Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

GIỮ NHỮNG MÙA XANH

TRẦN NGUYÊN VẤN



          Hôm mồng 6 tháng giêng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) cách Bách Thuận theo đường chim bay chừng 100 km, chúng tôi được dự lễ tế cờ tại đền thờ Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết, khi đứng lên khởi nghĩa chống bọn thống trị nhà Hán, ngày mồng 6 tháng giêng, Hai Bà làm lễ tế cờ để hôm mồng 7 khao quân trước khi ra trận. Giữa mùi hương trầm ngào ngạt, mười cô gái đầu chít khăn đỏ, mặc áo dài đủ các mầu vàng, đỏ, xanh, lục, người bưng tráp có lồng kính đựng đôi hài, người thành kính dâng hương thơm trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhị, tiếng chuông.
          Hai hôm sau chúng tôi được dự lễ tế ở đền thờ bà Hồ Đề, một nữ tướng của Hai Bà Trưng tại xã Tràng Việt ngoài đê sông Hồng, bên cạnh xã Mê Linh. Không khí trang nghiêm gợi nhớ những năm tháng hào hùng xa xưa của đất nước. Chúng tôi xúc động nổi gai lên khi cúi đầu mặc niệm.

          Về Bách Thuận lần này vào dịp trung tuần tháng giêng, anh bạn cao tuổi của chúng tôi đọc bản chữ Hán rồi dịch ra cho chúng tôi  nghe những sắc phong của thời vua Lê Cảnh Hưng, thời vua Nguyễn Quang Toản và một số vua triều Nguyễn cùng cuốn thần phả ghi lại sự tích của công chúa ả Lữ Phương Dung, một vị tướng của Hai Bà Trưng những năm 40 đầu công nguyên.
          Lập đền miếu thờ các vị anh hùng dân tộc, những người có công đánh giặc ngoại xâm là một trong những biểu hiện đẹp đẽ của lòng yêu nước và lòng biết ơn của nhân dân ta. Theo cuốn thần phả ấy thập đạo tướng quân Lê Hoàn trước khi đi đánh bại quân Tống đã có một đêm nghỉ lại trong miếu thờ ả Lữ Phương Dung ở Thuận Vy trang. Lê Hoàn đã khấn công chúa phù hộ cho đạo quân của mình đánh thắng quân xâm lược nhà Tống và ông hứa khi trở về sẽ có những sắc phong cho ngôi miếu...
          Thuận Vy trong thuở xa xưa ấy, làng Gòi bên kia sông và xã Bách Thuận ngày nay trải qua bao sự biến đổi của đất đai sông bãi, qua bao biến thiên của lịch sử vẫn mang trong lòng mình ngọn lửa thiêng liêng của lòng yêu nước. Giặc đến nhà trẻ già đều đánh, các thế hệ nối tiếp nhau đứng lên đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Các đồng chí Nguyễn Kim Điện, Nguyễn Như Việt và nhiều người con của Bách Thuận có mặt trong suốt mấy cuộc chiến tranh. Một vinh dự cho gia đình anh Điện, năm 1970, đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn đã đến thăm ông bà thân sinh anh.
          Cây đa cổ thụ và ngôi chùa bên cạnh con đê làng đã chứng kiến bao lần ra quân của các chiến sỹ Bách Thuận. Nhiều bậc cha mẹ, nhiều người vợ, người yêu, nhiều đứa con lưu luyến tiễn đưa người thân ra trận. Có anh thanh niên vốn nghịch ngợm từ bé trèo lên ngọn đa, bò ra xa bíu lấy cành nhỏ mà đu, cành đa vốn rất dai, rồi buông tay nhảy ùm xuống ao trước con mắt ngơ ngác của dân làng. Nhiều người tưởng anh tìm cách bỏ trốn. Đồng chí xã đội dẫn quân lên giao cho huyện lo thiếu quân. Nhưng không, chỉ một loáng anh đã chạy về nhà thay bộ quần áo mới trở ra đứng vào hàng ngũ cùng anh em hăng hái lên đường. Những năm giặc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lớp lớp chiến sỹ Bách Thuận đi chiến đấu. Nhiều người vừa ở quân đội trở về làng xung phong tái ngũ. Nhiều bố mẹ tiễn hết đứa con này đến đứa con khác cho đến đứa con trai cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Nhị, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Bồng thời chống Pháp, cho cả bốn con tai là Ngát, Cầm,Thân, Xiêm vào bội đội.
          ở tuổi ấu thơ, bốn anh em Trần Quang Khôi trải nhiều gian nan cơ cực. Mẹ mất sớm, bố bị giặc Pháp bắn chết trên bãi sông Hồng trong trận càn ngày 14/03/1949. Bốn anh em được vợ chồng người bác nuôi và tự đùm bọc lấy nhau. Năm 1950, một đơn vị bộ đội về đóng trong làng. Tuy nhỏ tuổi, nhưng nhớ đến mối thù giặc Pháp, Khôi xin anh chỉ huy được lên đường. Đơn vị bơi qua sông Hồng, Khôi cũng bơi theo. Còn bé, Khôi giúp các anh làm cấp dưỡng. Lớn lên một chút, Khôi làm liên lạc, rồi trở thành anh vệ quốc đoàn tham gia chiến đấu và bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp bước anh, ba người em trai đều đi chống Mỹ. Nhà nghèo có hôm phải nhịn đói đi học, nhưng Trần Xuân Lập vẫn ham học và chịu khó. Năm 1963, đang học lớp 7, Lập cùng bạn bè ở trường xung phong đi bộ đội. Trở thành chiến sỹ pháo binh, anh chiến đấu bên cạnh các chiến sỹ Pathét Lào ở Khăm Muộn và bị thương. Điều trị xong, Lập học tường sỹ quan rồi vào Nam chiến đấu. Một đêm tháng 10/1973, đại uý Trần Xuân Lập hy sinh trong một trận chỉ huy chống càn. Trần Quốc Tuấn, đứa em út của Khôi mới 17 tuổi đã tình nguyện vào hải quân. Trở thành chiến sỹ trinh sát đặc công, Tuấn chiến đấu và hy sinh ở miền Nam năm 1968.
          Chiến tranh bao giờ cũng là sự thử thách lớn lao của cả dân tộc và của mỗi con người. Phải vượt lên trên tất cả những thử thách ấy để đứng vững. Chính trong những hoàn cảnh khốc liệt ấy đã nảy sinh những hành động thấm đượm chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phạm Xuân Cự, con của bác Phạm Văn Soạn đội 20 vào bộ đội năm 1963. Trong hút bom sâu, thần kinh căng thẳng, với tất cả nhiệt tình và trí thông minh của mình, Cự tìm cách phá bom nổ chậm của Mỹ. Mỹ gieo chết chóc, Cự đi diệt cái mầm chết chóc đó. Trong giây phút căng thẳng ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết còn nhỏ hơn sợi tơ tằm quen thuộc ở quê nhà. Cự khôn khéo diệt từ trong trứng cái mần tội ác. Anh đã phá được 14 loạt bom nổ chậm của Mỹ. Trong lần phá bom gay go nhất, anh mặc một bộ quần áo mới. Với nét mặt trầm tĩnh, Cự đứng với đơn vị đang làm lễ truy điệu anh trước khi anh đi vào mặt trận thầm lặng. Cự thanh thản trong bộ quần áo mới như Nguyễn Văn Trỗi thanh thản trong bộ quần áo trắng khi bước ra pháp trường. Qủa bom nằm dưới đất sâu kia bao giờ sẽ nổ? Anh sẵn sàng nhận sự hy sinh để cứu đồng chí, đồng bào. Trong giờ giáp mặt với cái chết, cái phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ được bộc lộ một cách rõ nhất. Cũng chính trong lần phá bom thứ mười lăm ấy, Phạm Xuân Cự đã anh dũng hy sinh.
          Giữa tuổi 21, Nguyễn Đình Tân ngã xuống trên vùng Do Mỹ, huyện Do Linh. Trịnh Văn Phủng, người con trai độc nhất của cụ Trịnh Văn Giang, chủ tịch mặt trận xã hiện nay hy sinh trong khi anh đang hộ tống những đồng chí thương binh về bệnh viện. ác liệt gian khổ mỗi nơi, mỗi lúc có khác nhau, đòi hỏi mỗi người chiến sỹ phải bền bỉ vượt lên để giữ vững tinh thần.
          Trong những năm đánh Mỹ, tôi đã từng sống với nhiều đơn vị trong đó có đơn vị của Phạm Văn Thưởng ở chiến trường Trị Thiên Huế những năm sau mùa xuân 1968. Đó là những ngày máy bay lên thẳng của sư đoàn kỵ binh bay và lính thuỷ đánh bộ Mỹ luôn luôn đánh phá cả rừng núi, đồng bằng, giáp gianh. Máy bay B52 dội từng thảm bom dài. Bên cạnh cái ác liệt của bom đạn, việc đói cơm và thiếu muối đe doạ người chiến sỹ hàng ngày. Mọi người một mặt phải nhường nhau từng nắm rau rừng, từng viên thuốc chống đỡ vơí bệnh tật, mặt khác phải lo phát rẫy, gùi gạo, trồng sắn, trồng ngô để đứng vững trên tuyến giáp ranh, thọc vào hậu cứ địch những đòn hiểm cho đến ngày toàn thắng.
          Từ giã bến đò Thuận Vy bên sông Hồng, những người con của Bách Thuận đến với những dòng sông của cả nước. Người canh giữ cầu Long Biên và bầu trời Hà Nội, người bám trận địa sông Cấm Hải Phòng, người lo bảo vệ cầu Hàm Rồng trên sông Mã, người giữ cảng sông Gianh, người kéo tên lửa đến bên dòng sông Thạch Hãn, người đánh tầu giặc trên sông Hương, người lặn lội trên sông Thu Bồn lo chống càn, sông Pô Cô, sông Tây Ninh, sông Bé, sông Vàm Cỏ, Tiền Giang, Hậu Giang... khắp mọi nơi người dân Bách Thuận đều góp phần xương máu của mình đánh đồn, diệt ác, đánh phá “bình định” của giặc. Thật khó khăn mà kể hết chiến công trong những năm đánh Mỹ của 1176 quân nhân Bách Thuận trên các mặt trận từ Bắc chí Nam và trên cả chiến trường các nước bạn.
          Người Bách Thuận đi chiến đấu không lúc nào nguôi nhớ về quê hương. Trong chiến tranh, hậu phương bao giờ cũng là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi ở tuyền tuyến. Các anh nhớ về những con đường làng dịu toả bóng táo, bóng ngâu, nhớ những bãi dâu mùa nước nổi... và trước hết là khuôn mặt người thân. Cạnh con suối chảy róc  rách giữa rừng già, nhiều chiến sỹ trẻ lấy một gói hoa ngâu khô lâu nay cất kỹ trong ba lô chuyền cho bạn bè thưởng thức mùi hương ngan ngát rồi say xưa nói về làng mình, về người yêu cùng những dự định tương lai... Giữa hai trận đánh, ánh mắt người chiến sỹ trở lên xa xăm khi nghĩ về đứa con mà anh chưa biết mặt. Gìơ này, vợ anh chắc đã gửi con vào nhà trẻ và đang bận rộn với những nong tằm ăn rỗi... người ở tiền tuyến lắng nghe qua Đài tiếng nói Việt Nam tin từng cơn bão đổ vào đồng bằng Bắc bộ, về đợt gió mùa đông bắc, tin cơn lũ sông Hồng với những thắc thỏm lo âu...
          Cơn bão lớn năm 1968 vừa tràn qua, nước ngập ngay vào xã. Nhiều vườn cây ăn quả bị chết rũ. Lại mùa lũ năm 1971, trận lũ hàng chục năm trời mới có. Nước ngập cả mái nhà, nóc nhà trong xã. Giặc Mỹ mấy lần ném bom bi, bom xuyên vào làng. Mọi hậu quả của bão lụt, của chiến tranh dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ đảm đang ở hậu phương.
          Làm sao nói hết tấm lòng của mẹ trong đêm chia tay con. Mẹ bảo ngày xưa con mẹ ra trận, đến một vùng đất xa xôi mà mẹ chưa từng biết tới. Đứa con 17, 18 tuổi của mẹ đôi gót đỏ hồng chưa hề quen với gai góc, sỏi đá... sẽ xông vào mũi tên hòn đạn của nhiều trận đánh và có thể nằm lại ven rừng góc biển hay một thành phố nào đó... Mẹ vẫn giục con yên tâm ra đi, cố theo kịp đồng đội, đừng làm điều gì để bố mẹ và làng xóm phải hổ thẹn.         
          Ngày chống Mỹ, chợ Thuận Vy họp phân tán trên các con đường làng. Mẹ vẫn quen đội các thúng táo, thùng dâu, các bó khoai nước ra chợ. Nhà neo người, quen tính hay lam hay làm mẹ chẳng nề thức đêm chăn tằm, nuôi lợn. Nguyễn Thị The, người con gái đất Trung Hoà tiễn chồng đi bộ đội lúc hai mươi tuổi. Trong từng gánh đất đắp ụ súng ở Việt Hùng, trong những ngày đêm đi trực chiến của chị Nguyễn Thị Hoà cùng bao nhiêu chị em khác, tình cảm đối với chồng đi xa tăng thêm sức mạnh cho các chị. Cũng như chị Phạm Thị Nữ và vợ liệt sỹ Ngô Văn Luyến, chị The gắng công tác ở địa phương và nuôi dạy con. Chị trở thành đảng viên cộng sản và liên tục được bầu làm uỷ viên ban quản trị hợp tác xã bốn khoá liền, đồng thời là uỷ viên ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã. Năm 1968, đồng chí Trịnh Xuân Phong, chồng chị hy sinh ở miền Nam. Đứa em trai duy nhất của anh chị được chị nuôi dạy đã trưởng thành giờ đang học ở cộng hoà dân chủ Đức. Thấm thía nỗi đau xót của một thời nô lệ và những ngày chết đói năm 1945, những ngày giặc Pháp chà xát khi chúng tạm chiếm trở lại, những người dân Bách Thuận thúc dục người thân cầm súng đi đánh Mỹ.
          Gia đình bà Cầu, ông Hiểu có bố là liệt sỹ chống Pháp, con là liệt sỹ chống Mỹ. Còn biết bao gia đình khác ở Bách Thuận như gia đình các ông Nguyễn Đình Thiệp, Nguyễn Đình Khiêm, Phạm Văn Kỷ, Phạm Văn Khoát, Nguyễn Như Thoại, Nguyễn Văn Trai...các bà Trần Thị Diệu, Trịnh Thị Phê... đã cống hiến cho tổ quốc những đứa con yêu quý của mình. Mỗi người ở mỗi ngành đều thấy có công sức mình đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Một cân thóc, một lứa kén... cũng như một bản thiết kế cầu cống, một công trình nghien cứu tầng điện ly, một bài giảng trên lớp, một ca mổ  thành công trong bệnh viện... tất cả giống như những lớp phù sa bồi đắp thêm cho vẻ đẹp vật chất và vẻ đẹp tinh thần của quê hương.
          Mấy mươi năm trước, người Bách Thuận phải tha phương cầu thực. Nhiều người phải đau đớn rời bỏ quê hương đi làm phu mỏ, phu đồn điền cao su ở Nam Kỳ, phải ký giao kèo đi phu ở Tân Thế Giới. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ở Tân Thế Giới những người dân Bách Thuận xiết bao vui mừng và cảm động khi được biết đồng chí Vũ Hoàng vị đại diện của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sang đón Việt kiều về nước lại chính là người làng mình. Lá rụng về cội. Những con chim lìa tổ lại từ giã đất khách quê người trở về nơi chôn rau cắt rốn. Các bác Nguyễn Văn Đổng, Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Văn Thiều, những Việt kiều về nước ngày ấy cũng đều có con đi bộ đội chống Mỹ và đã hy sinh vẻ vang cho đất nước.
          Đến thăm gia đình cụ Phạm Văn Phê, tôi lắng nghe người cha đã tám mươi tuổi nói về hai liệt sỹ con của cụ là Phạm Bá Thăng và Phạm Văn Nghinh hy sinh ở miền Nam. Hôm nhận được giấy báo tin Phạm Bá Thăng hy sinh ở miền Tây Quảng Trị, chính là lúc cụ đang đi vận động tuyển quân. Lòng đau xót nhưng cụ vẫn bình tĩnh vừa lo sắp xếp cho các cháu ra trận, vừa lo mời các bà các chị đến để an ủi cụ bà lúc nghe báo tin con hy sinh.
          Năm trăm cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân từ các chiến trường chống Mỹ trở về hiện nay đã trở thành lực lượng lòng cốt trên mặt trận mới ở quê nhà. Hầu hết các đồng chí đảng uỷ viên của Bách Thuận có từ hai, ba đến mười năm hoạt động ở các chiến trường đánh Mỹ. Đằng sau cái tên của mỗi đồng chí bí thư chi bộ, của mỗi uỷ viên hội đồng nhân dân xã... là những năm tháng gian khổ và oanh liệt.
          Giữa trăm nghìn công việc ngổn ngang và phức tạp của làng nước, đảng bộ Bách Thuận đoàn kết nhất trí, tìm ra những phương thức quản lý kinh tế tốt nhất để xây dựng xã vững mạnh, lo cho gần một vạn mốt dân một đời sống ngày một tốt hơn.
          Hai mươi bảy liệt sỹ chống Pháp và hai trăm ba mươi bảy liệt sỹ chống Mỹ của Bách Thuận đã nằm lại trên nhiều vùng đất của tổ quốc và hoà vào trong màu xanh bất tử của đất nước, của quê hương hôm nay trong cây vườn dâu bãi.
          Giữa các sắc màu của lúa, dâu, táo, ngâu, nhãn, vải, cam, quýt... của Bách Thuận, tôi bắt gặp lại ngọn lửa yêu nước dấy lên từ thời Hai Bà Trưng. Ngọn lửa thiêng liêng truyền qua chín năm chống Pháp, hai mươi năm chống Mỹ và đang rực cháy lên trong mỗi trái tim của mỗi người dân đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đây.
          Chính lúc những người con của Bách Thuận vượt Trường Sơn chia lửa với các chiến trường chống Mỹ ở miền Nam thì bác Phạm Hồng Thấm, người cộng sản đầu tiên của xã, một trong những đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Thường vụ xứ uỷ Nam kỳ những năm 1940, đã vượt Trường Sơn ra Bắc. Bác Thấm là người có công lớn trong việc xây dựng Đảng bộ Minh Hải. Bác Thấm cũng đã từng bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong những năm đen tối dưới thời Mỹ Diệm. Năm 1971, vợ chồng bác được Trung ương cục cho ra Bắc chữa bệnh, và bác đã mất ở bệnh viện Việt Xô. Những thế hệ con em của bác, của Bách Thuận đang tiếp bước bác, quyết tâm xây dựng và giữ gìn những mùa xanh của quê hương đang không ngừng sinh sôi nảy nở.


                                                                                      Bách Thuận, 4/1982

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét