Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

VẠT ÁO CHIỀU

Cô thường kể cho anh nghe chuyện về quê ngoại, nơi có những đồi hoa sim tím ràm rạp dưới những ngọn gió hoang dã của núi rừng. Nơi cô được sinh ra trong vạt áo chàm của mẹ, lớn lên dưới tấm mền đụp của bà. Nơi cô đã từng được nuôi bằng những đọt măng rừng, những củ khoai củ sắn, những con don con dím và bằng cả những giọt nước mát ngọt ngào của dòng suối Mường Sa ngày đêm tuôn chảy giữa bản Mường Bông với những câu chuyện đẹp như huyền thoại. Bà ngoại kể rằng bản Mường Bông ngày xưa nằm trong thung lũng đầy hoa ban trắng cách đây chín cánh rừng. Mùa xuân đến hao ban nở rộ chảy bồng bềnh từ trên đỉnh chín ngọn núi xuống như một biển mây trắng bao phủ. Trong lòng ngọn núi trước bản tuôn chảy một dòng suối nước nóng quanh năm nghi ngút mờ sương. Dòng suối tiên đó tự bao đời đã mang lại sức sống kỳ diệu cho bản Mường Bông. Con gái bản tắm nước suối lớn lên da đẹp nõn nường như hoa ban, tóc mềm như mây, môi thắm như quả mâm xôi, mắt long lanh như sao sa trên đỉnh núi. Con trai bản tắm nước suối tuy khóe mạnh, sức lực dẻo dai săn chắc  nhưng càng lớn lên càng xấu xí như con thú trên rừng. Vì sự éo le đó từ xa xưa tổ tiên Mường Bông đã truyền lại lời nguyền: “Nếu người con gái Mường Bông nào chê trai bản đi lấy chồng nơi khác thì khi bước qua chín ngọn núi của đất Mường sẽ bị hóa thành đá”. Lời nguyền đó có sức mạnh thiêng liêng nên bao đời nay chưa có một người con gái bản nào dám vượt qua những đỉnh núi cao chất ngất kia, cả đời chỉ tù túng quẩn quanh với rẫy ngô, nương sắn của bản làng.
Có một người con gái bản tên là Nường Mây, Nường Mây có sắc đẹp kỳ lạ, đẹp bằng tất cả vẻ đẹp của gái bản cộng lại. Tiếng hát của Nường Mây trong veo, ngọt ngào như nước suối Mường Sa. Nường Mây biết hát sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, hát về bản Mường Bông có hoa ban trắng, có nước suối tiên.. Tiếng hát của Nường Mây mênh mang bay qua chín ngọn núi theo những ngọn gió hoang dã về xuôi. Một ngày kia có một chàng trai trẻ lên bản muốn đưa nước suối về chữa bệnh cho người dưới xuôi và mang chữ viết, sách báo lên cho dân bản. Người Mường Bông chưa bao giờ nhìn thấy một người trai đẹp đẽ tuấn tú đến thế. Chàng trai có đôi mắt sáng như sao sa với cái nhìn cương nghị. Ngoài việc dạy chữ cho dân bản chàng còn dạy dùng nước suối để con trai không bị xấu, con gái mái tóc thêm dày, thêm đẹp. Sau một thời gian chàng trai và cô gái quấn quit nhau như dây rừng trên núi. Họ thề rằng: Xin cha Giàng mẹ Đất, xin núi rừng sông suối chứng giám cho tình yêu son sắt của chúng con. Nếu không được sống bên nhau chúng con xin chết để giữ trọn tình yêu.
Rồi một ngày kia trời bỗng đổ mưa nguồn chớp bể, nước suối Mường Sa cuồn cuộn chảy. Chàng trai vội tạm biệt người yêu, tạm biệt bản Mường và không quên hẹn ngày trở lại. Sáu tuần trăng đi qua là sáu tuần Nường Mây sống trong nhớ mong hy vọng, lặng lẽ ôm giọt máu của chàng đang lớn dần trong bụng. Ngày ngày Nường Mây gửi tiếng hát ngọt ngào theo gió về xuôi. Tiếng hát nói với người yêu những lời mong mỏi đợi chờ tha thiết,  nhưng chàng trai vẫn như cánh chim trời biền biệt. Rồi một hôm thấy không thể ngồi chờ được nữa nàng tìm đến nhà già làng quỳ lạy và kể rõ sự tình xin ra đi tìm người yêu. Già làng nói; “Nường Mây ơi sao con lại dại dột như con chim không biết hướng, con thú chẳng nhớ lối về. Con có biết lời nguyền từ bao đời chưa một ai dám bước qua nên con chẳng bao giờ bước qua được ngọn núi thứ chín đâu. Chỉ khi nào cả bản rời xuống chân núi thì lời nguyền mới được giải. Ta thương con nhưng chỉ có thể khuyên con nên ở lại bản làng sinh con và nuôi cho nó khôn lớn. Dân bản và núi rừng sẽ nuôi nấng che chở cho mẹ con con. Con đừng có dại dột như con nai con hoẵng non mà đi tìm con người bội bạc đó, lời nguyền sẽ ứng ngay thôi ”. Nhưng không thể kìm được nỗi lòng sâu nặng yêu thương Nường Mây một mực xin già làng giúp cho nàng được đi tìm người yêu. Biết không ngăn cản được người con gái trong trắng và dại dột đó già làng cho Nường Mây con ngựa to khỏe nhất đàn để nàng ra đi.
Nường Mây ngày đêm vượt suối băng rừng với bụng mang dạ chửa mặc đói khát hành hạ, mặc gai cào đá toạc, mưa chan nắng đổ. Sau ba mùa trăng mờ tỏ nàng đã đặt chân lên ngọn núi cuối cùng, lúc đó trời cũng vừa hoàng hôn. Khi mặt trời bắt đầu xuống núi cũng là lúc Nường Mây trở dạ. Sau những cơn đau xé lòng là tiếng khóc oa oa chào đời của đứa con thân yêu. Như được tiếp thêm sức mạnh nàng bật dậy đỡ lấy con mình. Nường Mây cởi tấm áo rách quấn cho con và đứng lên nhìn về phía trước. Nường  Mây sững sờ trước một không gian mênh mông trước mặt. Dưới chân nàng là trùng trùng sóng lúa và biển khơi trải xa tít tắp đến vô cùng vô tận. Nàng chợt nhận ra là già làng đã nói đúng, nàng không bao giờ tìm được người yêu trong cõi xa xanh phẳng lặng vô biên kia. Một nỗi đau đớn trào dâng, đôi chân Nường Mây cứng dần lại, nàng bắt đầu hóa đá. Nường Mây khóc nức nở khi nhận thấy lời nguyền xưa ứng nghiệm, đứa trẻ trong tay nàng cũng dần tắc nghẹn tiếng hờn, nước mắt nàng tuôn chảy trong ánh hoàng hôn đỏ chói. Bầu trời chợt sáng bừng lên, ánh cầu vồng bảy sắc hiện lên trên đỉnh núi thứ chín. Nửa thân hình Nường Mây đỏ rực như khoác chiếc áo choàng lửa. Do vậy cho đến tận bây giờ mỗi khi hoàng hôn buông xuống một nửa thân hình người thiếu phụ bồng con lại đỏ rực một màu. Người ta bảo đó là màu của nhớ thương mong đợi, có người bảo đó là sự hối hận của đất trời đã gây oan nghiệt đối với nàng. Còn dân bản Mường Bông lại nói đó là sự tức giận của tổ tiên đối với người dám bước qua lời nguyền. Cảm động trước nỗi đau khổ thấu tận trời xanh của Nường Mây, dân bản đã rời thung lũng Hoa ban xuống lập bản mới dưới chân núi thứ chín để giải lời nguyền xưa. Từ đó tới nay trai gái bản Mường được tự do đi xa về gần và được yêu thương cả những người cách ba sông bảy núi.

                                        *      *      *
Trong một đợt anh đi thực tế sáng tác tìm cảm hứng mới cho tranh nghệ thuật cô đã đưa anh từ thành phố lên ngọn núi Nường Mây, thăm bản nhỏ yêu dấu mà tuổi thơ cô đã từng gắn bó. Nhưng đâu còn rừng núi xanh rì và dòng suối thơ mộng. Con suối Mường sa đã bị chặn ở đầu nguồn, đất bản Mường Bông chỉ còn trơ cằn sỏi đá, cây cối khẳng khiu thưa thớt chĩa cành lên trời. Đàn ông trong bản đi làm ăn xa hết chỉ còn lại trẻ con người già và những phụ nữ ốm yếu. Người bản Mường Bông lầm lũi cặm cụi trên những đồi hoang tạp kiếm củi. Những người đàn bà mặc váy đen, đội khăn chàm chân đất, ngón chân tòe ra như chân chim bám vào vách đá, suốt ngày họ đào bới tìm sự sống giữa đất cằn. Lũ trẻ con nhem nhuốc lốc nhốc cả ngày lê la đất cát không được tới trường. Đâu đó thỉnh thoảng tiếng mõ trâu lốc cốc vọng về gợi lại niềm khắc khoải năm tháng xa xưa bản Mường Bông đẹp như miền cổ tích. Anh ngỡ ngàng: “Những điều em kể đâu cả rồi?”. Cô xót xa: “Những trận mưa rừng, lũ quét và chủ yếu là sự tàn phá của con người đã biến bản Mường thành xơ xác nghèo đói. Nhưng anh hãy nhìn kìa…” Cô chỉ lên ngọn núi: “Nường mây vẫn còn đó. Tình bản Mường luôn gần gũi gắn bó với em!”
Anh lặng đi trước bức tượng đỏ rực trong hoàng hôn rồi cây cọ trong tay anh đưa lia lịa. Trong một thoáng tấm toan trắng đã hiện hình người thiếu phị bằng đá đứng ôm con trong nắng chiều tím lịm, đôi mắt mênh mông dõi về xa. Chiếc áo choàng qua vai thiếu phụ phủ xuống đứa bé hắt lên màu đỏ rực. Anh đặt tên cho bức tranh là VẠT ÁO CHIỀU. Cô ngỡ  ngàng, anh mỉm cười: “Em có biết tại sao anh lại đề tựa cho bức tranh là Vạt áo chiều không? Khi người đàn ông và người đàn bà sống với nhau chẳng khác gì như hai vạt áo phấp phới. Những đứa con là những chiếc khuy áo cài hai vạt áo lại với nhau thành một gia đình đầy đủ. Người đàn bà hóa đá này là một vạt áo lẻ loi giữa chiều tà vì mẹ con nàng không có người đàn ông nương tựa. Màu áo của nàng đỏ rực là màu của khát khao và hờn oán ”. Cô rùng mình khi nghe những điều anh nói, chẳng cần nhìn sâu vào đôi mắt anh như mọi khi cô vẫn hiểu nỗi niềm của anh. “Anh ơi rồi đây em sẽ tặng cho anh những chiếc khuy áo xinh xắn để chúng cài anh lại với em”.
Anh đã lập gia đình gần chục năm mà chưa được làm bố. Sự hiếm muộn khiến cho cuộc sống chung giữa hai vợ chồng rệu rã gượng gạo. Anh buồn phiền gắng gượng, chị quắt queo héo mòn. Trong một lần đi thực tế anh đã gặp và yêu say đắm vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng thôn nữ của cô. Còn cô cũng yêu anh bằng tất cả cuộc đời mình, yêu sự gian truân phong trần, yêu lòng nhân hậu và cả những điều phiền muộn nơi anh. Sau lần đưa anh về bản Mường hai tháng cách xa làm cô nhớ anh đến quay quắt. Khi phát hiện ra mầm sống đang từ từ lớn lên trong lòng cũng là lúc cô nghe tin vợ anh đã xin một đứa con nuôi. Vừa bàng hoàng xót xa, vừa nhớ thương hy vọng cô tìm về thành phố âm thầm đến đứng dưới gốc cây trước cửa nhà anh trong một buổi tối mùa hè. Trong nhà điện sáng trưng soi rõ những giò phong lan tươi tắn đung đưa trong gió. Đó là những giò phong lan anh và cô tìm được ở bản Mường Bông. Phòng khách mở rộng, người giúp việc đang cặm cụi lau chùi dưới bức tranh Vạt áo chiều lồ lộ rực rỡ. Vạt áo chiều của anh đã đạt giải A trong cuộc triển lãm tranh nghệ thuật khu vực vừa qua. Nhiều người, nhiều tổ chức đã đòi mua với giá cao nhưng anh không bán. Có tiếng trẻ con cười vọng từ trên phòng xuống, tiếng anh vui đùa nựng nịu con, tiếng vợ anh nhờ chồng pha sữa, tất cả vui vẻ rộn rã như một bản hòa tấu hạnh phúc gia đình. Cô chợt hiểu nỗi bẽ bàng của thân phận mình khi chợt hiểu ra rằng đứa trẻ kia chính là chiếc khuy áo cài chặt anh và chị lại. Nó là sự kết nối hạnh phúc, là sự tái sinh tình yêu cuộc sống của vợ chồng anh. Cô không thể khóc, chỉ biết cắn chặt môi ngẩng đầu nhìn lên vầng trăng đang khuyết.
Bẩy năm sau.
Có một người họa sĩ tóc tiêu đeo giá vẽ lặn lội tìm về bản Mường Bông. Không còn cảnh hoang tàn xưa cũ, người khách ngỡ ngàng trước bạt ngàn màu xanh của những đồi cây ăn quả, những rừng hòe, rừng cây lấy gỗ nối nhau liên tiếp. Những giống cây ăn quả của đồng bằng châu thổ sông Hồng như đu đủ, khế, na, táo, ổi…chen chúc nhau xum xuê trĩu trái. Con trai, con gái bản Mường khỏe mạnh gọn gàng trong những bộ quần áo lao động. Hết ngày làm việc họ lại tụ tập hò hát vui vẻ. Dân bản lấp lánh những ánh mắt vui sướng khi kể cho anh nghe chuyện thay đổi của bản. Cách đây bảy mùa nương rẫy có người con gái ngày xưa được sinh ra và lớn lên tại nơi đây đã bụng mang dạ chửa ngược gió trở lại với bản mường. Người con gái ấy đã mang mầm cây, hạt giống từ quê nội lên ươm trồng, dạy cho dân bản làm vườn, thu nhập từ cây quả. Cô còn khuyên nhủ mọi người cho trẻ con đến trường, đàn bà trong bản gọi chồng về chăm sóc cuộc sống gia đình. Cô gái đó đã ngoài ba mươi tuổi và hiện đang làm chủ tịch xã Mường Bông. Dân làng còn nói: “Anh chưa thể gặp chị ấy được vì chị đang cùng đám trai làng ngược qua chín ngọn núi vào thung lũng Hoa Ban tìm cách đưa dòng suối Mường Sa về với bản. Dân bản Mường Bông ta ai cũng quý và thương chị ấy. Lên với bản đã bảy mùa rẫy. làm nhiều việc tốt cho dân bản rồi mà chị ấy vãn chưa hết nhớ về xuôi. Những lúc rối chiều chiều chị lại dắt con ra đầu bản nhìn hoàng hôn đỏ thắm buông xuống ngọn núi Nường Mây như nhớ về một chốn xa”.
                                               Hòa Bình – Hà Nội hè 2006







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét