Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

MÀU XANH BÁCH THUẬN


Tôi vào chợ Thuận Vy. Gạo đầu mùa, nếp, rau, thịt, cá, trứng... ê hề. Bánh nếp, bánh chưng, bánh khoai, bánh bèo, phở, mỳ...đông đảo khách xúm vào mua và ăn tại chỗ. Cái chợ là hình ảnh tập trung nhất của nền kinh tế, văn hoá của một địa phương. Chợ Bách Thuận thu hút về mình  sản vật và kẻ bán người mua hàng của hai mươi xã xung quanh, kể cả những xã ở bên kia sông Hồng. Tôi vào chơi một số nhà. Nhà gạch hầu hết cả xã. Giường hộp, tủ đứng, tủ chè, bàn nghế bóng loáng vecny. Nhà nào cũng phong quang. Cách tiếp khách lịch sự. Tranh tứ bình mai, lan, trúc, cúc nhắc cho khách nhớ lại thiên nhiên mà khách đã quên trong lúc quá lo cơm áo gạo tiền.

TRINH ĐƯỜNG

Nhà thơ Trinh Đường
Hình như tôi hay ai có viết một câu thơ đại loại thế này: “bốn mùa trời đất thảy là xuân”. Thời tiết nước ta rõ rệt nhất là mùa nóng và mùa rét. Ngoài ba tháng đầu năm, mùa xuân biểu hiện một số ngày trong các mùa khác, thực tế xuân cả bốn mùa chỉ có trong thơ văn.
          Tôi về thăm Bách Thuận vào tiết manh đông một ngày trở trời áp xuất nhiệt đới thổi gió mùa đông bắc về, trời bỗng lạnh, nhiệt độ đột ngột tụt xuống từ 21 đến 15 độ C. Từng luồng gió lạnh tinh nghịch lật mặt nâu của lá táo lên và rung những cây cam, cây quýt xém quả cố bám chặt cành không. Gió mang theo mưa phùn chạy từ vườn nọ sang vườn kia dẫn theo hơi lạnh se se đầu cữ rét, chưa đủ sức đánh bạt đi cái ấm áp của những ngày qua. ở đây không có sự giao thừa giữa các mùa, giữa những ngày dâm trời và nắng nỏ, sự tranh tối tranh sáng giữa ngày và đêm cũng bị mờ lẫn bởi màu xanh cây cối, nhất là trong đêm trăng. Tôi từng cố gắng đưa thiên nhiên vào nhà qua một chái hiên nắng tây gay gắt, nên càng quý yêu màu xanh Bách Thuận.

          Không phải tôi đi vào làng mà đi vào cái biển xanh màu xanh bát ngát. Hoa ngâu đưa khách đi từ cổng đến cuối làng và dẫn vào các ngõ to, ngõ nhỏ. Chính vụ hoa ngâu tháng năm và mùa phụ tháng bảy đều đã qua, nhưng “nụ cười như đoá hoa ngâu” vẫn còn lác đác e ấp môi cười trong lá. Ngỡ là hoa ngâu hoá là táo. Táo chiếm lĩnh bầu trời Bách Thuận. Táo xum xuê các vườn, táo lợp kín trời, táo che kín đất, táo toả mát sân, táo vào vườn trẻ. Đâu cũng táo và hương hoa táo. Do mấy cơn bão đầu mùa nên năm nay táo ra hoa muộn, nhưng vẫn sung sức như mọi năm. Táo đã gọi và ong đã tìm về đây từ những lứa hoa đầu. Những chồi tơ nảy lên từ buổi chặt cành hồi đầu năm, đang phát huy thế lực. Chồi vươn tới đâu, hoa nở tới đó, hoa nở cánh đến đâu, mật hoa tiết ra tới đó. Cả một xứ hoa, cả một vương quốc của ong mật tháng mười. Đúng là trên trời dưới táo. Từ cây táo hàng trăm tuổi nhà ông Biều cùng tuổi với làng đến cây táo một đôi lứa mới trồng để kỷ niệm tân hôn. Từ cây táo xà xuống sông Lắng Sa đến cây táo xoè mở hàng trăm cành ngay từ dưới gốc chiếm cả sào đất nhà bà C. Từ cây táo thuần chủng bứng ở một gò đất Nam Định về đến loại táo xoan vừa nhập vào hộ tịch làng cách đây không lâu...và tưởng chỉ là ngâu và táo. hoá ra lại có dâu tằm. Dâu vườn cho lứa tằm ăn mốt, dâu b•i cho lứa tằm ăn lên. Dâu hàng cuối mùa được vít ngọn buộc vào nhau cho khum xuống để dâu tức nảy lên loại lá cuối cùng. Và không vườn nào không trồng cam, trồng quýt, trồng trứng gà, trồng ổi... và khá nhiều luống rau mùa này mở đầu cho vụ cải bắp xu hào tiếp theo...
          Làng vườn bát ngát vườn, mênh mông vườn, liên tục vườn, bất tận vườn. Vườn ôm nhau, bá vai nhau, sát cánh nhau dàn trải dọc sông Hồng một màu xanh như nước chảy. Hơn một trăm hecta ruộng cấy lúa, hai trăm bảy mươi hecta bãi dâu không làm mờ nhạt trong tôi cái ý niệm làng vườn ở đây. Từng ngọn đuốc trời bất tận từ mọi chốn dâng lên, hoà nhập vào nhau thành một ngọn lửa xanh mênh mông mát dịu đem lại cho tôi một mùi vị thuốc trường sinh, một cảm giác cải lão hoàn đồng. Tưởng như nơi đây sự sống đã loại cái chết ra ngoài. con ve không lột xác, cụ già tóc bạc lại xanh... Người thành phố chỉ thấy màu xanh trên vôi quét tường, trên áo quần, trên bức tranh... ít tiếp xúc với màu xanh sống động của thiên nhiên. Bên sự thiệt thòi về sinh học, họ thiếu một nơi di dưỡng tính tình trong bụi bặm nhân sinh. Vô tình tôi trở thành người tham lam: hối hả thở hít khí trời, hối hả hoà mình vào màu xanh Bách Thuận và hối hả náu mình trong tịch mịch để suy tư...
          Lịch sử loài người ở đâu cũng bắt đầu từ những dòng sông. Cái nôi văn hoá ở kỷ nguyên nào cũng có một dòng sông chảy qua, được đu đưa theo âm điệu dòng sông ấy. Cái làng cũng vậy. Trước tiên là nơi đứng chân: đất. Đất làng Bách Thuận sinh từ nguồn máu mẹ sông Hồng. Đứa con được trưởng dưỡng thành một công dân rồi mà trong cái bọc sinh nở, máu mẹ vẫn còn ròng ròng, sông Hồng vẫn triền miên chảy bên cạnh mảnh đất buổi đầu bơ vơ lạc loài này bị bỏ quên trong hoang dã và nắng mưa thui thủi. Trong cái luật đổi dời khắc nghiệt của tạo vật và trong dâu bể của các dòng sông, một số làng cũ bị lũ cuốn đi ở bờ này, mang sang bồi đắp ở bờ kia thành những làng mới. Một người con trai thấy dân làng Gòi của mình mất chỗ đứng chân, hàng ngày ra bờ sông nhìn sang phía bên kia sông. Trong đầu anh hằng vang lên tiếng ì ùm của những tảng lớn của ruộng vườn, của nền nhà từ thời ông bà để lại, do con sông Vị Hoàng mới đào xói nở, rơi tõm xuống trận lũ mất tích, mất tăm. Và anh đánh liều vượt sông với một nỗi buồn không nguôi và một quyết tâm không gì lay chuyển. Anh biết chuyến vượt sông của mình sẽ quyết định vận mệnh của cả dân làng. Anh không vội bàn trước với họ nhưng tin chắc lòng vả cũng như lòng sung. Bề ngoài anh là người chăn vịt. Cây sào dài buộc túm lá một đầu dồn vịt đi ăn khắp nơi trên bãi bồi. Bề ngoài anh cũng là người chơi diều. Có lẽ anh không khéo tay dán nên diều của anh hay rơi xuống đất. Vịt sục sạo tìm ăn giun dế, còn anh thì đi theo sục sạo tìm hiểu chất đất và đo đất. Diều bay theo gió nồm, gió nam, cái dây diều khi rơi thành chiếc sào đo đất đạc điền. Dân làng cạnh bãi đất mới bồi quen với tiếng vịt cạc cạc theo gió đưa lại và cánh diều như cặp sừng trăng nâu trên bầu trời tân tạo không hay rằng đó là một tiền đề cho một cuộc chọn đất lập làng. Người trai làng dũng cảm không dừng chân ở đấy. Đề phòng có gì lôi thôi về sau, người chăn vịt đương đêm rủ thêm một số trai làng qua sông đào giếng và lén chôn một số cối đá đã sâu lòng ở nhiều nơi. Sau đó là những cuộc vượt sông sang khai phá. Những trận giành làng, giành đất giữa hai bên. Bên kia huy động hết thảy trai tráng và nén tiền ra các vùng xung quanh thuê võ sỹ. Ông tướng Cao Vẻo đánh thuê cho họ nghênh ngang đi kiệu ra trận. Đội quân quyết tử của ông chăn vịt nấp sẵn ở bờ đê xông lên, dùng nứa vót nhọn đâm tướng Cao Vẻo đổ ruột. Tướng chết, quân tan. Bên bại trận tức quá kiện thấu ba toà quan lớn. Cái giếng nước, một số cối đá chôn sẵn từ trước và bốn cái nhánh gạo làm cột tiêu giờ đã thành bốn ngọn gạo là những chứng cứ hùng hồn xác nhận sự cư trú lâu đời, làm cho dân làng, ông chăn vịt được kiện. Từ đấy dân làng mặc nhiên xem ông là tiền hiền làng Thuận Vy, nay sát nhập với hai thôn Thuận Nghiệp và Bách Tính thành xã Bách Thuận. Không rõ ông có làm quan chức gì không, nhưng ông được dân làng suy tôn gọi ông là quan Trương...
          “Hối hôn, điền thổ vạn cổ chí thù”, hứa rồi không gả con, việc tranh giành ruộng đất, hai việc ấy đều dẫn đến một mối thù vạn cổ. Không biết số người vượt sông lập làng lập ấp phải đối phó như thế nào với dân làng bên cạnh, chỉ biết sau đó trên bãi bồi hoang vu nổi lên một cái làng và một dòng họ, họ Nguyễn lót chữ Đình.
          Tôi đã từng về quê sau hai mươi mốt năm đi tập kết. Xã Duy Mỹ của tôi là một hành lang dân công hoả tuyến, một con đường xuất phát của những đoàn quân, lại nằm cạnh con sông Thu Bồn nên bom đạn và lũ lụt chỉ để xót lại có hai phần mười dân số. Không còn lại dấu vết gì của thời thơ ấu và buổi dời làng ra đi. Góc vườn tôi đã có một vạn chài đến ở. Nền nhà cũ um tùm lau sậy còn mấy chùm bom chờ nổ. Cây mít xưa tôi thường nhặt lá làm mũ phường tuồng nhìn tôi như người khách lạ. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình quê vẫn là một. Tôi lấy tôi để hiểu bạn tôi trong những ngày anh về làng và nhận lại họ hàng.
          Mỗi người đều có cái nhà của mình, nơi ta được cắt rốn và cất lên đầu tiên tiếng khóc chào đời. Cái nhà ấy gắn liền với gia tộc và thổ cư, thổ cư lại gắn liền với thôn xóm, thôn xóm lại là một thành viên, một bộ phận hữu cơ của làng và làng đi đôi với nước thành làng nước. Đi trăm ga vẫn nhớ một ga đầu. Mỗi đời người có thể thay đổi nhiều lần địa chỉ bao gồm cái nhà và nơi cư trú, nhưng lòng ta vẫn không sao quên cái mái nhà và cái làng đầu tiên. Tình yêu một mái nhà, một cái vườn chính là tiền đề của tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Ngữ nghĩa đồng bào là cái rau chung, nhưng cái rau chung được hình thành bởi nhiều cái rau riêng. Máu Việt Nam cũng thế, sự phong phú của nguồn máu chung là do sự góp dòng của nhiều dòng máu riêng, dòng máu riêng của từng huyết hệ gia đình. Một người bà con làm nên danh giá, cả họ thơm lây, một người làm xấu, cả họ đau buồn, tủi nhục. Thói nhà, nếp nhà, nề nhà sinh ra từ đó và giữ cho mọi người đồng tộc trong khuôn phép nhà nước. Các cụ vẫn khuyên dặn con cái theo gia phong, không được làm điều gì để tiếng xấu cho gia đình và cố gắng học hành, trao dồi đạo đức để sau này giúp ích tối đa cho làng nước.
          Từ thời Lý, tổ tiên chúng ta đã ví một cách lãng mạng Hà Nội là một quả chín bám vào thân cây đại thụ là sông Hồng. Thực ra thì tất cả các làng ven hai bờ sông đều là trái quả của thân cây là dòng sông ấy như làng Bách Thuận. Vâng, làng Bách Thuận là một trái cây luôn ở trạng thái vừa chín tới. Nó mang trên cơ thể cường tráng hơn hai thế kỷ tuổi xuân lại vừa rất sơ sinh. Ký ước các cụ còn ghi cái bãi bồi hoang vu thời ông chăn vịt, lau sậy thổi nỗi buồn vô sinh ra khắp mặt sông. Một cơn mưa thoảng đầu nguồn, nước đã dâng lên ngập bãi, phơ phất dăm ngon lau gọi lên không vô vọng những chú vịt trời. Đất hầu như bằng mặt với thuỷ diện sông Hồng.
          Để bảo vệ đồn bốt đóng ở đầu làng, giặc Pháp bắt dân đào một cái hào dài dẫn nước sông Hồng vào, biệt lập thôn cư và nơi đóng quân của chúng. Không rõ có một tương quan nào không giữa cái hào xâm lược và chủ trương của các đồng chí có trách nhiệm ở xã. Đồng bào trong xã hiểu ngay một cách sâu sắc cái lợi trước mắt và cái lợi muôn đời cho con cháu, hết sức hào hứng hưởng ứng chủ trương này. Những ngày hội lao động. Hai cây đa chùa Từ Vân ở đầu làng tự giận mình không đủ bóng để che mát cho dân làng từ đầu đến cuối con sông Lắng Sa. Một phần triệu phù sa thừa thãi sông Hồng phân phát cho vô số nơi không cần thiết đã vào làng theo từng mùa lũ lụt, cộng với đôi vai vác đất từ đời ông đời cha cho chí đời con, trong suốt một phần tư thế kỷ đã nâng làng lên cao hơn trước cả một thước đất. Một thước phù sa. Một thước mỡ màu. Một thước tiềm năng và chiều dày sinh lực. Từ con sông chính xuyên qua làng, những con kênh nhỏ được đào thêm dẫn nước và dẫn phù sa vào từng vườn. Đứng trên cao nhìn xuống con sông Lắng Sa với tất các chi nhánh hình thành hình một cái xương cá. Trận lũ nghiêng trời năm 1971 còn để ngấn phù sa trên tường trên cột và lưu lại một khối lượng phù sa không nhỏ trong mỗi vườn. Phù sa bồi tụ thay đổi và cải tạo chất đất hàng năm. Nước tưới vườn đầy ắp quanh năm tháng ngày. Tôi đã từng thầm lặng xót xa cho một số vườn đồi trung du và bán sơn địa. Làm chủ tập thể như thế này ư? từng rãnh nhỏ rãnh to xẻ dọc từ trên xuống mỗi mùa mưa mỗi sâu hơn, khoét sâu vào lòng đất như những vết thương, như những nếp nhăn của cụ già gần kề miệng lỗ. Sự bào mòn của đất bắt đầu từ sự bào mòn tư tưởng và phương thức sử dụng đất đai. Vở kịch Cái vòng phấn Cô ca dơ của nhà viết kịch kiêm nhà thơ lớn Đức quán xuyến cái chủ đề trong một câu đại ý “quyền sở hữu của vật thuộc về ai là do người ấy đã làm cho vật nọ ngày một tốt đẹp hơn lên”. Có thể từ đó, nói theo một cách khác: “ Làm cho vật nọ xấu đi thậm chí phá hoại, là tự mình tước đi quyền làm chủ của mình”. Chúng ta gặp không ít những miếng đất đai, những cánh đồng cha chung không ai khóc nên trở thành vắng chủ, hơn thế nữa : vô chủ. Đất gày guộc như một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng lâu ngày, èo uột, rúm ró, chân tay lèo khoè, đi đứng không vũng. Những ông chủ kiểu này quay về chăm sóc đám ruộng, đám đất phần trăm, quay vòng đất đến chóng mặt, lấy đó làm lẽ sống cho cả nhà mình. Hoá ra là trong cái chung lại phụ, lại bỏ mặc cái chung.
          Ngoài một số ruộng bãi và dâu tằm, hầu hết xã Bách Thuận còn đất vườn. Hợp tác xã đã làm một con tính về số lượng các cây ăn quả và quy định đóng góp cho từng loại cây ở mỗi vườn, nhưng cái vườn thì vẫn là của người chủ vườn. Ai cũng thực sự làm chủ mảnh vườn riêng, rất riêng của mình nên ra công trồng trọt vun xới bồi đắp, không ngừng cải biến chất đất và giống cây trồng.
Tôi tìm hiểu cây cối và chất đất  nơi mảnh vườn tôi ở và đi thăm dăm bảy vườn ở một vài thôn. Độ đồng đều của màu diệp lục và sản lượng cây ăn quả làm tôi nghĩ đến một cuộc thi ngấm ngầm giữa màu xanh cây lá. Một cuộc chạy đua của rau quả qua các mùa. ở đây thực sự, chứ không phải trên giấy, không một tấc đất nào bị dùng phí phạm chứ đừng nói là bỏ hoang. Những con đường làng với hai bên hàng hoa ngâu. Ngô đỗ trồng xen vào giữa các hàng dâu tằm. Dọc mùng viền quanh rìa ao. Năng lực lao động ở đây, từ già đến trẻ đều được tận dụng trong mọi giờ, mọi thời tiết. Người lớn cày cuốc, em bé vừa chơi vùa nhặt cỏ. Người con trai đào hốc từ hôm qua để sáng nay bố già trồng cây. Cô dâu làm cỏ rau trước khi đi chợ. Đất không bỏ hoang, sức lao động của một em bé cũng được sử dụng, một cành khô, một lá vàng rơi cũng thành năng lượng, hỏi sao sản lượng không tăng, đời sống mọi người không no, sự đóng góp cho nhà nước không bảo đảm.
          Chúng tôi ra thăm bãi dâu tằm cạnh sông Hồng, vẫn nhớ con số 80 tấn kén một năm, vừa là chỉ tiêu với trên vừa là nguồn thu nhập chính của xã. Chúng tôi biết mình đang đi ngang qua giữa quả xoài, hình ảnh toàn đồ của xã. Nơi đây đất nhô vòng ra dòng chảy sông Hồng như tấm ngực trần lực sỹ. Dâu cuối mùa thưa lá chờ đốn để dạy một mùa mới vào đầu năm âm lịch tới. Giữa các hàng dâu, lúa lốc xô xố lá đang ngậm đòng. Dẫu đất lở mùa lũ qua tiếp theo mùa lũ trước, đã làm hao hụt một xã đất chật người đông này, như một sự thôi thúc hàng ngày phải nhân diện tích lên để tăng sản lượng, phải thêm ngành nghề phụ để bảo đảm đời sống. Bốn anh em ngồi chơi trong một cái mui chắc của thuyền người lái đò ngang, nhìn ra ngoài sông. Bên kia là làng Ngô Xá của Hà Nam Ninh, nơi xuất phát đoàn người mất làng Gòi cũ mất chân đứng đi tìm đất tìm trời. Tưởng còn bay trên vòng rộng cánh diều như cặp sừng trăng nâu và tiếng vịt đàn lăng xăng cạc cạc phía sau lưng. Tôi không trách chế độ phong kiến chỉ nghĩ đến sự san bằng dân số cần thiết cho một vùng đất đai canh tác và an ninh. Sông Hồng sau những cơn lũ cuối mùa, vẫn phát triển sức mạnh ngàn đời trên dòng chảy mạnh. Một thuỷ thủ trung niên dòng dây vào vai, nghiêng người về trước kéo lê từng bước nặng nề một con thuyền nhỏ không mui, ngược gió và ngược dòng. Hình ảnh dân tộc chúng ta ở một góc trời Đông Nam á này lao lực và chống ngoại xâm suốt trong bốn ngàn năm. Một đàn sếu với tiếng kêu dã diểu theo nhau bay vồi vội qua trời mây, chừng nghe gió chuyển mùa. Bãi hoang giờ đã vững chãi thành làng. Con cháu ông thành hoàng xưa đội lốt chăn vịt và đứa bé thả diều quanh miếu thờ ông đã lập nên làng xóm. Một số người, giờ đã một vạn mốt dân. Cuộc đấu tranh không bao giờ chấm dứt giữa người với người, giữa người với sông, giữa người với đất. Bao nhiêu cái chết đã qua đây bằng gươm giáo, bằng lưỡi lê, bằng bom dây bom tấn. Bao nhiêu chế độ dầu bỏng lửa sôi không phá vỡ được một cộng đồng gia tộc và tình làng xóm, nền tảng của tình yêu đất nước. Người không phụ đất nên đất không phụ người. Sức sống muôn đời của những dòng máu Việt.
          Phong trào hợp tác hoá về đây từ năm 1960. Thuận Vy và Bách Tính, Thuận Nghiệp với một loại hình làng đặc biệt không thể cùng chung một chủ trương chính sách với các xã khác trong huyện tỉnh. Các đồng chí ở đây xin nghiên cứu, đề ra chính sách thích hợp và được huyện tỉnh thông qua. Một chừng nào đó, ngay từ bây giờ ba thôn này dồn lại thành xã Bách Thuận, đã được thực hiện khoán sản phẩm như hiện nay. Trừ táo, rau, cam... tính gốc cây đóng góp bằng tiền, các sản phẩm khác như hoa ngâu, tơ tằm phải giao nộp bằng sản phẩm. Cả nước đã chính thức một cách công khai khoán sản phẩm từ năm 1980, sau một thời hạn từ năm đến mười năm, có thể thay đổi giao đất cho người khác làm. Người dân Bách Thuận với mái gia cư gắn liền vào mảnh vườn, từ rất lâu đời, ngang nhiên làm chủ vô thời hạn không thay đổi chủ mới. Làm chủ thật chứ không phải làm chủ trên một danh từ hay giấy tờ gán ép.
          Làm chủ, đó là đòn bẩy, mà cây xeo và vật kê là phong trào khoán mới. Sau này có thể điều chỉnh lại những lệch lạc, hoặc có thể có những biện pháp khác tốt hơn để bảo đảm lợi ích, nhưng dù sao thì khoán như hiện nay đang là biện pháp tốt nhất. Cái đòn bẩy này đang nâng phong trào nông nghiệp cả nước lên một bước khả quan. Và cũng chính cái đòn bẩy này đã làm cho người dân Bách Thuận có một đời sống ổn định. Thật thế, tôi mang về đây những lo lắng trong lòng, qua những biến động, những sóng gió của vật giá leo thang ở nhiều nơi trong cả nước. Nghe tôi hỏi đi hỏi lại một cách kinh ngạc, đồng chí Huấn kế toán trưởng cho tôi biết là cứ như tình hình thị trường chung hiện nay, thì cũng đến cuối năm 1982, đời sống của người dân ở đây mới bị ảnh hưởng về giá thóc đối lưu của nhà nước tăng lên 2,5 đồng. Sóng gió mênh mông có thể chừa lại một khoảng nhỏ trên mặt biển lớn đang động ư? Hay đây là sự lặng im của con mắt bão?
          Tôi vào chợ Thuận Vy. Gạo đầu mùa, nếp, rau, thịt, cá, trứng... ê hề. Bánh nếp, bánh chưng, bánh khoai, bánh bèo, phở, mỳ...đông đảo khách xúm vào mua và ăn tại chỗ. Cái chợ là hình ảnh tập trung nhất của nền kinh tế, văn hoá của một địa phương. Chợ Bách Thuận thu hút về mình  sản vật và kẻ bán người mua hàng của hai mươi xã xung quanh, kể cả những xã ở bên kia sông Hồng. Tôi vào chơi một số nhà. Nhà gạch hầu hết cả xã. Giường hộp, tủ đứng, tủ chè, bàn nghế bóng loáng vecny. Nhà nào cũng phong quang. Cách tiếp khách lịch sự. Tranh tứ bình mai, lan, trúc, cúc nhắc cho khách nhớ lại thiên nhiên mà khách đã quên trong lúc quá lo cơm áo gạo tiền.
          Bách Thuận có riêng một thời tiết và vô số mùa màng. Mùa táo hoa hiện nay sẽ thành mùa táo quả sau tết âm lịch. Cả làng như một thúng táo khổng lồ. Dân số nhân lên mười lần cũng không tiêu thụ hết. Táo phải lên xe, xuống đò đi ra các tỉnh lân cận và về tới thủ đô. Táo hái tận gốc và bán tận ngọn. Xã viên dừng xe đạp với hai thúng táo đầy và bày bán trực tiếp cho người mua không qua khâu trung gian. Mùa hoa ngâu đang dự trữ lục lượng để rộ hoa vào tháng năm sang năm và đủ sức làm thêm một mùa hoa phụ tháng bảy. Tôi tưởng thấy hoa ngâu phủ vàng cả lá cành và hương hoa ngâu bao trùm cả ba chiều không gian. Lớp học, sân phơi, nhà trẻ, chợ búa, đường xá, ruộng vườn, ao cá... đều được ướp trong hương ngâu ngan ngát, đủ độ để cho khách có cảm giác vừa thấy bóng một gái đồng trinh, đủ đằm thắm để khách hình dung thấy đức tính một người đàn bà trung hậu đảm đang. Hơn mười lăm tấn rưỡi hoa ngâu khô một năm, từ đây toả về các nhà máy chế biến chè, nhà máy thuốc lá và những cơ sở làm hương thẻ, hương vòng...
          Như một con chim linh điểu mỗi mùa thay đổi một màu sắc, tháng năm, tháng sáu trở đi Bách Thuận khoác một sắc áo vàng óng của tơ lụa cổ truyền. Âm thanh của tằm ăn rỗi rào rào như triều lên. Những né tằm chín treo lên nhẹ quay theo gió, tự động hong nắng cho tằm vào ổ. Trong những bãi dâu, những bàn tay thoăn thoắt hái dâu, cánh chim bay qua chợt dừng lại phân vân không biết tiếng hát là do chiếc nón trắng hay do hai bàn tay người con gái thôn Thuận Vy. “Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ”. Năm 1981, sản lượng kén của Bách Thuận là tám mươi tấn, năm 1982, Bách Thuận sẽ vượt năm 1981 hai mươi tấn kén tơ tằm. Nếu không thu mua,  và Bách Thuận được phép tự túc lấy thì ngay năm nay con số tám mươi tấn kén đủ cho toàn dân xã mỗi người hai bộ đồ lụa. Con đường ô tô xuyên qua làng là con đường đi làm của xã viên đồng thời cũng là con đường các cháu đi học ở hai trường cấp I, II phổ thông cơ sở trong xã. Hầu hết các cháu đều ăn mặc lành lặn, áo hoa, quần vải ngoại, cặp sách nhựa đung đưa theo các lứa tuổi măng non...
          Hai đồng chí bí thư Lợi và chủ tịch Thưởng trả lời tôi bằng cách nói rõ các nguồn thu nhập trong xã trước nay như trên. Các anh cho biết thêm: Muốn cho đời sống của nhân dân trong xã không ảnh hưởng chúng tôi phải có thêm một số biện pháp như đẩy mạnh thêm chăn nuôi và nghề phụ trong xã viên, thu hút vào mọi sức lao động trẻ già trong từng hộ gia đình, hết sức hạn chế và khuyến khích việc sinh đẻ có kế hoạch, ngoài ra, phải cộng tác với một số cơ quan huyện, tỉnh chế biến tại chỗ sản phẩm địa phương như táo, tơ tằm... Lại nữa, một trong những ưu thế của chúng tôi là cây táo, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc nuôi ong tập thể và gia đình...
          Trải qua ba cuộc kháng chiến, tôi đã qua và ở nhiều nơi từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 24. Tôi đã gặp không ít những loại hình vườn khác nhau. Những làng chài ven sông, ven bán đảo, thượng gia hạ thuyền. Những làng đồi đất tổ vua Hùng nhấp nhô sóng đất, sóng người. Những làng sơn cước, rừng núi tranh hết chỗ của con người. Những làng đảo chơi vơi trời nước. Những làng thuỷ điện thôn xóm nổi lềnh bềnh... Và Bách Thuận đây, một làng vườn. Trong cuộc sống hàng nghìn đời nay, đồng bào ta ở mỗi nơi, tuỳ theo điều kiện thời tiết và đất đai, đã tạo ra cho mình một đời sống thích hợp. Cái vườn gia đình ở mỗi nơi cũng vậy. Bao nhiêu loại hình, bấy nhiêu phong cách vườn. Vừn mít, vườn dừa, vườn cam, vườn chuối, vườn xoài, vườn chè, vườn ổi... ở đây là vườn táo. Gọi là vườn mít, vườn cam... vì  mít, cam là chủ lực chứ không phải không trồng xen các loại rau quả khác. ở đây vườn không chỉ đơn thuần có táo mà còn có đủ các loại cây ăn quả khác. Mỗi cây chủ trì một lạo hoa, một loại quả, nối tiếp nhau kết hợp nhau thành một mùa Bách Thuận. Các loại cây ăn quả ăn ở với nhau, sinh hoạt với nhau làm nhiệm vụ công dân xanh trong cái xã hội xanh của làng vườn. Có thể ví người làm vườn với người làm thơ. Sáng tác là trật tự hoá những từ ngữ qua cảm xúc để tìm đến một sự đồng cảm giữa người với người. Gieo trồng là làm cho mảnh đất hoang nảy ra lúa ngô và trái quả. Một bài thơ dở tất nhiên không thể so sánh được với một quả ngon.
          Thuận Vy, Thuận Nghiệp, Bách Tính đã hợp nhất thành một xã. Hai Thuận trở thành Bách Thuận, một trăm sự thuận hoà. Bác ra đi để lại để lại cho con cháu một cẩm nang ba chữ: đại đoàn kết. Chính nhờ ba chữ vàng này mà chúng ta thắng liền trong vòng ba mươi năm ba bốn tên đế quốc đầu sỏ hung hãn và kéo ngược dòng những con thuyền gió như hiện nay. Cái chung là vậy, nhưng nhìn vào riêng từng bộ phận đó đây, sự kèn cựa lợi danh, sự tranh giành thế lực và tiền của nhiều khi gây ra mất đoàn kết nghiêm trọng, đưa tới một hậu quả đáng buồn là công việc bị bỏ bê, kéo bè, kéo cánh, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Tôi đã đi nhiều nhưng ít thấy ở đâu có một không khí vui hoà như ở đây. Bộ bốn cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và hợp tác xã là một khối thống nhất. Những người lãnh đạo với nhân dân là một, trên thuận dưới hoà. Mỗi người dân đều nói lên ý chung của mọi người. Sông Lắng Sa, trường phổ thông cơ sở thứ hai đang hoàn thành với một nửa số tiền chi phí của xã (trên cấp một nửa), cái bể bơi đủ tiêu chuẩn nhà nước, con đường viền bờ sông sẽ dẫn điện vào xã... đều là những biểu hiện sự nhất trí cao độ và đây cũng là một tiềm năng vô tận của xã Bách Thuận.

          Qua nhiều năm dài rút kinh nghiệm, ta đã đi đến chủ trương xây dựng vườn quả Bác Hồ và vườn gia đình. Vườn quả Bác Hồ sẽ lấy giống từ những những cây ăn quả vườn Bác. Nó sẽ thành vườn kiểu mẫu quần tụ quanh mình như những vệ tinh, tất cả những vườn gia đình, ngay cả ở Liên Xô và nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa, chiếm hơn ba mươi phần trăm tổng sản phẩm xã hội. Bách Thuận đã thực hiện điều này song song với nghề tằm đang hình thành một nề nếp từ lâu đời, nhờ thế mà đời sống hiện nay khá ổn định, kể cả trong những ngày giáp hạt.
          Vì con người, tất cả vì hạnh phúc của con người. Đó là những mục tiêu đúng đắn. Nhưng mục tiêu này sẽ thiết thực hơn khi ta nghĩ đến từng con người cụ thể. Rừng là vĩ đại nhưng phải tính đến từng cây. Nhân dân quần chúng là vĩ đại nhưng đó là tổng số của từng người cụ thể. Chăm lo cho con cái chung là đúng, nhưng có khi chúng ta đã quên khuấy cái riêng, khả năng, sức sáng tạo, sự cống hiến của từng người, từng mảnh đất, từng cỗ máy. Muộn còn hơn không, khi đến nay chúng ta mới sực nhớ đến truyền thống của cha ông, mới nghĩ đến việc phát huy hiệu lực của cái vườn.
          Vừơn gia đình. Làng vườn gia đình Bách Thuận. Anh bạn thơ đi cùng với tôi đã đến đây một lần. Anh thích một mình lặng lẽ đi vào, đi trong các vườn quả, các bãi dâu, đồng hành cùng cây cối và độc thoại với màu xanh không biết lừa dối ai bao giờ. Qua mấy ngày trở trời, nắng gió lại nhẩy múa với chim chóc trên cành. Và ong trong các đõ ong quốc doanh và tư nhân đang cần cù tấp nập đi làm. Ríu tít trên cành táo nhỏ tiếng ong bay. Nắng trưa gay gắt của mặt trời lọc qua màu diệp lục dụi mát như ánh nắng vàng hanh buổi chiều. Đêm kia, đêm qua tôi được ru đưa trong chiếc nôi xanh thảo mộc, nghe không ngớt rì rầm quanh gối tiếng nhựa chuyển cành, tiếng hé nở của lá của hoa, tiếng tách vỏ của hạt mầm, tiếng phù sa kết tụ, tiếng lá mục hồi sinh và phục sinh trong máu đất...Rền vang âm hưởng quanh làng. Rền vang âm hưởng trong tôi. Từng lúc tôi ngỡ mình là phù sa, là cây táo đang nở hoa, cây dâu tằm rào rào ăn lá. Tưởng mình đang gối đàu trên chiếc thủ cầm vĩ đại và cả một ngọn triều diệp lục dồi đưa tôi trở về làng với bạn sau bao năm tháng ly hương. Dọc theo bờ sông Hồng địa phận của làng, nghe như có nhiều tiếng vạc ăn đêm và những đàn chim một thời phiêu tán lũ lượt trở về.
          Những dao động ban ngày thường lắng tụ về đêm, và về đêm trong bóng tối, sự thật mới càng sáng tỏ. Tôi hiểu một cách thấm thía giá trị tinh thần và vật chất của mảnh vườn, mặc dù tôi vốn cũng sinh ra trên một mảng vườn. Làng Bách Thuận đang triển khai quanh tôi cuộc diễu hành lớn lao của thiên nhiên, của mùa dâu, mùa tằm, mùa hoa quả và mùa xuân. Đêm yên tĩnh lạ lùng. Nằm trong lòng Bách Thuận, trong lòng dân Bách Thuận, lâu lắm, tôi mới có được một giấc ngủ ngon lành.

                                                                             Những ngày cuối tháng 10 năm 1981


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét