Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

NGƯỜI CON CỦA ĐẤT PHÙ SA

NGÔ QUÂN MIỆN

           
Từ mảnh bãi bồi cùng khổ đến ánh sáng của ''Người cùng khổ''

          Ông đồ già mặc chiếc áo the cũ đã bạc úa, vít chiếc cần điếu ống rít một hơi thuốc lào nổ tanh tách, thở một luồng khói mù mịt rồi bắt đầu dạy học. Ông cứ đọc xong một câu lại cầm mảnh tre gõ đánh cách một cái xuống phản.
   Bọn học trò gồm năm sáu đứa trẻ độ chín mười tuổi, đứa thì đầu cạo trọc, đứa thì để tóc chỏm to bằng cái bát, vừa đọc, vừa ngáp. Đứa thì dụi mắt, đứa thì lấy tay áo quệt ngang mũi. Có đứa vừa chợp ngủ gật một cái thì tiếng thước của thầy đồ gõ ''cách'' một cái làm nó giật mình tỉnh dậy, đọc theo. Bỗng chốc có tiếng guốc tre từ ngoài cổng đi vào. Lúc ấy, thầy và trò cũng đều mệt cả rồi , thầy đập cái thước một hồi xuống phản:
   - Thôi cho nghỉ?
   Lũ trẻ con như được tháo khoán chạy toả ra sân. Ông đồ quát :

  - Tất cả chúng mày đi quét sân, còn thằng Thấm đi đun cho thầy ấm nước.
Nhà thơ Ngô Quân Miện
   Thấm là tên một chú bé gầy gò, đầu cạo trọc lốc, cái quần nâu trễ xuống quá rốn đã thủng hai miếng ở hai đầu gối. Bố mẹ Thấm nhà nghèo, phải đi cày thuê, cấy mướn quanh năm. Có khi, bố đi làm thuê mấy tháng liền ở tận đâu xa, đến hết vụ gặt mới về, gánh tồng tềnh mỗi bên lưng thúng lúa. Mấy mẹ con Thấm ở nhà thường ngày chỉ bữa ngô, bữa khoai cộng với rau hái ngoài bãi. Làng Thuận Vy của Thấm là một làng ở ngoài đê, tả ngạn sông Hồng. Nghe nói ngày xửa ngày xưa, làng ở bên kia, thuộc tỉnh Nam Định, nhưng vì sóng đánh mãi, đất cứ lở dần, làng phải chuyển sang bên bờ sông bên này thuộc tỉnh Thái Bình. Đất phù sa mầu mỡ, mùa xuân, ngô khoai lên mơn mởn, nhưng từ lúc biết đi, biết chạy trên bờ sông này, chú bé Thấm chưa lúc nào thấy cả nhà mình được ăn no. Làng chỉ có một ít đất ruộng cấy lúa một vụ, nhờ nước trời, lại ở ngoài đê nên một năm 4, 5 tháng lũ lụt, đói ăn. Không riêng gì nhà Thấm, phần đông các gia đình ở đây đều sống trong những túp lều rách nát, cả làng không có lấy một gian nhà ngói. Có những năm, người làng này và nhiều làng khác ở tỉnh Thái Bình lũ lượt kéo nhau đi các miền kiếm ăn và chết đói rải rác ở khắp các nơi.

   Thấm ngồi đun nước trong bếp, nghe thấy ở nhà ngoài thầy đồ và ông khách rì rầm nói chuyện. Thấm đến đây ở với thầy đồ được hơn một năm rồi. Nhà nghèo, bố mẹ không có tiền cho đi học, nên cho Thấm đến vừa làm đứa ở cho thầy đồ, vừa học lấy ít chữ nho. Mà cả xã cũng không có lấy một trường học, có một vài người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ là do đi ra ngoài học mót mà thôi. Ông khách và thầy đồ nói chuyện lúc to lúc nhỏ, Thấm chỉ nghe lõm bõm : nào là cụ Đề...'' Yên Thế ''...'' Phồn Xương...'', '' cưỡi ngựa... '', '' bắn súng '', '' Tây chết '' v.v... Thỉnh thoảng ông khách lại đến. Nghe mới được biết là nước mình có ông Đề Thám nổi dậy ở Yên Thế đánh Tây, có cả bà vợ ba nữa cũng biết cưỡi ngựa, bắn súng. Và sở dĩ nước mình nghèo khổ, làng mình nghèo khổ là vì bọn Tây sang cướp nước, đàn áp và bóc lột dân mình. Thì ra, dân làng mình nghèo khổ không phải '' phú quý tại thiên '' như thầy đồ dạy theo sách, mà chính là vì bọn Tây và bọn địa chủ cường hào, như thầy vẫn thường chuyện trò ngầm với ông khách.
   Có những buổi chiều, Thấm cùng các bạn chạy chơi trong những hàng cây ngô mập mạp cao vút đầu người lớn, nhưng tối về lại thấy mẹ thở than: đất làng mình tốt thế này mà sao không có một thước cắm dùi, nhà nào cũng đói? Những ý nghĩ mang máng nhen nhóm dần trong đầu óc chú bé như những hạt giống rễ cứ nẩy ra mà mầm cứ lớn dần. Cái mảnh đất phù sa quê hương mầu mỡ ngoài đê, với những cánh đồng ngô khoai xanh mượt và những túp lều lụp xụp còn in mãi trong tâm trí chú bé nghèo cho đến suốt cả cuộc đời hoạt động của người cán bộ cách mạng sau này. Và dòng nước sông Hồng đỏ rực, với tiếng sóng vỗ ì oạp trước nhà, những hạt phù sa ấy như thấm tận vào trong mạch máu của chú thành những hồng cầu đỏ mãi.
   Chú bé càng lớn lên thì câu hỏi kia càng xoáy mạnh trong đầu vì sao nhà mình, làng mình, dân mình đói khổ? Nhà không có ruộng, không có việc làm, năm Thấm 17 tuổi, bố mẹ cho theo người chú ra ngoài Cẩm Phả làm phu mỏ kiếm ăn. Một ngày mười giờ làm việc xúc than, đội than, mặt mũi như bôi đầy hắc ín, mình mẩy đau như dần mà chỉ được có sáu xu. Roi da và mũi giầy của chủ, cai còn làm cho da thịt như bị cháy. Mấy lần Thấm cùng anh em thợ đấu tranh chống lại và năm 1919 anh bị chủ Pháp đuổi ra. Một vực thẳm bầy ra trước mắt người thanh niên: thất nghiệp. Chỉ có hai lối thoát: một là đi phu vào đồn điền cao su Nam Kỳ, hai là đi lính mộ sang Pháp. Đằng nào thì cũng khổ nhục ''cao su đi dễ, khó về!''. Đi cao su thì cực nhọc lại nước độc, cầm chắc cái chết rục xương. Đi lính cho Pháp thì cũng làm thân trâu ngựa, chẳng hơn gì! Cuối năm 1920, anh Thấm bị bắt vào lính mộ và năm 1921 theo hàng ngàn lính Việt Nam sang Pháp.
   Giữa kinh thành Pari tráng lệ, một sự kiện đã làm cho người lính mộ trẻ từ sửng sốt đến bồi hồi xúc động. Ngay trên đất “mẫu quốc'' Pháp, có một người Việt Nam đang hoạt động để tìm con đường cứu dân, cứu nước mình thoát khỏi ách của thực dân Pháp, đó là anh Ba tức Nguyễn Aí Quốc. Một người bạn Việt kiều đã hướng dẫn Thấm đọc báo “Người cùng khổ'' và nghe anh Ba diễn thuyết ở câu lạc bộ. Thực tế của xã hội Pháp và những bài báo, những cuộc diễn thuyết của ông Nguyễn đã cho Thấm vỡ ra một điều rất mới: Chủ nghĩa tư bản Pháp không chỉ đàn áp bóc lột các dân tộc thuộc địa mà đàn áp bóc lột cả nhân dân lao động trong nước họ. Bên cạnh những dinh thự tráng lệ của những nhà giầu là những ổ chuột, lều quán của những thợ thuyền, dân nghèo đói và thất nghiệp. Tiếng nói của ông Nguyễn Aí Quốc như tiếng nói của quê hương xa thẳm bên kia đại dương, như linh hồn của dân tộc, của xứ sở cộng với một cái gì rất mới mà anh mường tượng thấy nhưng chưa hiểu rõ của giai cấp những người cùng khổ bị bóc lột, của những người thợ thuyền trên thế giới này...
                  
          Từ nhà giam Hoả Lò đến Côn Đảo
  
          Năm 1925, đơn vị lính tập của anh được đưa về nước. Thấm vẫn tiếp tục cuộc đời làm culi vác súng cho Pháp. Đi đến đâu, anh cũng thấy dân mình đói khổ, chẳng riêng gì bà con Thái Bình quê anh. Đi đến đâu anh cũng thấy bọn Pháp và bọn quan lại, hào lý ức hiếp nhân dân. Có một lần qua một bến phà, bờ sông lầy lội, anh thấy một tên lính cơ của tri huyện bắt người phu phà phải cõng hắn từ phà lên. Người phu già gầy còm phải còng lưng cõng hắn lại còn bị hắn chửi mắng. Thấm giận điên lên, anh nhảy xổ đến tháo dây lưng da quật cho tên lính cơ một trận. Vụ này làm chấn động dư luận cả vùng, đồng bào nức nở khen: "Anh Thấm bênh phu phà dám đánh cả lính cơ của quan huyện". Đơn vị anh đóng ở một làng vùng Sơn Tây. Đất ở đây đày sỏi đá đỏ au, cằn cỗi, đồi gò chỉ toàn sim mua và cỏ giáng, những ngôi nhà tường đất thấp lè tè, những bầy trẻ em rách rưới, bụng ỏng và mắt toét, những người đàn ông và đàn bà sốt rét mặt vàng như nghệ. Lòng yêu thương đồng bào và chí căm thù đế quốc phong kiến mỗi ngày càng nung nấu trong anh. Mỗi ngày anh càng nhận rõ bộ mặt thật của bọn đế quốc.
          Hôm ấy, đơn vị của anh luyện tập mệt nhoài lại phải đào công sự. Trời nắng chang chang, đất đá ong bốc hơi như nồi rang, những người lính người ướt đầm mồ hôi bổ cuốc chim toé lửa mà lớp đá ong già vẫn không suy chuyển. Một người lính đã có tuổi ngồi bệt xuống chống tay thở. Tên đội Tây chạy đến lấy roi gân bò đánh túi bụi và đạp anh ngã dụi xuống. Thấm thấy thế bất giác nhảy xổ đến và quát: "Không được đánh binh lính, đả đảo!". Như một tiếng nổ dây chuyền, tất cả anh em binh lính cùng hô một loạt: "Đả đảo". Tên đội Tây xông đến túm cổ Thấm, nhưng nhìn thấy hai con mắt nảy lửa của anh, hắn phải buông ra và bỏ đi. Ngay hôm ấy, Thấm và một số anh em binh lính bị phạt giam.
          Ít hôm sau, chúng đưa các anh vào trường sỹ quan ở thị xã Sơn Tây để tách các anh ra khỏi đơn vị. Vào đây, Thấm vẫn không chịu ngồi yên trước cảnh bọn sỹ quan Pháp đánh đập và ức hiếp binh sỹ người Việt. Một hôm, một tên huấn luyện viên Pháp đánh và mắng anh, anh đánh trả lại. Chúng lột lon và phạt tù anh rồi đổi anh sang thị xã Bắc Ninh.
          Thị xã Bắc Ninh vào những năm đầu thế kỷ này phố xá lèo tèo, chỉ nhộn nhịp nhất là những hàng cơm, quán ăn, nơi lui tới của binh lính người Pháp và người Việt. Trong thị xã có chiếc thành cổ xây bằng đá ong, rêu mốc mảng đen, mảng đỏ, bên ngoài có hào nước chỗ sâu, chỗ lấp. Hai chiếc cổng tò vò phía trước và phía sau gọi là cửa tiền và cửa hậu, có hai tên lính bồng súng đứng gác. Thành cổ bây giờ đã thành trại lính của Pháp.
          Năm 1926, thị xã Bắc Ninh đã có chi bộ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Ngô Gia Tự cùng các anh Hồ Ngọc Lân và Phạm Văn Chắt thành lập. Đến Bắc Ninh, Thấm vẫn tiếp tục chống những hành động ức hiếp của bọn sỹ quan Pháp. Một hôm, trong một quán vắng, anh đã làm quen với một người mà mỗi câu chuyện anh đề thấy tâm đàu, ý hợp. Một câu nói nửa chừng của người ấy, anh cũng hiểu hết ý nghĩa: đồng bào mình không thể nào sống tự do, no ấm được, chừng nào còn bọn Pháp. Người bạn ấy chính là người của Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Đồng chí ấy đã giao cho Thấm rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm và dán biểu ngữ chống Pháp nhân ngày lễ 14/7 của Pháp và ngày 01/5. Sau một thời gian thử thách, Thấm được hai đồng chí Lân và Chất giới thiệu kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội cùng với một số binh lính giác ngộ khác. Ngày 01/5/ 1927 trong đơn vị lính đóng tại thành cổ Bắc Ninh, một chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội đã bí mật ra đời, do Thấm làm bí thư.
          Hai năm sau, 1929, cùng vào ngày 01/5 ngày của những người lao động toàn thế giới, một sự kiện đã xảy ra làm cho Thấm vừa bồi hồi xúc động, vừa phấn chấn tự hào. Ngày hôm ấy đã cắm một cái mốc lớn trên con đường trôi nổi của anh, mà suốt cả cuộc đời 76 năm cho đến khi nhắm mắt, người cán bộ cách mạng ấy không thể nào quên được. Đêm hôm ấy, tại một địa điểm bí mật, Thấm đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Buổi lễ kết nạp của chi bộ đặc biệt trong trại lính Bắc Ninh đêm hôm đó do đồng chí Ngô Gia Tự chủ toạ. Người giới thiệu là hai đồng chí Lân và Chất. Dưới ánh đèn tù mù trước lá cờ búa liềm, Thấm đã ứa nước mắt rưng rưng tuyên thệ. Từ giờ phút ấy, Thấm cảm thấy trong người mình có một sức mạnh mới, một sức mạnh lạ kỳ.
          Tháng 2/1930 do tên Kim Tôn phản bộ chỉ điểm, Thấm bị bắt và đem về giam tại Hoả Lò Hà Nội. Trong Hoả Lò, những đòn tra tấn của địch không buộc nổi Thấm khai và nhận mặt những đồng chí của mình. Chết đi sống lại. Thấm chỉ trả lời bằng cái lắc đầu và tiéng "không" cụt lủn. Cuối cùng thực dân Pháp kết án anh 20 năm tù và đày ra Côn Đảo.
          Côn Đảo cách đây nửa thế kỷ là một hòn đảo hoang vu giữa biển sóng gầm gào, mồ chôn biết bao nhiêu chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị thực dân Pháp đầy ải. Thấm ra đó ít lâu thì chúa đảo bắt anh đi làm khổ sai, khi thì đẵn gỗ trên núi, khi thì lấy san hô ở bờ biển. Nhiều hôm anh đứng trên đảo hướng về phía tây là phía đất liền thấy đau nhói trong ngực, trước mắt mịt mù trời biển chẳng biết quê hương mình ở đâu. Cái làng đất bãi nhỏ bé Thuận Vy của anh bây giờ ra sao? Bố mẹ anh em bây giờ sống chết no đói ra sao? Nhưng trong đầu anh vẫn luôn luôn nghiền ngẫm những mưu kế. Đảng uỷ trên đảo đã giao cho anh cùng với một số đồng chí trách nhiệm bí mật đóng bè để vượt ngục về đất liền hoạt động cho Đảng. Hàng ngày Thấm và anh em giấu sẵn gỗ một nơi, đục đẽo sẵn để đén ngày giờ đã định ghép lại thành bè cho một nhóm đồng chí vượt biển.
Từ năm 1932 đến năm 1934 trong mùa gió chướng, Thấm đã cùng một số đồng chí vượt biển ba lần. Ba lần bè ra khơi, ba lần bị bọn tuần tra trên biển phát hiện, ba lần các anh bị đòn tra tấn thừa sống thiếu chết và nhốt vào hầm xay lúa.
          Nhưng ý chí của những người tù cộng sản, kẻ thù không thể nào bóp nghẹt được.
          Vào một đêm tối trời 30/4/1935, một con thuyền từ một hẻm kín của đảo bí mật lao vút ra khơi. Trên thuyền có chín người: Phạm Hồng Thấm, Tạ Uyên, Tống Văn Chân, Nguyễn Hữu Tiến, Võ Công Phụ, Nguyễn Văn Trọng (tức Cọng) và mấy người tù thường phạm nữa. Lần này họ rút kinh nghiệm không đi bè nữa mà đi thuyền buồm cho nhanh và an toàn có chở đủ lương khô, nước uống. Đảng uỷ Côn Đảo đã giao cho họ nhiệm vụ về đất liền để hoạt động, khôi phục lại phong trào cách mạng ở một số nơi. Riêng hai đồng chí Thấm và Cọng được chỉ thị về vùng mũi Cà Mau tổ chức cơ sở cách mạng trong ngư dân để đón anh em vượt đảo các chuyến sau bảo đảm an toàn và giao anh em cho nơi nào có Đảng bộ địa phương hoặc giúp anh em hoạt động.
          Đêm đầu hè tối mờ mờ, trên trời sao thưa lác đác. Thấm và Sáu Lê anh tù thường phạm người Hà Tiên thạo nghề đi biển, thay nhau cầm lái và bẻ dây léo. Gío chướng thổi nhẹ nhàng, cánh buồm căng phồng lướt sóng hướng về hướng Tây, anh em say sóng lăn ra ngủ mê mệt, người nằm trên ván, người tựa mạn thuyền. Chỉ có Thấm và Sáu Lê vẫn tỉnh. Đầu óc Thấm căng thẳng như dây nèo, ruột anh nóng như lửa, ngực thấp tha thấp thỏm. Một chấm đen xa mờ trước mắt, hòn đảo hay tầu thuyền địch? Một đợt sóng dào lên đánh ầm sau lưng. Có kẻ nào rượt đuôỉ ta chăng? May sao suốt đêm trời yên bể lặng, không có trở ngại gì xuất hiện trên đường.
          Trời rạng sang, sương mù trên biển loãng dần, Thấm nhìn thấy những hàng cây lờ mờ hiện ra như dãy núi. Sáu Lê chợt kêu lên, tiếng kêu như một tiếng reo mừng rỡ:
          - Sắp tới bờ rồi! Các anh ơi.
          Bỗng nhiên Thấm thấy mắt nhoè đi cay xè. Có phải vì thức trắng đêm hay vì nước mắt xúc động trào ra. Cùng một lúc tất cả anh em tỉnh như sáo, tất cả reo lên trong một phút không cần giữ ý tứ gì nữa:
          - Về với dân rồi, anh em ơi!
          Về với dân rồi! Đó là điều mong mỏi bao nhiêu năm tháng của những người bị tù đày, của những người chiến sỹ cách mạng bị tách ra khỏi quần chúng của mình, đồng bào của mình. Nay họ lại được trở về sống giữa lòng dân, để sống với dân, chết với dân, sống chết với phong trào.
          Năm giờ sáng thuyền cập bãi liền huyện Vĩnh Châu (Bạc Liêu) an toàn. Các chiến sỹ lại nhanh chóng chuyển sang phương thức hoạt động bí mật, tìm đồng bào, ngư dân thay quần áo cải trang.
          Theo kế hoạch đã định, anh em chia tay nhau mỗi nhóm đi về một hướng. Thấm và Cọng đi về vùng Năm Căn (Cà Mau). Các đồng chí Tạ Uyên, Tiến, Trân... đi Vĩnh Long, Châu Đốc, Cần Thơ...

          Lăn lộn với phong trào trên mảnh đất phù sa

          Vùng Năm Căn mênh mông rừng đước xanh rờn, rễ cành chằng chịt, giăng mắc như lưới, bồi tụ lớp lớp phù sa của biển. Đặt bàn chân lên mảnh đất mát lạnh của Năm Căn , Phạm Hồng Thấm nhớ đến những ngày chăn trâu lội ruộng trên đất bãi Thuận Vy. Ra đi kiếm sống từ mảnh đất phù sa quê nhà, ra vùng mỏ, sang Pháp, bị đày ra Côn Đảo, mười lăm năm sau lại được đặt chân lên mảnh đất phù sa màu mỡ tận cùng phía Nam đất nước. Nhưng lần này anh đặt chân tới đây với tất cả trách nhiệm và lòng tin Đảng giao cho.
          Rừng đước Năm Căn chỗ sình chỗ cạn, nhiều quãng đẩy thuyền như đi dưới mái nhà, cành lá xum xuê che kín bốn bên . Nơi đây là đất sống của những người thợ rừng đốn củi và đốt lò than cho những tư sản chủ lò. Thấm đã nhờ đồng bào mua giúp giấy thuế thân của một người để được hợp pháp và hoạt động cách mạng với bí danh là Thanh Phong. Những người thợ rừng và thợ đốt lò bị chủ bóc lột sống đói rách mỏi mòn với bùn, với đước, với than, với khói. Thấm cùng đốt củi đun lò với họ và tuyên truyền giác ngộ họ, vận động họ vào hội Aí Hữu, tương trợ để đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi.
          Thấm lại cùng với các đồng chí Nguyễn Xuân Hoành, Nguyễn Thông, Phạm Ngọc Hiển xuống tận ấp Rạch Gốc gần mũi Cà Mâu tổ chức các đoàn thể quần chúng làm nghề cá biển đón và bảo vệ những đồng chí vượt ngục từ Côn Đảo về.
          Cuối năm 1935 anh đi hết xã này đến xã khác trong một vùng rộng lớn để khôi phục và phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các cơ sở quần chúng. Từ xã Tân Hưng Tây, xã Thới Bình, Tân Phú, Chợ Hội (thuộc tỉnh Bạc Liêu), xã Vĩnh Thuận (thuộc tỉnh Rạch Gía) đến thị trấn Cà Mau.
          Ngày ấy, ở vùng Cà Mau và xung quanh, quần chúng lao động thường thấy một người xách một va li con bằng mây hay đến các làng. Bà con có trẻ con ốm hay người nhà mắc bệnh thường nhờ anh bắt mạch, cho đơn thuốc chữa. Trong va li của anh có nhiều thứ cao đơn hoàn tán, có thứ anh bán giá rẻ, có thứ anh cho không. Anh vừa chữa thuốc lại vừa trò chuyện hỏi han hoàn cảnh làm ăn của đồng bào và tuyên truyền giác ngộ bà con đấu tranh chống áp bức bóc lột của địa chủ và thực dân. Đồng bào rất yêu mến anh và gọi là thầy Hai Phước, vì anh hay làm phước giúp người và nuôi dưỡng đùm bọc che chở anh  như người thân. Thầy Hai Phước chính là đồng chí Thấm. Nơi nào anh đến chỉ một thời gian ngắn là có phong trào quần chúng đấu tranh. Các cơ sở của Đảng cũng dàn dần được khôi phục và phát triển nhiều thêm. Cùng với các đồng chí Lâm Thành Mậu, Chín Trưởng, Tiền Cụt, Tư Chơ, Ba Trực, Giáo Hiền... anh là người hoạt động lâu nhất ở thị trấn Cà Mau và các xã xung quanh.
          Giữa năm 1936 anh liên lạc được với xứ uỷ Nam Kỳ. Lúc ấy ở bên Pháp, mặt trận Bình Dân do Đảng cộng sản Pháp làm nòng cốt đã thắng cử và lên cầm quyền. Trung ương Đảng ta chủ chương Mặt trận dân chủ Đông Dương thay mặt trận phản đế trước kia. Được xứ uỷ truyền đạt chủ trương mới, chi bộ Đảng ở thị trấn Cà Mau do đồng chí Phạm Hồng Thấm làm bí thư đ• vận động nhân dân thành lập Uỷ ban hành động và tổ chức mít tinh quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, đòi thi hành luật lao động, ngày làm 8 giờ, đòi bỏ thuế thân, giảm các loại thuế khác.
          Phong trào quần chúng nổi lên rầm rộ ở thị trấn Cà Mau và các xã xung quanh, các tổ chức cơ sở Đảng ở khắp huyện Cà Mau phát triển nhanh chóng, Từ 1936 đến 1937 đã có 9 chi bộ gồm 50 đảng viên.
          Và ngày 05/7/1937, đánh dấu một cái mốc lớn trên chặn đường lịch sử  của huyện Cà Mau. Tại nhà đồng chí Lâm Thành Mậu, đại  hội đầu tiên của Đảng bộ huyện đã họp bầu ra một Ban chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí do đồng chí Thanh Phong làm bí thư.
          Cuối tháng 7/1937 đồng chí Thanh Phong được xứ uỷ Nam Kỳ chỉ định vào liên tỉnh uỷ Hậu Giang và được phân công phụ trách ba tỉnh Bạc Liêu, Rạch Gía, Sóc Trăng. Từ đó bàn chân anh lại lặn lội khắp nẻo đường của ba tỉnh để gây dựng phong trào. Những cuộc đấu tranh của nông dân liên tiếp nổ ra, có những cuộc mít tinh hàng ngàn người chống địa chủ bóc lột, chống thuế , đội phát chẩn cho dân đói.
          Suốt một chặng đường dài của cuộc đời, từ ngày lớn lên đi làm phu mỏ, rồi lính mộ, vào tù ra khám, đày đi Côn Đảo cho đến những năm dạt chân lên vùng đất phù sa sông Cửu Long này, đến nay đã 35 tuổi đầu, chưa mấy lúc đầu óc Thấm được rảnh rang để nghĩ đến chuyện riêng, chuyện tình yêu của mình. Không phải anh không có lúc ước ao có một người vợ dịu hiền, hợp tính tình, cùng chí hướng đề cùng yêu thương nhau, giúp đỡ nhau hoạt động cho Đảng, cho cách mạng. Nhưng ngày đêm lăn lộn với phong trào, mỗi bước đi, mỗi cử chỉ không dễ gì lọt qua tai mắt bọn chó săn của địch, chuyện riêng dù có muốn nghĩ đến cũng phải gác lại một bên. Nhưng chính trong cuộc sống gắn bó xương thịt với quần chúng, một tình yêu đã nảy nở như mần cây bén rễ. Trong những ngày hoạt động, hình ảnh một người con gái đã dần dần in đậm nét trong tâm trí anh. Đó là một đảng viên gái của chi bộ xã Phong Lạc, huyện Cà Mau, một cô gái nông dân vừa làm ruộng giỏi lại vừa tích cực tham gia cách mạng, nữ đồng chí Trần Thị Bướm (bí danh Hồng Điệp) em gái của một đồng chí đảng viên không xa lạ Trần Văn Thời. Gặp nhau trong công tác, Bướm vừa là người vợ đảm đang, trung hậu, vừa là một đồng chí trung thành, tâm huyết của anh. Hai vợ chồng vừa yêu thương vừa giúp đỡ nhau hoàn thành tốt mọi công tác Đảng giao cho.

          Những ngày đêm 1940 lửa máu.

          Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, bọn thống trị ở Đông Dương đàn áp dã man phong trào cách mạng nước ta. Chúng bắt mất nhiều cán bộ của Đảng. ở các tỉnh miền Hậu Giang nhiều đồng chí trong các cấp uỷ bị bắt, một số đồng chí được điều đi các địa phương khác, phong trào cách mạng ở vùng này gặp khó khăn. Thanh Phong thay mặt Liên tỉnh uỷ đi về các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Gía, Sóc Trăng để củng cố các tổ chức Đảng và giúp các cấp uỷ chuyển hướng hoạt động chủ yếu về nông thôn, tổ chức các đoàn thể quần chúng cho phù hợp với đường lối sách lược mới của Đảng là chuyển từ đấu tranh chính trị đòi các quyền dân chủ dân sinh sang chuẩn bị khởi nghĩa võ trang đánh đổ đế quốc, phong kiến giành độc lập tự do.
          Tháng 3/1940, đồng chí Thanh Phong được bổ xung vào xứ uỷ Nam Kỳ và tham gia ban quân sự , binh vận của xứ uỷ.
          Cuối tháng 8/1940, đồng chí Minh Khai uỷ viên trung ương Đảng, bí thư xứ uỷ Nam Kỳ bị thực dân Pháp bắt. Tin đó làm cho nhiều đồng chí choáng váng. Lúc này đồng chí Tạ Uyên, phó bí thư được cử làm quyền bí thư xứ uỷ và đồng chí Thanh Phong được cử vào ban thường vụ và phụ trách ban quân sự, binh vận.
          Là một cán bộ hoạt động lâu năm trong quần chúng, có kinh nghiệm hoạt động công khai và bí mật. Thanh Phong luôn đề cao tinh thần cảnh giác. Việc đồng chí Minh Khai bị bắt làm cho anh luôn luôn suy nghĩ có kẻ nào trong Đảng phản bội. ý nghĩ đó làm anh day dứt không yên. Cách đó ít lâu, Thanh Phong đã để ý đến một cán bộ giúp việc binh vận cho đồng chí Tạ Uyên tên là Huy. Anh nhận ra trước kia Huy đ• ở trong đội thiếu sinh quân của Pháp, hắn đã từng làm tình báo quân sự cho Pháp hồi 1929 – 1930 ở Bắc Ninh.
          Thanh Phong đã có lần báo cáo với chị Minh Khai, chị đã nhắc đồng chí Tạ Uyên đề phòng nhưng đồng chí Uyên không nghe, vẫn giao cho Huy những việc quan trọng và bí mật như thường xuyên liên lạc với cơ sở của ta trong đội lính tập của thành O ma của Pháp.
          Từ khi phụ trách công tác quân sự, binh vận, Thanh Phong suy nghĩ thấy rằng muốn thực hiện được chủ trương khởi nghĩa của xứ uỷ, phải chuẩn bị hết sức kỹ càng. Anh luôn luôn đi kiểm tra các địa phương. Vào giữa tháng 10 năm 1940 sau khi đi kiểm tra về anh tìm gặp đồng chí Tạ Uyên, trao đổi:
          - Đồng chí Tạ Uyên ạ, theo tôi thì cơ sở chính trị của ta ở Sài Gòn và các đô thị còn quá yếu. Phải gấp rút đẩy mạnh việc chuẩn bị các mặt thật đầy đủ để khi thời cơ đến ta nắm chắc phần thắng thì mới phát động khởi nghĩa được.
Tạ Uyên ngồi chưa có ý kiến gì, Thanh Phong tiếp luôn:
          - Tôi đề nghị thường vụ triệu tập họp toàn thể ban chấp hành xứ uỷ để đánh giá tình hình địch và công tác chuẩn bị của ta cho thật chính xác.
Tạ Uyên do dự:
          - Nhưng họp ở đâu cho an toàn bây giờ? Và lấy tiền đâu để chi phí cho hội nghị?
          - Nếu thường vụ giao tôi xin nhận trách nhiệm!
Thanh Phong trả lời chắc nịch. Nhưng Tạ Uyên vẫn không quyết định. Thế là cuộc họp không thành.
          Ngày 22/11/1940 là một ngày căng thẳng nhất trong cuộc đời hoạt động của Thanh Phong. Hôm ấy anh đang ở Vũng Tầu là nơi anh đang xem xét tình hình quân sự, binh vận. Khoảng 1 giờ chiều một đồng chí liên lạc mang đến cho anh mọt bức thư mật, mở ra là của đồng chí Tạ Uyên: Thường vụ xứ uỷ quyết định đúng 24 giờ đêm  ngày 22/11/1940 Sài Gòn sẽ khởi nghĩa. Các tỉnh sẽ khởi nghĩa tiếp theo đó.
          Thanh Phong bàng hoàng như người bị chóng mặt. Vậy là 12 giờ đêm nay khởi nghĩa.
          Tại sao thường vụ xứ uỷ vội vàng quyết định khởi nghĩa mà không triệu tập hội nghị xứ uỷ?
          Tại sao không chờ đồng chí Phan Đăng Lưu xin chỉ thị của trung ương về?
          Sao mình là uỷ viên thường vụ xứ uỷ mà không được triệu tập để bàn bạc?
          Những câu hỏi cứ quay cuồng và xoáy mãi trong đầu anh. Anh vội vàng triệu tập ngay tiểu ban binh vận khu vực 2 (Cắp Xanh Giác, Bà Rịa, Biên Hoà) để thảo luận quyết định của thường vụ xứ uỷ. Cuộc họp vừa bắt đầu đã sôi sục, các đồng chí nhao nhao phát biểu ý kiến:
          - Chưa khởi nghĩa được đâu, chưa đủ điều kiện
          - Cần phải chuẩn bị hết sức đầy đủ đã
          - Đề nghị xứ uỷ đình chỉ cuộc khởi nghĩa lại, chờ đồng chí Phan Đăng Lưu đem chỉ thị của trung ương về.
          Kết luận của cuộc họp đã rõ ràng và nhất trí. Thanh Phong cấp tốc ra bến xe lên Sài Gòn để báo cáo lại ý kiến đề nghị của tiểu ban binh vận vùng 2.
          Khoảng 4 giờ chiều Thanh Phong lên đến Sài Gòn vào ngay trạm liên lạc xin gặp đồng chí Tạ Uyên. Thanh Phong vừa bước qua cửa phòng đồng chí Tạ Uyên thì đã thấy đồng chí Phan Đăng Lưu ngồi đó. Anh Lưu vừa ở trung ương về chỉ thị của Trung ương không nên vội vàng phát động khởi nghĩa trong lúc này. Hiện nay ở Nam Kỳ cũng như trong cả nước chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan chín mùi, hơn nữa hai tên đế quốc là phát xít Pháp – Nhật có thể thoả hiệp với nhau để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Xứ uỷ Nam Kỳ không nên vội phát động khởi nghĩa, hãy tiếp tục chuẩn bị thêm cho đầy đủ và chờ thời cơ chín muồi.
          Ba đồng chí Lưu, Uyên và Thanh Phong đều nhất trí với chỉ thị của Trung ương. Phải đình chỉ cuộc khởi nghĩa và truyền đạt ngay chỉ thị này cho các địa phương. Nhưng lệnh khởi nghĩa của xứ uỷ đã phát đi các tỉnh rồi, làm sao đình lại kịp.
          Đồng chí Tạ Uyên quay vào nhà trong để lấy túi tài liệu. Đồng chí Phan Đăng Lưu cũng vào theo để bàn cách cứu vãn tình thế, còn Thanh Phong ra ngay bến xe để về Vũng Tàu. Thanh Phong vừa đi khỏi thì bọn mật thám Pháp ập vào bắt gọn cả hai anh Lưu và Uyên.
          Về đến Vũng Tầu thì trời đã tối, Thanh Phong họp ngay ban binh vận để phổ biến tinh thần chỉ thị của Trung ương. Cuộc họp diễn ra trong một căn nhà hẻo lánh dưới ánh sáng của một ngọn đèn lù mù. Đồng chí Thanh Phong vừa phổ biến xong thì mọi người nghe tiếng xe ô tô nhà binh rút rít và chạy ầm ầm các ngả. Pháp đang tăng cường lính tuần tra canh gác khắp nơi trong thị xã Vũng Tầu. Thanh Phong nhận định: Có thể cuộc khởi nghĩa của xứ uỷ đã bị lộ, địch có thể biết trước giờ khởi nghĩa của ta.
          Anh quyết định tất cả phải ra khỏi thị xã đêm nay và bản thân anh cũng thu xếp quần áo và lương khô lần theo con đường bí mật rút ra. Suốt đêm anh lần mò trong bóng tối vượt  kênh, lội bùn nhằm phía rừng mà đi, vừa đi trong lòng vừa day dứt một ý nghĩ đúng là có kẻ phản bội. Anh lại nhớ đến bộ mặt thằng Huy ngày nó làm tình báo quân sự cho Pháp ở Bắc Ninh. Đúng là chỉ có nó. Chính nó đã báo kế hoach và ngày giờ khởi nghĩa cho địch.
          Như vậy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị bóp ghẹt ngay từ trong trứng. Hàng trăm cán bộ đảng viên và quần chúng tích cực bị Pháp bắt. Những đoàn người bị xâu tay vào dây thép đem đi hành quyết. Những xác người bị dìm xuống biển. Cơ sở Đảng ở các nơi lần lượt tan rã. Thanh Phong ở trong rừng bảy tám ngày đêm liền, đói thì đào củ rừng, khát thì uống nước đọng lá cây. Ngày 03/12/1940 Thanh Phong tìm chỗ tắm rửa sạch sẽ, lấy trong gói ra một bộ quần áo âu phục, thắt ca vát giả làm một công chức đi ra đường số 15  đón xe đò. Đến Bà Quéo anh gặp đồng chí Tư Cháy một xứ uỷ viên đang tránh địch ở một cơ sở. Hai người trao đổi ý kiến về nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa.
          Tư Cháy cho Thanh Phong biết anh Tạ Uyên có triệu tập Tư Cháy và một đồng chí xứ uỷ viên khác ở gần đến họp sáng ngày 22/11/1940 và quyết định khởi nghĩa, vì tình hình khẩn cấp, địch gấp rút điều động binh lính ra biên giới đánh nhau với quân Xiêm. Nhiều đơn vị lính có cơ sở của ta đã bị điều đi, còn một số đơn vị cuối cùng ở thành Oma anh em cơ sở thúc dục khởi nghĩa, vì nếu để chậm thì địch điều lính đi hết, nguồn võ khí lớn nhất sẽ không còn và binh lính giác ngộ cũng không còn để làm binh biến chiếm Sài Gòn. Anh Tạ Uyên định đúng 24 giờ đêm 22/11/1940 Sài Gòn sẽ nổi lên khởi nghĩa, tiếp theo đến các tỉnh. Tên Huy được anh Uyên giao cho phụ trách đội xe vận tải ở thành Oma, khi được biết lệnh khởi nghĩa, nó đã phản bội báo cho địch biết ngay chiều hôm đó...
          Thanh Phong và Tư Cháy đau đớn nhìn nhau, thở dài: Nếu xứ uỷ thận trọng chờ chỉ thị của Trung  ương, nếu tất cả chúng ta đều cảnh giác thì đâu đến nỗi”

          Những chặng đường không mỏi

          Từ tháng 12/1940 trở đi, địch khủng bố ác liệt, phần lớn cán bộ đảng viên bị bắt, cơ sở đảng nối tiếp nhau tan rã. Thanh Phong lúc này không còn liên lạc được với Đảng bộ hay cấp uỷ nào nữa. Cuối năm 1941 từ Bình Xuyên (Sài Gòn) anh cải trang giả làm người bán hàng bông đi trên một chiếc tam bản về rừng UMinh (Cà Mau) vừa phá hoang trồng khoai, dứa, vừa bí mật tìm kiếm các đồng chí ẩn tránh. Cuối năm 1942, Thanh Phong về tỉnh Hà Tiên gây dựng cơ sở, tổ chức được các hội Nông dân phẩn đế, Thanh niên phản đế, rồi thành lập được một chi bộ ở xã Thuận Yên gồm bốn đảng viên. Anh còn điều tra được một kho súng đạn của Nhật và tổ chức được một số đội du kích.
          Từ 1942 đến 1945 ở UMinh anh liên lạc được với một số đồng chí từ Côn Đảo, Bà Rá về bàn nhau khôi phục phong trào cách mạng của tỉnh Bạc Liêu, chuẩn bị lực lượng để đánh Pháp đuổi Nhật giành chính quyền. Thanh Phong đã bàn với một số đồng chí tạm thời thành lập Ban vận động tái lập Đảng bộ Nam Kỳ. Ngày 13/11/1945 Ban vận động họp bàn chủ trương mới, sau khi Nhật đảo chính Pháp. Tháng 8, đồng chí đến Hà Tiên thành lập Tỉnh uỷ lâm thời và được cử làm bí thư Tỉnh uỷ. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương, đồng chí cùng tỉnh uỷ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Tiên ngày 28/8/1945. Đầu năm 1946 giặc Pháp đánh chiếm thị xã Hà Tiên đồng chí đứng ra trực tiếp phụ trách quân sự, thành lập trung đội vệ quốc đoàn đầu tiên của Hà Tiên và phát động phong trào chiến tranh du kích ở khắp nơi.
          Từ năm 1947 đến 1959 đồng chí Thanh Phong lăn lộn trong bom đạn trực tiếp chỉ huy các đơn vị vệ quốc đoàn chiến đấu trên nhiều chiến trường từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng, Long Xuyên, Cần Thơ, Long Châu Hà, nơi nào khó khăn phức tạp là có mặt anh. Hoạt động ở đâu anh cũng được đảng viên và quần chúng tin yêu mến phục.
          Cuối năm 1954, sau hiệp định Giơnevơ, theo tiêu chuẩn được tập kết ra Bắc nhưng đồng chí xin ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Xứ uỷ Nam bộ đã để đồng chí ở lại và giao nhiệm vụ giữ một số vàng và một số súng ngắn để khi cần thì sử dụng. Đảng còn giao đồng chí nhiệm vụ tổ chức bảo vệ đồng chí Lê Duẩn ở lại lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến năm 1958...
          Từ đó, suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Thanh Phong còn đảm nhiệm nhiều công tác khác. Bất cứ làm việc gì, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân tận tuỵ đến cùng, không mệt mỏi, mặc dù tuổi mỗi ngày một cao, sức mỗi ngày một yếu.

          50 năm sau gặp lại mảnh đất bãi quê nhà

          Năm 1971 đồng chí Thấm và vợ được Trung ương cục miền Nam cho ra Bắc chữa bệnh, ông có dịp được về thăm lại quê nhà. Thế là đã hơn 50 năm qua từ ngày là cậu thanh niên 17 tuổi nghèo đói phải bỏ làng ra đi kiếm ăn, rồi đi lính sang Pháp, được những bài báo và những cuộc nói chuyện của Bác Hồ khơi dạy lòng yêu nước, trở về được ánh sáng của Đảng soi đường đồng chí đã đi dần vào con đường đấu tranh cách mạng. Cho đến nay đầu đã bạc mới có dịp trở về thăm mảnh đất chôn rau cắt rốn. Nửa thế kỷ qua một cuộc đổi thay đã diễn ra trên nửa nước ở miền Bắc. Người cán bộ già đứng trên con đê làng mà bồi hồi ngỡ như trong giấc chiêm bao. Ông đưa mắt tìm nhưng không còn thấy cái điếm canh giữa làng Thuận Vy và làng Bổng Điền. Và trước mắt ông đâu phải là cái xóm Thuận Vy đói rách ngày xưa. Cái làng Thuận Vy với những mái tranh xơ xác đã biến đi đâu, như có phép diệu kỳ. Trước mắt ông là một quang cảnh mới, nhiều nhà ngói đỏ au, tường vôi trắng tinh. Những ngôi trường ríu rít trẻ em hồng hào đi học với những bộ quần áo hoa lành lặn. Những vườn cam đỏ sắc, những vườn táo xum xuê, những bãi dâu xanh mướt với những né kén vàng óng. Thuận Vy sát nhập vào với Bách Tính, Thuận Nghiệp đã trở thành xã Bách Thuận, một xã làm ăn giỏi của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình.
          Ông nhìn xuống ngay mảnh đất dưới chân. Con đê ngày nay cao to như một bức thành, khác hẳn con đê thấp lè tè thuở trước. Ông gặp người làng nào cũng khoẻ mạnh, lành lặn, khác hẳn những người Thuận Vy năm xưa phần lớn bỏ làng tha phương cầu thực. Cái gì đã làm nên sự thay đổi lớn lao này, nếu không phải là cách mạng. Bản thân ông nhỏ mồ hôi và máu trên những mảnh đất phù sa ở phía Nam chính cũng là cho mảnh đất quê nhà này đây.
          Ông chợt thấy mắt nhoà đi, hai giọt nước mắt bất giác lăn trên gò má. Ông tìm lại miếng đất bãi nơi cái lều cũ bố mẹ mình năm xưa. Nơi ấy nay là một căn nhà ngói khang trang. Một người chạy ra đón, đó là em trai ông. Không phải chú bé gầy đét năm xưa mà là một người trung niên khoẻ mạnh, ông Phạm Văn Điến, hiện nay là bí thư Đảng uỷ xã Bách Thuận, hai anh em ông ôm chầm lấy nhau như những ngày còn để chỏm...
          Ngày xưa ông từ giã mảnh đất này ra đi thì xóm làng còn đói rách, đất nước còn nô lệ. Ngày nay ông trở về thì làng xóm đã ấm no, giầu có, hơn chín mươi phần trăm số hộ vào hợp tác xã, một hợp tác xã mạnh và có cách làm ăn mới. Lớp con cháu đều đã trưởng thành và đều hăng hái tham gia cách mạng. Đảng bộ xã đã thành một đảng bộ mạnh, vững của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
                                     
Đồng chí Phạm Hồng Thấm, người con của đất bãi Thuận Vy, một người suốt đời tận tuỵ vì cách mạng, vì nhân dân mất ngày 05/8/1978 tại bệnh viện Việt Xô Hà Nội, thọ 76 tuổi. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Minh Hải đã ghi đồng chí là người có công lao lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Minh Hải trong thời kỳ 1935 - 1939.
          Khi đồng chí qua đời, đồng chí Lê Duẩn Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều đồng chí trong trung ương, cùng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Minh Hải đã đến viếng. Đồng chí thật xứng đáng là một người cộng sản và là người con trung với nước, hiếu với dân của xã Bách Thuận. 


                                 (Viết theo tập Gương sáng đảng viên của Ban                                                                                  nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Minh Hải) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét