Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

BÁCH THUẬN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

CÂU CHUYỆN MÙA LŨ

Các bạn trẻ quê mình ngày nay có thể được nghe thấy những câu đại loại như"sống chung với lũ" phù sa v.v...của người dân Nam bộ thì xin thưa trên mảnh đất này ông bà,cha mẹ các bạn cũng đã từng sống những năm tháng như vậy.Khoảng hơn 30 năm trở về trước ở quê mình chuyện nước lũ là chuyện đương nhiên,dân mình quen tới mức chẳng quan tâm nhiều tới nó,lũ đến rồi lũ đi,nước lên rồi lại rút,có năm đến vài lần như vậy.Họ chỉ lo lắng khi nước lũ với bão kết hợp,lúc đó những khuôn mặt người dân mới nặng trĩu âu lo,họ sợ cái nhà đất có thể bị đổ,sợ vườn cây trái đang ngập nước lại bị gió lay quật liệu có sống nổi sau lũ không ? Rồi một ít người cả đời giành dụm mới xây được cái nhà cấp 4 toàn vôi cát,lỡ nó ngấm nước rồi bão giật đổ thì sao?
Mùa nước lũ thường vào tháng 7,tháng 8 âm lịch,sông Hồng lúc này không hiền hòa nữa mà như con quái vật nước khổng lồ muốn quấn phăng mọi thứ.Thay thế dòng nước trong xanh ở mùa cạn nước trong xanh nhìn thấu đáy, thấy cả đàn cá tung tăng bơi lội là dòng nước đục ngầu hung dữ,những xoáy nước khổng lồ trên dòng nước chảy cuồn cuộn.Dòng sông rộng dần ra,nước cứ dâng lên,nạn nhân đầu tiên là những vườn dâu đất bãi rồi đến những mảnh ruộng hiếm hoi dọc theo chân đê từ chùa Phật bà tới tận Thuận ngiệp.Rồi cứ từ từ,từ từ chúng tiến dần đến từng xóm thôn,nuốt chửng những con đường, rồi lân la đến nền từng ngôi nhà,nơi người ta đang bận rộn với việc đối phó chúng.Những vị khách không mời này nhanh lắm,có khi buổi tối mới thập thò đầu ngõ nửa đêm đã mò vào giường ta đang nằm rồi sáng ra khi thức dậy đã thấy cả vùng quê đã ngập chìm trong biển nước,trong cái màu vàng rộm của phù sa .Ngôi nhà nào nền cũng ngập lưng lửng nước,người đi lại lội bì bõm ,có lẽ chỉ có bọn trẻ con vui vẻ hơn cả,chúng trần truồng từng lũ từng nhóm,tắm bơi cùng reo hò làm om sòm xóm thôn.Và bắt đầu xuất hiện những cái mủng,dân quê mình dùng nó để đi lại mùa mưa lũ,vì chắc chắn nhiều người trẻ không biết nên tôi xin được nói rõ về những cái mủng này.Chúng được đan bằng nứa,kích cỡ đủ loại nhỏ to,thời đó người ta phân biệt bằng thước ta,mỗi thước là hai gang tay( vào khoảng 40 cm),thuyền nào 7,8 thước là lớn lắm, để chống nước ngấm vào thuyền người ta dùng nhựa cây sắn thuyền màu nâu đỏ trát kín các khe đan, thế là xong .Dưới lòng thuyền là một cái sạp để ngồi hoặc để hàng,hai bên gần cuối thuyền được gắn đôi mái chèo,ở những thuyền nhỏ thì đôi mái chèo này được cầm ở tay,đó là phương tiện đi lại của quê mình mùa lũ đấy,thời ấy nhà nào cũng có ít nhất một cái giống như thời nay nhà nào cũng có xe máy vậy .Lứa tuổi tôi hoặc lớn hơn chắc ai cũng nhớ đến mùa lũ năm 1968 và năm 1971,nhưng lũ năm 1971 mới thật kinh hoàng.Cả vùng Bách thuận gần như phẳng băng một biển nước,từ đất ta có thể nhìn thấy cống Ngô xá bên kia sông Hồng đất Nam định.Đó đây trên mặt nước chỉ còn sót lại một vài ngọn cây cao,những mái nhà chỉ còn nhô lên một phần nóc,phong cảnh tiêu điều, chỉ thấy vài chiếc mủng đi lại nhặt nhạnh những ngọn rau muống mùa lũ để làm thức ăn tạm cho bữa cơm chiều... May mắn thay con đê sông Hồng đã cho dân ta nơi trú ngụ .Từ ngã tư Tân đệ đến tận Tăng bổng Trà khê cả làng cả xã tràn lên đê tị nạn.Những cây que,vài tấm nilong,một ít lương thực,củi thì vớt ven đê,thế là có thể sống tạm ít ngày chờ nước rút.Ngày đó lều trại dựng kín mặt đê,cái xanh cái đỏ,cái to cái bé cứ san sát nhau,mỗi buổi trưa chiều lại phủ màu khói xanh từ những cái bếp dã chiến đun bằng củi ướt ,cảnh tượng cứ như các trại tị nạn vùng Trung đông...Điều đặc biệt nữa mà tôi muốn chia sẻ là dù nước trời như vậy nhưng rất hiếm tai nạn xảy ra ở mùa lũ,nói ra thì lớp trẻ ngày nay phải thèm thuồng ghen tị với cha anh.Ngày ấy từ đứa trẻ mới vào lớp một đến những người ở tuổi trung niên đều là những tay bơi lội tài năng,những kình ngư miền sông nước.Họ có thể bơi ngang sông Hồng mùa mưa lũ,dù sông ngày xưa rộng lớn hơn nhiều,chưa kể nước chảy xiết,xoáy nước cuồng điên ...
Sông Hồng giờ đây đã hiền hòa hơn,dòng sông đã nhỏ đi,ít nước hơn vì người ta đã xây những nhà máy thủy điện trữ nước điều tiết lũ trên thượng nguồn.Chuyện lũ lụt chắc chẳng bao giờ thấy nữa,nay xin viết lại để mọi người nhớ hoặc biết đến cuộc sống người dân Bách thuận mình ở một thời chưa xa ...

Viết từ cộng hòa SÉC tháng 4 – 2014
NGUYỄN NHƯ THẠNH


1 nhận xét:

  1. Chắc tác giả đi xa lâu rồi chứ nước lũ thì chưa den đến 20 năm thôi mà "17năm"

    Trả lờiXóa