Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

TIỂU DẪN VỀ MỘT DÒNG SÔNG

VŨ BÌNH MINH

         
 Làng Gòi. Cái tên gợi sự heo hút ở mom sông cuối tỉnh Nam xưa.
          Đang đêm, tiếng đất nở xuống sông ầm ầm, làm những tấm liếp che rung lên bần bật, dân cả làng Gòi giật mình tỉnh giấc. Lại một khoảnh đất to hàng mẫu nữa trôi theo dòng nước ngàu đỏ kéo theo những nương dâu, những luống mía, luống ngô non. Tiếng vạc kêu khắc khoải ngoài mép nước buồn như tiếng kêu mất tổ. Không ai ngủ lại được nữa. Tiếng sông chảy vật vã xói vào mé bãi xót lòng người. Đêm loãng và nhạt thèo trong ngôi nhà lợp lá mía lụp xụp và rỗng rễnh của người đói. Con sông Hồng như một kẻ hiếu động vùng vẫy giữa hai bờ đê tìm hướng đổi dòng. Người ta dỡ nhà, khiêng giường chõng túm tụm dạt vào phía rìa đê. Đất! Tiếng kêu khẩn thiết, khát khao cha truyền đời con, vợ nói với chồng. Người ta mổ lợn, mổ trâu lập đàn tế thần Hà Bá. Nhưng dòng sông vô trị vẫn táo tợn phăm phăm hắt ngọn nước vào làng. Của cải vườn tược, hài cốt của cha ông bị con nước quái ác cuốn đi mất hút. Khi không còn đất đứng chân nữa, người dân làng Gòi nghèo đói nghĩ đến tìm đất sống.

          Phía bên kia thuộc bộ phận tỉnh Thái Bình có doi đất lau  sậy mọc rậm rạp của làng Bổng Điền vẫn bỏ hoang hoá. Nhưng trò đời vẫn thế “Củi bà bà để trong rương/ ai mà động đến trầm hương của bà”, đất bỏ không không sao, khi người làng Gòi tìm cách kéo sang ở cũng phải có những cuộc va chạm, máu chảy thịt rơi mới kiếm được miếng đất dung thân. Người thắng và người thua trong cuộc xô xát đáng buồn của thời phong kiến xa xăm ấy đều được cắm mấy sào đất lập miếu thờ. Cái miếu thờ đầu tiên của làng Gòi trên đất mới là thờ người tìm đất...
          Đó là câu chuyện về lịch sử đau buồn của người dân Bách Thuận hai trăm năm về trước. Cây táo nhà ông Biểu cùng tuổi với làng, thân xù mốc cong queo từng chứng kiến những chua cay ngọt bùi qua mỗi bước thăng trầm của xóm làng để lặn vào vị quả. ở đâu từng đặt tên đất quê mình bằng một khát vọng hoà bình, trù phú, những tên đất đọc lên nghe ứa nước mắt thương ước vọng của cha ông bao thuở bạc đầu chẳng mấy khi thành đạt: những Đa Phúc, Phú Thọ, Vĩnh  Yên, Thái Bình, Hưng Yên... Người làng Gòi phiêu dạt đặt tên mới cho làng mình bằng một ước mơ khiêm tốn: Thuận Vy (nghĩa là hoà thuận để làm ăn). Sau này đổi tên là xã Bách Thuận (nghĩa là trăm họ thuận hoà). Những người nông dân bị thiên nhiên khước từ đến không còn một tấc đất cắm dùi, tìm thấy hạnh phúc giản đơn của mình là có miếng đất để đổ mồ hôi cầy cấy, gieo trồng. Hai trăm năm với bao giông bão, nở bồi... Chủ nhiệm Nguyễn Như Tuyến thoáng rùng mình, ánh mắt đăm đăm nghĩ đến những tháng năm vật lộn với đất đai, còn mất để lưu truyền dòng giống, họ hàng, làng xóm mình.
          Đồng chí chủ nhiệm dẫn chúng tôi xem phong cảnh vườn tược trong làng. Xã Bách Thuân, nhất là làng Thuận Vy quả là đẹp. Thật ra tôi đã biết tiếng làng Thuận Vy từ mươi năm trước qua thơ của bạn bè. ít có làng xóm nào của nước ta lại có nhiều thơ ca ngợi đến thế: Tôi lẫn vào cây, cây dẫn tôi/ Vườn Thuận Vy xanh khắp bãi bồi.
          Đi giữa hai bờ cây, lòng tôi bỗng ngân lên khe khẽ mấy câu thơ của bạn. Suốt hai bên đường vào làng, vào ngõ là ngâu, là dâu, là táo... Những mảnh vườn xanh biếc cao vượt lên so với mặt đường ngang tầm ngực người đi. Lịch sử của mỗi mảnh vườn ở đây là lịch sử  của quá trình đào ao, vượt thổ, đội đất, đắp nền. Mỗi vườn là một ao, bao nhiêu vườn là bấy nhiêu ao. Vườn rộng thì ao to, vườn cao thì ao sâu. Cái cánh bãi lau sậy mà người làng Gòi đứng chân được sau bao nhiêu tranh chấp hồi xưa cũng chẳng phải là béo bở gì. Đất trũng, bốn tháng trời trong một năm ngập lụt. Dòng sông bồi đắp phù sa thì cũng đùn luôn cả cát vào thành mấp mô doi đất. Có đến mấy thế hệ người Bách Thuận bỏ cả đời mình vào sự nghiệp vượt thổ, tôn nền. Những ao chuôm, thùng đấu, ngòi rãnh chi chít như dấu vết ghi lại những tháng năm vật lộn với đất đai để sinh cơ lập nghiệp của xóm làng. Tôi nhìn lên những mảnh vườn và mái ngói chênh vênh trên nền cao mà thấm thía sức bền bỉ của con người.  Ngày xưa, ai cũng lo đắp cao cái nền nhà, nền vườn nhà mình để tránh ngập lụt, còn con đường đi lại hàng ngày lại bị bỏ quên. Đường thấp, lầy lội và hẹp. Suốt mùa mưa, mùa lũ, người ta phải xắn quần để lội nước, lội bùn. Bùn nước ăn rỗ nát các bàn chân. Cảnh sống vất vả, lầy lội đó thành một tập quán khó nhọc của người Bách Thuận, người ta chỉ quen đội chứ không quen gánh vì đường lầy, nước ngập. Đội hoa quả, đội bùn, đội đất, đội gạch, mọi công việc nặng nhọc đều trông vào sức của cái đầu, cái cổ... bây giờ thì đường được tôn cao, rộng thênh. Có tập thể, người ta có sức để lo cho con đường chung cao rộng.
          Chủ nhiệm chỉ cho tôi biết những mảnh đất nào chỉ ngót hai mươi năm trước còn là đầm cỏ gianh, những ao ngòi, thùng đấu nào đã được san lấp. Bây giờ, những nơi ấy đều xanh mướt nương dâu, cây quả. Từ trong dòng máu của người làng Gòi xưa đã di truyền cho ông nỗi khát khao đất đai và niềm say mê cây trồng. Tôi đã đi thăm nhiều làng vườn trù phú của đất nước. Những vườn xoài bạt ngàn ở Long Khánh, vườn chôm chôm, vú sữa xum xuê ở các cù lao sông Tiền, vườn vải thiều đỏ ối mùa quả chín ở Thanh Hà, Hải Dương. Những vườn cây um tùm râm và mát. Nhưng vườn ở Bách Thuận đẹp một cách thanh cảnh như những công viên nhỏ. Trước nhà là những cây cảnh uốn hình rồng phượng như ở các biệt thự sang trọng. Rồi những luống hoa nhỏ. Rồi đủ các loại cây ăn quả, với những giống táo mới lai ghép, hồng xiêm, trứng gà, ổi. Bạt ngàn ngoài đồng ngoài bãi là dâu,  là ngàn dâu xanh ngát...
          Chợ Thuận Vy họp một tháng đủ ba mươi phiên. Đó thực sự là một cuộc trưng bày la liệt những sản vật của đất đai mầu mỡ. Mùa nào thức ấy đủ các loại hoa quả, Táo, ổi, doi, mận, chanh, đu đủ, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, trứng gà, chuối tiêu, chuối ngự, mít... đủ các loại rau: cải bắp, xu hào, cải bẹ, rau muống, rau dền, bí, mướp, bầu. Vào những ngày giáp tết, thêm những dãy hàng hoa tươi như ở chợ kinh kỳ, hoa huệ, lay ơn, thược dược, quất, cúc đại đoá, mào gà, cẩm chướng, chân chim... khách mua hàng từ Nam Định kéo sang, từ Thái Bình kéo về. Vào các gia đình, thấy trong lọ cắm hoa tươi chứ ít thấy dùng hoa nilon như ở các vùng khác.
          Chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Huy Khâm, phụ trách kỹ thuật đốt lò gạch của hợp tác xã. Ba gian nhà xây, bếp ngói, trong nhà có cái cát xét, xe đạp, giường tủ đàng hoàng. Trước cách mạng, đây là gia đình cố nông. Năm 1945, bố mẹ và hai anh ông Khâm đã chết đói. Chỉ còn ông Khâm sống sót lúc mười bốn tuổi.
          Vào làng trù phú này, có ai nghĩ được rằng năm 1945 đã có hơn một ngàn người tha phương cầu thực và chết đói? Hàng ngày, tuần phiên phải cột dây vào xác người kéo đi. Một xã, mà bao nhiêu nghĩa địa: cồn Vạn Đại, cồn Đình Thượng, cồn Bộ Đoài, cồn Vĩnh Linh, cồn Xuân Bảng, cồn Sau Chùa... Những tên cồn đìu hiu oan trái và xót thương. Thì ra, có đất rồi, điều cần thiết hơn là cần có một chế độ tốt đẹp và một cách làm ăn, xử dụng đất đai cho tốt.
          Như để xoá đi chút gợn buồn ngày cũ mà mình vừa gợi ra, tiếng đồng chí chủ nhiệm đọc mấy câu ca dao của làng. Bài ca dao này vịnh cảnh trù phú của vùng quê: Thuận Vy là chốn thảnh thơi/ Giữa làng có chợ họp người đông vui/ Nào hoa, nào quả đủ mùi/ Nào tằm, nào kén, nào người ươm tơ/ Kẻ thì áo trắng hồ lơ/ Ra dày, vào dép, bao giờ cũng sang... Bài ca dao hơi lạc quan một chút để nói cảnh đổi mới của làng quê. Đường có cao, có sạch mới có cảnh “ra dày, vào dép” được. ở đâu người ta ra dày, vào dép là chuyện thường tình, nhưng ở một xứ bãi như đây thì là cả một sự kiện, một chứng chỉ về sự đổi đời. Còn như nói “Thuận Vy là chốn thảnh thơi” cũng chỉ là một cách nói thôi. Người làm vườn, người hái dâu nuôi tằm dẫu ăn đứng, ngủ ngồi, vất vả mấy trông vẫn cứ thảnh thơi :áo trắng hồ lơ” như thường. Người Bách Thuận sớm giác ngộ về vườn và cây, biết thu từ đất vườn một nguồn lợi đáng kể. Bây giờ trong làng có bể bơi, có trường xây hai tầng, có nhà trẻ, có khu ươm tơ, có bốn mươi xe máy, bốn tivi, còn xe đạp thì không kể hết... cũng từ đất, từ vườn, từ tơ tằm mà ra cả. Đường vào làng, dọc bờ sông Lắng Sa, người ta trồng ngâu, cây ngâu trông như cây cảnh trồng trước hiên nhà mà lắm tiền. Tháng tư, hoa ngâu chín vàng, hái bán cho ngoại thương làm hương liệu ướp chè, thuốc lá. Và xum xuê cây trái. Những giống cây được chọn lọc, thu nguồn lợi kinh tế cao. Cây nào trồng ở đâu cũng được tính toán kỹ lưỡng. Ngâu trồng dọc hai lối đi và quanh vườn, cam và quýt trồng trước nhà. Còn táo ổi phải ra rìa ao để xoà phần cành lá chiếm lĩnh bầu trời mát mẻ ở mặt ao. Không một tấc đất nào bỏ ra mà không cây lá. ở đây, đất và ánh sáng mặt trời là hai của quý hiếm không thể không dè xẻn. Người ngày càng đông thêm. Có thời kỳ họ Nguyễn đông đúc cháu con tới mức có cỗ chỉ bày ra lá chứ không thể đủ bát ăn. Người đông, lại vẫn doi đất ấy, lại có được cuộc sống trù phú như bây giờ, mỗi tấc đát phải làm ra gấp năm, gấp mười những năm trước. Đã có thời kỳ người ta nêu khẩu hiệu: “phá dậu gai, gài dậu dâu”. Ngay cả cây làm bờ rào cũng phải là một thứ cây kinh tế. Nhiều bờ rào tre trúc đã nhường chỗ cho cây dâu. Trông vừa mát mắt lại vừa no lòng. Rìa ao xanh um những vạt mùng. Còn khoảng trống bên trên mặt ao? Mà làng thì có mấy trăm cái ao, chuôm, thùng đất lớn nhỏ... cái khoảng trống chói chang ánh sáng hiện ra như một sự vô lý giữa râm mát cây vườn được dùng cho những giàn cây leo như bí, mướp, đỗ ván.
          Đầu mối của mọi nguồn lợi và sự sống của nhân dân ở đây vẫn là vấn đề đất, vấn đề cải tạo đất, cải tạo chất đất. Một bãi lầy thụt, lồi lõm đất và cát xô bồ, sậy lau hoang dại, nay trở thành một làng vườn, đâu phải là chuyện một sớm, một hôm. Bà con đã đội đất, dùng xe cải tiến chở phù sa từ sông về lấp hết bao nhiêu ao chuôm. Đã đội, đã gánh, đã xe hàng vạn mét khối cát từ sông xô vào đổ đi, để lại đưa hàng vạn mét khối đất sa về cải tạo ruộng vườn... đất lấp đến đau, nhà, vườn mọc lên tới đó, phù sa gánh về đến đâu, bãi dâu thẳng hàng đến đấy... Người chủ nhiệm đã từng làm xã đội trong chín năm chống Pháp đột ngột quay trở lại câu chuyện về dòng sông Lắng Sa mà tôi ngỡ ông đ• quên bẵng từ sáng:
          - Cũng vì thế mà chúng tôi nghĩ đến con sông hao tiền tốn của ấy, để bắt nó thay sức người chở đất phù sa về... Tôi “à” lên và hiểu ra ngọn nguồn tồn tại của dòng sông tốn đất đai, tốn tiền của, công sức này. Làng đã ven sông, đã ba tháng chịu cảnh lụt lội, còn thêm sông nữa để làm gì? Chính nhu cầu khẩn thiết của thềm vườn, của sự tăng cường độ phì của đất lâu ngày bị rẽ cây ăn bạc và nhu cầu mở rộng đất trồng cây đã thành sức thuyết phục để khơi mạch cho dòng sông. Ngày mở hội đào sông là ngày hội lớn của xã. Ròng rã hai tháng trời với bảy vạn ngày công vượt thổ đắp bờ. Cũng có những chiến dịch, những đơn vị xung kích, những loa đài phát động, đưa tin, có ngày huy động tới hai ngàn người tấp nập đào, gánh trên đoạn sông dài. Cuối cùng thì dòng sông có bề mặt rộng hai mươi mét, đáy rộng sáu mét và chiều dài ba cây số được hình thành. Sau đó, là những nhánh nhỏ để phân phối nước phù sa vào các ao vườn. Hôm khai thuỷ dòng sông để đón nước ở sông Hồng vào, pháo nổ ran, xác pháo đỏ tơi tả hai bên bờ. Đủ các mầu áo, cả áo trắng “hồ lơ” của các cô gái ươm tơ, chăn tằm cũng có mặt. Lần đầu tiên người ta đón con nước vào làng với cảm giác nguôi cơn khát đất đai, con nước đỏ quánh như một thứ chất bổ mỡ mầu cho đất. Nước vào sông, vào ao sẽ lắng phần phù sa lại, làm đầy các ao lên thành ruộng, thành vườn, và có đất phù sa trẻ để hàng  năm đắp lên gốc cây, bờ chuối. Qua mấy năm dòng sông lắng đất đắp bồi, sáng kiến đào sông được coi như một bước tiến chuyển mới của đất làng. Thềm phù sa của Bách Thuận sẽ có mạch lưu thông để mãi mãi là thềm phù sa trẻ, vườn luôn luôn được phủ lên một thứ đất tơi xốp, mịn màng, béo ngậy, mỡ màu, một nguồn phân bón tự nhiên vô tận sinh sôi nảy nở. Hàng năm con sông Lắng Sa sẽ đưa vào ao vườn Bách Thuận hàng ngàn, hàng ngàn mét khối đất. Đất đã lấp đày được năm mươi mẫu ao để trồng dâu, nuôi tằm. Bằng sức người và sức của dòng sông Lắng Sa san lấp hàng cây số ao, ngòi, rãnh thành nương dâu, vườn ruộng. Đất Bách Thuận ngày một rộng ra do sức làm việc cần cù của dòng sông. Nơi đội 8 và đội 13 ở khi xưa nghèo đói do thấp trũng như rốn nước của bãi bồi quanh năm nước ứ đọng, dân quen mò cua, bắt ốc kiếm ăn, cây dâu trồng xuống không lớn nổi, cằn cỗi, lá nhỏ như lá ngâu, người ta gọi là dâu “tam bống”. Bây giờ sông Lắng Sa cải tạo thành một vùng đất mới, phù sa no mỡ màu, dâu lên xanh tốt, mỗi sào dâu thu 45 kg kén tằm.
          Đêm tháng ba se lạnh. Những hạt mưa đầu mùa rả rích gõ trên đám lá cây vườn. Tiếng sấm nguồn đầu tiên vỡ ra như xa gần nao nức. Đất đai, cây vườn khô khát đang thầm thì uống từng hạt mưa ngọt ngào. Con sông Lắng Sa vẫn lặng lẽ tải nước, tải đất phù sa vào làng.
          Không ai muốn ngủ. Chúng tôi nằm trò chuyện với nhau. Câu chuyện lại xoay về đất vườn, cây cối và cái mẹo đào sông kéo đất. Bách Thuận đang dự tính đắp một con đê vòng ra sát phía sông chống lũ, nhưng lại có cống mở vào sông Lắng Sa để đón nước phù sa và đón trứng cá bột vào. Cồn Giang ở đầu làng Bách Tính trước toàn cỏ gianh giờ là cồn dâu xanh biếc. ở đây sẽ làm nhà dưỡng lão cho các cụ già và dành một phần đất làm vườn quả Bác Hồ. Bao nhiêu dự định về đất, về cây đang sinh sôi nảy nở. Tiếng mưa xa, tiếng mưa gần... nghe như tiếng tằm ăn lên. Những hạt mưa đầu mùa dịu dịu, êm êm. Nghe mát mẻ như chính mình cũng là cây đang xoà lá đón từng giọt nước ngọt ngào hào phóng của bầu trời. Và ngỡ mưa cũng có thể làm tóc mình xanh trở lại...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét