Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

KHỞI NGHĨA THUẬN VY



         
Giữa thế kỷ XVII, những việc thoán quyền của chúa Trịnh Giang  khiến cả đời con ông là Trịnh Doanh lao đao mới cơ bản định yên được thiên hạ. Vì hiềm khích với thái tử Lê Duy Vỹ, Tĩnh vương Trịnh Sâm lại gây nên hoạ mới. Lại vẫn do việc phế, lập các Thái tử, Thế tử, triều chính ngày càng rắc rối, khiến các vương tôn về sau không thể cứu vãn.
          Tháng 3 năm Kỷ Sửu (1769), Sâm truất ngôi hoàng thái tử Duy Vỹ. Thái tử lúc còn nhỏ thông minh nhanh nhẹn, xem rộng sách kinh, sách sử, đối đãi với các sĩ phu rất lễ độ, thái độ dung nghi, thần dân không ai là không mến yêu. Trịnh Doanh rất trọng tài Thái tử, nên đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gả cho. Thái tử vẫn bực tức vì nỗi nhà Lê mất quyền bính, tính tình khảng khái nên vẫn có chí thu nắm lấy quyền cương. Trịnh Sâm lúc lớn lên làm Thế tử, đối với Thái tử hắn vẫn ghen ghét về địa vị và tài năng. Một hôm Thái tử và Sâm cùng ở phủ đường, được chúa Trịnh ban cho ăn cơm và bảo cùng ngồi một mâm. Lúc ấy vợ Trịnh Doanh là Nguyễn Thị can ngăn và nói: Thế tử với Thái tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi hai chiếu. Trịnh Sâm đổi nét mặt bước ra về, nói với mọi người rằng: Ta cùng Duy Vỹ hai người phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được.

          Kịp khi Sâm nối ngôi Chúa, bàn vụng với bọn hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định truất Thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội bèn vu cho Thái tử thông với thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu bầy với vua, bắt Thái tử giam vào ngục.
          Tháng 12 năm sau, khi Thái tử đã bị giam, Sâm muốn giết đi nhưng chưa tìm được chỗ sơ hở, đến bày cho Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh nhờ người khác tố cáo vu ra rằng: Bọn Trần Trọng Lam và Nguyễn Hữu Kỳ cùng với bọn gia khách của Thái tử là cống sỹ Nguyễn Bá Xưởng và Tự thừa Lương Giản, định mưu phản dấy quân để cướp Thái tử ra khỏi ngục. Rồi Huy Đĩnh đem việc ấy nói cho Sâm biết. Sâm hạ lệnh bắt đem trị tội. Bá Xưởng bị bắt, tra tấn nghiêm ngặt, lời cung của Bá Xưởng liên quan đến cả Nguyễn Lệ. Nguyễn Lệ bị bắt, khảo đả đến nát hết da thịt mà vẫn không thay đổi lời khai, sau bị giết cùng Lê Duy Vỹ.
          Vụ án Thái tử Vỹ khiến họ Nguyễn làng Thuận Vy phẫn nộ. Nguyễn Kim Hồng bí mật liên kết với các quan trong kinh lộ còn có lòng thờ vua Lê mưu báo thù cho Thái tử Vỹ và thúc phụ Nguyễn Lệ. Các ông Nguyễn Kim Trân, Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim An, Nguyễn Kim Nho chạy xuống làng Lai Vy (nay thuộc xã Minh Hưng huyện Kiến Xương) liên kết với họ tộc tại đây. Lại xuống làng Đông Thành huyện Giao Thuỷ (nay thuộc xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) liên kết với anh em Trần Xuân Trạch, Trần Xuân Hiệp mưu tính việc chống Trịnh.
          Trần Xuân Trạch, Trần Xuân Hiệp nhà nghèo, từ nhỏ đã phải đi ở cho nhà giầu, người lực lưỡng, giỏi võ nghệ, đậu cử nhân võ, làm chức quản binh, bất mãn với Phủ liêu, đã tình nguyện đi theo và trở thành gia tướng của Nguyễn Kim Phẩm.
          Bị theo dõi gắt gao, hai họ Nguyễn và Trần tránh ra Yên Quảng, dựa vào núi rừng Yên Hưng, Thuỷ Nguyên, đảo kín Nghiêu Phong (Cát Bà) mộ được khoảng một vạn nghĩa sỹ. Họ chia quân đánh các đồn ven biển. Viên án trấn ven biển là Đặng Đình Viện đem quân vây đánh nghĩa quân, bị nghĩa quân bắt sống, thanh thế nghĩa quân càng tăng. Trấn thủ Hải Dương Nguyễn Địch Bàn chần chừ không dám tiến quân. Trịnh Sâm bổ Nguyễn Đăng Đàn giữ chức án trấn Yên Quảng thay Đặng Đình Viện. Đăng Đàn đóng quân cố sức giữ thành. cả rẻo ven biển Hải Dương, Yên Quảng đều theo về quân khởi nghĩa.
          Đất An Quảng và vịnh Hạ Long rất dễ thủ hiểm, tiện sự tiến lui, nhưng không đủ quân lương. Giữa năm 1778 nghĩa quân quyết định theo sông Hồng về đánh chiếm hạ lưu đồng bằng Sơn Nam. Các huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Định, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Trực Ninh đều tự sắm giáo mác đi theo. Họ đóng đại bản doanh ở tả ngạn sông Hồng (vùng Thuận Vy, Bách Tính đối diện với Vỵ Hoàng). Lính triều đình phải đóng chặt cửa, không dám ra vào. Thuyền bè nghĩa quân dải kín từ cửa Luộc tới biển. Trấn thủ Ngô Đình Hoành dẫn quân từ Hiến Doanh tiến xuống tấn công. Các thủ lĩnh Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch giả vờ thua lui xuống vùng bãi lầy xã Ngô Đồng (Giao Thuỷ), đợi cho tiền quân quan trấn đi qua trận địa mới nổ pháo, phục binh hai bên đều đổ ra. Quân Ngô Đình Hoành tiền hậu không thể cứu ứng. Đình Hoành bị thua to, chỉ chạy thoát được một mình. Quân khởi nghĩa luôn thế thắng, kéo về xã Thuận Vy chia quân cuớp phá.
          Trịnh Sâm hội cả triều đình, hỏi bề tôi ai có thể làm tướng cầm quân đi đánh giặc được. Nội giám Thân Xuân Thự xin đi. Sâm bèn bổ cho Thự chức đốc lãnh quân thuỷ đạo. Cho tri lại phiên Mai Thế Uông làm gián quân kiêm chức tán lý, lại hạ lệnh Thái tể  Nguyễn Phan và Đại tư không Hoành Phùng Cơ giữ chức đốc lãnh tả hữu bộ quân, được phép tuỳ cơ hội hoặc càn quét hoặc chiêu dụ.
          Khi đến quân thứ, thấy nghĩa quân dọc ngang san phẳng đồn luỹ, điếm canh, truy đuổi tổng lý các làng, Xuân Thự bèn lui quân không dám tiến. Nghĩa quân định đánh úp Hiến Doanh. Trịnh Sâm được tin liền hạ lệnh cho vương thân Trịnh Tự Quyền làm hiệp đốc lãnh thuỷ đạo quân đem đi, lệnh phải dốc sức đánh giặc. Tự Quyền cùng với Phan Thái Hầu (Nguyễn Phan) tiến quân đến xã Thuận Vy đánh nghĩa quân.
          Trước binh lực tập trung quá mạnh của triều đình, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch cho toàn quân rút ra cửa biển, lập các đồn dã chiến trong các bãi sứ Tiền Chân và Cửa Lác đóng đồn lên kết với nhau, đón cướp các nơi, khi ẩn, khi hiện không nhất định. Vương thân Trịnh Tự Quyền, Thái tể Nguyễn Phan rất vất vả đuổi theo nghĩa quân. sang đông họ chạy về tây, lên Chân Định họ sang Giao Thuỷ, đến mấy tháng trời không làm gì được.
          Bấy giờ nội bộ triều đình bè phái, Nguyễn Kim Phẩm cho rằng Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc, Nguyễn Lệ ở Sơn Tây (Nguyễn Lệ là anh ruột Nguyễn Du) xung khắc với Hoàng Đình Bảo ở Nghệ An. Các thủ lĩnh nghĩa quân Thuận Vy có nhiều người từng là tướng của Hoàng Ngũ Phúc, quen biết với Hoàng Đình Bảo, thấy Thế tử Trịnh Tông ghét Bảo, Trịnh Sâm không tin dùng, có người xin vào Nghệ An làm thuyết khách. Nguyễn Kim Phẩm lấy danh nghĩa là con cháu trung thần Nguyễn Lệ, Án trấn Nguyễn Kim Đính trình thư mời quận Huy "nâng đỡ, trước thể hiện sự tôn phò, sau giúp lê dân", tôn làm minh chủ. Nhưng không ngờ Hoàng Đình Bảo lại lợi dụng thư ấy để dâng công với Tĩnh vương và Tuyên phi. Một mặt Hoàng Đình Bảo viết thư yên ủi nghĩa quân, mặt khác cử người cấp tốc ra Thăng Long dâng thư của Nguyễn Kim Phẩm và bản lưu thư của mình cho nghĩa quân. Trịnh Sâm khen Hoàng Đình Bảo trung thành, lệnh cho Đình Bảo làm thống lãnh, đem quân trấn Nghệ An ra hội binh với quân của Trịnh Tự Quyền, Nguyễn Phan đánh ráp hai mặt.
          Khi Đình Bảo từ Nghệ An treo cờ, bắn pháo báo tin cho nghĩa quân theo mật hiệu cùng đến hội quân, Nguyễn Kim Phẩm và Trần Xuân Trạch đem nghĩa quân nghênh đón. Nào ngờ pháo quân Hiến Nam rầm rầm nã sau lưng, cả vạn quân thuỷ bộ cùng đánh. Đại quân Hoàng Đình Bảo cũng nổ pháo xông vào, gươm giáo vây bủa bốn mặt, thuyền ken kín ven bờ ngoài biển. Sự cả tin của các thủ lĩnh nghĩa quân dẫn cuộc khởi nghĩa đến thảm bại. Hơn một vạn quân tan tác, chỉ còn vài trăm nghĩa binh thiện chí hộ tống các thủ lĩnh Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Nho, Nguyễn Kim Trân, Nguyễn Kim An, Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Kim Hiệp ra ngoài khơi xa, nhằm phía Nam tháo chạy. Lực lượng tản mát, thủ lĩnh Nguyễn Kim Nho vào đến Quy Nhơn được nhà Tây Sơn tiếp đón. Các thủ lĩnh khác thì vào thẳng Gia Định được Nguyễn Ánh đón tiếp. Tuy sự nghiệp phù Lê diệt Trịnh của họ không thành, nhưng công lao của họ đều được nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn trọng thị, tên tuổi được nghi trong Trung hưng thực lục, Hoàng Việt Long Hưng chí.
          Sách  Gương đại gia đình và hương lão làng Thuận Vy còn kể: sau khi dẹp yên Sơn Nam hạ, Thái phi Nguyễn Thị Anh đi lễ hội Phủ Dầy, Trịnh Sâm vừa hộ tống Thái mẫu, vừa đem quân xuống Vỵ Hoàng rắp tâm triệt phá làng Thuận Vy. Khi Tĩnh vương tới cổng chùa thấy trên tam quan có vị nữ bồ tát dung mạo uy nghi, dưới tam quan có hai thị giả (tên là Diệu Chính và Diệu Khai), một người cười như xé vải, một người khóc như mưa gào. Tĩnh vương gọi không nói, hỏi không thưa, rút gươm toan chém, cả ba không đổi thần sắc, vẫn khóc, vẫn cười. Sâm chột dạ không dám xuống gươm, lui về Vị Hoàng nói chuyện với Thái phi. Thái phi thân mang hương lễ đến Từ Vân tự dâng Phật, vị bồ tát ấy giảng giải: "Như Lai bao dung. Mọi lành dữ đều báo trước cho thế gian, thị giả khóc vì tiếc cho công lao nhà Trịnh nối đời phò tá vương triều, ân uy bốn bể... nay con cháu không noi, ngày chung cục sẽ không còn xa. Thị giả cười vì thấy thượng vương thông làu kinh sử, đọc nhiều biết rộng mà không biết nổi mệnh nhà. Thế nước như lửa cháy, dầu sôi, đã không rộng ân còn định dùng uy. Gieo ác, gặt ác, đó là nhân quả và cũng là đạo trời". Thái phi hỏi: Nên làm thế nào? Vị Bồ tát nói: Cứu nhân đắc kỷ vạn chúng, đức lớn sinh nhân lành, nhân lành sinh quả ngọt. Thái phi bái biệt bồ tát ra về khuyên can Tĩnh vương. Tĩnh vương bỏ ý đốt làng Thuận Vy, lại cho bản huyện xem xét, phàm nhà cửa của ai bị đốt đều cho tiền sửa lại, trợ cấp lương thực, gọi dân Thuận Vy lưu tán các nơi về quê làm ăn.
          Vị Bồ tát đó chính là bà Nguyễn Thị Uyển Trà, con của án trấn Sơn Tây Nguyễn Kim Tích, chị ruột của Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Nho. Có lẽ nhiều nơi nhờ bà mà được hưởng ân huệ, xá thuế của phủ liễu nên các làng Tang Bổng, Trà Vy, Thuận Vy đều tôn bà làm phúc thần.


                                                                                    (Theo Đất và người Thái Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét