Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CÁC DI TÍCH VĂN HÓA LÀNG BÁCH THUẬN


             Xã Bách Thuận nằm ở phía Tây Nam huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sát bờ Tả ngạn sông Hồng tiếp giáp thành phố Nam định; Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 925,8 ha - có 2.830 hộ gia đình với 11.794 nhân khẩu, địa dư hành chính được chia làm 10 thôn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm khá khang trang đầy đủ. Toàn xã có 2 cụm DTLSVH cấp Quốc gia là Chùa Từ Vân - Từ đường Nguyễn Kim và Đình chùa Bách Tính, 1 DTLSVH cấp tỉnh là Từ đường họ Phạm văn chi 2 thôn Thuận Nghiệp và 1 nhà thờ xứ họ giáo Thuận Nghiệp.
            Trải qua hơn 3 thế kỷ, với những đổi thay thăng trầm của lịch sử, nhân dân xã Bách Thuận luôn đoàn kết một lòng, làng trên - xóm dưới - làng trong - làng ngoài đời đời tiếp nối phát huy truyền thống gìn giữ khí thiêng - dựng xây quê hương đất nước.
            Nhà thơ Trinh Đường đã viết:
                        Ơi Thuận Nghiệp - Thượng Xuân
                        Chắn  ở hai đầu sóng,
                        Quyện như hình với bóng
                        Là Bách Tính - Thuận Vy.
            Bốn làng: Thuận Nghiệp - Thượng Xuân - Bách Tính - Thuận Vy đã hình thành nên xã Bách Thuận ngày nay với 45 dòng họ lớn nhỏ ở khắp mọi nơi về hội tụ, trong đó có 25 dòng họ của làng Thuận vy;
            Uống nước nhớ nguồn - lật lại từng trang sử,nhân dân Bách Thuận luôn cảm phục biết ơn những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc khai khẩn lập ấp, lập làng cũng như các bậc thánh hiền đã độ sinh cho dân làng và giúp đất nước thoát nạn binh đao qua bao thập kỷ.
            Theo Ngọc Phả đang được lưu giữ tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam:
            Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi, ngọn nước từ ngã 3 Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên - Nam Định ( phủ Thiên Trường xưa), tới đây sông Hồng đổi hướng sinh ra bên lở bên bồi tạo nên một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến quần cư lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và làng Gòi, làng Thận Vi xưa - nay là làng Thuận Vy xã Bách Thuận có tên từ đó.
            Hơn 3 thế kỷ qua, làng Thuận Vy được 25 dòng họ về sinh cơ lập nghiệp. Nhờ khí thiêng sông núi, nhờ đất mát, trời trong, hưởng bổng lộc phù sa màu mỡ, bốn mùa cây trái tốt tươi hoa thơm trái ngọt, cùng đoàn kết gắn bó mật thiết nhiều đời với bản chất chịu thương, chịu khó, ham làm ham học hỏi đã tạo nên một bản sắc riêng của con người quê hương đất Thuận. Do đó đã có nhiều công trình dân sinh phúc lợi, nhiều công trình văn hoá tâm linh đã được các thế hệ xây dựng, bảo tồn trở thành dấu vàng son để muôn đời lưu danh tưởng nhớ.
            Bài minh khắc trên quả chuông chùa Bồ Đà, năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797).có ghi: "Làng Thận Vi có chùa Bồ Đà, dòng Tào Khê uốn lượn phía sau, gò Thứu Lĩnh chắn che phía trước, thật là chốn danh lam cổ tích thắng cảnh của đất Nam Châu"; Long cốt của đình Thượng khắc ghi: "Lê Rụ Tông Long canh tý niên, quý thu nguyệt cát nhật thụ trụ thượng hương, trùng tu năm đinh Mão" (tức Đình Thượng được xây dựng vào mùa thu năm 1720).
            Hình thành theo quy luật "Tụ thuỷ ắt quần nhân", một làng quê có tới 25 dòng họ từ nhiều nơi về sinh cơ lập nghiệp. Hình ảnh cây đa giếng nước gắn liền với các công trình tâm linh như: Từ Vân tự, Bồ Đà tự, Thượng đại đình, Phượng minh đình, Trí trung đình, Hồng Thái tự, Đền Đông, Phủ thánh mẫu, Miếu quan tây, Miếu Đa hội ... là những nơi thờ phật thánh, thiên thần, nhân thần, thành hoàng có công bảo vệ giang sơn đất nước, khai hoá xây dựng làng cùng các bệ miếu thần linh chín khu trong làng đã minh chứng về sự trường tồn của một làng quê văn hiến nơi vùng châu thổ Sông Hồng.

            Theo thần sắc để lại, 3 ngôi đình làng xưa được tôn thờ 8 vị là thiên thần là: Trịnh Đô hộ quốc đại vương, Trịnh Đô bảo quốc đại vương, Đông Hải đại vương, Thuỷ Tộc Long Quân đại vương, Thượng Bông đại vương, Đô Phủ đại vương, Bát Vạn hồng huống đại vương và Phù Ký thượng tướng quân đã có công giúp đức Tản viên đánh tan giặc Thục tại Thuận Huy trang, được Các triều vua danh tặng:           
            - "Âm phù Bát vị đại vương thượng đẳng thần"- Đời vua Hùng 
            -  "Phủ tế cương nghị anh linh"- Vua Lê đại hành
            - "Linh ứng anh tôn thần" - Vua Lê thái tổ
            - "Linh ứng anh tôn thần" - Trần thái tông
            - "Hùng liệt đại vương" - Cảnh hưng
            - "Hoàng tai vị nghiệp đại vương" -Cảnh thịnh
            - "Rực bảo trung hưng tôn thần" - Vua Thành thái
            - "Rực bảo trung hưng tôn thần" - Vua Duy hưng
            - Trang túc tôn thần.- Vua Khải định
            Các sắc chỉ đều giao cho Thận Vy trang nay là Làng Thuận Vy phụng tự.

            Thực hiện "ẩm hà tư nguyên" - Tri ân công đức của các bậc thánh hiền và các tiền nhân, đồng thời để góp phần xây dựng và bảo toàn truyền thống văn hoá; Năm 2008, từ ước nguyện của nhân dân 6 thôn và con em của 25 dòng họ trong làng - được Đảng bộ và Chính quyền các cấp cho phép, nhân dân trong làng đã tập trung sức người sức của phục dựng, tôn tạo lại ngôi đình chung của làng lấy tên là Thuận Vy Đình thay cho 3 ngôi đình Thượng - Hạ - Trung bị xuống cấp để thờ 8 vị thiên thần, các vị nhân thần, chân linh Thuỷ tổ các dòng họ để rồi tuần tiết khói nhang tưởng nhớ.
   Thực  là         " Cổ xưa giải đất Thuận Huy trang
                        Đức Tản đưa quân bảo vệ làng
                        Sáu tướng Thiên trao coi bến nước
                        Hai thần thuỷ chỉ giữ đường giang
                        Quần tiên phạt Thục thua cay đắng
                        Phật Thánh phù ta thắng vẻ vang
                        Sắc chỉ vua ban phong thượng đẳng
                        Đình làng tôn tạo phụng lưu quang".

    Với Từ Vân tự (còn gọi là chùa Từ Vân) - di sản được xếp hạng  DTLSVH cấp Quốc gia:
            Chùa có bề dày nhiều thế kỷ, xuất phát từ pho tượng Phật bà với điển tích hiện hữu linh thiêng. Theo truyền lại, khi đó pho tượng theo dòng Tào Khê trụ lại được tiền nhân rước lên lập thờ, sau lưng pho tượng có ghi: "Gia trung họ Khả - Con nhà hậu cả - Tích chi quả thu - Ở huyện Bắc Hà - Tại xã Cẩm giàng - Muốn về Thận Vi trang - Trông lên cửa Tuần Vường - Oanh linh lẫm lẫm".
            Từ đó Chùa Từ Vân đã mang trong mình những dấu ấn lịch sử huyền thoại giữa Phật pháp tâm linh và hiện thực con người. Trong bộ sử Nam Thành ghi chép lại: Nơi đây thờ Nữ sư Phúc Lai (Chính hiệu là Nguyễn Thị Uyển Trà, là con gái út của tú tài Nguyễn Công, triều Cảnh Hưng hậu Lê (thế kỷ 17)). Người nết na thuỳ mị, thông minh, nổi danh tài ngữ; song do sinh ra trong thời loạn lạc Trịnh - Nguyễn phân tranh, bách dân điêu đứng ly tan, mùa màng thất bát. Người đã dứt gánh xuất gia nhưng rất quan tâm chăm lo đến cảnh thanh bình của muôn dân trăm họ- đã nhiều lần tổ chức quyên góp phát chẩn cứu đói cho dân, giáo hoá quan quân làm những điều có nghĩa.
            Đặc biệt; vào năm Canh Mão (Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 - năm 1771) trong lần chiến thuyền của Trịnh Sâm truy quét về vùng Sơn nam hạ đến đất Thận Vy trang, thấy nơi đây cửa nhà hoang tàn, vườn không nhà trống, tịnh không một bóng người, nhưng lại thấy tại một ngôi chùa ngay đầu làng có một nữ sư vận áo cà sa, đeo tràng hạt, đứng rất trang nghiêm trên gác Tam quan, hai mắt sáng quắc, không hơi cử động. Bên dưới có hai sư ni đứng dưới gốc hai cây bồ đề, một người khóc rất thê thảm, một người cười rất giòn giã. Nhân bữa đó có Thái Phi đi cùng chiến thuyền,Thấy cảnh tượng lạ, đã đích thân lại gần thì tiếng khóc tiếng cười im bặt. Rồi không biết Nư sư đã rỉ tai Thái Phi những gì mà ngay lập tức Thái Phi đã lệnh cho Trịnh Sâm ngay sáng hôm sau thiết triều tại làng và ban bố chiếu chỉ cho dân trăm họ ai về nhà nấy làm ăn, những nhà cửa nào bị đốt phá thì được bồi hoàn, trích tiền kho phát chẩn và được miễn thuế 10 năm ... Sau đó Thái Phi cùng Trịnh Sâm về cung sang sửa chùa Nghi Tâm lập đàn chay để tu hành.
            Các triều đại sau này, khi các vương gia tướng lĩnh mỗi khi xuất quân dẹp giặc đều tới nơi đây làm lễ cầu cho muôn dân trăm họ, quốc thái dân an và dành thắng lợi.
            Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại đây đã tiếp tục phát tích lên những điều huyền bí để lại những dấu ấn hào hùng: Nơi treo cờ khởi nghĩa, nơi tiếp tế quân - lương, nơi cắm chốt bảo vệ quê hương; Nơi tiễn con em lên đường  ngăn bước quân thù xâm lược.
            Linh tại ngã - bất linh tại ngã. Tiếng lành đồn xa, từ năm 2008 đến năm 2011, được phép của các cấp lãnh đạo Chính quyền nhà chùa - Trụ trì là sư thày Thích Đàm An đã quy tụ được hàng ngàn phật tử cùng con em quê hương xa gần hoan hỷ đem tâm để tôn tạo ngôi Điện hùng bảo điện, nhà Mẫu và các công trình tâm linh trong quần thể di tích với hàng tỷ đồng tạo nét khang trang, bề thế " Sơn cầm, thuỷ tú"
             Đúng là:
                        Cổ tự Từ Vân Bách Thuận ta
                        Uyên thâm phong cảnh đẹp hài hoà
                        Thiên thanh phật ngự vầng dương chiếu
                        Địa hoá chùa linh ánh nguyệt sa
                        Nhịp mõ tảo sinh lan vọng mãi
                        Tiếng chuông ban tối toả ngân xa
                        Danh lam cổ tích lưu đời mới
                        Muôn ánh hào quang sáng khúc ca.

            Đến Thuận Vy, không thể không kể tới quần thể di tích Hồng Thái tự và Miếu thờ thánh mẫu Ả Lã Phương Dung.
            Theo thần phả Thánh Mẫu Ả lã Phương Dung là người con gái họ Triệu đã có công cùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh Tô Định và Mã Viện vào năm 40 - 42 sau công nguyên. Là Thánh mẫu kiệt xuất trung quân ái quốc, vị nhân thần có công khai hoá nghề trồng dâu nuôi tằm cho làng Thuận Vy được các triều đại tặng phong 15 bản sắc. Vào ngày 25 tháng 11 năm 42 sau công nguyên, ngài hoá thần - nhân dân lập miếu thờ và tặng thơ:
                        "Nam nhi nghĩa sĩ tử vi thường
                        Nữ kiệt như nương kỷ vị nương
                        Tang hải riệc tôn thiên bất cử
                        Vãng lai duy sứ thuỷ lưu hương".
            Cuối thế kỷ thứ 10, vua Lê đại hành cầu thần phù trợ động binh thắng trận trở về phong tặng: Mỹ tự khiết thục phu nhân.
            Trần Thái tôn bao phong: Huệ hoa gia ý đoan trang
            Lê thái tổ gia phong: Trung trinh đoan tiết anh linh
            Hoàng đế Duy Tân ngự phê: " Bồ liễu gội tuyết sương xứng đáng bậc anh hùng hào kiệt, Phù Dung kiêm ngọc chất, thật là bậc hào kiệt nữ nhân...".
            Các sắc chỉ đều giao cho làng Thuận Vy phụng tự. Tuy sắc cổ bị thất lạc hiện còn 11 bản sắc từ đời vua Cảnh Hưng 1783 đến vua Khải định 1924 đang được lưu thờ tại Phủ Mẫu.
            Miếu Quan Tây được gắn liền trong quần thể Từ đường dòng họ Nguyễn Kim được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 18 tôn thờ Thánh mẫu Thanh Bình, cung phi của vua Lê Hiển Tông và được sắc phong là Á Thượng phu nhân. Ngài hoá vào ngày 15/3 năm Canh Thìn, nhà vua vô cùng thương tiếc sắc chỉ tặng phong là: "Hiệp thuận minh khiết tinh uyên Phương Anh phu nhân". Năm 1924 vua Khải Định phong tặng: "Hiệp thuận minh khiết tinh uyên Phương Anh trang huy rực bảo trung hưng thượng đẳng thần", không những Ngài được lưu thờ tại quê hương đất tổ mà còn được nhân dân làng Lai Vy - Lai Thành xã Đình Phùng huyện Kiến xương lập Miếu thờ từ năm Tân Tỵ .... đến nay.
             Tại Từ đường còn tôn thờ 3 vị khâm sai là Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Trân, Nguyễn Kim An có công phò vua giúp nghĩa quân đã được vua Gia Long phong tặng: "Rực vân công thần". Năm 1924 vua Khải định phong: "Đoan túc rực bảo trung hưng tôn thần". Trải qua quá trình lịch sử, quận chúa và các vị khâm sai thuộc Nguyễn Kim có công giúp nghĩa quân đã được công nhận là DTLSVH từ đường Nguyễn Kim.
            Thuận Huy trang xưa - đến làng Thuận Vy nay, nhân dân các dòng họ đã  lập miếu tôn thờ các vị thành hoàng làng theo sắc chỉ: phía bắc làng là Miếu Vạn đại và miếu Đa hội chốt phía nam làng ngay từ nửa đầu thế kỷ 18; Tại miếu Đa hội hiện còn lưu thờ 3 đạo sắc phong "Thượng đẳng thần" và năm Duy Tân thứ 3 tức 1909 tặng phong: "Bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng rực bảo trung hưng linh phú thành hoàng tôn thần"

            Đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, xã Bách Thuận nói chung và làng Thuận Vy nói riêng vẫn lưu giữ những văn bằng sắc chỉ, trường tồn nhiều nơi thờ tự tôn nghiêm,  cảnh quan tươi đẹp hoà quyện giữa 3 làng Bách Tính - Thuận Nghiệp - Thượng Xuân, xứng đáng là một vùng du lịch sinh thái tâm linh uyên thâm hài hoà, trường tồn một cách nhân văn, được âm phù dương trợ chính là nhờ tâm đức của tiền nhân tiên tổ các dòng họ tích cóp trung nghĩa nhiều đời. Lấy chữ tâm mở lối, lấy nhân nghĩa khơi dòng. Kế thế toả di muôn nơi sinh cơ lập nghiệp vẫn luôn hướng về cội nguồn về quê hương, vẫn nhớ về liệt tổ liệt tông cùng chung làng xã, có thời kỳ vui buồn tối lửa tắt đèn, hoạn nạn bên nhau và cùng luôn nhận ra nhau trong biển người.
            Theo truyền thống xưa những ngày lễ hội, những ngày giỗ tết, con cháu dù ở xa muôn nơi vẫn dành thời gian có mặt để hân hoan thăm hỏi động viên nhau phải sống sao để làm rạng danh quê hương.

            Nước Việt Nam bước vào thế kỷ 21, sự phát triển như vũ bão, việc xây dựng NTM đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc. Quyền giao thoa nền văn hoá theo dòng chảy chung của nhân loại càng trở nên mạnh mẽ. Quê hương Bách Thuận chúng ta có một vùng sinh thái tuyệt mỹ, tuyệt hảo. Bản tính người dân hiền hoà chất phát, lao động, kinh doanh, cần cù thông minh sáng tạo, yêu cuộc sống, yêu quê hương. Việc tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các liệt sỹ, các bậc tiền bối có công bảo vệ xây dựng quê hương càng cần được trân trọng và đề cao. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tinh thần, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và kế thừa truyền thống của quê hương là việc làm đáng trân trọng và có ý nghĩa sâu sắc.
             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét