Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

TIỀM NĂNG DU LỊCH LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

    PHÁT TRIỂN DU LỊCH
SINH THÁI CỘNG ĐỒNG TẠI LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

1/ Vài nét giới thiệu về Bách Thuận

Làng vườn Bách Thuận có một vị trí đặc biệt, được hình thành từ một vùng đất bãi bồi ven sông Hồng từ cuối thế kỷ thứ XVII bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi bởi dòng nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên – Địa phận Phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định. Chảy đến đây sông Hồng đổi hướng và lăn dòng tạo ra “Bên lở - Bên bồi” và đã hình thành một vùng đất màu mỡ phì nhiêu, đây chính là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến nơi này quần cư - lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và cái tên Làng Thận Vi - Nam Định xưa -> Nay đã trở thành: Làng Thuận Vy - xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nằm tiếp giáp với cầu Tân Đệ - cửa ngõ của tỉnh Thái Bình. Bách Thuận có rất nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. 
Nơi đây không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi mà còn có nghề làm vườn truyền thống: Trồng cây lưu niên, cây hoa màu, trồng cây hoa quả, cảnh, cây hương dược liệu. Với đặc trưng là vùng đất thổ mô (Tách biệt từng thổ cư, đất canh tác ao vườn theo từng hộ gia đình) đã tạo dựng và hình thành nên một mô hình mang những nét riêng biệt hiếm có đó là: Nhà vườn, nhà cổ + cây cảnh + ao hồ cùng với chợ quê, mái đình, cây đa. Tạo nên một nét đẹp bình dị tiêu biểu cho những làng quê đồng bằng Bắc bộ và nơi đây còn mang nét đẹp độc nhất của một làng ven sông với các ngôi nhà cổ xen giữa những vườn cây – ao cá, tạo thành những điểm nhấn thú vị cho bức tranh không gian của làng vườn, được kết hợp hài hòa xen lẫn với cỏ cây, hoa lá, những hồ ao, các vườn cây cảnh, vườn cây ăn quả đậm chất hồn quê với không gian nghệ thuật kiến trúc sắp đặt, thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống gia đình người Việt.
Với vị trí địa lý nằm ngay bên quốc lộ 10, Làng vườn rất thuận lợi cho giao thoa phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch. Ngay từ thập niên 80 Bách Thuận - Thuận Vi đã nổi tiếng bởi một miền đất có cây cối xanh tươi bát ngát, bốn mùa hoa thơm và trái ngọt, Các đoàn khách từ Trung ương và các tỉnh bạn khi về đây được tận hưởng một cảnh sắc tuyệt vời như một miệt vườn với đủ gam màu, cảnh sinh hoạt mua bán tấp nập với hoa quả và các sản vật địa phương tại mỗi buổi chợ Thuận Vi của người dân Bách Thuận và nhân dân các vùng phụ cận đã phần nào tô điểm thêm nét độc đáo và trù phú của vùng quê này.

 Tôi về Bách thuận một làng xanh
Cây níu chân tôi, quả trĩu cành
Ong bay như dẫn tình yêu đến
Và nụ cười em giữa lá xanh.
(Bùi Công Bính)



... “ Bách Thuận đã vinh dự được đón tiếp nhiều Đoàn tham quan trong nước và ngoài nước, từ Trung ương đến địa phương: Đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Tố Hữu, ủy viên bộ chính trị và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã đến thăm và tỏ lời khen ngợi.
Bách Thuận lại còn hân hạnh đón nhiều văn nghệ sỹ đến tìm hiểu và viết lên những bài văn, bài thơ nói lên một tình cảm nồng hậu, đưa lên báo, đài phát thanh giới thiệu nhiều mặt của Bách Thuận với đồng bào trong nước.
Những bài văn, bài thơ ấy đã cổ vũ động viên nhân dân Bách Thuận rất nhiều, đồng thời cũng thúc giục chúng tôi không ngừng tiến lên đạt dược nhiều thành tích mới hơn, tốt hơn nữa...”

                                           Tập thơ: ” Hương vườn Bách Thuận
 
           
“ Tôi ngỡ như mình lạc giữa cây
Cây che như lợp bóng râm đầy
Tiếng chim nghe thẳm trong vòm lá
Hương quả bay cùng hương gió bay

Tôi lẫn vào cây, cây dẫn tôi
Vườn Thuận Vi xanh khắp bãi bồi
Cây ngâu dẫn lối bằng hương dịu
Cây táo đưa đường, hoa táo rơi...


                                  (Trích: Làng vườn Thuận Vi của tác giả: Vũ Quần Phương )
                               
2/ Hiện tại và định hướng phát triển du lịch làng vườn:
- Bách Thuận hiện đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tiềm năng sẵn có tạo lợi thế riêng cho mình để phát triển du lịch cộng đồng đó là:
(Các di tích lịch sử cấp quốc gia, những nếp nhà cổ mang đặc trưng nhà cổ đồng bằng bắc bộ, nghề làm vườn truyền thống, chợ quê họp vào mỗi buổi sáng, hai triền đê Trung ương và đê bao tạo nên vành đai bao bọc lấy Bách Thuận như một dải lụa mềm bao quanh vùng đất tựa lá dâu xanh bên bờ tả ngạn sông Hồng. Cùng với địa thế nằm sát bến phà Tân Đệ cũ và các bến đò Trung Hòa, Bách Tính nối sang tỉnh Nam Định – Và hơn nữa là con người Bách Thuận luôn luôn năng động, hiếu khách…). Bách Thuận còn lưu giữ khá nhiều những nếp nhà cổ xen lẫn những nhà vườn cây cảnh, cây ăn quả, ao thả cá, và có vùng đất bãi bồi ven sông Hồng

a/ Tour Xe đạp quanh làng vườn:
*) Tân Đệ - Chùa Từ vân -> Đền Ả Lữ Phương Dung - > Vườn đầm Bình Minh -> Nhà cổ Thuận Vi -> Đền Đông Vọng -> Chợ Thuận Vi -> Nhà cổ Chiến Thắng -> Đình làng Thuận Vi -> Bến Trung Hòa -> Bãi sa bồi - Đê bao ngăn lũ -> Vườn hoa Liên Hồng -> Nhà cổ Liên Hồng -> Vườn cây ăn quả, cây cảnh Bách Tính -> Nhà cổ Bách Tính -> Đình làng Bách Tính -> Bến đò; Nhà thờ họ giáo Thuận Nghiệp -> Đình làng Thuận Nghiệp …

b/ Tuyến du lịch đường sông
Xã Bách Thuận – được hình thành từ 4 làng bao gồm: (Thượng Xuân, Bách Tính, Thuận Vi, Thuận Nghiệp) và có vị trí địa lý nằm ven sông Hồng với 3 bến đò ngang đối diện bên bờ nam phía bên kia của dòng sông Hồng là: Nam Phong và Nam Điền tỉnh Nam Định, hơn nữa lại nằm sát với bến phà Tân Đệ cũ. Đồng thời với địa thế nằm dọc theo triền đê Trung ương cùng với các làng bãi ven sông, các xóm chài bên bờ tả ngạn.
 Xét thấy Bách Thuận có một vị thế địa lý thật tuyệt vời như vậy rất thuận lợi cho phát triển tuyến du lịch với các điểm nhấn, điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch nằm dọc theo các triền đê và du lịch trên sông nối các vùng phụ cận nội tỉnh cũng như liên tỉnh.
- Tuyến đường sông thứ nhất: Xuất phát từ Bến đò Bách Tính xuôi theo dòng sông Hồng đến chùa keo Duy Nhất/ có thể sang chùa Keo Hành Thiện/ Chùa Cổ Lễ Nam Định. (Tuyến này áp dụng cho đối tượng khách thích tìm hiểu các di tích lịch sử)
- Tuyến đường sông thứ 2: Xuất phát từ Bến đò ngang Bách Tính vượt ngang sông tham quan vùng cây cảnh Nam Điền, Nam Trực (Tuyến này áp dụng cho du lịch + giao thương và phát triển nghề cây cảnh truyền thống)
- Tuyến đường sông thứ 3: Xuất phát từ Bến đò Trung Hòa đi ngược dòng sông lên Vườn hoa cải Hồng Lý, đi tiếp đến Đầm Dạ Trạch – Nơi tờ Tiên Dung, chử Đồng Tử tại Hưng Yên và tiếp nũa là Làng gốm Bát Tràng và Thăng Long Hà Nội.
(Tuyến này dành cho cho đối tượng khách thích khám phá về sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề … )

c/ Khu du lịch sinh thái làng vườn
(Bao gồm: Các quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia Đình làng Bách Tính, chùa Từ Vân, các đền miếu, Một số từ đường của các dòng họ có công đầu tiên xây dựng từ thủa di dân lập làng, các nếp nhà cổ truyền thống, vùng đê bao ngăn lũ, hai con sông lắng sa và xả lũ do bàn tay người dân đã đào đắp bằng thủ công khi làm thủy lợi trong giai đoạn thập niên 80, + một số nghề truyền thống của làng #…)
 Dựa trên tiềm năng tài nguyên của làng vườn, dựa trên lợi thế cạnh tranh mà ít nơi nào có được như Bách Thuận. Chúng tôi tin tưởng rằng:

Du lịch Sinh thái cộng đồng tại Bách Thuận sẽ cất cánh bởi các sản phẩm du lịch chất lượng cùng với du lịch Thái Bình phát triển bền vững, duy trì nghề truyền thống, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương, làm giảm dòng chảy ly hương của thanh niên nông thôn, giúp họ làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Xây dựng cách thức làm du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh làng quê và đời sống người dân. Tiếp tục đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây cũng chính là cách quảnh bá tốt nhất, chân thực nhất về cuộc sống, văn hóa con người Việt nam nói chung và con người Thái Bình nói riêng với bạn bè quốc tế.
 Hy vọng một ngày không xa, mỗi khi du khách bước chân tới cửa ngõ Thái Bình, vượt qua cầu Tân Đệ sẽ thấy xuất hiện ngay đây một “Mỹ Tho”, hay một “Bến Ninh Kiều” của Thái Bình với Khu du lịch làng vườn xanh mướt, một điểm du lịch, một làng quê trù phú ven sông, hình ảnh trên bến dưới thuyền sầm uất sáng sớm, chiều trưa và mỗi lúc hai đầu thành phố lên đèn thì cả Nam Định và Thái Bình sẽ cùng bừng sáng lung linh tựa Thu Bồn mà lại mang dáng hình của quê lúa.

Có một miền quê tựa bức tranh
Bốn mùa hoa trái bốn mùa mùa xanh
Bốn mùa chim hót hoa đua nở
Ngọt lịm không gian trái trĩu cành”

                                                                      (Quê tôi – Làng Thuận Vy)
                                                                     Tg: NGUYỄN ĐÌNH NHỮ



Nguồn: 
Chương trình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Bách Thuận.
Đơn vị: Công ty TNHH Sinh thái và Văn hóa Du lịch Trường Thuận



4 nhận xét:

  1. Cảm ơn Chị Hằng, lâu lắm rồi mới được đọc một bài viết về quê hương Bách Thuận cảm động như này.
    Thưa chị, ký ức của em về quê hương là chùa Phật Bà với hàng rào tượng trưng, sân đất, mỗi khi đi xa về dựng xe dưới chân tháp chuông ngồi nghỉ, bon trẻ con chay chơi trong sân chùa nhặt quả đa mát rượi. Nhưng sao hôm nay về đến đầu làng chùa Phật Bà đã được chắc chắn hóa hồn nhiên như...lô cốt, em chia sẻ với xu hướng biến chùa Làng thành chùa Nhà chị nhé

    Trả lờiXóa
  2. Dâu tằm ơi.
    Ký ức em với nương dâu và lứa tằm ăn một, nhưng giờ đây làng mình cây dâu tằm chỉ còn trong ký ức, Chị ơi, ao lấp hết rồi, thổ mô đã còn không? ngâu to đã bán cho tàu, chỉ còn lại tháp chợ 1952, nay mai Mr Tuân phá rỡ chỉ còn tính bằng ngày...thì còn gì hoa gạo..

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn em đã trăn trở cùng Làng. Chị chỉ biết gửi cho em trích đoạn trong bài viết HOA GẠO của chị em nhé ""Dẫu biết rằng những đổi thay đã làm nên diện mạo tươi mới của quê hương, đã mang lại cho làng mình cuộc sống ấm no hạnh phúc nhưng sao cứ thấy ngậm ngùi. Nhưng anh ạ, cuộc sống dù cứ luôn cuốn ta về phía trước với những ước mơ, những dự định cho tương lai thì những yêu thương của ký ức vẫn luôn giữ lại trong lòng, đỏ thắm như những bông hoa gạo phải không anh.

    Trả lờiXóa
  4. Chị sẽ viết bài về dâu tằm để nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Cảm ơn em đã đồng cảm với chị. Trong trang viết này chị có cả bài về AO LÀNG và GỐC ĐA QUÊ em ạ. Mời em ghé thăm những bài viết đó, chị cảm ơn em rất nhiều.

    Trả lờiXóa