Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

VỀ VỚI NÚI

Mình về quê ngoại vào những ngày đầu thu, chợt thấy tâm hồn trong trẻo và bình yên đến lạ.
Quê ngoại mình là vùng quê nghèo đất cằn sỏi đá của tỉnh Hòa Bình, giáp Nho Quan (Ninh Bình). Thở nhỏ mỗi khi mùa hè đến mình lại được bố đưa về quê chơi. Mấy ngày hôm trước thấy bố hì hụi vặn chặt ốc vít và bơm căng lốp chiếc xe đạp Thống Nhất là mình vui sướng không kể xiết reo váng lên: “ A, thế là sắp được lên với ngoại rồi”. Bố cười tủm tỉm. Đêm hôm trước mình hân hoan háo hức mãi mới ngủ được. Trong đầu hình ảnh những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, những chiếc ô tô vun vút chạy qua, những con sông trôi dần trong tưởng tượng. Đầu tiên là con sông Hồng đỏ ngầu phù sa màu mỡ cuồn cuộn chảy, hai bên bờ xanh mướt dâu, ngô. Tiếp theo là con sông Đáy trong vắt như một câu hò lững lờ trôi chở những con đò bé xíu đang mải mê chài lưới. Cuối cùng là dòng Hoàng Long thơ mộng êm đềm soi bóng những bãi mía, bờ khoai xanh thắm. Rồi giấc ngủ cũng nhẹ nhàng đến vỗ về giấc mơ tuổi thơ.
Sáng tờ mờ đất bà nội đã gọi dậy ăn sáng để chuẩn bị lên đường đi sớm cho mát. Mo cơm nắm ngọt dẻo, dúm muối vừng thơm phức bà chuẩn bị tự bao giờ đã được bố treo vắt vẻo ở ghi đông cùng chai nước. Bà ôm mình vào lòng dặn dò âu yếm, mình đi mái tóc vẫn còn vương thơm mùi khói bếp của bà.
Hai bố con bon bon xe trên đường, mình vui như con sáo nhỏ ríu rít hỏi bố hết chuyện này sang chuyện khác, có lúc cao hứng trèo lên gác ba ga ôm cổ bố hát líu lo. Bố cũng hào hứng hát theo và thi thoảng dừng lại chỉ vào những nơi vừa đến giảng giải cho mình tên địa danh và văn hóa của nơi đó như: đây là Chợ Viềng Nam Định mỗi năm chỉ họp có một lần, bến đò Gián Khuất bên kia có làng Vũ Đại của Nam Cao, cố đô Hoa Lư nơi xưa là hoàng thành của chín vị vua thời Lý, lối đi Nho Quan có rừng đại ngàn Cúc Phương với những cây chò hàng nghìn năm tuổi…. để những lần sau mình lại háo hức khoe với bố về chặng đường hai bố con đang qua.
Dần trưa những dãy núi đầu tiên đã hiện ra mờ ảo rồi rõ dần trong mây trắng. Tuổi nhỏ mỗi khi chiều xuống mình hay nhìn vè phương bắc, nơi đó có quê ngoại của mình. Mình hay ngắm mây xếp hình ngổn ngang ở trên đầu và tưởng tượng ra muôn hình thù kỳ thú, nhất là hình ảnh những ngọn núi cao. Hình ảnh những ngọn núi luôn choán ngự trong niềm khao khát trẻ thơ của mình là được VỀ VỚI NÚI.
Và núi cũng đã ùa đến sừng sững hiên ngang, tỏa bóng bao dung ôm mình vào lòng. Mình bé bỏng sung sướng trong vòng tay của ông bà cậu mợ. Các mế, các cô trong bản mặc váy chàm, áo cộc cũng thậm thịch chạy sang xúm xít vây quanh. Hai má mình đỏ thắm những quết trầu. Nhà ngoại mỗi khi mình lên vui như có hội, bữa cơm tối mọi người vui vẻ quây quần bốn năm mâm chật cười nói rôm rả chia vui.
Đến giờ đi ngủ mình ngả vào chiếc giường tre đen bóng bên ngoại. Ngoại nắn bóp chân tay cho mình và rủ rỉ chuyện trò, mùi trầu thơm cay nồng làm cho mình phấn khích thao thức mãi. Mình sợ hãi thấy núi như đang đổ chao nghiêng vào mình, tiếng gió núi âm âm, u u như tiếng thở thần bí của đêm thâu, hơi núi phả ra mát lạnh ngọt ngào. Đêm sơn cước hình như núi rừng không ngủ. Đôi “Bắt cô trói cột” gọi nhau rền rĩ suốt đêm, gần sáng tiếng kêu tụ vào một điểm, chắc chúng đã tìm được nhau, thật là tội nghiệp. Vọng từ khe đá ra tiếng “Tắc kè, tắc kè..kè…” khắc khoải, chắc chúng vẫn còn nuối tiếc chiếc trã kho cá năm xưa. Thi thoảng trên núi cao váng lên tiếng nai tác, hoẵng kêu giật mình thảng thốt, tiếng chim chao chát vỗ cánh gọi nhau…Muông thú, chim chóc trong đêm sơn cước hình như vẫn còn mang vào giấc ngủ một phần âm điệu cuộc sống ban ngày, hòa vào nhau như một bản nhạc đêm của núi rừng. Mình thích nghe nhất là tiếng gà gáy chuyển canh. Tiếng gáy Ò ó o…o vang lên hùng dũng trong ngân như tiếng chuông vọng vào đá núi cứ âm âm, vang vang dư ba lan tỏa mãi. Giấc mơ đêm sơn cước bồng bềnh cổ tích, có thần Núi, Thần sông trong chuyện Đẻ đất đẻ Nước của ngoại, có bà Nữ Oa đội đá vá trời.
Sáng mình dậy muộn, dụi mắt ngỡ ngàng khi thấy ánh mặt trời đã nhuộm hồng ngực núi, mây bay mênh mông ngổn ngang trắng muốt trên đầu. Bữa sáng có cơm nếp thơm lừng ăn với thịt don, thịt dũi nướng ngọt lừ. Mình biết đêm qua cậu đã lặng lẽ soi đèn vác súng lên nương sắn tìm những con don này về thết cháu gái yêu của cậu. Cậu là tay thợ săn đẹp trai, dẻo dai và cừ nhất của bản Mường. Quanh tường nhà treo la liệt những sừng sơn dương cong vút, đen bóng, dạ dày nhím lủng lẳng mấy xâu dài.
Nhà ngoại tựa lưng vào núi, trước mặt là đồi sim tím quyến rũ ngọt ngào. Mình mê mải theo dì và lũ bạn trèo lên đồi hái hoa mua, bắt bướm, ăn sim tím hết cả môi, cả mặt. Gió rừng ào ạt phóng khoáng trườn qua làm rạp hết cả đồi hoa, tung bay áo mũ. Và kia dưới thung sâu xanh rì cỏ non, suối trong vắt róc rách, róc rách chảy, từng đàn từng đàn trâu thung thăng gặm cỏ, nô đùa. Tiếng mõ trâu lốc cốc, lốc cốc vọng vào lòng núi xen lẫn tiếng lách cách gõ mạn thuyền của những người đanh cá gợi lên một cảm giác thật yên bình, thanh thản.
Mình thích nhất là được chui vào các hang núi chơi trò đuổi bắt, ú tim với bọn bạn. Quê ngoại có rất nhiều hang nhưng có hang Luộng là to nhất. Nơi đây đã từng là nơi trú ngụ của bộ não thông tin bộ đội Pathet Lào trời kỳ chiến tranh sơ tán. Trong hang còn di tích chín móng nhà đã được dỡ bỏ. Những phiến đá nhẵn bóng phẳng lì ngày xưa đã từng được bộ đội Lào sử dụng làm giường ngủ, bàn viết , cối giã, kệ đựng đồ… làm mình thích thú nhất. Trên các vách đá khắc la liệt tên tuổi các anh và cả những bài thơ, những dòng nhật ký vô cùng cảm động. Hang Luộng giờ đây đã trở thành di tích lịch sử của chung của hai nước Việt Lào nên đã được đóng cửa gìn giữ bảo quản như một di sản thiêng liêng.
Đêm nay sau nhiều năm mình lại được trở về quê ngoại hòa mình vào tình cảm nồng ấm của quê hương, lại được có cơ hội nằm nghe núi thở. Khi những âm thanh ồn ã của cuộc sống thường ngày lắng xuống mình phập phồng, phập phồng mong đợi. Lạ chưa, đêm đã quá khuya mà mình chỉ nghe thấy gió núi u u như một tiếng thở dài. Mình cố căng tai lên, ép lòng xuống nghe ngóng nhưng tịnh không nghe thấy một tiếng kêu nào của muông thú trên kia, tuyệt nhiên không… trời ạ! Mình trăn trở thao thức mãi khao khát một tiếng tắc kè. Núi ơi, núi còn thở không hay có thở cũng chỉ nén lại từng hơi âm thầm, lặng lẽ…?! Chờ mãi, chờ mãi bất chợt nghe thấy tiếng gà gáy sang canh trong lòng trào lên niềm vui khó tả. Nhưng ơ kìa, sao tiếng gà không còn vọng dài trong vắt, vang vang trên núi cao mà chỉ tao tác dưới chân núi rồi tắt lịm giữa không gian. Thế rồi một đêm trắng cũng lặng lẽ qua.
Sáng buông gầu xuống giếng múc từng gầu nước giếng đá ong trong vắt, ngọt lịm lòng cũng thấy thảnh thơi hơn. Vốc những vốc nước mát lạnh lên mặt chợt thấy lòng mình dịu dàng đến lạ nhưng không khỏi đôi lúc thảng thốt nhìn về phía núi. Núi thâm nghiêm, im lặng hướng lên trời cao tránh ánh mắt của mình.
Rồi bà con nhộn nhịp kéo đến với những món quà của bản Mường sâu nặng ân tình. Mình bịn rịn, rưng rưng trước những dúm lạc, những củ khoai củ sắn, những gióng mía ngọt lịm, cân gạo nếp nương thơm phức. Đã bao nhiêu năm rồi dù cuộc sống có nhiều thăng trầm đổi thay nhưng tình nghĩa của bản Mường thì không hề thay đổi. Người dân bản sống thật thà, mộc mạc chất phác thảo thơm, đối với nhau tình nghĩa, ân cần như không hề có những toan tính nhỏ nhặt đời thường.
Chia tay quê ngoại, xe lăn bánh đã lâu mà lạ chưa bóng núi vẫn đổ dài trên đầu mình yêu thương và âu yếm. Mình ngoái lại nhìn dáng núi xanh rì, hiên ngang sừng sững sau lưng không khỏi một nỗi ngậm ngùi, thương nhớ. Núi ơi!
Hòa Bình những ngày đầu thu 2015

AO LÀNG

Cùng em gánh nước cầu ao
Để câu lục bát rơi vào mắt nhau.
Bắt gặp hai câu thơ trong bài “Lục bát đêm trăng” trích trong tập thơ Hương Mộc lan (NXB HNV – 2014), tôi cảm thấy chạnh lòng, bâng khuâng chợt nhớ về hình ảnh những cái ao làng của quê hương..
 Làng tôi là vùng đất bãi bồi ven sông gần 300 năm trước còn nằm bên bờ tả ngạn của sông Hồng. Do thiên nhiên biến đổi con nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xói vào làng gây ra sụt lở, dân làng tôi phải di cư sang bờ sông bên này lập nghiệp. Vùng đất mới quanh năm sình lầy, ngập nước nên ông cha tôi từ đời này qua đời khác đào ao vượt thổ, lập ấp, lập làng. Do vậy những cái ao làng cứ nối nhau liên tiếp ra đời, long lanh soi bóng thời gian, chứng nhân bao cảnh đổi thay thăng trầm của lịch sử. Ao làng như bầu sữa nguyên sơ ngọt lành của quê hương tắm táp cho tuổi thơ của chúng tôi, nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Mỗi khi xa quê trong lòng lại trào lên một cảm giác nhớ nhung da diết khi nghĩ về những cái ao làng. Chỉ muốn ùa về lặn ngụp, bơi lội vẫy vùng trong làn nước trong vắt, ngọt ngào cho tan hết những lo toan, vất vả trong dòng chảy mưu sinh của cuộc sống bộn bề chật chội này.

Về mùa Xuân, ao làng chìm êm đềm trong mưa bụi mênh mang, mong manh những cánh hoa xoan tim tím đa đoan buông nhẹ xuống làn nước biếc. Về mùa Hè lại rực rỡ long lanh thắm tươi sắc hoa súng tím, súng hồng, chấp chới những cánh chuồn chuồn ớt đỏ chót, chuồn chuồn kim mảnh dẻ dịu dàng, chuồn chuồn ngô mắt lồi xanh ngọc cắn rốn không sót đứa trẻ quê nào. Lũ gọng vó suốt ngày mê mải đuổi nhau như bay trên mặt nước. Cá chuối, cá trôi, cá trắm từng đàn nối đuôi nhau lượn lờ, thung thăng bơi lội, nhởn nhơ đớp bọ gậy, rong rêu. Rồi những trận mưa rào mùa hạ mặt ao sôi lên những bong bóng nước, xô những cánh lục bình tím ngắt trôi dạt lang bang. Dường như ao làng đẹp nhất khi Thu tới, sóng ao gợn lăn tăn dưới ngọn gió heo may se sắt gợi lên một cảm giác man mác, mơ màng. Trong nắng vàng dịu nhẹ, ao làng như những chiếc gương lấp lánh phản chiếu bầu trời xanh thẳm, những làn mây trắng xốp bồng bềnh trôi nhẹ giữa không gian. Xung quanh bờ ao ổi chín vàng ươm, thơm lựng chao chát tiếng chim kêu, roi đung đưa những chùm quả trắng hồng lúc lỉu nghiêng mình soi bóng. Mùa Đông tới, ao trầm mặc lặng lẽ suy tư một nỗi niềm. Tôi nhớ nhất là hình ảnh chú chim bói cá có bộ cánh bảnh bao xanh biếc, đậu mấy tiếng đồng hồ trên cọc cầu ao trầm ngâm như một đạo sĩ và rồi bất chợt lao như tia chớp vào làn nước trong xanh cắp lên chú cá cờ lấp lánh vẩy bạc, vẩy hồng đang giãy đành đạch.

Với dân nghèo quê tôi, ao làng là nguồn sống vô tận về tinh thần và vật chất không bao giờ cạn. Hết đời này qua đời khác người dân quê ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, hò hát, tâm tình từ sáng tới đêm khuya. Tôm cá, lươn cua, ốc ếch vô tư sinh sôi nảy nở dồi dào, bốn mùa cung cấp thức ăn cho người đất bãi. Tuổi nhỏ tôi thường tấp tểnh theo anh trai đi cất vó tôm, hồi hộp khi nâng cần vó lên nghe tôm nhảy xao xao trong lòng lưới, thò tay vào bắt tôm bị cua cắp cho đau điếng vẫn sung sướng cười giòn. Lớn lên một chút đi học xa, mỗi khi về nhà lại chạy vội ra ao ngồi bệt xuống bậc thò chân khỏa nước, thích thú cảm nhận cái cảm giác mát lạnh ngọt ngào thấm dần vào cơ thể. Rồi đợi những vòng sóng lặng dần, lặng lẽ ngắm bóng mình trong làn nước biếc, ngỡ ngàng mỉm cười, trong lòng chợt dâng lên một nỗi bâng khuâng khôn tả và cảm thấy… sao yêu đời tha thiết.

Ban ngày ao làng rực rỡ long lanh, sôi động bao nhiêu thì khi đêm đến lại mơ màng, lung linh huyền diệu, êm đềm bấy nhiêu. Các cô thôn nữ quê  tôi được tắm nước ngọt lắng phù sa sông Hồng nên ai cũng trắng hồng, khỏe mạnh, tóc dài, môi thắm, đêm đêm tranh thủ gánh nước tưới rau, hò hẹn tâm tình với người thương yêu. Bên cầu ao sóng sánh ánh trăng vàng, sóng sánh những thùng nước nặng trĩu, sóng sánh những bước chân, những tiếng cười khúc khích và ngát thơm hương tóc gội bồ kết lá chanh. Vồng rau sau một ngày khát nước được tưới tắm xanh nõn, mơn mởn dưới ánh trăng chan chứa, ngọt lành. Quê hương thật đẹp, đẹp bởi tình đất nồng hậu thủy chung, đẹp bởi tình người yêu thương son sắt và cũng đẹp bởi những ánh mắt lung liêng, những nụ cười rạng rỡ, những lời hát ngọt ngào của những người thôn nữ, tiếng sáo réo rắt của cánh trai quê bên cầu ao trong những đêm trăng sáng.

Những năm gần đây do cơ chế thị trường mở cửa, cây cảnh, cây hương dược liệu lên ngôi, dân quê tôi thi nhau san lấp ao để lấy diện tích đất sản xuất, trồng trọt. Chăn nuôi phát triển, chất thải xả bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi và xuống ao. Ao làng dần mai một, những chiếc gương phản chiếu thời gian, soi gương mặt của cuộc sống dân làng đang đi vào dĩ vãng. Quan niệm về phong thủy cũng đang bị cố tình quên đi nhường chỗ cho sự nỗ lực phát triển kinh tế của gia đình và xã hội. Những món ăn dân dã của ông cha ngày xưa như ốc ếch, ba ba …giờ trở thành đặc sản vì chúng khó sống được trong môi trường nước bị ô nhiễm, tù đọng. Có gia đình cố gắng níu giữ lại hình ảnh của quê hương, níu giữ lại những cái ao đã từng đọng lại mồ hôi công sức của ông cha một thuở, xây bê tông bó kè phòng sạt lở bờ ao. Tôi thầm cảm ơn họ nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối khi nhớ về những bờ tre xanh mướt nghiêng mình soi bóng chải tóc, những rặng dành dành nở hoa trắng muốt chấp chới cánh bướm lượn bay, tiếng chim ríu rít trong vòm ổi thơm lừng đánh rơi tiếng hót xuống mặt nước trong vắt, tiếng cá quẫy lao xao, tiếng múc nước thì thùm và…thèm nhớ mùi hương bồ kết lá chanh thơm ngát cầu ao trong những đêm trăng sáng.

Rồi đây khi xa quê mỗi khi nhớ về nguồn cội, hình ảnh những cái ao làng có còn hiện hữu trong tâm thức của chúng ta? Cái cảm giác khát khao muốn ào về lặn ngụp trong làn nước mát dường như đang tan dần vào dòng chảy cuộc đời mê mải bận rộn kia. Ao làng có còn là nơi neo đậu tâm hồn của mỗi con người, có còn soi được bóng trời thẳm xanh.


TRUNG THU HOÀI NIỆM

Năm nay tháng bảy không Ngâu, đôi vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ chắc mắc công việc bận nên đợi mãi đến đầu tháng tám mới gặp nhau trong muộn mằn, mưa rơi sướt mướt suốt hơn một tuần. Gần đến tết Trung thu mà trời vẫn u ám, thỉnh thoảng lại đổ xuống đất lành một cơn mưa xối xả, đất trời mọng nước.
Nhưng bất ngờ tối nay trời quang mây tạnh, mới chập choạng tối mà vầng trăng mồng mười đã lấp ló, tinh nghịch nhô lên như một cậu bé vui cười rạng rỡ, rồi cứ thế nhởn nhơ rong chơi giữa bầu trời xanh thẳm màu ngọc bích không một gợn mây. Những vì sao lấp lánh, lung linh kết thành từng chùm hoa, chùm quả, thành những chiếc gầu, lưỡi hái, con thuyền, cánh buồm… trên dải Ngân Hà lộng gió. Trăng thanh, gió mát, cả làng rộn rã tiếng trống ếch khua vang, bọn trẻ con reo hò sung sướng, niềm vui vỡ òa sau bao ngày thấp thỏm trong mưa ngóng tết Trung thu. Chúng rối rít tập văn nghệ, duyệt đội ngũ, hăng hái xúm vào quấn cọc trại, kết đèn lồng, đèn ông sao cùng các anh chị phụ trách để chuẩn bị cắm trại.
Mình cũng lâng lâng như một đứa trẻ sung sướng ngắm vầng bán nguyệt lửng lơ trôi trên nền trời xanh thẳm. Ánh trăng vẫn còn non nớt, mong manh huyền ảo, nhẹ nhàng buông tỏa, có cảm giác như chỉ cần chạm nhẹ vào là sẽ tan biến mất trên bầu trời mênh mông vô biên kia. Vầng trăng mồng mười như đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên và đầy bỡ ngỡ. Bao kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào như ánh trăng chợt ùa về thổn thức với những mùa Trung thu cổ tích.
Cũng tầm này những năm 80 thế kỷ trước, dưới sân Đình, mình tung tăng múa hát với bạn bè. Làng mình là đất bãi ven sông cứ tháng bảy, tháng tám âm lịch là chìm trong nước nổi. Từ trung tuần tháng bảy các anh chị phụ trách đã lo lắng ngày đêm chuẩn bị cho tết Trung thu. Tối đến khi trăng còn lấp ló trên mặt nước sau rặng tre xanh, cả làng đã rộn rã tiếng chèo khua, tiếng gọi nhau vang mặt nước. Thuyền to, thuyền nhỏ đi đón đội văn nghệ nhí về tập múa hát ở sân Đình. Có lần mình tập song ca với chị Như Quỳnh chân lội nước ngập đến đầu gối vẫn say sưa hát véo von: “Ngày mai thày lên đường đi làm anh bộ đội. Tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới…”. Ôi cái không khí đón Tết Trung thu của ngày ấy sao tuyệt vời đến thế. Váy áo của đội văn nghệ chỉ là những chiếc khăn dù, khăn voan được khâu ốp hai cái vào nhau, trên làm cạp luồn dải rút, hoa cài đầu ngắt ở vườn nhà. Phấn son đội văn nghệ là phấn rôm trẻ con, là phẩm màu giấy hương bôi môi, bôi má vậy mà đứa nào đứa nấy toe toét mà lung linh như những nàng công chúa. Những bạn không có năng khiếu cứ tròn mắt ra nhìn, thèm thuồng, đành phải sang duyệt nghi thức đội với các bạn trai. Đêm liên hoan văn nghệ náo nhiệt, tưng bừng, cả làng chèo thuyền đi cổ vũ. Tiết mục múa sạp rộn ràng nhất và kết thúc bằng bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Cả người diễn lẫn người xem đều đồng thanh vỗ tay hát, niềm vui cứ trào lên như sông quê mùa nước nổi.
Sân trường, sân Ủy ban nhân dân xã là nơi cao nhất dùng để cắm trại. Trại Trung thu được níu giữ bằng những chiếc cọc tre quấn giấy màu và những chiếc dây thừng săn chắc. Vải căng được huy động từ những chiếc ri đô, vỏ chăn, khăn bàn sặc sỡ. Bọn trẻ chúng mình vui sướng chui ra, chui vào thích thú như được ra vào trong cung điện của nhà vua. Đối với trẻ em quê nghèo thời đó, những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao là đồ chơi xa xỉ nhất. Mình đã từng mê mẩn đứng ngắm mãi những đoàn quân, những bà Tiên, ông Bụt, cô Tấm chạy vòng tròn quanh chiếc đèn lung linh, rực rỡ mà khát khao giá như trong tay cũng có một chiếc.
Tổ chức Văn nghệ xong là màn phá cỗ trông trăng hấp dẫn nhất trong sự mong đợi của mọi người. Mâm cỗ được trang trí từ những bàn tay khéo léo của các cô, các chị, rực rỡ đủ sắc màu. Nào là nải chuối tiêu đốm trứng cuốc vàng rộm ôm trọn trái bưởi đào hồng hồng, những quả na trắng xanh mắt nhắm, mắt mở tinh nghịch bên những trái hồng mòng đỏ mọng phụng phịu như môi thiếu nữ. Rồi roi, ổi, nhãn, cam… những hoa quả được lấy từ vườn nhà thơm lừng ngọt lịm hương quê. Dường như mùa Thu là mùa của muôn thứ quả, hương vị được chắt chiu qua nắng, qua gió của mùa hè để mang hương thơm vị ngọt cho đời khi Thu tới. Đặc biệt món không thể thiếu trong mâm cỗ là những chiếc bánh nướng thơm ngậy, bánh dẻo ngọt sắc, đĩa cốm xanh dịu dàng thảo thơm như lòng mẹ. Bọn trẻ con nắm tay nhau nhảy vòng quanh mâm cỗ, nghển mặt ngắm chị Hằng và hát váng lên: “Ông trăng ơi mời ông xuống chơi. Nhà tôi có nồi cơm nếp…”. Những lời đồng dao ngân lên dịu ngọt tuổi thơ nghèo.
Làm thủ tục mời trăng xong, bọn mình háo hức xếp hàng chờ chia kẹo, hàng con trai ra con trai, con gái ra con gái khỏi chí chóe cãi nhau và phòng những đứa khôn lỏi nhận phần rồi lại lẻn sang hàng khác. Những chiếc kẹo bọc giấy bóng kính xanh, đỏ, tím, vàng chín mọng cả tuổi thơ và ngọt lừ trong ký ức đến tận bây giờ.
Trung thu những năm gần đây Trung thu khác trước rất nhiều, bọn trẻ con trong xã sung sướng hưởng cuộc sống đủ đầy ăn ngon mặc đẹp, bánh kẹo cao cấp. Váy áo đội văn nghệ đi thuê từ trung tâm văn hóa đẹp lộng lẫy sành điệu, son phấn mỹ phẩm của nước ngoài. Phụ kiện trại Trung thu hầu như hoàn toàn đi mua từ các cửa hàng lớn nhưng tiếng trống ếch rộn ràng, ánh trăng thu rờ rỡ và không khí háo hức đón chờ tết Trung thu thì ngàn đời vẫn thế. Mình vô cùng vui sướng khi nhìn thấy lũ trẻ cười rạng rỡ bên những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, những chiếc mặt nạ nhăn nhở, toe toét. Chúng hò reo đuổi theo nắm đuôi sư tử, nghẹo ông Địa múa lân và ngẩn người ra tròn xoe mắt trước những chú tò he phẩm màu sặc sỡ. Với tuổi thơ khi được chạm vào những sắc màu nghệ thuật dân gian dường như trong chúng luôn trào lên niềm say mê muôn đời không đổi.
Vẫn chuối, cốm, hồng, vẫn bòng, vẫn bưởi, vẫn tiếng trống ếch rộn ràng, vẫn lời ca ngân vang. Sắp đến Tết Trung thu, người lớn vui như trẻ nhỏ tưng bừng hớn hở sắp cỗ trông trăng. Đêm nay mới là mồng mười nhưng qua mỗi đêm trăng sẽ lại tròn đầy, viên mãn lên trông thấy. Ngắm vầng trăng e ấp, long lanh giữa trời xanh, thả hồn trôi trong dòng hoài niệm cảm nhận cuộc đời thật đáng yêu, đáng trân trọng biết bao. Giữa trời Thu thăm thẳm vầng trăng rờ rỡ nhìn xuống trần gian mỉm cười tựa như lòng mẹ ngọt ngào, bao dung dịu dàng nhân ái dành cho tuổi thơ con.