúa và các vị khâm sai thuộc Nguyễn Kim có công giúp nghĩa quân đã được công nhận là DTLSVH từ đường Nguyễn Kim.
            Thuận Huy trang xưa - đến làng Thuận Vy nay, nhân dân các dòng họ đã  lập miếu tôn thờ các vị thành hoàng làng theo sắc chỉ: phía bắc làng là Miếu Vạn đại và miếu Đa hội chốt phía nam làng ngay từ nửa đầu thế kỷ 18; Tại miếu Đa hội hiện còn lưu thờ 3 đạo sắc phong "Thượng đẳng thần" và năm Duy Tân thứ 3 tức 1909 tặng phong: "Bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng rực bảo trung hưng linh phú thành hoàng tôn thần"

            Đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, xã Bách Thuận nói chung và làng Thuận Vy nói riêng vẫn lưu giữ những văn bằng sắc chỉ, trường tồn nhiều nơi thờ tự tôn nghiêm,  cảnh quan tươi đẹp hoà quyện giữa 3 làng Bách Tính - Thuận Nghiệp - Thượng Xuân, xứng đáng là một vùng du lịch sinh thái tâm linh uyên thâm hài hoà, trường tồn một cách nhân văn, được âm phù dương trợ chính là nhờ tâm đức của tiền nhân tiên tổ các dòng họ tích cóp trung nghĩa nhiều đời. Lấy chữ tâm mở lối, lấy nhân nghĩa khơi dòng. Kế thế toả di muôn nơi sinh cơ lập nghiệp vẫn luôn hướng về cội nguồn về quê hương, vẫn nhớ về liệt tổ liệt tông cùng chung làng xã, có thời kỳ vui buồn tối lửa tắt đèn, hoạn nạn bên nhau và cùng luôn nhận ra nhau trong biển người.
            Theo truyền thống xưa những ngày lễ hội, những ngày giỗ tết, con cháu dù ở xa muôn nơi vẫn dành thời gian có mặt để hân hoan thăm hỏi động viên nhau phải sống sao để làm rạng danh quê hương.

            Nước Việt Nam bước vào thế kỷ 21, sự phát triển như vũ bão, việc xây dựng NTM đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc. Quyền giao thoa nền văn hoá theo dòng chảy chung của nhân loại càng trở nên mạnh mẽ. Quê hương Bách Thuận chúng ta có một vùng sinh thái tuyệt mỹ, tuyệt hảo. Bản tính người dân hiền hoà chất phát, lao động, kinh doanh, cần cù thông minh sáng tạo, yêu cuộc sống, yêu quê hương. Việc tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các liệt sỹ, các bậc tiền bối có công bảo vệ xây dựng quê hương càng cần được trân trọng và đề cao. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tinh thần, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và kế thừa truyền thống của quê hương là việc làm đáng trân trọng và có ý nghĩa sâu sắc.
             


Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

CÁI TÔM CÁI TÉP


Sớm nay đi chợ, chị hàng cá vẫy vẫy. Có đặc sản đây em ơi. “ Đặc sản” hóa ra là mớ tép tầm một vốc tay đang nhảy tanh tách.Chẳng biết nơi khác thế nào chứ quê tôi phân biệt rõ ràng tép và tôm. Lớn lên đi học cứ tranh luận mãi về hai loại ấy nhất là những người bạn quê Hà Tây cũ. Có người còn gọi những con cá nhỏ là con tép hay cá tép nhưng loài tép riu ở quê Bách Thuận tôi là có thật và rất ngon. Lúc còn nhỏ tôi thường xuyên theo các anh ra ruộng để hoặc đánh dậm hoặc kéo tép. Đánh dậm thì chỉ được nhiều cua và thi thoảng có bống đù hay những con tôm to hoặc những con cá cờ cầu vồng lấp lánh. Riêng kéo tép phải dùng dụng cụ riêng giống như cái dậm nhưng bẹp hơn. Bố tôi phải ra tận chợ Thông ở Hòa Bình mua lưới như lưới căng chạn về để làm. Tép ít ở chỗ có bùn mà chủ yếu tập trung ở đoạn nước nông , có dày đặc lớp rong tóc tiên mềm mại. Tôi xách cái rá có buộc dây 4 góc đứng trên bờ chờ đợi. Anh tôi đi lùi ngược dòng nước được một đoạn lại nhấc te lên tôi hí hửng chạy đến đón vốc tép nhảy tanh tách. Những con tép riu bé như cọng rơm đều chằn chặn, màu xanh biếc hoặc đen bóng mẩy căng lao xao trong rá. Tôi có nhiệm vụ ngồi nhặt đi những con ốc nhỏ, những vụn rong đuôi chó, những con cá “đèn pin” bé tí chỉ có đuôi với mắt lồi to hay những con mài mại xanh nhớt, đuôi dài ngoẵng của con chuồn kim… Đôi khi tôi vẫn thích để nhưng con mài mại nhỏ béo tròn, ấu trùng của “chuồn chuồn bà” để về rang lẫn với tép ăn bùi bùi béo béo.
Con tép riu ấy khác hẳn với những con tép nhỏ nhợt nhạt mềm xìu ngoài đồng bằng. Tép ở chỉ có sỏi và cát nên rất chắc rang lên đỏ rực và mùi thơm rất riêng. Những con tép ban ngày đen bóng nhỏ xíu, ban đêm phát lân tinh sáng lấp lánh dưới nước thật lạ. Ăn chán tép rang mẹ tôi phơi khô để dành, những ngày mưa rét đem rang mỡ hoặc giã nấu canh bầu bí ngọt lừ. Tôi không hiểu sao không thích mùi tép khô, chỉ thích món mắm tép.
Tép tươi rói được sơ chế thật sạch, để ráo nước. Chỉ cần cho muối trộn đều và giã giập cho chóng ngấu. Thính gạo nếp rang vàng giã nhỏ, một chút rượu, một chút giềng giã nhỏ rồi chượp vào hũ thủy tinh bọc lớp vải màn rồi phơi giữa trời nắng. Được nắng, chỉ từ sáng đến chiều mắm đã chuyển màu đỏ au. Đậy chặt nút lại phơi tiếp mấy ngày thì đem cất đi, để lâu mắm càng ngấu ăn càng ngon. Nhà hàng xóm cạnh nhà tôi còn dìm vào hũ mắm khẩu thịt ba chỉ cho mắm thêm béo nhưng tôi chỉ thích mắm suông. Mẹ mua đậu phụ về, tôi hăng hái đi chưng mắm với hành khô phi thơm lừng béo ngậy. Mắm ngấu ngon có thể ăn sống với lát ớt tươi và chanh vắt đánh sủi bọt, chấm thịt ba chỉ luộc. Tôi cũng thích hấp chén mắm vào nồi cơm với chút mỡ, tí đường, lát ớt. Mắm chưng thịt kho, mắm khều đầu đũa nấu canh rau tập tàng…Mắm từ tép đồng ngon cơm nhất khi có thêm bát cà pháo muối hoa riềng giòn tan.
Tôi dặn trước chị hàng tôm cá khi nào có tép nhớ gọi để ủ mắm. Món mắm tép ấy ông xã tôi rất thích, có lần mới ủ được mấy ngày, thấy mắm ngấu đỏ au cứ muốn ăn ngay. Tôi phải chưng với quả cà chua cho nó có vị chua và mềm mượt như là mắm đã chín ngấu, thế mà ông xã cứ khen mãi. Không phải năm nào cũng có đủ tép để ủ, càng ngày ruộng bị thu hẹp lại, hai bên bờ bãi xanh non bị những kè bê tong khô cứng lấn hẹp , rong rêu cũng không còn để trú ngụ. Và loài tép cũng cùng số phận với những loài phù du sinh vật bé nhỏ, bị những dòng điện mạnh từ những cái kích điện hủy diệt từ trứng nước. Chẳng lẽ loài tôm tép bé nhỏ, bé lắm cơ phận tép riu cũng không còn là món ăn dân dã thôn quê. Nó bống nhiên hiếm hoi đến mức chị hàng cá tôn lên làm “đặc sản” mà may mắn lắm hôm nay tôi đã mua được. Các con tôi vẫn hát bài “ Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng…”. Đấy! những con tép của bà lưng cũng cong cong như bà còng sớm trưa cặm cụi trên đồng bãi. Con tép trong câu truyện cổ tích về loài chim “ bắt tép kho cà” của các con đây. Bé nhỏ biết bao so những con tôm biển được nuôi bán ở hàng đông lạnh. Tôi để nguyên cả những con bống nhỏ, con mày mạy xanh nhớt và dăm con cua mới mở mắt lẫn trong ấy như sợ vuột mất những gì thân thương của thủa ấu thơ. Cái thủa lớn lên cùng những bến bờ xanh mướt mát đậu ngô
Bên dòng vắt vắt trong hiền hòa.
Đừng cạn nhé! Để loài tép tôm không chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa.

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

QUÊ NGOẠI.
(Tặng đất Bách thuận yêu dấu - Quê của ngoại tôi )
Một vùng quê chưa một lần ghé thăm
Chỉ nhận biết qua những lời ngoại kể
Sao thấy thân thương gần gũi thế
Cứ như từ đất ấy lớn lên...
Tuổi tám mươi tóc ngoại bạc sương
Bên cháu con kể về miền quê ấy
Đẹp lắm quê xưa miền đất bãi
Ôm bởi dòng sông đỏ nặng phù sa.
Nơi có vườn dâu cây trái luống hoa
Mùi hương ngâu bên đường thơm ngát
Cam quýt khoe sắc vàng mùa thu đến
Khi Tết về đất rực rỡ màu hoa.
Ngoại kể những ngày nước ngập làng quê
Sông Hồng bỗng dâng mình hung dữ
Nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ
Rồi lại đi bỏ lại đỏ phù sa.
Ngoại thì thầm nhắc đến bạn xưa
Những cô gái một thời xuân sắc
Vất vả nhọc nhằn vẫn vui câu hát
Tiếng nô cười tràn ngập vườn dâu.
Ngoại nhớ khi xưa mọi thứ đội đầu
Những nhà ươm rộn ràng mỗi sáng
Xóm làng nhuộm vàng tươi sắc kén
Tơ óng vàng phơi nắng phủ kín sân...
Chợt Ngoại buồn lệ chẳng kịp ngăn
Bao năm rồi chưa về thăm quê cũ
Tình quê nặng trong lòng nhung nhớ
Biết bao giờ trở lại đất xưa.
Ngoại nhớ thời tuổi trẻ năm xưa
Theo tiếng gọi đi xây vùng quê mới
Đất Nam bộ miền Tây xa vời vợi
Biền biệt phương trời đã mấy chục năm.
Ngoại ân cần dặn lại cháu con :
-Sức ta kiệt không còn về được nữa
Quê hương là tình yêu muôn thủa
Về Thái Bình đất Bách Thuận bên sông...
Tôi lặng đi ôm chặt Ngoại trong lòng
Dòng nước mắt trẻ già trộn lẫn
Đặt môi hôn lên mái đầu trắng bạc
Hứa với Người đất ấy sẽ về thăm.
Nguyễn Ly Ly