Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NHỮNG NGƯỜI GIẦU CÓ

NGUYỄN THÁI VẬN


         
Đến Bách Thuận, sau buổi làm việc đầu tiên với các đồng chí lãnh đạo xã, tự nhiên lòng tôi thanh thản lạ thường. Tôi ngắm mãi lá cờ đỏ và tấm bằng khen do chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tặng đơn vị có thành tích xuất sắc chăm sóc thiếu niên nhi đồng. Ngồi trong nhà, tôi nghe mơ hồ như có tiếng êm ái thân thiết đâu đó rủ đi dạo mát. Đấy là tiếng bầy chim ríu rít gọi nhau về ngủ trong một vòm hoa táo? Hay tiếng quẫy ngầu đục phù sa của đàn cá ao nhà? Hay là tiếng màu xanh cây vườn lấp lánh kỳ ảo trong nắng bãi ngả chiều và trong lao xao gió một triền sông? Tôi thẫn thờ bước trên con đường trục. Chân tôi bước đi, hay hai bờ ngâu hương đang chín dắt tôi đi? Tôi bắt đầu lây cái thanh thản hồn nhiên của đất đai và cây trái làng Bách Thuận này. Đất bận rộn bồi tụ phù sa, xới vun, tưới tắm mà lúc nào trông cũng thênh thênh mát mắt nhìn. Rễ cây cặm cụi kiếm ăn trong đất, cành thai nghén nảy chồi đơm hoa kết trái mà cứ suốt ngày soi gương mặt ao và thầm thào hát ru với gió với chim. Người Bách Thuận chạy đua bốn mùa với đất với cây mà phong độ cũng thư thái như đất như cây. Người Bách Thuận biết đào sông đưa phù sa trẻ vào vườn ruộng, biết cách làm cho cây cối luôn sinh sôi những mầm non rồi dào sức sống, người Bách thuận còn biết dành trọn lòng mình cho con em. Phải chăng, vì thế mà họ yên tâm thanh thản?

          - Cháu chào chú ạ!
          - Cháu chào chú ạ!
          Những tiếng chào ríu rít cùng cất lên. Tôi như sực sỉnh, Những đứa trẻ quần áo gọn gàng, đầu tóc, mặt mũi sáng sủa tay sách túi, xách cặp, tay vung văng lọ mực, đi nép vào một bên đường. Có tiếng xôn xao phía trước.
          Kia rồi! Ngôi trường xây hai tầng sừng sững khoác mầu xanh vôi mới vượt trội lên giữa màu xanh cây vườn. Đã tan học sao vẫn còn lại tiếng các em náo nức reo hò? Tôi rảo bước. Mắt tôi sững sờ giây lát. Cái bể bơi đúng quy cách quốc gia lần đầu tiên mà tôi vừa nghe nói chính là đây. Tôi đứng ở cuối bể ngắm nhìn. ở sáu cái bệ đầu kia, các em đang xếp thành sáu hàng dọc và vun vút nhào xuống, dáng đẹp và nhanh như chim én nhào lượn trên bầu trời. Có mấy em bé loắt choắt đứng sau chưa biết nhào đúng kiểu rụt rè co cẳng nhảy ùm xuống như nhảy dù và khi nhô đầu lên còn phải đưa tay vuốt vuốt mặt. Em nào đã tham gia đội bơi của xã và đã từng giật giải nhì, giải ba thi bơi toàn quốc năm 1980, năm 1981? Bể bơi sóng sánh, ngầu tung bọt trắng. Bể bơi đầy ắp tiếng reo, đầy ắp niềm vui tuổi thơ và cũng sóng sánh niềm vui mới lạ của tôi.
          Có tiếng í ới gọi nhau về. Phút chốc bể bơi vắng lặng. Chỉ còn lại bóng ngôi trường bên kia lung linh soi bóng xuống mặt nước phẳng như gương. Và bên này dáng người khách lạ là tôi đang hình dung lại những chuyện vừa kể.
          Trước khi xây bể bơi, có một ngày cả làng không ai quên. Trẻ già trai gái kéo nhau về đứng ngồi trước cái hồ trước trụ sở uỷ ban. Có biển, loa đài, trống chiêng náo động. Khi các quan khách của Tổng cục thể dục thể thao, của tỉnh và huyện trịnh trọng bước ra khán đài thì tất cả im phăng phắc chờ đợi. Sáu hàng người bước ra oai vệ, bắp chân, bắp tay rắn chắc. Người ta nhận ra hàng đầu là các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, uỷ ban và hợp tác xã. Tiếp theo là các cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ. Rồi đến hàng trung niên. Rồi hàng trai gái. Cuối cùng là những em bé bảy tuổi. Sau khi phất cờ, từ sau cái cầu ván, hơn ba trăm người ấy lần lượt nhảy xuống hồ bơi một mạch sang bờ bên kia một cách nhanh nhẹn và ngoạn mục, trong tiếng vỗ tay hò reo như sấm dậy. Từ hôm ấy, Bách Thuận được công nhận danh hiệu “toàn xã biết bơi”. Mấy tháng sau, bước vào năm 1979, năm quốc tế thiếu nhi, thường vụ đảng uỷ đã họp hai đêm liền để bàn việc thực hiện nghị quyết 17 của Tỉnh uỷ về công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng. Cái trường cao tầng đang xây dở, phải tiếp tục xây cho xong! Đồng ý hoàn toàn. Xây nhà trẻ theo đúng quy cách của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Khó khăn đấy, nhưng phải quyết tâm. Một ý kiến vừa đề ra nghe khá táo bạo: xây bể bơi! Trời, kinh phí moi đâu ra? Trên có cho không? Có cần bể bơi không nhỉ? Muốn đào tạo con em chúng ta thành những con người toàn diện, có văn hoá, có sức khoẻ tốt nhất định phải xây bể bơi. Bà con mình thông suốt thì chắc chắn không tiếc sức, tiếc của đâu.
          Thế là cả làng bước vào những ngày tấp nập, hào hứng như hội. Đường làng suốt từ sáng đến tối rậm rịch, hối hả tiếng người, tiếng xe chuyển đá, chuyển cát từ bãi sông về. Ngày khởi công, đồng chí chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh về tận nơi trịnh trọng đặt viên gạch móng đầu tiên. Lớp cát đổ nền thấm trộn những giọt mồ hôi sôi bỏng của bác Biều, bác Điến, bác Giang, bác Định, bác Hỷ, những đồng chí đảng viên lão thành gần trọn một đời hết lòng vì những thế hệ con cháu. Mưa rả rích ba tháng liền. Lò gạch tắt ngấm. Mấy gia đình tạm hoãn xây nhà cho vay gạch. Mỗi hội viên phụ nữ tình nguyện đội năm thúng cát đến công trường. Mỗi đoàn viên thanh niên hăng hái đóng góp hai ngày công. Không lúc nào vắng bóng các đồng chi lãnh đạo trên công trường. Bí thư Lợi hội ý thường vụ ngay bên đống cát. Chủ tịch Thưởng ngồi đập đá với bà con, có công văn đưa đến, phủi phủi bàn tay phồng rát, xem xét và ký tại chỗ. Xã viên có việc tìm chủ nhiệm Tuyến không đến trụ sở mà đến bể bơi hoặc đến trường học, hoặc nhà trẻ. Nhất định phải xong cả ba công trình trước ngày quốc tế thiếu nhi. Đó là mệnh lệnh của mỗi tấm lòng yêu thương con trẻ.

          Đến thăm trường phổ thông cơ sở Bách Thuận I và Bách Thuận II, tôi lại nghe kể nhiều chuyện về sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo với sự nghiệp giáo dục con em.
Để có đủ thủ tục giấy tờ, đủ xi măng sắt thép xây trường, xây nhà trẻ, đồng chí chủ tịch xã đích thân lên huyện, lên tỉnh giải quyết. Sáng đạp xe đi. Trong túi xách có sẵn chiếc bánh mỳ khô queo mua ở chợ. Anh chỉ nhớ mình đang đói và ăn vội khi phải đứng chờ rình gặp đồng chí chủ tịch tỉnh hoặc đồng chí trưởng ty, bà trưởng phòng kế hoạch tài vụ hoặc cô kế toán, hoặc ông thủ kho. Có hôm nửa đêm mới về đến nhà. Cũng có lần phải ở lại ngủ trọ.
          Không phải chỉ chăm lo đến căn phòng, mảnh vườn đến gạo thịt ngày tết cho các thày các cô giáo, mà các đồng chí lãnh đạo còn thăm lớp, dự giờ dạy, góp nhiều ý kiến bổ ích, nhất là về công tác giáo dục đạo đức cho các em “chăm sóc các em chính là chăm sóc toàn dân, vì các em chiếm một nửa dân số, còn nửa kia chính là cha anh các em chứ còn ai nữa”. Cái ý nghĩ tốt đẹp giản dị mà sâu sắc, độc đáo ấy ở các đồng chí đ• thấm sâu vào nhận thức và hành động của từng thày giáo, cô giáo dạy ở đây.
          Hà Thị Thoa là cô giáo hai mươi tuổi nghề, mười năm dạy giỏi, đã dạy nhiều nơi, nơi nào cũng có những vui buồn hạnh phúc, nhưng chưa ở đâu cô thấy gắn bó máu thịt như ở Bách Thuận này, Cô nữ sinh trường cấp III thị xã Thái Bình năm nào cả một lứa bạn bè biết tiếng đã trở thành nàng dâu của đất làng phù sa. Cô là niềm tin cạy của những người mẹ người cha có con cắp sách đến trường. Năm nào cô cũng xin nhận chủ nhiệm một lớp gai góc nhất, có em hay nghịch ngợm quấy phá. Em thì hay giật tóc bạn gái, hay chế diễu nói xấu bạn, em thì thích chơi trò bắn súng cao su đạn gai sắc vào má bạn, , quăng dây trói bạn kiểu như người chăn cừu bắt chó sói trong một bộ phim nào đó, em thì lười học đúp ba năm một lớp. Ngày nào cũng có vụ kiện cáo. Có em hội đồng nhà trường đã có quyết định đuổi học, cô đứng ra cam đoan và xin nhận giáo dục. Cô biết, bố em là một thương binh, ông sẽ buồn bực biết bao nhiêu khi mình không còn chỗ dựa để dạy con. Đừng để ngọn lửa hy vọng vào con cái của những người mẹ người cha nguội tắt. Với những người cha đã hy sinh một phần xương máu càng cần giành cho họ sự  yên ổn, tin yêu trọn vẹn. Bách Thuận là đất hiếu học, làm gì có người thờ ơ với việc dạy dỗ con cái. Qủa nhiên, đến trò chuyện với người cha thương binh ấy, cô phát hiện ngay ra cái sai lầm trong phương pháp giáo dục của ông, ông quá hà khắc và nôn nóng, trong khi một đứa trẻ như con trai ông cần mền dẻo, rộng lượng, kiên trì và nhất là cần tình cảm ngọt ngào. Cô chú ý đến em, gần gũi em hơn và thường xuyên phối hợp với gia đình để nhắc nhở khuyên bảo em. Người cha không còn quát mắng và đánh đập em nữa. Cô cử chính em, chứ không phải một em nào đó chăm học, làm đội trưởng kiểm tra của lớp. Cái chức vụ bất đắc dĩ bắt buộc em phải suy nghĩ và có ý thức tự trọng. Một lần thuộc bài, em được cô khen ngay trước các bạn. Một giờ em chăm chú nghe giảng, cô biểu dương kịp thời. Mỗi lần như thế, em hớn hở ra mặt, nhất là khi thấy bố cũng biết, và vui mừng trước những chuyển biến của mình.
          Giáo dục quả là một nghệ thuật cảm hoá của  khoa học và tình yêu thương, mà không phải ai cũng làm được. Buổi tối đến thăm một số phụ huynh học sinh tôi lại được bà con kể chuyện về cô Thoa. Và tôi bỗng tự trách mình sao quá vô tâm, sao lúc này tình cờ mới biết rằng Thoa phải vượt qua bao nhiêu khó khăn hàng ngày của gia đình, cô phải chăm sóc người chồng đau yếu mới nghỉ mất sức và chăm lo người mẹ chồng già yếu. Người con dâu hiếu thảo của Bách Thuận ấy dồn cả tấm lòng người mẹ cho đàn em nhỏ.
          Còn cô giáo trẻ Nguyễn Thị Giang thì đang tuổi yêu đương, đôi mắt mở to dịu dàng, miệng cười thuỳ mị, giọng nói ngân nga, nhưng với các em cô đã ấm nồng một tâm hồn người mẹ. ở lớp có một em học giỏi môn toán cô dạy. Được cô khen nhiều, cậu ta sinh thói vênh vang. Vênh vang với bạn bè. Và điều làm cô bất ngờ là chính cậu ta vênh vang với cả cô giáo của mình. Giờ học hôm ấy, cậu ta cứ quay ngang quay ngửa, không thèm mở sách ghi chép, ra cái vẻ ta chẳng cần nghe giảng cũng thừa hiểu bài. Giang cố nén giận, nhưng đến lúc cậu ta quay xuống dưới giằng sách với bạn thì cô không kìm nổi nữa và đuổi cậu ta ra khỏi lớp. Lúc đầu cậu ta ngồi im và giương mắt nhìn cô, sau đành lủi thủi bước ra và oà lên khóc. Một thoáng rưng rưng như sự hối hận. Cả lớp nhìn nhau khi thấy chính cô giáo cũng ứa nước mắt. Đúng như cô giáo nói với tôi: “Em mới vào nghề chưa có kinh nghiệm”. Nhưng tôi biết cô có một tâm hồn cô giáo, một trái tim người mẹ đầy yêu thương tận tuỵ. Ngay hôm sau, cô đến nhà em học sinh ấy. Được biết chính mẹ cậu ta thường đi khoe khắp xóm là “cháu nhà tôi được cô khen luôn”. Giang nói ngay “Do tôi quá khen em, nên em mới sinh ra tự cao tự đại và coi thường mọi người. Từ nay bác cũng cần chú ý nghiêm khắc với em hơn”. Từ đó bố mẹ cũng đến gặp cô giáo để xin cô cho biết tình hình của con mình ở trường và nói cho cô biết sinh hoạt của em ở nhà, đề nghị cô nhắc nhở điều này điều nọ.
          Những cô giáo có tấm lòng người mẹ, những người mẹ người cha có ý thức của một nhà giáo như thế, tôi gặp rất nhiều ở Bách Thuận. Có công vun xới nhất định có ngày hái quả.
          Con em Bách Thuận bước vào cuộc sống sản xuất và chiến đấu, dù đi xa hay ở lại quê hương, đều xứng đáng với truyền thống Bách Thuận, xứng đáng với sự chăm sóc hết lòng của quê hương. Những chiến sỹ  dũng cảm mưu trí như Phạm Quang Nguyên, Phạm Bá Tính, Đặng Khắc Hoàn...Nhiều em học xong về địa phương đã vận dụng và phát huy được vốn khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công tác như Nguyễn Định Sơ, Nguyễn Thị Đoàn...
          Bách Thuận là đất trồng cây, Bách Thuận còn là đất trồng người đúng như lời Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”


          Ngày cuối cùng ở Bách Thuận, chúng tôi ra thăm nhà hộ sinh của xã. Người công dân thứ mười ngàn tám trăm bốn mươi mốt của Bách Thuận vừa cất tiếng chào đời. Mỗi người dân Bách Thuận đều nghe thấy cái tiếng khóc non tơ dễ động lòng người ấy. Ai cũng thầm nói với chú bé rằng tất cả đã sẵn sàng đón nhận chú. Chú sẽ lớn trong nhà trẻ, rồi chú sẽ mở trang sách đầu tiên trên lớp học tầng hai, chiều chiều chú sẽ bơi lặn thoả thích trong bể bơi. Chú sẽ trở thành người trồng cây và chăn tằm giỏi. Riêng tôi, tôi chợt nhận ra rằng Bách Thuận có một vốn quý, đó là những em bé được chăm sóc chu đáo. Và tôi muốn nói với các đồng chí lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo, với tất cả bà con Bách Thuận rằng những người biết hết lòng chăm lo cho các em, là những người hạnh phúc nhất, giầu có nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét