Tôi đứng trên cầu nhìn theo dòng nước đỏ êm
đềm chảy xuôi. Chúng bình thản rẽ tránh các trụ rồi tiếp tục cuộc hành trình
không dừng của mình. Từ cầu về bến phà cũ chỉ một quãng ngắn. Đến đấy, tôi
nghĩ, thế nào chúng cũng réo sôi ồn ã chào mừng gặp lại người bạn ân tình xưa.
Nhưng không! Dòng nước cứ lững lờ xuôi như kẻ vô tình. Tự nhiên tôi trạnh lòng.
Ôi, bến Tân Đệ! Người ra đời đã mấy
trăm năm, đã góp bao công lênh cho người cho đời, đã bao đận gồng mình chống
chọi với phong ba bão lũ, với bom đạn kẻ thù? Tiếng tăm Người không chỉ lan
truyền quanh tỉnh Nam
tỉnh Thái, mà bốn hướng mười phương đều biết tuổi tên. Giờ đây những ai còn
nhớ?
Khi tôi hơn mười tuổi, chú tôi đi kéo
xe tay để kiếm sống. Cái xe cà tàng bánh gỗ lọc cọc, chú thuê của một người chủ
ở phố Khách, làng Búng. Hằng ngày chú đậu xe tại ngã tư làng, ngóng thày chánh,
thày lý hoặc một vị quan viên có việc phải xuống tỉnh, lên huyện thì chú chở,
kiếm dăm bảy xu, một hào trang trải tiền xe và đưa thím mua khoai, đong gạo.
Những ngày ế khách, chú ngồi rù ở xó ổ rơm, kể chuyện dưới tỉnh, trên huyện cho
mọi người nghe.

Phố huyện chỉ sôi động khi một vài
chiếc thuyền đinh áp bến bốc hàng, hoặc khi các chú lính huyện hớn mỡ ra ghẹo
gái. Người bị ghẹo phần đông là gái Thuận Vy bán bánh quà, rau quả qua phố. Các
cô đều ''mỏng mày hay hạt'', mắt lá răm, lông mày lá liễu...
Năm ấy làng mất mùa. Chú tôi bỏ kéo xe
ở quê, lên Gia Lâm kiếm việc. Bố gửi tôi theo chú, để có ai mượn ''thằng nhỏ''
thì cho đi làm. Chú cháu tôi cơm nắm muối vừng, cuốc bộ ra bến Tân Đệ, ngồi đầu
bến chờ tàu thuỷ đến ''màn xế'' đi Hà Nội. Bên cạnh, có lẽ là hai vợ chồng,
khoác áo tơi, đội nón lá đang thì thầm. Người đàn ông nói:
- Bu em đưa chân tôi đến đây cũng xa
rồi. Về đi kẻo con mong.
- Bao giờ tàu đến, tôi về. Thày em đi
chuyến này bao lâu?
- Đến nơi xem công việc ra sao, mới
định được. Sớm cũng phải gần mùa.
Người đàn bà thở dài:
- Từ nay đến mùa còn dài. Nhỡ thày em
và các ông đi không tìm được việc, lấy gì ăn? Hay là...cầm cả mấy hào thày em
đưa tôi hôm qua đi mà tiêu.
Người đàn ông hơi gắt:
- Hai mẹ con ở nhà lấy gì mà sống?
- Rồi tôi định liệu. Ở nhà, thiếu thốn
còn dựa vào láng giềng. Quê người, đất khách, thày em dựa vào ai?
Người chồng chợt đứng lên:
- Đã nghe tàu ''súp lê''. Sắp mưa. Bu
em về đi!
Sự bịn rịn vẫn chưa dứt. Người vợ cởi
chiếc khăn nâu đang đội đầu:
- Thày em bịt cho ấm.
Chồng đẩy tay vợ ra:
- Cứ lẩn thẩn. Tôi đã có cái khăn cũ
đây!
Người
đàn bà cầm khăn chấm mắt, nhìn chồng thất thểu xuống bến. Sáng nay, thím tôi
cũng đưa chân chú qua cửa đình. Chả hiểu chú có nhớ thím, chứ tôi bắt đầu nhớ
bố mẹ?
Càng nhiều lần qua, tôi càng thấy bến
sông này là nơi cha mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, anh em bè bạn tiễn nhau. Người
đi lập thân. Kẻ vì sự nghiệp. Người kiếm manh áo bát cơm. Năm đói Ất Dậu
(1945), tại đây từng đoàn người da bọc xương, dúm dó trong những chiếc bao tải,
những cái áo tơi rách nườm nượp dắt díu nhau qua sông để vào Thanh Hoá, Nghệ
An, đi Gia Lâm, Hà Nội, lên Bắc Kạn, Thái Nguyên kiếm sống. Keo ấy, bao vạn
người Thái Bình đã qua bến và bao nhiêu người đi không về?
Lịch sử Đảng bộ huyện Vũ Thư có đoạn
ghi: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1930), một quần chúng trung kiên của
Đảng đã dũng cảm trèo lên đỉnh cột ''giây thép'' ở bến treo cờ. Lá cờ liềm búa
được gió đẩy ra giữa sông, phần phật tung bay. Bọn thống trị lồng lộn, xua lính
bắn cho cờ rớt xuống. Sự kiện trên là mốc son chói lọi của bến Tân Đệ, cổ suý
tinh thần đấu tranh chống áp bức cường quyền của đảng viên và quần chúng Thái
Bình. Sau đó, bến đã mấy trăm, mấy nghìn lần đưa tiễn những đoàn quân ra đi đánh
giặc cứu nước và hân hoan đón họ trở về trong khải hoàn ca.
Hôm ấy, tôi được giao nhiệm vụ ở lại
đón đơn vị đi sau. Ngồi nom bến, tôi nhìn trời đêm. Gío mát. Trăng xanh. Nền
trời trong leo lẻo. Sóng nước ì oạp vỗ bờ. Đã hàng chục chuyến phà mà đơn vị vẫn
chưa tới. Lòng tôi bồn chồn. Qua sông, chúng tôi còn phải hành quân vào Nghệ An
để chuẩn bị đi B. Chuyến đi này tử sinh ra sao, chưa ai rõ! Trong khi tôi đang
nghĩ ngợi lan man thì có cô gái đội mẹt táo đến:
- Anh bộ đội mua táo cho em.
Tôi nhìn cô. Áo cài chật khuy. Chiếc
quần bó gọn. Nổi bật những đường nét yêu kiều của tuổi trẻ. Cô đặt táo xuống
bên tôi. Gió phần phật đôi tà áo mỏng. Mùi da thịt con gái ngầy ngậy. Tôi hỏi:
- Sao em bán khuya thế?
- Em còn bán đến chuyến phà cuối. Nhà
em ở Thuận Vy gần đây!
Tôi ''a'' lên khe khẽ. Một cô gái
Thuận Vy! Ngày xưa chú tôi đã từng kể những cô gái hay bị thày quyền, chú lệ
huyện chọc ghẹo đều ở Thuận Vy. Họ thanh tú có duyên, nói năng mềm mỏng. Rồi
những lần qua bến, tôi cũng đã gặp những người phụ nữ làng ấy đội những mẹt,
những thúng rau quả đầy chất ngất, phăn phăm chen lấn lên bến, xuống phà.
Làng Thuận Vy ngoài bãi sông Hồng.
Trước kia, mùa nước lũ đường làng ngập sâu, không thể gánh gồng. Hàng hoá, thóc
gạo, thậm chí vận chuyển phân bón cũng đều phải đội. Bà đội. Mẹ đội. Con đội.
Con gái mười một, mười hai tuổi đã đội giỏi. Làng được phù sa bồi tụ nên con
người, sản vật đều phây phây. Cải Thuận Vy vàng tựa ruối chín, to như cái nơm,
thái vài cây muối dưa đã đầy ắp vại. Cam sành
thì mỏng vỏ, ngọt lừ. Táo vườn nào cũng xùm xoà kín đất. Táo thóc, táo chua,
táo đường. Sau này là táo lai, táo Thiện phiến. Duy giống táo xoan, đặc sản của
Thuận Vy to bằng quả trứng gà, cùi giòn, ngọt như đường hoặc chua dôn dốt. Ổi
trồng bạt ngàn. Ngâu giăng khắp chốn. Mùa quả chín, vừa đặt chân đến đầu làng
đã sực nức hương thơm, một mùi thơm tổng hợp, ngan ngát chỉ Thuận Vy mới có.
Đất làng còn trồng dâu nuôi tằm. Dâu Thuận Vy lá phàm phạp, lúc mới nảy mềm như
bún, khi đang thì, tằm nhai dòn tan...
Đêm càng khuya gió từ sông hắt lên
càng lạnh. Bên tôi, một cô gái trẻ thầm thì chuyện trò. Cô rất duyên. Mày đen
và đôi mắt lóng lánh. Cô rủ rỉ kể về công việc bán buôn vất vả, dầu dãi nắng hạ
sương đông. Cô bảo tôi cứ ăn táo, chưa tiền thì cho chịu, trả sau. Nhìn cô lại
nghe tiếng cô nói, tự nhiên tôi xao xuyến, muốn ôm hôn cô! Tôi rụt rè cầm lấy
bàn tay thon thả của cô, thăm dò. Cô rụt ngay tay. Đôi mắt liếc nhanh, vành môi
mím lại, nhưng giọng nói không hề thay đổi:
- Anh nhớ nhà hả?
Mặt tôi đỏ, ấp úng:
- Tôi... tôi...!
Cô ngồi dịch ra:
- Đừng như vậy. Nhớ nhà, ăn táo của em
sẽ khỏi. Cứ xoè tay, em bỏ. Táo xoan đấy. Hình như có đơn vị bộ đội qua sông.
Em ra bán, rồi về. Giờ có lẽ con em đã dậy, khóc gọi mẹ!
Tôi chưng hửng nhìn theo cô gái.
Ngượng ngùng!
Từ ngày có cầu Tân Đệ, không còn phải
đợi phà. Xe bay dăm bảy phút đã sang bên kia. Tôi mất đi cái cảm giác mong móng
đợi chờ. Ngày trước, từ phút ra khỏi thành Nam , tôi thường nhẩm tính những nơi
sẽ phải qua. Đầu tiên là một khu trường học có rất nhiều hoa mười giờ nở đỏ.
Rồi đến cái chợ bên đường ồn ã bán mua. Một dải đê dài tăm tăm. Những lò vôi
toả khói. Từng đống gạch xỉ xếp cao. Mấy cột điện đầu bến...
Xuống dốc bến, tôi phóng mắt về bên
kia. Đấy là đất mẹ yêu thương của tôi, có con đê Bổng Điền, có làng Mỹ Bổng, có
kè đá Hương Điền, có... có... Phà rời bến, tôi lại được nhìn sông nước mênh
mông, những vạt ngô xanh mát mắt, những con thuyền ngược xuôi. Tôi được gặp
những phụ nữ Thuận Vy bán buôn tần tảo, với lời chào đon đả, những cái liếc
nhìn quán đổ đình xiêu. Tôi gắng tìm, may ra gặp lại khuôn mặt trái xoan đêm
nào? Ai cũng giống, mà lại không phải! Tôi vẫn nhớ món nợ chưa trả được.
Có người hơi ngoa ngôn rằng, bến Tân
Đệ sở dĩ bốn mùa sôi động là nhờ có những người phụ nữ Thuận Vy qua lại bán
buôn. Bàn chân họ thoăn thoắt. Dáng đi uyển chuyển. Tiếng nói, tiếng cười của
họ lúc nào cũng rộn rã khắp nơi. Thiếu họ, bến sẽ vắng đi một nửa, mất vui đi
một nửa, thậm chí tiếng còi tàu trên sông, cũng bớt âm vang!
*
* *
Bến cũ giờ đã rêu phong. Phố xưa xào
xạc. Những con phà, những người thuỷ thủ ngày ấy giờ đang ở ngọn con sông nào?
Và cả những phụ nữ làng Thuận Vy một thời làm bâng khuâng bao khách qua đường,
giờ cũng đi đâu, về đâu?
16-8-2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét