Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

NGƯỜI ANH HÙNG LÀNG THUẬN VY VÀ GIÒ PHONG LAN

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Vào những ngày lễ lớn của dân tộc hay những buổi học ngoại khoá, nhiều nhà trường thường mời ông đến nói chuyện với thầy trò về những trận đánh, những tấm gương hy sinh dũng cảm của anh bộ đội cụ Hồ. Trong những câu chuyện cảm động ấy, không bao giờ ông quên kể về một giò phong lan mà ông vẫn treo trên giàn lưới nhỏ trong mảnh vườn nhỏ trước căn nhà cấp 4 của ông ở một phường thuộc quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
          Xin được giới thiệu đôi nét về người sỹ quan, chủ nhân giò phong lan đặc biệt này. Ông là anh hùng quân đội Lê Quang, được nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý vào năm 1989.
          Ông tên thật là Đỗ Quang Vinh, sinh ngày 14 tháng 12 năm 1935, là một người con của họ Đỗ làng Thuận Vy, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Sinh ra lớn lên ở làng, nhưng năm 1947 cả gia đình ông dắt díu nhau chạy tản cư lên Yên Bái rồi lập nghiệp ở đó.
Năm 1948, mười ba tuổi ông thoát ly gia đình tham gia đội "Tuyên truyền luyện quân lập công " của tỉnh đội Yên Bái. Năm 1950 ông xin về nhà để tiếp tục đi học phổ thông. Năm 1956 ông vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1961 ông tốt nghiệp ra trường, được phân công về công tác tại bệnh viện Hòn Gai (Quảng Ninh). Năm 1963 ông được cử vào chiến trường miền Nam, lúc đó gọi là đi B. Tháng 7/1964 vào đến căn cứ R (căn cứ Tây Ninh), ông được giữ lại làm giáo viên trường Y sỹ thuộc Ban dân Y miền Nam. Đầu năm 1966, ông chuyển sang quân đội với chức vụ đại đội trưởng. Từ đó tới năm 1978 ông công tác trong ngành quân y, khi trực tiếp điều trị thương bệnh binh, khi phụ trách các bệnh viện dã chiến. Từ tháng 01/1979 ông đi theo các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Tại đây ông được giao trách nhiệm làm bệnh viện trưởng 7E của mặt trận 479 với nhiệm vụ nặng nề  bảo đảm cứu chữa kịp thời và điều trị chu đáo cho bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Trong suốt mấy chục năm chiến đấu và công tác, đây là thời kỳ ông Lê Quang lập được nhiều chiến công nhất, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với thành tích đặc biệt: có nhiều biện pháp tổ chức hợp lý, bảo đảm cứu chữa kịp thời cho thương binh từ 400 - 500 người mỗi ngày. Một thành tích không phải bất cứ bác sỹ quân y tiền phương nào cũng có được.
          Ông Lê Quang được phong anh hùng vì lẽ đó.
          Để có thành tích này phải có nguyên nhân là lòng thương yêu, thông cảm sâu sắc với nỗi đau, sự hy sinh không gì bù đắp nổi  đối với thương binh. Như ý chí quyết thắng của anh bộ đội cụ Hồ, như lòng căm thù cao độ bọn diệt chủng Pôn Pốt... nhưng trong đó không thể không kể đến một nguyên nhân, nguyên nhân này gắn liền với giò phong lan Hoàng Điệp, ông Lê Quang thường kể chuyện.
          Ông kể: Năm ấy vào dịp sau Tết Nguyên Đán, đúng vào dịp phong lan rừng nở rộ, ông được lệnh chỉ huy chín chiếc xe, trong đó có năm chiếc hồng thập tự từ trạm y tế tiền phương ra biên giới Campuchia - Thái Lan để đón nhận thương binh đưa về tuyến sau điều trị. Do là người chỉ huy nên ông Quang có trách nhiệm ngồi trên chiếc xe đi đầu. Lúc đi, đoàn xe của ông có qua một cánh rừng vào lúc hoa phong lan đang nở rực rỡ. Bình thường ông Quang không phải là người mê phong lan như nhiều người khác. Nhưng hôm nay trước vẻ đẹp lạ lùng của nó, ông không thể làm ngơ, đi qua một cách vô tình được. Vì vậy ông dặn người lái xe lúc trở về nhớ dừng ghé vào khu rừng này để ông hái mấy giò đem về treo trước cửa hầm bệnh xá dã chiến.
          Hôm ấy, nhận xong thương binh, đoàn xe lại theo đường cũ trở về. Đi đến cánh rừng có phong lan ban sáng, anh lái xe nhớ lời ông dặn đã quẹo xe vào lề đường để ông xuống hái phong lan. Chiếc xe đi sau thấy thế đã lách lên, vượt qua trở thành chiếc dẫn đầu. Và thật bất ngờ như một định mệnh, chiếc xe ấy vừa vượt lên vài trăm mét đã bị trúng ngay quả đạn B40 của một tên lính Pôn Pốt từ bên đường bắn ra trúng vào ca bin làm anh lái xe bị bay mất đầu, hy sinh ngay tại chỗ.
          Hôm ấy bế người chiến sỹ trên tay, ông Quang đã khóc rất nhiều. Từ hôm đó ông cứ nghĩ rằng người chiến sỹ kia đã tự nguyện hy sinh thay ông, thế mạng cho ông, để ông được sống mà tiếp tục lo cứu chữa cho những đồng đội của mình.
          Ý nghĩa ấy đã trở thành động lực chiến đấu trong ông, giúp ông vượt hết khó khăn này đến khó khăn khác.
          Câu chuyện về giò phong lan là thế. Nó hấp đẫn các em học sinh và mọi người vì đó là câu chuyện kể về lòng biết ơn.

                                                (Theo báo Giáo dục và thời đại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét