Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

ĐẤT LÀNH QUẢ NGỌT

Bút ký của ĐỨC HẬU

              
Xã Bách Thuận nằm vên sông Hồng, gồm ba làng Thuận Vy, Bách Tính, Thuận Nghiệp. Sau cuộc hành trình vạn dặm về đây, dòng sông Hồng đột nhiên đổi hướng, rẽ ngoặt ra biển, chia một nhánh phụ về phía Nam Định, qua bến đò Quan. Ba làng của Bách Thuận nằm phía trong của vòng cung sông Hồng, do đó ở bên bồi, luôn luôn nhận được phù sa đỏ thắm của dòng sông. Những người từ tỉnh khác đến Thái Bình qua phà Tân Đệ, vừa đặt chân lên bờ đã thấy bên phải mình là ngàn dâu và những vườn tược xanh biếc của làng Thuận Vy. Khách du lịch và các nhà thơ gọi Bách Thuận là làng vườn, vì cả ba thôn trong xã nằm dưới những tán xanh bạt ngàn của bảy mươi ngàn cây táo, mỗi tán lá rộng trung bình sáu mươi mét vuông. Trên các ngõ xóm và hai bên đường làng còn
trên năm mươi ngàn cây ngâu cao to chỉ có ở riêng nơi này. Táo Bách Thuận, đặc biệt là táo Thuận Vy hàng năm bán la liệt từ bến đò Tân Đệ đến thị xã Thái Bình, sang thành phố Nam Định, theo các chuyến xe hành khách lên tận Hà Nội, và đi xa hơn nữa. Bảy mươi ngàn cây táo, mỗi cây thu được sáu mươi cân quả chín một vụ. Những nụ hoa vàng nhỏ lăn tăn như trứng cá chép của những cây ngâu bên đường qua tay hái của các cô gái Bách Thuận trở thành mười năm tấn hàng xuất khẩu khẩu quý hiếm hàng năm. Đi trong ngõ xóm làng Thuận Vy, chỉ nhìn thấy trời xanh qua kẽ lá và nghe đâu đây tiếng tằm thổn thức gặm lá dâu rì rào như âm vang của trận mưa xa.
Nhà văn Đức Hậu
          Tôi đã qua nhiều làng ven sông thuộc vùng châu thổ sông Hồng, nhưng chưa thấy nơi nào trù phú, giầu đẹp như Bách Thuận, Thuận Vy. Màu mỡ là thuộc về đất đai, nhưng giầu đẹp là thuộc về công của con người. Dân Bách Thuận đã đưa nghề làm vườn lên thành nghệ thuật. Trong các vườn tược và trong các đường làng ngõ xóm nơi đây, đâu đâu cũng là cây trái, nhưng mỗi cây đều được đặt đúng vị trí. Sở dĩ táo được trồng nhiều ở đây vì nó là loại cây chịu nước và sống lâu bền. Làng nằm ngoài đê nên mỗi mùa lũ vườn tược, đường xá ngập trong nước phù sa. Khi ấy mọi nhà đều dùng thuyền: họp chợ bằng thuyền, đi thăm nhau bằng thuyền, đưa thư bằng thuyền, đêm đêm trai gái đi chơi bằng thuyền. Thuyền đi thấp thoáng trong cây xanh che rợp mặt nước. Nước rút đi, để lại một lớp phù sa đỏ dẻo quánh trên mặt đất, trên lá cây, ngọn cỏ. Sau mỗi mùa nước lũ, cây cỏ lại tốt bốc lên. Mỗi gia đình ở đây có bình quân năm sào vườn, mỗi nhà ở một khu riêng như một ốc đảo. Cây trồng xuống được tính toán kỹ về kỹ thuật gieo trồng và lợi ích cây mang lại cho con người. Đó là cái riêng của Bách Thuận so với các vùng đất tự nhiên khác.

          Bách Thuận là vùng đất còn thanh xuân, đất trẻ và tuổi đất cũng còn trẻ. Dân Bách Thuận trước ở vùng Trường Nguyên, Nam Định, phía bên kia sông. Vào một thời kỳ nào đó, sông Hồng đổi dòng, xói mòn bên ấy, bồi đắp phía bên này. Dân làng đang sống bình yên bị sự xói mòn của dòng sông đe doạ. Theo truyền thuyết, thời ấy có một người hàng ngày vượt sông sang cánh bãi này chăn vịt, thả diều. Rồi người chăn vịt ấy đưa dân làng sang đây đắp đập be bờ, đào ao, vượt thổ dựng nhà. Thấy vậy dân trong làng đệ đơn kiện những người mới đến về việc chiếm đất. Khi quan trên về, ông chăn vịt liền dẫn ra bãi đào những cột mốc bằng đá lên để chứng minh đất này là của dân làng ông và ông đã thắng kiện. Thì ra khi thả diều, ông đã dùng dây diều đo đất và bí mật chôn mốc từ trước. Tại làng Thuận Vy còn đền thờ ông tổ có công đưa dân làng đi di dân lập ấp, gọi là ông quan Trương. Không rõ ông quan Trương có phải là người chăn vịt trong truyền thuyết hay không, nhưng việc dời làng sang sông của nhân dân Bách Thuận là có thật.
          Tuy làng xóm hình thành đã lâu nhưng nghề tằm vườn của nhân dân Bách Thuận đến gần đây mới phát triển. Trước cách mạng tháng Tám, vùng này còn nghèo xơ xác, nhà rách, vách xiêu. Vườn tược lúc đó chưa có, xung quanh các nhà còn um tùm những bãi khoai nước đầy muỗi dại và những thùng đấu ngập nước. Cỏ giang và lau sậy tốt ngập đầu, nhung nhúc chuột bọ và chồn cáo. Đường làng là những lối mòn lầy lội không đủ cho hai người đàn bà chửa tránh nhau. Cả làng chỉ có bốn nóc nhà ngói của các nhà phú hào. Nạn đói năm 1945 ở xã này cũng khủng khiếp như các nơi khác. Ngày nào cũng có vài chục người chết đói ở chợ Thuận Vy. Năm đó cả xã chết đói mất hơn một nghìn người. Tiếp theo nạn đói là cảnh đau thương của những năm giặc Pháp đóng bốt trên đất này.
          Ngày nay, đứng trước cảnh đẹp như một khu du lịch, khó tưởng tượng được rằng mảnh đất này đã từng tiêu điều tan tác trong những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt như thế nào. Những năm tháng đó đã lùi vào dĩ vãng, nhưng kỷ niệm và dấu tích lịch sử của nó còn khắc sâu trong lòng mỗi người dân nơi đây. Một buổi tôi cùng mấy cán bộ hợp tác xã ngồi uống trà vui, tình cờ tôi được nghe một câu chuyện lý thú và khó quên. Người kể là một thanh niên Thuận Vy đang công tác ở một cơ quan của tỉnh, hôm đó chủ nhật về thăm nhà. Nhân lúc mọi người nhắc đến thời kỳ chống Pháp, anh liền kể câu chuyện sau đây cho chúng tôi nghe
          Sau ngày giải phóng miền Nam, anh đi theo một đoàn cán bộ vào nghiên cứu vùng kinh tế mới Tây Nguyên. Tối hôm ấy đoàn dừng nghỉ ở thị xã Buôn Ma Thuật. Anh rủ mấy người bạn đi tìm một địa chỉ mà anh đã dò hỏi từ trước. Mấy người vào một tiệm ăn. Chủ tiệm là một lão già hoạt bát, vừa vồn vã mời khách, vừa nhìn nhanh từng người. Anh thanh niên nhìn chăm chắm vào chủ tiệm hồi lâu rồi đột ngột hỏi:
          - Ông Việt, ông có nhận ra tôi không?
          Lão chủ tiệm giật mình sửng sốt, nhưng lại trấn tĩnh được ngay, lịch sự đáp:
          - Xin lỗi chú, có lẽ chú nhầm tôi với ai chăng?
          Anh thanh niên rút khẩu súng ngắn đặt lên bàn và quát:
          - Tôi nhầm sao được, ông chính là cai Việt người xã Bách Thuận di cư vào đây năm 54.
          Lão chủ tiệm mặt như chàm đổ, mồ hôi đầm đìa. Lão nói khàn khàn:
          - Thưa ông tôi tên là Bắc, tôi không biết ông Việt nào cả, tôi làm ăn lương thiện...
          Anh thanh niên tiến đến gần lão chủ tiệm lúc này đã tái nhợt như xác chết. Anh thong thả nói dằn giọng như đọc một bản án;
          - Ông không đội lốt nào lừa được những người còn nợ máu với ông đâu. Ông đã giết bao nhiêu du kích xã Bách Thuận? Ông chính là cai Việt đồn trưởng đồn Tân Đệ, thằng ác ôn đã giết bố tôi, tra tấn mẹ tôi ở bốt Tân Đệ, đá một thằng bé sáu tuổi lộn xuống ao hồi năm 1951. Thằng bé ấy giờ đang đứng trước ông đây! Tôi đến gặp ông để đòi nợ chứ không phải để ăn nhậu cai Việt ạ!
          Một cơn co giật làm bộ mặt cai Việt biến dạng đi. Lão đổ xuống chiếc ghế mền nhũn ra. Đôi mắt dại đi của lão như bị thôi miên không rời được khẩu súng ngắn lăm lăm trong tay người thanh niên. Lão thều thào:
          - Ông sẽ bắn tôi?
          Nhưng anh thanh niên không bắn, sau một vài phút im lặng căng thẳng anh bình tĩnh nói:
          - Thôi được, cách mạng đã rộng lượng cho ông sống thì tôi cũng tha chết cho ông. Vả lại bây giờ những loại người như ông sống cũng như chết rồi.
          Anh thanh niên tra súng vào vỏ rồi cùng mấy người bạn rời quán.
          Câu chuyện của người thanh niên gợi nhớ lại thời kỳ kháng chiến chống Pháp khốc liệt của xã Bách Thuận cách đây ngót ba mươi năm. Theo những hồi ước, những kỷ niệm của các đồng chí ở đây cho biết, tôi đi tìm gặp những người đã tham gia du kích thời ấy, lần giở lại những trang sử của vùng quê giờ đây đã trở nên giầu đẹp nhất tỉnh Thái Bình này.
          Vào cuối năm 1949 giặc Pháp chiếm đóng Nam Định chuẩn bị tấn công sang Thái Bình. Từ Nam Định sang Thái Bình đi đường thuỷ phải qua ngã ba Thuận Vy, đường bộ phải qua phà Tân Đệ. Xã Bách Thuận về địa thế trở thành cửa ngõ của tỉnh lúa mà quân viễn chinh Pháp đang muốn bình định. Vì vậy, Bách Thuận phải hứng chịu những  hành động khiêu khích ngày càng căng thẳng của quân giặc. Chúng pháo kích từ Nam Định sang, từ tầu chiến chạy trên sông Hồng vào. Ngày nào tầu giặc cũng lượn xung quanh xã gọi loa vào dụ dỗ, doạ nạt. Trong xã có nhiều người hoang mang, thu dọn nhà cửa, bán đồ đạc chuẩn bị chạy loạn. Bọn hào lý và bọn phản động địa phương trở lên hống hách ngang ngược. Thời kỳ đó Bách Thuận đã có một số người đi lính cho Pháp trước cách mạng tháng Tám. Một số trong bọn họ được đóng lon cai, lon đội. Đời sống đang bình yên bỗng trở lên căng thẳng, phức tạp. Đêm đêm bọn nguỵ quân cũ tụ tập ở nhà bọn hào lý cờ bạc, rượu chè đến sáng.
          Ngày 14/3/1949, hai tiểu đoàn lính Âu Phi của quân đội viễn chinh Pháp bất ngờ vượt sông sang càn quét, đốt phá Bách Thuận. Du kích xã vì thiếu vũ khí không cản được lực lượng đông gấp bội của giặc. Chúng đốt phá nhà cửa, giết người rồi rút lui về bên kia sông.
          Sau trận càn vừa để thăm dò, vừa uy hiếp của quân giặc, không khí trong xã càng nặng nề. Những vành khăn tang của những gia đình có người bị giết gieo vào những người khác tình cảm bi thương, lo lắng. Trước tình hình ấy, đảng bộ Bách Thuận cấp tốc xin chỉ thị của huyện uỷ để xác định phương hướng hành động. Đảng bộ Bách Thuận lúc đó đã có trên một trăm đảng viên, tổ chức họp đại hội. Tình thế đã rõ ràng giặc sắp đánh sang, quê hương sẽ bị giặc chiếm đóng. Nhiệm vụ của đảng uỷ là phải bám đất, đánh giặc, giữ yên lòng dân để nhân dân thấy rằng dù trong đen tối vẫn có Đảng ở bên cạnh, theo Đảng đến cùng, chờ ngày giải phóng. Đội du kích của xã được thành lập để chuẩn bị chiến đấu, trấn áp bọn phản động, giữ yên cho nhân dân. Bọn giặc cậy thế mạnh, hàng ngày ngang nhiên cho tầu chiến và ca nô chạy lập lờ trên sông gọi bọn phản động ra làm tay sai cho chúng. Anh em du kích theo dõi phát hiện được tên Quắc con một kỳ hào cũ trong xã lén lút lên tầu chiến họp bàn với tên sỹ quan Pháp. Đêm hôm đó, du kích bắt tên Quắc. Hôm sau hắn bị uỷ ban kháng chiến đưa ra sử bắn trước dân làng về tội phản quốc. Sau việc đó, bọn phản động rất lo sợ. Không khí kháng chiến sôi sục ngày đêm. Nhân dân góp sắt thép đi mời thợ rèn về rèn dao găm, kiếm và mã tấu cho du kích.
          Một đêm cuối tháng 2/1950 quân viễn chinh Pháp kéo sang Thái Bình bằng đường bộ và đường thuỷ. Cánh quân bộ của chúng qua phà Tân Đệ tiến thẳng theo đường 10 vào thị xã Thái Bình. Cánh quân thuỷ tiến theo sông Hồng xuống các huyện ven biển. Cả hai đạo quân giặc đi qua Bách Thuận không tạt vào, không nổ một phát súng. Ba ngày sau đó chúng mới kéo về đóng bốt Tân Đệ. Bọn giặc biết rõ địa thế quan trọng của Bách Thuận, nên chúng cắm thêm một số bốt nữa ở thôn Tăng Bổng, Xã Bách Thuận bị kẹp giữa hai gọng kìm của bốt giặc, vừa đặt chân lên xã này bọn giặc đã dùng lưỡi lê báng súng bắt thanh niên địa phương đi lính cho chúng. Mặt khác, chúng tuyển chọn một bọn chỉ điểm chó săn, giăng bẫy bắt các đảng viên và du kích. Mục tiêu số một của chúng là tiêu diệt cơ sở đảng và lập tề.
          Mặc dù quản lý gắt gao dưới mạng lưới đồn bốt và bọn chỉ điểm dày đặc, nhưng suốt nửa năm bọn giặc vẫn không lập được tề. Ban ngày làng xóm im ắng, chỉ có những người dân lặng lẽ làm ăn, nhưng ban đêm du kích lại xuất hiện quấy rối bốt giặc và phá tề. Những tên bảo an không dám ngủ đêm ở nhà với vợ con, chiều chiều phải ôm chăn gối vào bốt nhờ bọn lính che chở. Để trấn áp những tên tay sai mẫn cán muốn theo giặc lập tề, một đêm du kích đột nhập vào bốt Tân Đệ bắt sống năm tên bảo an khi chúng đang đánh tổ tôm và dong đi trước mũi bọn lính gác. Đó là một đòn khủng khiếp đánh vào bọn chó săn đang theo giặc dựng bốt, lập tề, khiến chúng không dám hoành hành ngang dọc nữa. Cứ thế du kích Bách Thuận tồn tại và hoạt động trong sự che chở của nhân dân. Đội tuyên truyền lưu động được thành lập cấp tốc đêm đêm tổ chức phát thanh tin tức, kêu gọi binh lính địch trở về với nhân dân.
          Bọn chỉ huy quân đội Pháp dùng mọi thủ đoạn sa đoạ mua chuộc những tên tay sai đắc lực cho chúng. Những tên phản động người trong làng, trong xã đi theo giặc, nhiều tên đã thành ác ôn khét tiếng. Tiêu biểu của bọn ác ôn ấy là cai Việt, tên đồn trưởng nguỵ binh đồn Tân Đệ. Hắn vốn là người làng Thuận Vy, quen sống lầm lỳ, cô độc, không thân mật với bất cứ ai. Hắn có vợ nhưng không con. Từ khi được làm đồn trưởng hắn ở lỳ trên bốt. Vì quá tàn ác nên hắn sợ và nghi ngờ tất cả mọi người. Hắn không dùng lính bảo vệ mà luôn giữ hai thằng cháu tin cẩn bên mình, khi càn quét cũng như khi ăn, khi ngủ. Việc giết người, tra tấn người của hắn thành thói quen. Một lần cai Việt dẫn một tốp lính vào làng, đang đi hắn xuỵt bọn  lính đứng lại và giương súng lên ngắm. Bon lính chưa hiểu ra sao thì súng đã nổ. Một người con gái đang hái ngâu lặng lẽ rơi từ trên cây xuống như một con chim bị đạn. Đó là chi Tình đảng viên, cán bộ địch vận của đảng uỷ bí mật Bách Thuận. Cai Việt không biết chị Tình làm cán bộ, hắn giết chị vì muốn giết người, thế thôi. Vì là người làng, hắn biết rõ mọi đường ngang lối tắt, nên hắn càng nguy hiểm. Hắn thường cho lính phục kích bí mật đánh úp các chiến sỹ du kích. Một lần do sơ hở, anh Gia thôn đội trưởng du kích và hai chiến sỹ nữa sa vào ổ phục kích của cai Việt. Bắt được ba người, cai Việt bắn chết tại chỗ và cắt đầu anh Gia xách về bốt. Hắn đã cắt đầu hơn hai mươi người.
          Trước sự tàn ác của bọn ác ôn, nhân dân trong xã và đội du kích căm thù sôi sục. Một số người trước đây hoang mang lo sợ, giờ đây vì căm thù mà mạnh dạn lên, ngấm ngầm ủng hộ lực lượng du kích bí mật. Đội du kích tổ chức thành từng nhóm hoạt động ở các khu vực khác nhau, quấy rối các bốt giặc, trấn áp bọn ác ôn. Nhiều tên tề gian và chỉ điểm đã bị anh em du kích bắt và trừng trị. Cai Việt biết rằng hắn luôn bị theo dõi từng bước nên ít khi ra khỏi bốt. Các cán bộ địch vận của đảng uỷ đã gây được một số nhân mối trong hàng ngũ địch. Đó là những người thuộc thành phần cơ bản bị bọn giặc bắt vào lính. Qua các nhân mối, đội du kích đã mấy lần đột nhập vào bốt ban đêm cướp súng giặc, bắn bọn tề gian. Riêng cai Việt, mặc dù anh em du kích được sự giúp đỡ của nhân dân, đã đêm ngày cải trang theo dõi nhưng chưa diệt được. Một lần cai Việt về làng ăn giỗ, vì hắn đinh ninh rằng du kích không dám hoạt động ban ngày. Được tin ấy, anh em du kích đội hầm bí mật lên, cải trang làm khách trong họ đến ăn giỗ để bắt hắn. Khi thấy mấy người lạ vào sân, cai Việt theo thói quen của một con cáo gian ngoan liền đổi chỗ ngồi. Mấy du kích vào trong nhà, rút súng lục ra hô: “tất cả ngồi im”. Ba gian nhà chật người nhốn nháo hỗn loạn. Cai Việt lợi dụng lúc hỗn loạn ấy, đạp cửa sau chạy ra vườn um tùm cây cối, lau sậy. Anh em du kích đuổi theo, bắn xối xả, nhưng hắn đã trốn thoát. Nhiều người tức phát khóc vì không tiêu diệt được tên phản bội nợ máu chồng chất với nhân dân. Từ sau lần ấy, tiếng tăm du kích làm cho bọn giặc trong các bốt khiếp sợ, nhưng nhân dân lại rất tự hào. Tuy nhiên sau hơn một năm bọn giặc chà xát, đội du kích hơn một trăm người đã tổn thất còn lại chưa được năm chục người.. Có người đã hy sinh , một số dao động mà bỏ hoạt động, hay ra đầu thú, có người trốn ra vùng tự do. Các chiến sỹ còn trụ lại đều là những đảng viên trung kiên, quyết sống chết với quân giặc, giữ vững lòng tin cho nhân dân.
          Từ giữa năm 1951, bọn giặc khủng bố hết sức khốc liệt. Đêm đêm lính gác bí  mật vây kín nhà các đội viên du kích. Chúng bắt vợ và bố mẹ đảng viên du kích lên bốt tra khảo dã man, bắt khai nơi trú ẩn của họ. Một số người không chịu được sự khủng bố đó đã lên bốt đầu thú, ngày ngày đi trình diện, tối tối vào bốt ngủ tập trung. Tổ chức Đảng và đội du kích lại mất thêm người. Bọn giặc tổ chức càn quét, chà xát từng góc sân, mảnh vườn để tìm hầm bí mật của tổ chức kháng chiến. Trước tình căng thẳng có nguy cơ vỡ cơ sở, các đồng chí lãnh đạo bí mật lên xin chỉ thị của huyện uỷ kháng chiến. Được huyện chấp nhận, đội du kích tổ chức rút ra ngoài để củng cố lực lượng. Một đêm cuối năm rét như cắt, ba mươi sáu đội viên còn lại của Bách Thuận luồn qua các ngõ xóm ra bờ sông Hồng. Lợi dụng trời tối, từng đội du kích bơi qua sông sang phía Nam Định. Họ từ đó men theo bờ nước đi xuống hạ lưu, rồi lại bơi sang sông trú nhờ ở trại Lựa. Thế là đường dây liên lạc với dân bị cắt đứt, không có tiếp tế nữa. Hàng ngày anh em du kích đi làm thuê cho nhân dân địa phương để lấy cơm ăn. Đêm đêm lại kéo nhau ra cái gò giữa dòng bàn bạc. Không thể ngồi yên ở cái nơi an toàn mà nhìn vợ con, nhân dân xã mình ngày đêm bị giày xéo mà bọn phản động theo giặc thì nhởn nhơ, tự do hoành hành. Mọi người đều thấy phải đánh giặc theo chiến thuật mới. Ban ngày đi làm thuê lấy cơm ăn, ban đêm anh em du kích vượt sông sang phía Nam Định, men theo bờ sông đến bến đò Thuận Vy, lại vượt sông Hồng về xã. Nhân dân đang ngủ nghe thấy tiếng súng quây bốt của du kích, giật mình tỉnh giấc. Bà con tụ tập vài ba người trong những ngôi nhà không đèn để chờ đợi...Du kích về hoạt động gần sáng lại bơi sông đi. Vợ con các đảng viên và đội viên du kích trở thành liên lạc. Đêm đêm họ đợi du kích về, trong bóng tối, vài phút ngắn ngủi gặp nhau họ cung cấp cho đội du kích tin tức về các bốt giặc, về bọn bảo an và bọn phản động. Do đó, đội du kích vẫn nắm vững hoạt động của bọn giặc và chủ động quấy rối chúng. Đến gần sáng, du kích lại vượt sông, đi bộ hơn chục cây số về trại Lựu. Thời kỳ này, những cán bộ và du kích luôn luôn bị đói. Những ngày mưa rét không đi làm thuê được thì không có cơm ăn. Nhân dân địa phương cũng nghèo, quyên góp cho đội du kích từng củ khoai, hạt gạo. Nhiều ngày chỉ ăn khoai luộc, nhưng đêm đêm tất cả những người còn lại của đội du kích vẫn vượt sông đi về quấy rối bốt giặc, không để cho chúng yên và không lập được tề.
          Trước sự hoạt động dai dẳng của đội du kích, cai Việt cho bắt tất cả những người có chồng đi hoạt động hoặc đi vắng nhà. Hơn tám mươi gia đình có người bị bắt. Bọn giặc yết bảng ở chợ và đầu làng báo rằng ai nộp được một đầu du kích được thưởng một món tiền lớn. Ban chỉ huy du kích liền tổ chức một cuộc phản công. Một đêm du kích đột nhập về làng, vũ trang bằng súng giả và súng thật, ập vào nhà những tên kỳ hào và ác ôn, gọi người nhà chúng dậy và báo rằng nếu bọn giặc không thả những người bị bắt thì gia đình chúng sẽ không được yên. Thế là hôm sau vợ con bọn lính kéo nhau lên bốt đấu tranh với cai Việt và bọn chỉ huy. Trong thâm tâm, bọn ác ôn và bọn kỳ hào cũng sợ du kích nên chúng đành thả những người bị bắt về làng.
          Đội du kích phải bật đất đến năm 1952. Khi quân ta thắng lớn trên các chiến trường, thực dân Pháp không còn đủ lực lượng viễn chinh để kiểm soát vùng đồng bằng nữa. Bọn nguỵ quân và bọn ác ôn lo sợ co cụm lại trong bốt. Du kích kết hợp với bộ đội huyện tiêu diệt bốt Tăng Bồng. Sau đó đội du kích lại trở về làng. Tân Đệ là đầu mối giao thông quan trọng, nên giặc đổ quân về chốt giữ đến cùng. Nhưng thế giặc đã yếu nên tinh thần chiến đấu của du kích và nhân dân càng trở lên mạnh mẽ và quyết liệt. Một hôm anh em du kích bắt được một tên chỉ điểm trá hình làm nghề cắt tóc. Hắn buộc phải khai rằng bọn giặc sắp mở một trận càn để trấn an tinh thần binh lính. Quả nhiên buổi chiều hôm ấy một trung đội địch kéo vào làng. Đội du kích lúc đó chỉ có bảy người ở nhà với một khẩu súng trường, một khẩu súng ngắn. Anh em du kích bố trí đánh giặc bằng nghi binh và tấn công bất ngờ. Vừa nghe súng nổ và tiếng hô xung phong bọn giặc đã tháo chạy toán loạn. Du kích bắt sống được một tên đội và thu một súng. Từ hôm đó, chúng không dám ra khỏi bốt nữa và nhân dân làm chủ xóm làng.
          Từ cuối năm 1953, bốt Tân Đệ bị du kích bao vây đêm ngày. Tình hình chiến sự đã thay đổi, ngày chiến thắng đã đến gần. Khi sắp có lệnh đình chiến, ban xã đội viết một bức thư cho cai Việt, nhờ vợ hắn chuyển vào bốt cho hắn. Bức thư đó viết: “Anh Việt, hãy buông súng đầu hàng, trở về với gia đình. Cách mạng sẽ khoan hồng cho anh...” cai Việt viết bức thư trả lời bảo vợ đưa cho du kích: “Các ông và cách mạng khoan hồng, nhưng sợ dân làng không khoan hồng cho tôi. Xin chào các ông...”. Hắn đã hiểu mức độ tội ác của hắn.
          Một đêm trước ngày đình chiến, cai Việt cải trang bỏ trốn khỏi bốt, sau đó theo bọn giặc di cư vào Nam. Hắn không biết được rằng, một ngày kia miền Nam sẽ giải phóng, sẽ thuộc về cách mang. Hắn đã mai danh ẩn tích để trốn khỏi quá khứ đẫm máu, ngờ đâu đến cuối đời, hắn còn gặp người làng biết hết những tội ác của hắn. Nếu hắn biết được quê hắn giờ đây đã tươi vui, đầm ấm, con người sống giữa yêu thương, hắn sẽ cảm thấy hết sự bất hạnh của một kẻ phản trắc bị nhân dân ruồng bỏ, một con quái vật, lương tâm luôn luôn bị dằn vặt vĩnh viễn phải lẩn trốn quê hương, một quê hương mà bao người từ phương xa thường mong ước được đến thăm.

          Sẩm tối một ngày tháng giêng năm 1975, một anh bộ đội đeo ba lô đứng hồi lâu bên dốc đê lối rẽ vào làng Thuận Vy. Anh dò dẫm xuống khu ruộng chân đê, đưa tay lật từng nếp lá, và trong đêm tối anh nhận ra đó là cây dâu. Mười năm trước, khi anh lên đường nhập ngũ, khu đất này còn cái bối vỡ đê, xung quanh là cánh bãi lầy thụt. Vậy mà trong thời gian anh đi đánh giặc, phù sa sông Hồng và bàn tay con người quê anh đã biến vùng đất sâu quanh năm ngập nước này thành nương dâu. Anh không nhận ra lối về, đành vào một nhà sáng đèn hỏi thăm. Một người làng xách đèn dẫn anh đi qua những bờ vùng giữa các ruộng dâu, khi đứng giữa sân nhà mình, anh mới nhận ra phương hướng.
          Người thanh niên đó sinh ra một năm sau cách mạng tháng Tám. Những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ anh còn là một đứa trẻ, con một du kích Bách Thuận. Anh trưởng thành cùng với sự trù phú dần lên của làng xóm. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh được cấp trên cho nghỉ mất sức. Hai năm sau trở về anh thiếu uý đặc công ấy được đảng bộ và nhân dân Bách Thuận tín nhiệm giao cho làm chủ tịch xã. Đó là đồng chí Phạm Văn Thưởng chủ tịch trẻ tuổi của xã Bách Thuận hiện nay. Bách Thuận có một đội ngũ cán bộ vững mạnh. Hầu hết cán bộ chủ chốt của xã trưởng thành từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là lớp người kế cận sau những cán bộ kháng chiến. Bách Thuận là một trong những xã được tỉnh công nhận là nơi có chính quyền mạnh, và có lẽ cũng là một trong những xã được nhiều Huân chương nhất so với các địa phương trong tỉnh Thái Bình. Riêng thành tích của hai cuộc kháng chiến, xã đã được bốn huân chương, hai huân chương hạng hai và hạng ba. Từ khi xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xã lại được hai huân chương Lao động hạng ba và một huân chương về tín dụng. Huân chương về tín dụng là một thành tích độc đáo của vùng quê giầu đẹp này, mỗi năm dân ở đây gửi vào tiết kiệm tám trăm hai mươi ngàn đồng. Năm 1962, Bách Thuận lại được huân chương lao động hạng hai về thành tích dâu tằm. Sản lượng kén của Bách Thuận cao nhất miền Bắc, 105 tấn.
          Các cán bộ của Bách Thuận dành một buổi chiều dẫn chúng tôi đi xem làng xóm của xã. Chúng tôi vào nhiều gia đình có hoàn cảnh, lai lịch khác nhau, nhưng hầu hết đời sống đều ổn định. Những gia đình đó trước kia rất nghèo khổ, nhiều nhà có người chết đói ở chợ Thuận Vy hồi năm 1945. Bây giờ trong nhà họ có sập gụ, tủ chè, tràng kỷ gỗ gụ, những đồ cổ mua từ Nam Định, Ninh Bình chở về. Dân Thuận Vy thích chơi cây cảnh, đồ cổ, trồng hoa trước nhà. Kinh tế của tập thể và gia đình ở đây đều dồi dào. Thu nhập của Hợp tác xã vừa qua tính ra giá trị là 12 triệu đồng. Sản lượng kén trung bình hàng năm của Bách Thuận là 105 tấn, nhiều gấp hai cả huyện Thái Thuỵ và là xã có sản lượng kén cao nhất tỉnh. Sang năm 1983 này, kế hoạch sản xuất có mở rộng một số ngành nghề, dự tính giá trị sẽ tăng lên 15 triệu đồng. Vì thu nhập như vậy, hợp tác xã đã xây được bể bơi hiện đại, trường học hai tầng, nhà trẻ, trạm y tế rất khang trang. Khu trung tâm xã đã mang dáng dấp một khu thị trấn nhỏ.
          Cán bộ của Bách Thuận không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế, mà còn quan tâm đến việc giữ gìn và củng cố vẻ đẹp tự nhiên của làng xóm. Chúng tôi đi trong những ngõ xóm rợp bóng cây ngâu, cây táo, vừa đi các anh vừa đọc bài thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương: "Tôi lẫn vào cây, cây dẫn tôi/ vườn Thuận Vy xanh khắp bãi bồi/ cây ngâu dẫn lối bằng hương dịu/ cây táo đưa đường, hoa táo rơi...". Những câu thơ ấy, qua giọng đọc say mê của người cán bộ vốn yêu văn học ở giữa chốn thiên nhiên của Bách Thuận này, nghe thật tha thiết và cảm động. Anh Huấn là một cán bộ lâu năm của Bách Thuận, thuộc rất nhiều thơ, đã sưu tầm các bài thơ viết về Thuận Vy in trên các báo và đóng lại thành một tập. Công trình sưu tầm giầu tình yêu quê hương của anh đã trở thành tiền đề cho việc xuất bản tập thơ về Bách Thuận. Tôi nghe đọc thơ, nhìn phong cảnh của Thuận Vy, chợt nhận ra ở đây có rất nhiều loại chim đang hót. Khi tôi nói nhận xét đó, các anh nói rằng:
          - Ở đây chúng tôi cấm bắn chim đã lâu. Bảo vệ chim để chúng bắt sâu một phần, nhưng chính là để cho cảnh thêm đẹp. Nghề làm vườn mà nhiều chim cũng rất hại, nhất là chim gáy. Vãi đỗ rồi, không coi được nó nhặt sạch. Nhưng chim gáy hót thật tuyệt vời.
          Qủa thật, giống chim cu gáy lâu nay ngày càng hiếm, vì sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại súng bắn chim. Nhưng về đây tôi lại được nghe tiếng gù say mê của chim gáy lúc gần lúc xa qua các vòm lá. Các anh còn nói rằng ở mấy nhà ven sông Hồng đang hình thành trại cò. Cò về làm tổ, đẻ con ngày thêm đông đúc và xã không cho ai bắt và bắn cò.
         
Bách Thuận như một cô gái đẹp biết tôn trọng và giữ gìn nhan sắc của mình, vì thế mà càng thêm đẹp, thêm duyên. Đêm mùa xuân nằm dưới một mái nhà Thuận Vy nghe mưa rơi mơ hồ tôi đã nghĩ như vậy. Căn nhà rộng có tủ chè, sập gụ, đồng hồ Ôđô và nhiều của cải. Ban đêm vẫn mở rộng cửa bức bàn, bông mành. Hôm đầu ngủ ở đây, tôi định đóng cửa nhưng anh chị chủ nhà nói là không cần đóng, vì không có trộm cắp. Tổ chức an ninh ở đây rất chặt chẽ. Một đơn vị gồm các đồng chí bộ đội phục viên luôn luôn tuần tra bảo vệ tài sản của tập thể và của nhân dân. Một số tên lưu manh có tiếng của Hải Phòng và Nam Định đã từng tung hoành ở nhiều nơi, nhưng về đến đây là bị bắt. Nơi đây thật là đất lành, quả ngọt và bình yên. Nhưng để có được điều đó, đã phải qua bao gian khổ hy sinh của nhiều thế hệ dựng xây và bảo vệ


                                                                                                          Tháng 3/1983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét