Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

MÙA MƯA LÀNG VƯỜN

Đã gần một tuần quê tôi chìm trong màn nước trắng xóa. Mưa dai dẳng, phập phồng xuyên qua đêm, qua ngày, xuyên qua bao nỗi lo lắng sống chung với nước của người dân làng vườn. Cũng về mùa này cách đây 15 năm làng vườn quê tôi đã sống chung với lũ.
Bách Thuận quê tôi là một vùng đất bãi bồi ven sông mang đặc tính thổ mô. Từ khi thành lập làng đã mấy trăm năm cứ đến tháng 7, tháng 8 người dân quê tôi lại phải lặn ngụp bì bõm sống trong nước nổi. Từ đời nọ sang đời kia cha truyền con nối dân Bách Thuận hì hục đào ao vượt thổ. Ao chuôm sâu thêm xuống cho nhà cửa cao dần lên. Hệ thống mương máng, ao hồ xen kẽ trong khu dân cư. Nhà nào cũng có một mảnh vườn xanh bát ngát soi bóng bên chiếc ao rộng mênh mông.
Mùa nước nổi là mùa phù sa sông Hồng. Khoảng một tháng sau nước rút làng vườn như được khoác thêm tấm áo mới, cây cối lên xanh mơn mởn, ao hồ trong veo màu xanh ngọc bích. Làng vườn trong lành mát mẻ. không khí thấm đẫm mùi hương, quả trên cành cứ ngọt dần trong nắng thu vàng óng ả. Mùa nước nổi là một đặc thù của làng vườn quê tôi, mỗi khi ai vô tình nhắc tới lòng người dân Bách Thuận lại thấy xốn xang.
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững nền kinh tế của địa phương, năm 1996 Đảng và Chính quyền xã đã huy động sức người sức của đắp con đê ngăn nước lũ bao quanh xã gắn với đê Trung ương với chiều dài hơn 7km. Hệ thống mương máng trên địa bàn xã được chú trọng nạo vét, tu bổ và hệ thống máng cứng được xây dựng nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu và phát triển sản xuất. Từ đó nền kinh tế của dịa phương được tăng trưởng mạnh mẽ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao một cách rõ rệt, cảnh sống chung với lũ đã không còn xảy ra.
Vậy mà mấy năm nay mỗi khi mùa mưa tới làng mấp mô chìm nổi trong nước nhưng không phải là nước phù sa. Kinh tế hàng hóa thị trường phát triển, nhà nhà chăn nuôi, người người chăn nuôi. Chất thải chăn nuôi xử lý không xuể được tống ra hệ thống cống rãnh của các gia đình và các hộ lân cận. Thậm chí còn có nhà bí mật đặt đường ống cho chất thải chăn nuôi xả thẳng vào máng nước chính của khu dân cư. Thêm vào đó rác thải sinh hoạt của các gia đình cũng dềnh lên ở các nơi công cộng. Vì vậy mỗi khi mùa mưa đến tình trạng úng lụt cục bộ, mất vệ sinh môi trường là nỗi lo lớn nhất của chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trong xã. Toàn xã có ba hệ thống máng tiêu chính dùng để thoát nước khi mưa lớn xảy ra gồm hai cống ra sông Hồng, một cống qua đê Trung ương ra sông Kiên Giang nhưng mùa mưa hệ thống này hầu như không phát huy được tác dụng. Do cơ chế thị trường mở cửa, giá đất và cây cảnh lên ngôi nhân dân thi nhau san cao lấp trũng. Những cái ao quanh năm trong vắt quanh năm soi ánh nắng mặt trời tự bao đời gắn với cuộc sống người dân, tạo nên bao cảm xúc cho các nhà thơ, nhà văn đã hơn một lần về thăm Bách Thuận đã dần biến mất. Những con rãnh, máng nhỏ trước là mốc giới phân cách giữa các nhà dân với nhau giờ lấp cát, xây tường chăng lưới thép. Các dòng chảy không những bị chặn lại bởi sự san lấp bừa bãi mà còn bị bít chặt bởi rác thải sinh hoạt của nhân dân. Với đặc thù là làng vườn dân cư phân bố đều trên toàn xã nên việc quy hoạch bãi rác theo đúng quy định là rất khó. Một số hộ chưa ý thức được vấn đề giữ gìn vệ sinh chung, không tiêu hủy rác tại nhà mà cứ hồn nhiên xả rác ra đường và lén lút ném vào các đầu cống thoát nước gây ách tắc dòng chảy.
Mưa nhiều, máng rãnh nhỏ bị lấp, dòng cháy chính bị ách tắc nên nước dâng ngập lụt đa số các đường nhỏ của xã khiến người dân phải lội bì bõm trong nước bẩn đã dung hòa các chất thải. Cây cối trong vườn thối rễ dần, nhiều cây có giá trị cao được nâng niu chăm sóc bao nhiêu năm gặp đợt mưa lớn lâu ngày cũng vàng lá chết rũ. Ngày trước khi nước nổi rút ra đất làng được đền đáp bởi phù sa lắng lại, giờ đây khi nước cạn trơ lại đất chai cằn cây cối ngoi ngóp sống. Tình trạng úng lụt cúc bộ luôn là vấn đề nan giải của địa phương. Không kỳ họp Hội đồng nhân dân nào là không có ý kiến về vệ sinh môi trường, giao thông thủy lợi.
Một ngày mưa, nước cứ sầm sập trút xuống.
Không thể ngồi yên chờ mưa ngớt được nữa tôi lấy áo mưa mặc và vội vàng xé mưa lao đi. Ủy ban nhân dân xã đã đông đủ các đồng chí trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão xã, nét mặt ai cũng bồn chồn lo lắng. Tin ao cá của một số gia đình bị ngập tràn, cá đi hết, một số vườn cây đã bắt đầu rũ lá mà thấy lòng nóng bỏng xa xót. Nghe tin đội thủy nông vừa đi làm nhiệm vụ về tôi tức tốc tìm gặp. Không đợi đồng chí Phó Chủ nhiệm hợp tác xã kịp cởi áo mưa tôi hỏi dồn:
- Anh Tuấn ơi tình hình nước ngập gây thiệt hại nhiều không, cứ mưa như thế này thì baop giờ nước mới rút hết được? Cống qua đê Trung ương có phát huy được tác dụng không hả anh?
Thật bất ngờ anh Tuấn vừa vuốt nước trên mặt vừa cười rất tươi:
- Em yên tâm, toàn bộ các đầu cống bọn anh vừa cho máy đi móc khơi thông hêt rồi. Chỉ vài tiếng nữa là nước sẽ rút rất nhiều vì cống qua đê Trung ương năm nay đã phát huy tối đa tác dụng. Từ giờ trở đi dù có mưa lớn thế nào thì cũng không phải lo lắng nhiều như trước nữa.
Tôi ngẩn người, sao vậy nhỉ? Anh Tuấn cười lớn:
- Ô hay em không nhớ à, sông Kiến Giang đã thông ra sông Hồng rồi còn gì, vì vậy cống qua đê Trung ương đã tiêu thoát nước ra sông Kiến Giang rồi chảy ra sông Hồng cho nên tình trạng úng của xã mình được giải quyết rất nhiều đó thôi.
Ừ nhỉ, tại sai tôi không nhớ ra.
Những mùa mưa trước đó sông Kiến Giang chưa thông được qua cống Tân Đệ nên việc tiêu úng của Bách Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Cả hai xã Bách thuận và Tân Lập đều chịu chung cảnh úng lụt mỗi khi mưa lớn vì vậy việc tiêu nước của Bách thuận đi qua vùng trũng của Tân Lập là việc bất khả thi, đôi khi còn xảy ra mâu thuẫn. Còn nhớ mùa mưa năm 2003 cả huyện nước ngập trắng đồng, Bách Thuận định mở cống thoát nước nhưng gặp sự phản đối của Tân Lập đành cầu cứu huyện hỗ trợ. Đích thân đồng chí chủ tịch huyện về chỉ đạo nhưng trước sự phản kháng quyết liệt của nhân dân Tân Lập cũng đành chấp nhận và nháy cho Bách thuận mở trộm được ba phân cống. Mỗi khi nhắc lại sự việc đó ai cũng cười và gọi đùa là “Cống ba phân”. Theo sự chỉ đạo của huyện Bách Thuận chỉ được phép mở cống trước khi mưa hoặc sau khi nước của Tân Lập rút hết. Trước khi mưa thì không có nước, sau khi chờ đợi nước úng của Tân Lập rút hết thì thời gian chờ đợi như vậy còn gì để nói nữa. Vì vậy mấy năm liền hàng trăm ha lúa của Bách Thuận đã mất trắng, tính giá trị lên vài trăm tấn thóc. Từ khi cống Tân Đệ được đưa vào khai thác thì hệ thống thoát nước qua đê Trung ương vào sông Kiến Giang trở thành hệ thống tiêu úng chính của Bách Thuận khi mùa mưa tới. Cuối năm 2011 xã sẽ tập trung đào một tuyến máng lớn nối từ đầu cống Tân Đệ lấy nước của sông Hồng vào thau rửa toàn bộ nước tù đọng của xã và tiêu qua cống đê Trung ương ra sông Kiến Giang. Nhưng việc thay nước có khả thi hay không khi toàn bộ tuyến máng chính đã đặc chất thải. Dòng nước chảy từ đầu xã xuống cuối xã qua các ao nuôi cá của dân sẽ mang nhiều bất lợi vì nước thải làm chết cá và điều gì sẽ xảy ra…Thật là lợi bất cập hại chỉ trừ khi nhân dân đồng sức đồng lòng cùng bắt tay vào làm với chính quyền một cách đồng bộ thì việc thay nước mới thực hiện được dễ dàng.
Toàn xã có 25 km máng chính, trong đó 19 km nằm trong khu dân cư và 6km phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản. Hệ thống máng vùng thủy sản đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2006. Hệ thống này được thiết kế tương đối đồng bộ theo thiết kế của Quy hoạch nông thôn mới, đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu của vùng thủy sản. Trước kia vùng đất này sản xuất một lúa, đất đai manh mún. Từ khi được quy hoạch vùng thủy sản hiện tại đã là vùng sản xuất mang tính hàng hóa mang lại lợi nhuận thu nhập cao từ cây cảnh, chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm và một số con đặc sản có giá trị cao như hươu, nhím, thỏ…Vùng thủy sản của Bách Thuận đang mang dáng dấp của vùng du lịch sinh thái với cây cối xanh tốt quanh năm, giao thông thủy lợi thuận tiện. Ban đêm điện sáng trưng cả mọt vùng soi rõ những chiếc vây cá đang tung tăng bơi lội giữa đầm nước mát.
Còn hệ thống mương máng trong khu dân cư được hình thành từ khi dân làng đào ao vượt thổ nên mang tính chất manh mún chắp vá lại còn đảm nhiệm cả việc tưới tiêu giờ đây đang ô nhiễm nặng và là nỗi bức xúc lớn nhất của vấn đề thủy lợi, vệ sinh môi trường. Từ khi có dự án xây dựng Nông thôn mới trong lòng người dân quê tôi như có luồng gió mát. Hy vọng một làng vườn du lịch sinh thái với cảnh quan “xanh- sạch-đẹp” đã bao năm nổi tiếng là một vùng đất trù phú của Thái Bình vẫn rạng ngời mãi mãi trong trang truyền thống của tỉnh nhà.
Theo thiết kế quy hoạch Nông thôn mới xã sẽ có 4 tuyến máng chính rộng từ 3 đến 5 m và nhiều máng phụ với độ dài gần 100km đảm bảo cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất trong khu dân sinh và vùng thủy sản. Dự tính khi thực hiện đúng theo quy hoạch sẽ khoảng vài trăm tỷ. Toàn bộ khoản kinh phí đó nhà nước sẽ hỗ trợ 70% còn lại là vốn đối ứng của địa phương nhưng trước mắt việc xây dựng nốt trường Mầm non của xã cần khoảng 1 tỷ đồng mà đại phương còn loay hoay xoay sở kinh phí, vậy số tiền để đáp ứng cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi theo đúng quy hoạch Nông thôn mới sẽ xoay sở thế nào đây. Trong 19 tiêu chí Bách Thuận mới chỉ đạt được vài tiêu chí, với thực lực của địa phương việc hoàn thành tiêu chí 03 này là cả một vấn đề vô cùng khó khăn thì những tiêu chí khác bao giờ mới thực hiện thành công được? Đây là những băn khoăn của những người công bộc của dân trăn trở từng ngày.
Tùng..tùng…tùng…
Đang miên man với dòng suy nghĩ tôi chợt giật mình bởi tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi vang vọng. Trời đã tạnh mưa từ lúc nào. Học sinh trường Tiểu học bên cạnh ùa ra sân như bầy chim nhỏ náo nức trong gió ấm. Bầu trời đang hửng sáng dần nhẹ nhõm, cây cối rùng mình trút những giọt nước cuối cùng , vươn cành lá đón ánh mặt trời. Xóm làng xôn xao tiếng cười nói gọi nhau đi đăng lưới cất vó bắt cá. Tôi trở về nhà đi như trôi trong không khí mát mẻ trong lành sau cơn mưa cuối hạ. Hình ảnh làng du lịch sinh thái trù phú đẹp nên thơ vẫn thấp thoáng trong đầu với bao hoa thơm trái ngọt, với những vườn cây ăn trái bát ngát xanh soi bóng bên ao làng trong vắt quanh năm lấp lánh ánh mặt trời.
                          Bài đạt giải Nhì trong cuộc thi viết về NNNT tỉnh Thái Bình
                                                                    Năm 2012


(Khi tôi đánh máy lại bài viết này làm kỷ niệm thì Bách Thuận đã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng NTM)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét