Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN XE THỒ

Tôi xa quê cũng đã lâu rồi nên những đổi thay của quê hương không được tỏ tường lắm ví như những chiếc xe đạp thồ có còn xuất hiện trên đường làng không ? Tôi nghĩ là không bởi thời nay các phương tiện chuyên chở hàng hoá đã là ô-tô,xe máy chở được nhiều hàng hoá hơn,thuận tiện hơn nhiều.Một điều nữa là dân Bách thuận mình bây giờ giầu có lắm,biệt thự lộng lẫy mọc lên san sát,các cô gái đi chợ đi bán rau bằng xe Cup thì chuyện những chiếc xe thồ chỉ còn là hoài niệm của một thời,thậm chí lớp trẻ ngày nay chưa chắc biết nhiều về nó.Bởi vậy nay tôi viết lại để cho ai đó biết rõ về loại phương tiện này hoặc giúp những người đã làm nghề nhớ về kỷ niệm của một thời đã qua.
Trở lại thập niên 60,70 của thế kỷ trước,thời đất nước còn chiến tranh,bao cấp,quê ta làm nông nghiệp nhưng chỉ trồng dâu nuôi tằm không cấy lúa nên hưởng chế độ như công nhân,được cấp phiếu vải và mua lương thực từ nhà nước.Tuỳ theo đối tượng hay thời điểm mức tiêu chuẩn thường xê dịch từ 13 kg đến 21 kg cho mỗi người trong tháng.Thời đó đất nước còn nghèo lắm,làm gì có ô-tô để chuyên chở lương thực cho hàng vạn con người nên công việc đó giành cho những người làm nghề xe thồ đảm nhận.Ai đó đã từng xem phim về Điện biên thì thấy cảnh từng đoàn xe thồ,thồ hàng hoá vũ khí phục vụ chiến dịch thì có thể hình dung ra hình ảnh ở quê mình năm xưa cũng vậy.Tôi đã từng tận mắt nhìn thấy đoàn xe thồ Bách thuận chở gạo trên đường 10 thời ấy,đẹp và hoành tráng không kém trong phim ảnh.Cả một đoàn xe dài nối tiếp nhau chậm rãi di chuyển như đàn kiến cần mẫn tha mồi mà đến giờ đã qua gần nửa thế kỷ,hình ảnh đó vẫn in trong tâm trí của tôi.
Vậy xe thồ có hình dáng như thế nào nhỉ ?Tôi xin tả lại trước hết về phương tiện.Điều cần đầu tiên là một chiếc xe đạp nam với bộ khung khoẻ và chắc chắn cùng một cái đèo hàng thửa bằng thép to đùng.Các phụ kiện khác như chắn xích,chắn bùn,đèn,phanh đều được tháo bỏ khiến chiếc xe trở nên đơn giản như một người không mặc quần áo.Bộ săm lốp xe cũng là một vấn đề,chúng được làm dầy dặn bền chắc hơn bình thường để chịu được tải trọng hàng hoá.Tiếp theo là bộ bàn thồ,người ta dùng hai cái sạp gỗ nhỏ được treo vào đèo hàng và khung xe,thêm một chiếc ghế đặc chủng có ba chân để định vị xe lúc xếp hàng hoặc nghỉ ngơi.Cuối cùng người ta dùng hai đoạn tre đực già to vừa tầm tay,một được buộc vào ghi-đông dùng để lái,cái còn lại buộc dọc khung sau yên xe dùng để đẩy xe đi.Toàn bộ hình dáng chiếc xe thồ là như vậy.
Những người thợ xe thồ là những người đàn ông,ngoài đức tính chăm chỉ chịu khó họ còn phải có sức khoẻ dẻo dai nữa.Nghề xe thồ nặng nhọc vất vả,ngày tháng dầm mình trong gió bụi nắng mưa, làm việc bất kể sớm tối.Hình ảnh của họ là một người đàn ông với nước da sạm nắng,quần áo giản đơn, đầu đội mũ lá,chân mang đôi dép cao su.Đôi dép này họ còn sử dụng để phanh xe khi di chuyển,chỉ cần đưa chân ấn vào lốp trước là xong,tốt như phanh xe hiện đại.Những phương tiện giản đơn như bản tính của người dân thôn quê,những người lái những chiếc tắc-xi tải ngày ấy chẳng ngại công việc,không nề hà nắng mưa,chuyên chở tất cả những gì có thể phục vụ cuộc sống một vùng quê.
Thời ấu thơ tôi và lũ bạn mỗi khi hiếm hoi có một cái ô-tô về làng là chạy theo reo hò,rồi ngắm nghía với ánh mắt tò mò ngạc nhiên.Tôi lại nghĩ thời nay lớp trẻ cũng có thể có cái nhìn với chiếc xe thồ như vậy.Tôi chỉ mong những ánh mắt đó không coi thường những hình ảnh của quá khứ hoặc như nhìn thấy vật gì đó như trong phim kinh dị.Tôi luôn luôn mong muốn họ hiểu rằng,với những phương tiện đó cùng với sức lực và mồ hôi,các cụ,các ông của họ đã xây dựng nên mảnh đất này và tạo dựng cho họ cuộc sống sung túc ngày hôm nay.
Viết từ cộng hoà SÉC tháng 7 – 2014

NGUYỄN NHƯ THẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét